Theo tin của Văn phòng Tổng thư ký Thượng Hội Đồng, từ ngày 12 đến ngày 19 tháng Tư, một nhóm chuyên viên từ khắp năm châu, từng tham gia trong nhiều tư cách vào diễn trình thượng hội đồng, đã họp nhau tại Văn phòng Tổng thư ký Thượng Hội Đồng để làm việc và biện phân về Giai đoạn Châu lục và bẩy tài liệu sau cùng của các Phiên họp Thượng Hội Đồng Châu lục nhằm mục đích khởi đầu việc suy tư sẽ dẫn tới giai đoạn kế tiếp là soạn thảo Instrumentum Laboris (Tài liệu Làm việc) cho cuộc họp thứ nhất của Phiên họp Toàn thể Thường lệ Lần thứ XVI của Thượng Hội Đồng Giám Mục (Tại Vatican, 4-29 tháng Mười năm 2023).



Sau một khoảnh khắc cầu nguyện và buổi dẫn nhập, công việc bao gồm việc chia sẻ sâu rộng về Giai đoạn Châu lục nói chung và về kinh nghiệm sống trong các phiên họp cấp châu lục. Sau đó, các tài liệu sau cùng Văn phòng Tổng thư ký nhận được, thành quả biện phân cộng đồng của dân Chúa, được phân tích chi tiết nhằm làm nổi bật các căng thẳng và ưu tiên sẽ được Phiên họp Toàn thể tháng Mười nghiên cứu sâu rộng.

Công việc được tiến hành trong phòng khóa kín. Cuối thời gian này, một cuộc họp báo sẽ được tổ chức vào ngày 20 tháng Tư năm 2023.

Nhân dịp này, trang mạng của Văn phòng Tổng thư ký có đăng tải bẩy tài liệu cuối cùng của 7 khu vực Châu lục bằng tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Ý, tiếng Bồ đào nha và tiếng Tây ban nha. Chúng tôi sẽ lần lượt giới thiệu các Tài liệu cuối cùng này:

I.Tài liệu cuối cùng của Phiên họp Lục địa Á Châu về tính đồng nghị

1. Khái quát về Á Châu

Tài liệu sau cùng của Châu Á khởi đầu bằng phần nói tới tính đa dạng về mọi mặt của Châu Á, nơi có nhiều nền văn hóa, tôn giáo, ngôn ngữ và sắc tộc đa dạng, là châu lục lớn nhất thế giới cả về diện tích địa lý và dân số. Nó có diện tích 44.6 triệu Kilômét vuông, chiếm khoảng 30% tổng bề mặt trái đất. Châu Á là nơi sinh sống của khoảng 4.6 tỷ người với hơn 2,300 ngôn ngữ được sử dụng trên khắp châu Á. Nơi đây còn được coi là nơi sản sinh và cái nôi của các các tôn giáo lớn trên thế giới như Ấn Độ giáo, Hồi giáo, Kitô giáo, Phật giáo, đạo Jain, đạo Sikh, đạo Lão, Nho giáo và một số tôn giáo khác. Hồi giáo là tôn giáo nổi bật nhất và được thực hành bởi 1.2 tỷ người, tiếp theo là Ấn Độ giáo với 900 triệu người.

Mặc dù các hệ thống niềm tin, giá trị và biểu tượng thay đổi từ nơi này sang nơi khác, nhưng tính liên kết qua lại của cộng đồng nhân loại đã kéo các dân tộc châu Á xích lại gần nhau. Giá trị tương quan (với Thượng đế, bản thân, những con người khác và vũ trụ) của châu Á mang theo nó tính thống nhất của gia đình nhân loại và tính thống nhất của các dân tộc châu Á.

Châu Á có sự tương phản đáng nghi ngờ vì một mặt có nhiều tỷ phú nhất thế giới, mặt khác, nó có 320 triệu người cực kỳ nghèo khó, sống dưới mức nghèo khổ, theo Báo cáo của Ngân hàng Thế giới. Đại dịch gần đây đã làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng và phân chia kinh tế giữa người có và người không có.

Về chính trị cũng vậy, chúng ta thấy các hệ thống quản trị đa dạng bao gồm chế độ dân chủ nghị viện, các chế độ độc tài quân sự, các nhà cai trị cộng sản, các chế độ quân chủ lập hiến, và các hình thức chính phủ tổng thống.

