1. Xe của Thượng Phụ Kirill, người ủng hộ nhiệt thành Putin, gặp nạn ở Mạc Tư Khoa
Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Pro-Putin Church Leader's Car Reportedly Crashes in Moscow”, nghĩa là “Xe của nhà lãnh đạo Giáo hội ủng hộ Putin gặp nạn ở Mạc Tư Khoa”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.
Theo một số kênh Telegram của Nga, một chiếc xe hơi được cho là của người đứng đầu Giáo hội Chính thống Nga, Thượng phụ Kirill, đã gặp tai nạn ở trung tâm Mạc Tư Khoa vào sáng thứ Hai.
Kênh Baza, có liên kết với các dịch vụ an ninh của Nga, đưa tin rằng chiếc Aurus của Kirill đã va chạm với một chiếc Volvo vào khoảng 6:30 sáng theo giờ Mạc Tư Khoa. Vụ việc xảy ra ở ngã tư Prospekt Mira và Botanichesky Lane, khiến một người bị thương nhưng người này không chịu đến bệnh viện.
Kirill, 76 tuổi, đã biện minh cho quyết định xâm chiếm Ukraine của Tổng thống Nga Vladimir Putin vào tháng 2 năm 2022 trên cơ sở tinh thần và ý thức hệ.
Cũng như Putin, Thượng Phụ Kirill thường cố gắng bao quanh bằng những hào quang nhằm chứng tỏ mình thuộc hàng siêu nhân, tách biệt với những người khác. Chính vì thế, ngay sau khi tai nạn xảy ra, một nguồn tin không được nêu tên từ Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa nói với hãng thông tấn nhà nước Nga Interfax rằng: “Những báo cáo này là không đúng sự thật. Hiện tại, chiếc xe Aurus chở Thượng phụ Kirill đang lái đến Nhà thờ Chúa Cứu thế”.
Nhà thờ Chúa Cứu thế là một nhà thờ Chính thống Nga ở Mạc Tư Khoa, nằm gần điện Cẩm Linh.
Kênh Telegram 112 cũng đưa tin về tai nạn liên quan đến chiếc xe Aurus thuộc về người đứng đầu Giáo hội Chính thống Nga.
Một kênh khác, SHOT, đã đăng một đoạn video về hiện trường vụ tai nạn, trong đó cho thấy một chiếc xe hơi bị hư hỏng nặng được che bằng một tấm vải đen khi một sĩ quan cảnh sát đi ngang qua.
Hãng thông tấn nhà nước Nga RIA Novosti đưa tin một chiếc xe hơi Aurus đã gặp tai nạn ở trung tâm thủ đô Mạc Tư Khoa và cảnh sát vẫn chưa đưa ra bình luận nào về vụ việc.
Phát ngôn nhân không nói rõ liệu có nạn nhân hay không và cảnh sát vẫn chưa bình luận về vụ việc.
Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga qua email để xin bình luận.
Thượng Phụ Kirill, kể từ khi bắt đầu chiến tranh, đã biện minh cho cuộc xung đột ở Ukraine bằng cách đưa ra những bài phát biểu về Nga như một “cường quốc yêu chuộng hòa bình” không tham gia vào “những cuộc phiêu lưu quân sự”.
Ba ngày sau cuộc chiến, vào ngày 27 tháng 2 năm 2022, ông nói trong một bài giảng rằng Ukraine và Belarus là một phần của “vùng đất của Nga” và những người Ukraine bảo vệ đất nước của họ là những “thế lực xấu xa”.
Vào tháng 6 năm 2022, ông cho biết Nga đang bị “tấn công” trên toàn thế giới vì cảm giác ghen tị, đố kỵ và phẫn nộ. Kirill nói thêm rằng ông tin rằng điều này xảy ra vì Nga “khác biệt” với các nước khác.
Và tháng 9 năm ngoái, sau khi tổng thống Nga tuyên bố động viên một phần, Kirill đã kêu gọi công dân Nga đừng sợ chết, khi hàng nghìn người bắt đầu chạy khỏi đất nước để tránh bị gọi đi chiến đấu ở Ukraine.
2. Thượng phụ thuốc lá – Gương mù thê thảm của Chính Thống Giáo Nga
Hôm 24 tháng 4, Bộ trưởng Ngoại giao Lithuania Gabrielius Landsbergis đã công khai kêu gọi các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Âu Châu dành cho các nhà tài phiệt Nga cũng phải được áp đặt lên Thượng Phụ Kirill. Chính Thống Giáo Nga phê bình đề xuất của Vilnius là “vô nghĩa”.
Trước diễn biến này, Maria Antonietta Calabrò, ký giả tờ HuffPost của Ý, có bài nhận định nhan đề “Un oligarca come patriarca. Il lusso di Kirill nel mirino delle sanzioni Ue”, nghĩa là “Tài phiệt làm Thượng Phụ. Sự giàu sang của Krill trong tầm ngắm của lệnh trừng phạt do Liên Hiệp Âu Châu đưa ra”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.
Ông ta quyết liệt phủ nhận sự giàu có của mình. Nhưng tài sản cá nhân của ông ước tính khoảng vài tỷ đô la và có thể đã phát sinh trong quá khứ từ việc buôn bán thuốc lá và rượu bia và từ các khoản miễn thuế mà nhà nước Nga cấp cho Giáo Hội Chính thống giáo.
