Theo tin Tòa Thánh, trước khoảng 70,000 tín hữu Nam Sudan, tụ tập tại Lăng John Garang ở thủ đô Juba, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã cử hành Thánh Lễ đại trào. Trong thánh lễ này, ngài tha thiết thúc giục mọi người hạ vũ khí hận thù, mặc lấy tâm tình tha thứ. Sau đây là nguyên văn bài giảng và lời từ biệt của ngài, dựa theo bản tiếng Anh do Tòa Thánh cung cấp:



Hôm nay tôi muốn trích dẫn những lời mà Thánh Tông Đồ Phaolô đã nói với cộng đoàn Côrintô trong bài đọc thứ hai và lặp lại chúng ở đây trước mặt anh chị em: “Hỡi anh em, khi tôi đến với anh em, tôi không đến để loan báo cho anh em chứng tá của Thiên Chúa trong lời nói cao cả hoặc sự khôn ngoan. Vì tôi đã quyết định không biết gì giữa anh em ngoài Chúa Giêsu Kitô và Người đã chịu đóng đinh” (1 Cr 2:1-2). Vâng, mối quan tâm của Thánh Phaolô cũng là của tôi, khi tôi tụ họp ở đây với anh chị em nhân danh Chúa Giêsu Kitô, Thiên Chúa của tình yêu, Thiên Chúa, Đấng đã đạt được hòa bình qua thập giá của Người; Chúa Giêsu, Thiên Chúa chịu đóng đinh vì tất cả chúng ta; Chúa Giêsu chịu đóng đinh nơi những người đau khổ; Chúa Giêsu, bị đóng đinh trong cuộc sống của rất nhiều người trong số anh chị em, trong rất nhiều người ở đất nước này; Chúa Giêsu, Chúa phục sinh, Đấng chiến thắng sự dữ và sự chết. Tôi đến đây để loan báo về Người và để củng cố anh chị em trong Người, vì sứ điệp của Chúa Kitô là sứ điệp của niềm hy vọng. Chúa Giêsu biết nỗi thống khổ của anh chị em và niềm hy vọng anh chị em mang trong lòng, những niềm vui và những phấn đấu đánh dấu cuộc đời anh chị em, bóng tối đang tấn công anh chị em và niềm tin mà anh chị em dâng lên trời như một bài ca trong đêm. Chúa Giêsu biết anh chị em và yêu anh chị em. Nếu chúng ta ở lại trong Người, chúng ta không bao giờ phải sợ hãi, vì đối với chúng ta, mọi thập giá sẽ trở thành sự phục sinh, mọi buồn phiền sẽ trở thành hy vọng, và mọi than thở sẽ trở thành vũ điệu.

Vì vậy, tôi muốn suy niệm về những lời sự sống mà Chúa Giêsu đã nói với chúng ta trong Tin Mừng hôm nay: “Anh em là muối cho đời… Anh em là ánh sáng thế gian” (Mt 5:13-14). Những hình ảnh này nói gì với chúng ta, trong tư cách môn đệ của Chúa Kitô?

Trước hết, chúng ta là muối của đất. Muối được dùng để nêm thức ăn. Nó là thành phần vô hình mang lại hương vị cho mọi điều. Chính vì lẽ đó mà từ xa xưa, muối đã là biểu tượng của khôn ngoan, một đức tính không thể nhìn thấy nhưng làm tăng thêm hương vị cho cuộc sống, một cuộc sống mà thiếu nó thì trở nên nhạt nhẽo, vô vị. Tuy nhiên, Chúa Giêsu muốn nói đến loại khôn ngoan nào? Ngài dùng hình ảnh muối ngay sau khi dạy các môn đệ về Các Mối Phúc Thật. Như vậy, chúng ta thấy các Mối phúc là muối của đời sống Kitô hữu, vì chúng mang sự khôn ngoan từ trời xuống thế gian. Chúng cách mạng hóa các tiêu chuẩn của thế giới này và cách suy nghĩ thông thường của chúng ta. Và chúng nói gì? Một cách tóm tắt, chúng nói với chúng ta rằng để được chúc phúc, hạnh phúc và viên mãn, chúng ta không được nhắm để được mạnh mẽ, giàu có và quyền lực, nhưng khiêm nhường, nhu mì, hay thương xót; không làm điều ác cho ai, nhưng là người kiến tạo hòa bình cho mọi người. Chúa Giêsu nói, đây là sự khôn ngoan của một môn đệ; nó là thứ mang lại hương vị cho thế giới xung quanh chúng ta. Chúng ta hãy nhớ điều này: nếu chúng ta thực hành các Mối phúc, nếu chúng ta thể hiện sự khôn ngoan của Chúa Kitô, chúng ta sẽ mang lại hương vị không chỉ cho cuộc sống của chúng ta, mà còn cho cuộc sống của xã hội và của đất nước chúng ta đang sống.