Bên cạnh những lợi ích mà sự thống nhất và đa dạng mang lại cho châu Á, khu vực này cũng tiềm ẩn nhiều thách thức ảnh hưởng trực tiếp đến Giáo hội và cuộc sống của người dân Châu Á. Một số thách thức là nghèo đói lan rộng khắp châu Á, mối đe dọa sinh thái đã mang lại sự mất cân bằng trong cuộc sống của người dân, những thách thức tham nhũng có hệ thống, làn sóng di cư kinh tế để tìm kiếm cuộc sống tốt hơn, sự bất ổn chính trị gây ra sự gián đoạn nội bộ đối với hòa bình và hòa hợp, v.v.

Tất cả những điều này có tác động trực tiếp đến Giáo hội khi Giáo hội tìm cách vươn tới mọi dân tộc.

Trong khi Kitô giáo vẫn còn là một thiểu số rất nhỏ ở hầu hết các vùng của Châu Á, sự sống động và phong phú của các nền văn hóa cá thể mang lại niềm vui cho đời sống Giáo hội. Lục địa châu Á rộng lớn và bị chia thành bốn khu vực dễ nhận biết, cụ thể là Trung Á, Đông Á, Nam Á và Đông Nam Á.

Được thành lập trên phẩm giá rửa tội chung của chúng ta, hành trình đồng nghị này thực sự là một biểu hiện của Giáo Hội hoàn vũ và Giáo Hội địa phương đồng hành với nhau như một. Những tác động tích cực của việc đem mọi người thuộc mọi tầng lớp xã hội, cả trong và ngoài Giáo hội tham gia vào một diễn trình cầu nguyện với nhau, lắng nghe nhau và nhận ra tiếng nói của Chúa Thánh Thần, mang lại cho họ một kinh nghiệm mới về sức sống và sự năng động cho đời sống của Giáo hội.

Trong số 4 tỷ người sống ở châu Á, Giáo Hội Công Giáo chỉ chiếm 3.31% tổng số dân số, nhưng nó đóng góp to lớn vào các lĩnh vực giáo dục, y tế, phúc lợi xã hội và vươn tay ra với những người nghèo và những người bị thiệt thòi trong xã hội.

Trong một xã hội Châu Á đa nguyên, Giáo Hội Công Giáo tiếp tục loan truyền sứ điệp yêu thương bằng cách lên quyền lực cho những người ở bên lề qua việc giáo dục và tích nhập họ vào dòng chính của xã hội.

Hàng ngàn linh mục, người thánh hiến nam nữ, cùng với các nhà truyền giáo giáo dân và giáo lý viên, đang dấn thân vào việc đào tạo đức tin và phục vụ các nhu cầu thiêng liêng và mục vụ của cộng đồng Công Giáo khắp Á Châu.



2. Diễn trình Thượng Hội Đồng

Tài liệu sau cùng nói đến năm giai đoạn: giai đoạn tiền Thượng Hội Đồng; giai đoạn thứ nhất ở các Giáo Hội địa phương; giai đoạn thứ hai: biện phân và soạn thảo bản đúc kết các báo cáo của các Giáo Hội địa phương; giai đoạn ba: Phiên họp châu lục; giai đoạn bốn: biện phân và soạn thảo tài liệu sau cùng của châu lục; giai đoạn năm: Uỷ Ban trung ương của Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu chấp thuận và thông qua tài liệu sau cùng của châu lục.

Trong phần nói tới Phiên họp châu lục, tài liệu sau cùng cho hay: Mỗi Hội đồng Giám mục Á Châu được yêu cầu cử ba đại biểu và mỗi Thành viên Liên kết có thể cử hai đại biểu đến dự Phiên họp châu lục. Ngày 23 tháng 2, Phiên họp Lục địa châu Á đã chính tức khai mạc tại Trung tâm Huấn luyện Mục vụ Baan Phu Waan ở Bangkok, Thái Lan. Trong những buổi họp sau đó, dự thảo Tài liệu Sau cùng của Á Châu đã được mang ra thảo luận chi tiết.

Bước sang giai đoạn thứ tư: nhóm Biện Phân và Soạn thảo được giao nhiệm vụ hoàn thiện tài liệu cuối cùng. Họ gặp nhau từ 27 – 28 tháng 2 năm 2023 để tổng hợp các sửa đổi theo đề xuất của các đại biểu của Phiên họp Châu Á. Việc biên tập cuối cùng của tài liệu được thực hiện trên tinh thần cộng đồng, tình bạn thân thiết, và sự biện phân trong cầu nguyện. Sau đó, Nhóm đã đệ trình công việc của mình lên Ủy ban Trung ương của Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu để "xác nhận và phê duyệt."