Kirill không phải là nhà lãnh đạo Kitô Giáo như Đức Thánh Cha Phanxicô. Không phải theo nghĩa là một vị Giáo chủ, như Đức Giáo Hoàng Rôma Bergoglio. Ông ta không phải là nhà tu hành theo nghĩa mà vị thánh nghèo thành Assisi hiểu. Đức Thượng phụ của Mạc Tư Khoa và Toàn Nga, là người vào năm 2012 đã định nghĩa Vladimir Putin là “phép lạ của Chúa”. Ngài Thượng phụ là người đã chúc lành cho hỏa tiễn hạt nhân trong Nhà thờ Chúa Cứu thế, và người đã tuyên bố thánh chiến ở Ukraine. Trên tất cả, ông ta không phải là một nhà tu khổ hạnh, nhưng ông ta là một tài phiệt, với khối tài sản được ước tính là 4 tỷ đô la.
Vì lý do này, các bộ trưởng ngoại giao Liên Hiệp Âu Châu đang nghiên cứu các biện pháp trừng phạt đối với ông ta, cũng như đối với các nhà tài phiệt khác. Vào ngày 24 tháng 4, Bộ trưởng Ngoại giao Lithuania Gabrielius Landsbergis đã công khai kêu gọi các biện pháp hạn chế đối với Thượng Phụ Kirill. Trước một mối nguy hiểm cụ thể như vậy, trên Interfax, Giáo hội Chính thống giáo Nga đã xác định đề xuất của Vilnius về việc yêu cầu các biện pháp trừng phạt đối với Kirill là “vô nghĩa”. Họ nói: “Việc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các nhà lãnh đạo tôn giáo là vô nghĩa, nó trái với lẽ thường”. Tuy nhiên, sự kiện này xác nhận sự tồn tại các tài sản chìm nổi của Thượng Phụ Kirill ở nước ngoài, và chúng có thể bị tấn công. Thượng Phụ Kirill luôn quyết liệt phủ nhận sự giàu có của mình, thế thì phản ứng làm gì?
Chắc chắn sẽ là vô nghĩa nếu trừng phạt vị thánh nghèo của Assisi, nhưng đây chắc chắn không phải là trường hợp, vì theo một báo cáo năm 2006 được Forbes công bố vào năm 2020, người ủng hộ nồng nhiệt cuộc chiến ở Ukraine, có tài sản lên đến 4 tỷ đô la. Ở Nga có một tạp chí nổi tiếng chuyên theo đuổi các phóng sự điều tra về các nhà tài phiệt Nga làm ăn phi pháp. Đó là tờ Novaya Gazeta. Tạp chí do Dmitri Muratov, người đoạt giải Nobel làm chủ biên, trong đó các ký giả bị ám sát chết gần hết, mới nhất là cô Anna Politkovskaja qua đời vào ngày 5 tháng 4 vừa qua. Novaya Gazeta ước tính vào năm 2019 rằng Thượng Phụ Kirill có một khối tài sản từ 4 đến 8 tỷ đô la. Các số liệu không được xác minh và trong mọi trường hợp không thể xác minh được. Tài sản cá nhân đáng kể này là kết quả của việc nhà nước Nga miễn thuế đối với một phần đáng kể thuốc lá và bia được Chính Thống Giáo Nga nhập khẩu từ nước ngoài về bán tại Nga. Khi Forbes France đặt câu hỏi về sự giàu có của ngài, Thượng phụ Kirill trả lời: “Chủ nghĩa khổ hạnh trên hết là hướng vào cuộc đấu tranh với những đam mê. Đam mê là một vấn đề vì nó có thể nhấn chìm chúng ta và biến chúng ta thành nô lệ của nó. Khát khao quyền lực không thể dập tắt, đối với một số thứ vật chất nhất định hay tiền bạc là những ví dụ điển hình cho những đam mê mà nhiều người mắc phải ngày nay”.
Thượng Phụ Kirill quyết liệt phủ nhận mình không dính bén đến của cải, nhưng nhà lãnh đạo tôn giáo bị nghi ngờ sở hữu một khối lượng tài sản cá nhân kếch xù, một số lớn đang ở nước ngoài, bao gồm cả ở Thụy Sĩ và các địa điểm an toàn khác ở hải ngoại. Một số người thậm chí còn nghi ngờ rằng ngài Thượng phụ thậm chí còn là người đứng tên cho những tài sản của Putin, Lavrov và những người khác. Theo một số nguồn tin công khai (tuy nhiên khó xác minh, do tính chất bảo mật cao dành cho khách hàng của các ngân hàng) Kirill cũng có tài khoản ngân hàng ở Ý, Áo và Tây Ban Nha. Chuyên gia nhân quyền Hanna Hopko cho rằng Thượng phụ Kirill “trên thực tế là một trong những chính trị gia cấp cao nhất ở nước Nga của Putin”. Do đó, Hanna Hopko đang yêu cầu các biện pháp trừng phạt chống lại ngài Thượng Phụ trên tờ Repubblica.
Các cuộc điều tra đang được tiến hành trên khắp Âu Châu. Thêm vào đó là các tài sản ở Nga: một biệt thự gần nhà của Putin ở Gelendzhik trên Biển Đen và một siêu đồng hồ mà ông đeo trên tay, chụp trong bộ đồ tắm. Niềm đam mê đồng hồ xa xỉ của Kirill trong quá khứ đã làm nảy sinh những hình ảnh photoshop gây tò mò về Giáo chủ, điều này đã loại bỏ chiếc đồng hồ trên cổ tay ông ta, nhưng điều đó không phản ảnh hoán cải của ông. Hệ thống tài chính của Giáo Hội Chính thống Nga có rất nhiều lợi nhuận, nhờ được miễn thuế đối với các sản phẩm thuốc lá và bia, là cơ sở mang lại rất nhiều của cải. Hoạt động nhập khẩu thuốc lá đã mang lại cho Kirill những danh xưng như “Giáo hoàng của Putin”, hay “Đức Thượng Phụ thuốc lá”, dù Kirill tuyên bố đã tách mình khỏi công việc kinh doanh này