Muối không chỉ mang lại hương vị; nó còn có một chức năng khác, rất cần thiết vào thời Chúa Kitô: nó bảo quản thức ăn để nó không bị hư và hỏng. Kinh thánh nói rằng có một “thức ăn”, một điều tốt thiết yếu cần được bảo tồn hơn tất cả những điều khác, và đó là giao ước với Thiên Chúa. Vì vậy, trong những ngày đó, bất cứ khi nào một lễ vật được dâng lên Chúa, người ta sẽ thêm một ít muối vào đó. Chúng ta hãy nghe Kinh thánh nói về điều này: “Các ngươi không được để thiếu muối giao ước với Thiên Chúa của mình trong lễ vật ngũ cốc; cùng với tất cả lễ vật của mình, ngươi phải dâng muối” (Lv 2:13). Do đó, muối được sử dụng như một lời nhắc nhở về nhu cầu căn bản của chúng ta để duy trì mối quan hệ của chúng ta với Thiên Chúa, bởi vì Người trung thành với chúng ta, và giao ước của Người với chúng ta là giao ước không thể hủy hoại, bất khả xâm phạm và tồn tại lâu dài (x. Ds 18:19; 2 Sb 13:5). Theo đó, mỗi môn đệ của Chúa Giêsu, như muối của đất, là chứng nhân cho giao ước mà Thiên Chúa đã lập và chúng ta cử hành trong mỗi Thánh Lễ: một giao ước mới, vĩnh cửu và không thể phá bỏ (x. 1 Cr 11,25; Dt 9), và một tình yêu dành cho chúng ta không thể lay chuyển ngay cả bởi sự bất trung của chúng ta.

Thưa anh chị em, chúng ta là nhân chứng cho điều kỳ diệu này. Vào thời cổ xưa, khi con người hoặc các dân tộc thiết lập một hiệp ước hữu nghị với nhau, họ thường niêm phong nó bằng cách trao đổi một ít muối. Là muối của đất, chúng ta được mời gọi làm chứng cho giao ước với Thiên Chúa một cách hân hoan và biết ơn, và như thế chứng tỏ rằng chúng ta là những người có khả năng tạo ra những mối dây thân hữu và lối sống huynh đệ. Những người có khả năng xây dựng các mối quan hệ tốt đẹp giữa con người với nhau như một cách để kiềm chế sự hủ bại của cái ác, căn bệnh chia rẽ, sự bẩn thỉu của những thương vụ kinh doanh gian dối và bệnh dịch bất công.