Bước sang Giai đoạn thứ năm: Tài liệu cuối cùng của Phiên họp lục địa châu Á về tính đồng nghị đã được trình lên Ủy ban Trung ương của Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu tại cuộc họp trực tuyến vào ngày 3 tháng 3 năm 2023. Việc này dành riêng cho các Giám mục-Chủ tịch của các Hội đồng Giám mục để 'xác nhận và phê duyệt' Tài liệu Cuối cùng của Phiên họp Lục địa Châu Á, bảo đảm rằng đây là kết quả của một hành trình đồng nghị đích thực, bảo vệ sự hợp nhất của Giáo hội không bao giờ bị suy thoái thành đồng nhất hoặc phân cực.

Sau khi cân nhắc dự thảo tài liệu cuối cùng, Ủy ban Trung ương của Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu, vào ngày 3 tháng 3 2023, 'đã phê duyệt và xác nhận' tài liệu cuối cùng và sau đó được gửi đến Văn phòng Thư ký Thượng Hội đồng như là Tài liệu cuối cùng của Phiên họp Lục địa Châu Á về Thượng Hội đồng.

3. Những tâm tình chung đối với diễn trình

Tài liệu cho rằng đây không phải là một diễn trình dân chủ mà là một khoảnh khắc ân sủng và chữa lành cho Giáo Hội, một Giáo Hội phải biến thành nơi ẩn náu cho mọi người, không loại trừ ai, một Giáo Hội phải hiện diện cả ở những nơi có bạo lực, bất ổn và đau khổ.

Tài liệu nhấn mạnh đến hình ảnh chiếc lều, nó là nơi chào đón mọi người, gặp gỡ nhau nhưng cũng là nơi gặp gỡ Thiên Chúa.

Tuy nhiên, thực tại Châu Á mang nhiều sắc thái khác nhau và “các thách đố về thời gian và ngôn ngữ trở thành một ‘trở ngại’ cho một số quốc gia.” Tuy nhiên, những người tham gia diễn trình này đã đóng góp một cách xây dựng qua tinh thần cầu nguyện và biện phân để làm Giáo Hội trở nên tốt đẹp hơn. Việc tham dự của số lượng người đông đảo vào diễn trình Thượng Hội Đồng đã cho thấy một tình yêu sâu sắc đối với Giáo Hội bất chấp các thiếu sót và yếu điểm của Giáo Hội định chế, đồng thời cho thấy ở chân trời vẫn còn niềm hy vọng và niềm vui để Giáo Hội tiến lên phía trước vì tình yêu Thiên Chúa dành cho Dân Người.

Tài liệu thú nhận: tính đa dạng mênh mông của các quan điểm và kinh nghiệm khắp châu Á khiến việc tổng hợp mọi cơ hội và thách đố đơn nhất do các nước khác nhau nêu lên trở thành khó khăn. Nhưng “nhờ ơn soi dẫn của Chúa Thánh Thần, các đoạn sau đây cung cấp những tầm nhìn thông sáng đối với các âm vang, các căng thẳng, và ưu tiên như đã được các Giáo Hội tại Á Châu phát biểu. Nhóm Biện phân và Soạn thảo cũng đã tự do nhận diện một số khoảng trống (lacuna) mà chúng tôi cảm thấy hoặc vắng bóng hoặc không được bàn đầy đủ trong các bản báo cáo của các Hội Đồng Giám Mục nhưng là các điểm chủ chốt từng được thảo luận tại Phiên Khoáng Đại 50 của Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu”. Tài liệu “hy vọng rằng những tầm nhìn thông sáng này trung thành với tâm trí của các diễn trình liên hệ của các nước châu Á”

4. Các Âm vang ở Á Châu

Khi tham dự diễn trình Thượng Hội Đồng này, Á Châu âm vang với các tâm tình vui buồn, dễ bị tổn thương và bị tổn thương.

