Theo tin Tòa Thánh, nhân buổi yết kiến chung tại Quảng trường Nhà thờ Thánh Phêrô, thứ Tư, ngày 26 tháng 4 năm 2023, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tiếp tục loạt bài giáo lý nói về niềm đam mê rao giảng Tin mừng của ngài, nhấn mạnh tới chứng tá của đời sống đơn tu. Sau đây là nguyên văn bài giáo lý của ngài, dựa vào bản tiếng Pháp do Tòa Thánh công bố:
Anh chị em thân mến, xin chào anh chị em buổi sáng!
Chúng ta tiếp tục các bài giáo lý về các chứng nhân của lòng nhiệt thành tông đồ. Chúng ta bắt đầu với Thánh Phaolô và lần vừa rồi chúng ta xem xét các vị tử đạo, những người loan báo Chúa Giêsu bằng chính cuộc sống của họ, thậm chí hiến mạng sống của họ cho Người và cho Tin Mừng. Nhưng còn có một chứng từ vĩ đại khác xuyên suốt lịch sử đức tin: đó là chứng từ của các nữ đan sĩ và nam đan sĩ, của các anh chị em từ bỏ chính mình, từ bỏ thế gian để noi gương Chúa Giêsu trên con đường khó nghèo, khiết tịnh, vâng lời và chuyển cầu cho mọi người. Cuộc sống của họ tự nói lên tất cả, nhưng chúng ta có thể tự hỏi làm thế nào những người sống trong các đan viện có thể đóng góp vào việc loan báo Tin Mừng? Há họ chẳng sẽ làm tốt hơn khi dồn năng lực của mình vào việc phục vụ việc truyền giáo hay sao? Bằng cách rời khỏi đan viện và rao giảng Tin Mừng bên ngoài đan viện? Trên thực tế, các nam đan sĩ là trái tim đang đập của lời loan báo: lời cầu nguyện của họ là dưỡng khí cho tất cả các chi thể của Nhiệm Thể Chúa Kitô, lời cầu nguyện của họ là sức mạnh vô hình nâng đỡ việc truyền giáo. Không phải ngẫu nhiên mà bổn mạng của các xứ truyền giáo là một nữ đan sĩ, Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu. Hãy cùng nghe bà khám phá ơn gọi của mình như thế nào, bà đã viết như sau: “Tôi hiểu rằng Giáo hội có một trái tim, một trái tim bừng cháy tình yêu. Tôi hiểu rằng chỉ có tình yêu mới thúc đẩy các phần tử của Giáo hội hành động và nếu tình yêu này bị dập tắt, các tông đồ sẽ không còn loan báo Tin Mừng, các vị tử đạo sẽ không còn đổ máu. Tôi hiểu và biết rằng tình yêu bao trùm trong nó mọi ơn gọi [...]. Rồi, với niềm hân hoan vô bờ bến và tâm hồn ngây ngất, tôi kêu lên: Lạy Chúa Giêsu, tình yêu của con, cuối cùng con đã tìm được ơn gọi của mình. Ơn gọi của con là tình yêu. […] Giữa lòng Giáo hội, mẹ con, con sẽ là tình yêu" (Bản thảo tự thuật "B", ngày 8 tháng 9 năm 1896). Những người chiêm niệm, các nam đan sĩ, các nữ đan sĩ: những người cầu nguyện, làm việc, cầu nguyện trong yên lặng cho toàn thể Giáo hội, và đó là tình yêu: đó là tình yêu tự phát biểu trong cầu nguyện cho Giáo hội, bằng cách làm việc cho Giáo hội, trong các đan viện.
Tình yêu dành cho tất cả mọi người này làm sống động đời sống của các đan sĩ và tự diễn dịch thành lời cầu bầu của họ. Về phương diện này, tôi muốn kể cho anh chị em một gương mẫu là Thánh Grêgôriô thành Naréc, Tiến Sĩ Hội Thánh. Ngài là một đan sĩ người Ácmênia, sống vào khoảng năm 1000, và là người đã để lại cho chúng ta một cuốn sách cầu nguyện trong đó phát biểu đức tin của dân tộc Ácmênia, những người đầu tiên đón nhận Kitô giáo, một dân tộc, trong khi trung thành với thập giá Chúa Kitô, đã phải chịu đau khổ rất nhiều trong suốt lịch sử. Và Thánh Grêgôriô đã dành gần như cả cuộc đời của mình trong đan viện Naréc. Chính tại đó, ngài đã học cách nhìn vào sâu thẳm tâm hồn con người và bằng cách kết hợp thi ca và cầu nguyện với nhau, ngài đã đánh dấu đỉnh cao của văn học và tâm linh của Ácmênia. Điều nổi bật nhất về ngài là tính liên đới phổ quát mà ngài là người giải thích. Và giữa các đan sĩ có một tình liên đới phổ quát: mọi thứ xảy ra trên thế giới đều tìm thấy một vị trí trong trái tim của họ và họ cầu nguyện. Trái tim của các đan sĩ nam nữ là một trái tim thu nhận, giống như một chiếc ăngten, những gì đang xảy ra trên thế giới và cầu nguyện và can thiệp cho nó. Nhờ đó họ sống kết hiệp với Chúa và với mọi người. Và Thánh Grêgôriô thành Naréc viết: “Tôi đã tự nguyện gánh lấy mọi lỗi lầm, từ lỗi lầm của người cha đầu tiên cho đến lỗi lầm của những hậu duệ cuối cùng của ngài”. (Sách Ai Ca, 72). Và giống như Chúa Giêsu đã làm, các đan sĩ đón nhận những vấn đề của thế giới, những khó khăn, bệnh tật, rất nhiều thứ, và cầu nguyện cho người khác. Và họ là những nhà truyền giảng Tin Mừng vĩ đại. Làm thế nào có việc các đan viện sống khép kín mà lại truyền giáo? Bởi vì qua lời nói, gương sáng, lời chuyển cầu và công việc hàng ngày, các các nam đan sĩ là nhịp cầu chuyển cầu cho mọi người và cho tội lỗi. Họ cũng khóc hết nước mắt, họ khóc cho tội lỗi của chính họ - tất cả chúng ta đều là người có tội - và họ cũng khóc cho tội lỗi của thế giới, và họ cầu nguyện và chuyển cầu bằng đôi tay và trái tim của họ hướng về thiên đàng. Chúng ta hãy nghĩ một chút về “kho dự trữ” này - nếu tôi có thể nói như vậy - mà chúng ta vốn có trong Giáo hội: họ là sức mạnh thực sự, sức mạnh thực sự làm cho dân Chúa tiến lên, và đó là nguồn gốc của thói quen nói mà người ta - dân Chúa - có khi gặp một người thánh hiến: “Xin cầu cho tôi, xin cầu cho tôi”, vì anh chị em biết có lời cầu nguyện cầu bầu. Điều tốt lành cho chúng ta là đến thăm một đan viện - nếu có thể -, bởi vì người ta cầu nguyện và làm việc ở đó. Mỗi người đều có quy tắc riêng của mình, nhưng đôi tay luôn bận rộn ở đó: bận rộn với công việc, bận rộn với việc cầu nguyện. Xin Chúa ban cho chúng con những đan viện mới, xin Chúa ban cho chúng con các nam đan sĩ và các nữ đan sĩ biết thăng tiến Giáo hội nhờ sự can thiệp của họ. Xin cảm ơn anh chị em.