Nhưng trước khi đề cập tới các tâm tình trên, Tài liệu cho rằng mặc dù diễn trình được tiếp nhận tốt và làm cho dễ dàng khắp các nước Á Châu, một số báo cáo cho thấy diễn trình tham khảo và lắng nghe đã gây ngã lòng và thất vọng vì thiếu việc giải thích rõ ràng và việc chấp nhận mục tiêu hội họp và lắng nghe. Một số cho rằng việc tham gia diễn trình này có tính chính trị hay ý thức hệ hơn là đồng nghị thực sự theo quan điểm Công Giáo. Một số tín hữu hoài nghi về mục đích và thành quả của diễn trình này. Một số giáo phận sợ rằng tiếng nói của những người sống trong các khung cảnh thiểu số và các cộng đồng Kitô giáotruyền thống không gây được ảnh hưởng bình đẳng đối với diễn trình Thượng Hội Đồng và cả thành quả của nó. Cũng có gợi ý cho rằng lắng nghe là một trách vụ khó khăn vì nhiều người thích được ca ngợi hơn là bị chỉ trích hoặc nhận xét về. Những người dám lên tiếng đôi khi bị coi là chống đối.

a.Cảm nghiệm vui buồn

Nói đến cảm nghiệm vui mừng, tài liệu cho rằng diễn trình Thượng Hội Đồng vừa là một kinh nghiệm tâm linh vừa là một hành trình tâm linh, cởi bỏ con người mình để lắng nghe Thiên Chúa nhằm không ngừng đổi mới bản thân dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Diễn trình cũng giúp ta hiểu rõ bản chất và tình huống thực sự của Giáo Hội. Diễn trình này hân hoan vì là nơi ân sủng, gặp gỡ và biến đổi.

Nhờ diễn trình này, qua Tài liệu Làm việc của Giai đoạn châu lục, “điều ấm lòng là được đọc đi đọc lại về tình yêu sâu sắc dành cho Giáo Hội từ rất nhiều Giáo Hội khắp thế giới. Tình yêu và cam kết này với đức tin vang dội khắp Tài Liệu Làm việc của Giai đoạn Lục địa và chắc chắn phản ảnh cảm thức gần như phổ quát được người Công Giáo khắp thế giới biểu lộ”.

Tuy nhiên, kinh nghiệm đồng hành này phần nào bị phủ mờ bởi những đe dọa từ bên ngoài: tại một số quốc gia Á Châu, nhiều Kitô hữu vẫn đang chịu đựng nhiều đe dọa đối với đức tin của họ. Nhiều Kitô hữu đã hy sinh mạng sống để làm chứng cho đức tin, nhiều người khác liên tục bị kỳ thị vì đức tin của mình.

b. Cảm nghiệm thương tích

Tài liệu nói tới các lạm dụng liên quan tới tài chánh, tài phán, lương tâm, và tình dục, mang lại một hình ảnh tiêu cực cho Giáo Hội, khiến Giáo Hội bị bất khoan dung, ghét bỏ nơi các phương tiện truyền thông xã hội và báo chí, và khiến một số người lìa bỏ Giáo Hội. Ở bình diện quản trị, việc thiếu minh bạch và giải trình đã dẫn tới cuộc khủng hoảng lòng tin cậy vào Giáo Hội.

Tài liệu cũng nói đến việc thiếu bao gồm phụ nữ “trong việc quản trị và các diễn trình ra quyết định”, việc thiếu hiểu biết và thất bại trong việc chăm sóc mục vụ cho một số nhóm người vốn là thành phần của Giáo Hội nhưng thường không cảm nhận mình được chào đó: cha mẹ đơn thân, những người trong các cuộc hôn nhân bất hợp lệ, hỗn hợp, những người LGBTQIA+, cũng như di dân và nhiều người khác.

Tài liệu không quên nhắc đến giới trẻ, người bản địa, những người mà nguyện vọng và tiếng nói thậm chí không được nhấn mạnh đủ trong chính Tài liệu Làm việc của Giai đoạn Lục địa. Tài liệu cũng cho rằng tiếng kêu của người nghèo và trái đất “là những vấn đề chưa được bàn đến một cách thoả đáng mặc dù đây là các quan tâm lớn đối với các dân tộc Á Châu”.

Một số thương tích của Giáo Hội là do sự xâm nhập của các ý thức hệ như chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa tiêu thụ, và chủ nghĩa duy vật do việc phát triển kinh tế mau chóng và việc tự do tiếp cận phương tiện truyền thông xã hội mang lại. Mặt khác, tiếng nói của Giáo Hội bị cấm cách bởi các chế độ áp bức; việc cấm cách này dẫn tới thái độ thụ động chịu đựng cộng hưởng bởi sợ hãi, thậm chí thờ ơ.

Tài liệu cho rằng những vui buồn và vết thương trên là dịp để thăm dò những nẻo đường mới để tiến tới một Giáo Hội đồng nghị qua tinh thần bao gồm, dấn thân đối thoại đại kết, liên tôn như nẻo đường xây dựng hòa bình, hòa giải và hoà hợp, mặc dù ở nhiều nơi, con đường đối thoại chỉ có một chiều từ Giáo Hội, không được đáp ứng từ phía bên kia, bảo vệ các vị thành niên và người trưởng thành dễ bị tổn thương, lắng nghe nhau “để mang lại sự biến đổi ở mọi bình diện của Giáo Hội”, dấn thân vào việc “biến đổi phương thức nhìn vào mình, cá nhân hóa và phân cực hóa thành phương thức truyền giáo, cộng đoàn và tích hợp nhiều hơn”.

5. Các căng thẳng tại Á Châu

Tài liệu thừa nhận một số căng thẳng phổ quát và một số căng thẳng đặc thù của châu Á.

Căng thẳng trong việc sống tính đồng nghị

Tài liệu thừa nhận có một loại chia rẽ bên trong Giáo Hội giữa hàng giáo sĩ và giáo dân, giữa Giám Mục và các linh mục/tu sĩ, giữa các nhóm Giáo Hội và các phong trào, giáo phận, hội đồng và cả với bên ngoài giữa Giáo Hội và các thẩm quyền chính trị, thậm chí giữa các tôn giáo.

Mô thức tôi tớ trong lãnh đạo đang gặp trở ngại khi các linh mục có xu hướng áp đặt, thống trị, độc đoán đối với giáo dân.

Tài liệu nhấn mạnh tới vai trò giáo lý viên: ở Á Châu, họ không những là các thầy dạy đức tin mà còn là các nhà lãnh đạo các cộng đồng. “Trong nhiều thế kỷ, họ chuẩn bị các tín hữu lãnh nhận bí tích và đồng hành với họ trong việc sống đức tin này”.

Tài liệu nhấn mạnh tới việc đồng trách nhiệm của mọi người vào đời sống và sứ mệnh của Giáo Hội.

Căng thẳng trong việc đưa ra quyết định

Nhiều nơi khoán trắng việc đưa ra quyết định cho các linh mục và Giám Mục. Tiếng nói thiểu số và cả của giáo dân thường bị làm ngơ. Thậm chí trong các cơ cấu được giáo luật khuyến cáo như hội đồng mục vụ hay hội đồng tài chánh cũng chỉ có đối thoại và tham khảo giáo dân cách hời hợt.

Trong môi trường Á Châu với truyền thống tôn trọng các nhà lãnh đạo, thường có sự lạm dụng lòng tôn trọng này.

Căng thẳng trong các ơn gọi linh mục

Tài liệu cho rằng các nhân tố “quá chỉ trích hàng giáo sĩ”, các tai tiếng lạm dụng, các thái độ và tác phong không lành mạnh của các linh mục, ảnh hưởng của nền văn hóa thế tục và duy vật, đã làm giảm ơn gọi làm linh mục.

Căng thẳng về phụ nữ và giới trẻ

Tài liệu cho rằng tại nhiều Giáo Hội ở châu Á, sự tham gia của phụ nữ rất đáng kể. Tuy nhiên, thiếu sự hiện diện của họ trong các vai trò lãnh đạo. Nhiều người quy lỗi cho các khác biệt văn hóa và cấu trúc tổ phụ truyền thống nơi các xã hội châu Á.

Về giới trẻ, tài liệu cho hay họ chiếm tới 65% dân số nhưng tương đối lại khiếm diện trong sinh hoạt Giáo Hội, nhất là sinh hoạt lãnh đạo. Ngược lại, nhiều người trẻ cho rằng Giáo Hội mới là người khiếm diện trong cuộc sống của họ.

Tài liệu lưu ý tới kỹ thuật kỹ thuật số là phạm vi người trẻ thành thạo. Giáo Hội nên đầu tư nhiều hơn vào lãnh vực này để rao giảng Tin Mừng cho giới trẻ. Tuy nhiên, điều quan trọng là nên giúp giới trẻ phân biệt được thế giới ảo và thế giới thực.

Căng thẳng về người nghèo

Tài liệu thừa nhận nhiều loại người nghèo ở châu Á: nghèo về vật chất (các nhóm thiểu số sắc tộc, các công nhân di dân, các khu ổ chuột ở thành phố...); nghèo về xã hội (bị Giáo Hội và xã hội làm ngơ: người không được giáo dục, người khuyết tật, thuộc các đẳng cấp thấp, bà mẹ đơn thân, người ly dị và tái hôn...)

Tài liệu khuyến cáo thay đổi giáo luật nhằm cho phép người nghèo được bao gồm vào sinh hoạt bình thường của Giáo Hội.

Tài liệu đích danh nói tới việc “có những lúc, Giáo Hội im lặng trước số phận và tiếng kêu của người Đalít (đẳng cấp thấp nhất của Ấn độ), người bộ lạc, người bản xứ”.

Căng thẳng về tranh chấp tôn giáo

Tài liệu quả quyết rằng càng ngày càng có các tranh chấp tôn giáo, thậm chí bách hại tinh vi và trực tiếp, một phần vì sự gia tăng của nền văn hóa bạo lực, thiếu một nền công lý hữu hiệu, chính trị hóa tôn giáo.

“Các Giáo Hội ở Châu Á luôn phải đi dây giữa việc trung thành với Tin Mừng nhưng không đặt tín hữu vào thế bị đe doạ.”

Căng thẳng do chủ nghĩa giáo sĩ trị

Tài liệu cho rằng giống như ở nhiều nơi khác trên thế giới, chủ nghĩa giáo sĩ trị cũng là một quan tâm ở châu Á. Nó được coi như một trong các nguyên nhân tạo ra việc thiếu tính đồng nghị trong Giáo Hội tại châu Á. Chủ nghĩa này được hiểu là thiếu tham vấn trong các vấn đề quản trị, các thái độ thống trị và cảm thức ta đây của một số linh mục, quá tỏ uy quyền trên giáo dân...

Ngược lại, bị giáo dân chỉ trích quá trớn, nhiều linh mục cảm thấy cô đơn, cô lập. Điều này khiến một số người trẻ muốn đi tu làm linh mục ngập ngừng, không dám dấn thân.

6. Các thực tại và dị biệt của châu Á

Tài liệu cho rằng ý thức được thân phận thiểu số của mình (chỉ chiếm 3.31%, lắm nơi chỉ là 1% tổng dân số châu Á), người Công Giáo châu Á cảm thấy vui mừng được tham gia diễn trình hoàn cầu lần này.

Tuy nhiên, “các cách phát biểu thờ phượng và cầu nguyện bằng thân xác của chúng tôi, vốn bao gồm các giác quan của con người, điệu nhẩy, nghệ thuật, thi ca, và im lặng, đôi khi thấy căng thẳng với cung cách chính thức trong việc cử hành các bí tích”. Tài liệu thừa nhận có sự căng thẳng “giữa các nền văn hóa châu Á và cách phát biểu đức tin của chúng ta bằng ngôn ngữ, hình ảnh và cả ý niệm về thẩm quyền và quyền lực”.

Hiện đang có sự căng thẳng gia tăng giữa các giá trị tâm linh truyền thống và hiện đại ngay trong hàng giáo sĩ, tu sĩ và các gia đình khiến đức tin bị tương đối hóa, các linh mục bị lôi cuốn theo lối sống duy vật, duy cá nhân, số người không thực hành tôn giáo gia tăng.

Tài liệu nhấn mạnh đến gia đình, coi đó là phạm vi cần được ưu tiên trong cố gắng giáo dục để giải quyết các phó sản của cuộc khủng hoảng qua các hiện tượng bạo lực gia đình, bà mẹ không cheo cưới, cha mẹ đơn thân, hoãn lập gia đình, hệ thống của hồi môn, ly dị và tuyên bố vô hiệu.

Tài liệu kêu gọi phải lưu ý nhiều hơn tới các gia đình hỗn hợp tôn giáo mà con số hiện nay càng ngày càng gia tăng một cách đáng quan tâm tại châu Á.

Tài liệu cũng lư ý tới hiện tượng gia tăng chia rẽ căn cứ vào đẳng cấp, ngôn ngữ, sắc tộc và tư thế kinh tế xã hội.

Tài liệu cho rằng ngoại diện và lối sống thế tục của giới lãnhđạo Giáo Hội cũng gây căng thẳng vì chúng đi ngược lại tình thần khó nghèo của Tin Mừng.

Trong liên hệ tôn giáo, Tài liệu cho rằng những tố giác sai lầm về phạm thượng và khủng bố là những vấn đề chính các Kitô hữu đang gặp phải.

Việc sa lầy trong các cơ cấu dân chủ, bao gồm quân sự hóa và áp bức chính trị, là các thách thức tại một số quốc gia châu Á.

7. Các thiếu sót được nhận diện trong bản trả lời của châu Á

Tài liệu cho rằng một số vấn đề từng được Hội nghị Toàn thể 50 của Liên Hội đồng Giám Mục Châu Á nhận diện đã không được các báo cáo toàn quốc của các Giáo Hội châu Á nhắc đến. Nay xin được nêu ra, hy vọng sẽ được Phiên họp Toàn thể Thượng Hội Đồng trong hai năm 2023/2024 xem xét: chăm sóc căn nhà chung (Châu Á là một trong những nơi tác động của việc thay đổi khí hậu lên đến mức bào động); chia sẻ nguồn lực (cả vật chất lẫn tinh thần); tuổi trẻ trong hiện tại (ma túy, cờ bạc, ghiền trực tuyến, bệnh tâm thần, gia đình tan vỡ...); hôn nhân và gia đình (gia đình tan vỡ,, thiếu cam kết cổ vũ sự sống, sợ kết hôn và giảm sinh suất do khó khăn kinh tế và ảnh hưởng ý thức hệ, phá thai, bạo hành gia đình, loạn luân...); chăm sóc người già; cảnh nghèo (320 triệu người nghèo châu Á); đô thị hóa không bền vững và nạn tham nhũng có hệ thống...

Tài liệu tự hỏi một giáo hội đồng nghị phải làm gì tại châu Á khi là một thiểu số về nhân khẩu học, kinh tế xã hội, văn hóa, và chính trị và do đó trở thành dễ bị tổn thương hơn đối với các chế độ áp bức và cực đoan cũng như các tranh chấp chính trị? Câu trả lời là phải có sự liên kết giữa lòng đạo và luân lý: kinh nghiệm tôn giáo phải biến đồi đời sống luân lý.

Với người bản địa, tài liệu cho rằng gần 60% người bản địa thế giới cư ngụ tại châu Á, nhưng các bản trả lời đã không đề cập nhiều đến họ.

Về sự hiện diện của Giáo Hội trong thế giới, Tài liệu cho rằng các bản trả lời của các Giáo Hội địa phương chỉ biết nhìn vào nội bộ Giáo Hội, quên đi missio ad gentes (sứ mệnh đối với các dân ngoại) hiện đông vô kể tại châu Á.

Về vấn đề di dân, người tỵ nạn và di tản trong nước cũng như việc buôn người, hiện đang gia tăng nhanh chóng tại châu Á, cũng không được bàn đến một cách sâu rộng. Cả vấn đề xây dựng hòa bình, một nhu cầu hết sức cấp bách tại châu Á hiện nay, nơi không thiếu các cuộc tranh chấp đẫm máu, cũng đã bị lơ là nhiều trong các bản trả lời tham vấn.

Rồi vấn đề bảo đảm an toàn cho các vị thành niên và người lớn dễ bị tổn thương, tuy con số các vụ lạm dụng ít được báo cáo, một phần do lý do văn hóa, nhưng đây là quan tâm chính của Giáo Hội châu Á. Tuy nhiên, nó ít được nhắc đến trong các bản trả lời của các Giáo Hội địa phương.

Cuối cùng Tài liệu nói đến việc thiếu sót, không bàn thỏa đáng tới vai trò của các Giám Mục, những vị “đóng một vai trò không thể thay thế trong việc sinh động hóa diễn trình đồng nghị tại Giáo Hội địa phương”.

8. Các ưu tiên trong các trả lời của châu Á

Tài liệu cho rằng các câu trả lời của châu Á rất đa dạng và khác biệt, bao trùm nhiều vấn đề và thách thức khác nhau, nhưng vẫn có những điểm chung qua 6 ưu tiên sau:

Đào tạo

Muốn có một Giáo Hội đồng nghị, cần có việc đào tạo khởi đầu và liên tục ở mọi bình diện.

Các chủng sinh, linh mục, giám mục, các người thánh hiến nam nữ cần được đào tạo để sống phong thái lãnh đạo đồng nghị, cổ vũ văn hóa đồng nghị...

Giáo dân cần được đào tạo để lãnh các vai trò tích cực, theo ơn gọi phép rửa của họ...

Bao gồm và hiếu khách

Phụ nữ, thanh niên và những người bị gạt ra bên lề hoặc bị loại trừ, đặc biệt chú ý đến những người bị bỏ rơi (ví dụ: trẻ em đường phố và người già), cũng nên cung cấp sự chăm sóc mục vụ quan trọng cho những người ly dị, tái hôn, cha mẹ đơn thân, gia đình tan vỡ, người khuyết tật, tù nhân, những người xác định là LGBTQIA+, người già, người phụ thuộc vào chất kích thích, người hành nghề mại dâm, v.v., những người bị tổn thương và trở thành nạn nhân, những gia đình tan vỡ và những người đấu tranh với bản dạng phái tính, những người phải di tản và bị ngược đãi, cùng nhiều người khác phải tìm thấy vị trí của mình trong Giáo Hội.

Các cơ cấu cần được tái duyệt để mọi người cảm nhận được thuộc về Giáo Hội và trở thành “đại sứ” của Chúa Kitô“, "đại sứ” của bao gồm và hiếu khách.

Các môn đệ truyền giáo

Trong bối cảnh Châu Á, chúng ta phải học cách làm chứng tá ngôn sứ và “thì thầm” Tin Mừng cho nhau... Trong khi thừa nhận rằng các Kitô hữu là một thiểu số ở Châu Á, chứng tá có một không hai của các vị tử đạo Châu Á mang đến một thách thức và nguồn khích lệ.

Chúng ta cũng phải học cách lớn lên trong đối thoại, tham vấn và biện phân cộng đồng. Đồng thời, việc tôn trọng các mẫn cảm của các dân tộc Á Châu khác cũng phải là tâm điểm của Giáo Hội...

Giải trình và minh bạch

Giải trình và minh bạch không những trong các vấn đề tài chánh mà cả trong các diễn trình ra quyết định và cai quản. Việc này có thể cần tới việc duyệt lại Giáo Luật.

Tinh thần hợp tác và đồng trách nhiệm phải được cổ vũ.

Cầu nguyện và thờ phượng

Việc cầu nguyện và thờ phượng của chúng ta phải phản ảnh và đánh động tấm lòng của người châu Á. Các cử hành phụng vụ phải mang tính “đồng nghị” hơn (có sự tham gia, hội nhập văn hóa, dễ liên hệ và vui vẻ) để mọi người có thể tìm thấy một không gian thánh thiêng và an toàn để thờ phượng Thiên Chúa. Sự hòa nhập văn hóa trong đời sống và việc thờ phượng của Giáo hội cũng phải làm sinh động đời sống của các tín hữu.

Môi trường

Giáo Hội phải đi đầu không những trong việc bảo vệ mà còn để chữa lành Mẹ Đất, canh tân bộ mặt trái đất. Là chi thể của Nhiệm Thể Chúa Kitô, chúng ta được mời gọi trở nên một Giáo Hội xanh, sống liên đới và tôn trọng, bảo vệ, bênh vực, và nuôi dưỡng tính đơn nhất của toàn thể sáng thế của Thiên Chúa. Quan tâm môi trường không phải chỉ là chiều kích sinh thái mà còn là chiều kích tâm linh và xã hội nữa vì nó ảnh hưởng tới mọi người, nhất là người nghèo.

9. “Cởi giầy ra”: hành trình đồng nghị của châu Á

Tập tục châu Á vốn cởi giầy ra khi vào nhà hay đền thờ, dấu chỉ tôn trọng, dấu chỉ chúng ta ý thức về người khác khi bước vào đời sống họ, nói lên ý thức sâu sắc của chúng ta trước thể thánh thiêng.

Chúng ta cởi giầy khi đứng trước tính đa dạng văn hóa và tôn giáo, tôn trọng lắng nghe và đàm đạo, biện phân và quyết định, bỏ qua bên mọi định kiến và thiên kiến để đón chào người khác.

Giầy có thể là biểu tượng của vị thế, cởi nó ra, chúng ta trở thành những người bình đẳng trong tư cách hữu thể nhân bản.

Cởi giầy ra chúng ta cũng ý thức được chất đất, làm chúng ta cảm nhận gần gũi hơn các thực tại thực địa của người châu Á.