Hôm nay tôi muốn cảm ơn anh chị em, bởi vì anh chị em là muối của trái đất ở đất nước này. Tuy nhiên, khi anh chị em nghĩ đến nhiều vết thương của nó, bạo lực làm gia tăng nọc độc của hận thù và sự bất công gây ra đau khổ và nghèo đói, anh chị em có thể cảm thấy mình nhỏ bé và bất lực. Bất cứ khi nào cơn cám dỗ này tấn công anh chị em, anh chị em hãy cố nhìn vào muối và những hạt nhỏ xíu của nó. Muối là một thành phần nhỏ bé và khi được cho vào thức ăn, nó sẽ biến mất, nó sẽ tan biến; nhưng chính nhờ cách đó, nó nêm gia vị cho toàn bộ món ăn. Cũng vậy, mặc dù chúng ta nhỏ bé và yếu đuối, ngay cả khi sức lực của chúng ta có vẻ yếu ớt trước mức độ nghiêm trọng của các vấn đề và cơn thịnh nộ mù quáng của bạo lực, chúng ta, những Kitô hữu, có thể góp phần quyết định làm thay đổi lịch sử. Chúa Giêsu muốn chúng ta giống như muối: chỉ một nhúm nhỏ cũng tan ra và mang lại một hương vị khác cho mọi thứ. Do đó, chúng ta không thể lùi bước, bởi nếu không có sự góp sức nhỏ bé đó, không có sự đóng góp nhỏ bé của chúng ta, thì mọi thứ trở nên vô vị. Vì vậy, chúng ta hãy bắt đầu từ những điều nhỏ nhặt, những điều thiết yếu, không phải từ những gì có thể xuất hiện trong sử sách, mà từ những gì thay đổi lịch sử. Nhân danh Chúa Giêsu và các Mối phúc của Người, chúng ta hãy hạ bỏ vũ khí hận thù và trả thù, để cầm lấy vũ khí cầu nguyện và bác ái. Chúng ta hãy vượt qua những điều không thích và ác cảm mà theo thời gian đã trở thành kinh niên và có nguy cơ khiến các bộ lạc và các nhóm sắc tộc chống lại nhau. Chúng ta hãy học cách bôi muối tha thứ lên các vết thương của chúng ta; muối rát bỏng nhưng nó cũng chữa lành. Ngay cả khi trái tim của chúng ta rỉ máu vì những sai trái mà chúng ta đã phải chịu đựng, chúng ta hãy từ chối, một lần và mãi mãi, lấy ác báo ác, và chúng ta sẽ phát triển lành mạnh bên trong. Chúng ta hãy đón nhận nhau và yêu thương nhau cách chân thành và quảng đại, như Chúa yêu thương chúng ta. Chúng ta hãy trân trọng những gì tốt đẹp mà chúng ta đang có, và không để cho mình bị hủ bại bởi cái ác!

Bây giờ chúng ta hãy chuyển sang hình ảnh thứ hai được Chúa Giêsu sử dụng, đó là ánh sáng: Các con là ánh sáng thế gian. Một lời tiên tri vĩ đại đã được nói về dân Israel: “Ta sẽ ban ngươi làm ánh sáng muôn dân, để ơn cứu độ của ta đến tận cùng trái đất” (Is 49:6). Giờ đây lời tiên báo đó đã được ứng nghiệm, vì Thiên Chúa Cha đã sai Con của Người là ánh sáng thế gian (x. Ga 8,12), ánh sáng thật chiếu soi mọi người và mọi dân tộc, ánh sáng chiếu soi trong bóng tối, và xua tan mọi đám mây u ám (x. Ga 1:5.9). Chúa Giêsu, ánh sáng thế gian, nói với các môn đệ rằng họ cũng là ánh sáng thế gian. Điều này có nghĩa là, khi chúng ta nhận được ánh sáng của Chúa Kitô, ánh sáng là Chúa Kitô, chúng ta trở nên “sáng chói”; chúng ta tỏa ra ánh sáng của Chúa!

Chúa Giêsu nói tiếp: “Thành xây trên núi không thể bị che khuất. Không ai thắp đèn rồi để dưới cái thùng, nhưng để trên chân đèn, để nó soi sáng mọi người trong nhà” (Mt 5:15). Một lần nữa, đây là một hình ảnh quen thuộc thời đó. Nhiều ngôi làng ở Galilê được xây dựng trên sườn đồi và có thể nhìn thấy từ rất xa. Đèn trong nhà được đặt trên cao để có thể chiếu sáng mọi ngóc ngách của căn phòng. Khi một ngọn đèn tắt, nó được phủ bằng một dụng cụ đất nung gọi là "giạ" [bushel], dụng cụ này này sẽ tước đi oxy của ngọn lửa và do đó làm tắt ánh sáng của nó.

Anh chị em thân mến, rõ ràng Chúa Giêsu muốn nói gì khi yêu cầu chúng ta trở thành ánh sáng thế gian: chúng ta, những môn đệ của Người, được mời gọi tỏa sáng như thành phố trên đồi, như ngọn đèn không bao giờ tắt. Nói cách khác, trước khi chúng ta lo lắng về bóng tối bao quanh mình, trước khi chúng ta hy vọng rằng những bóng tối xung quanh chúng ta sẽ sáng lên, thì chúng ta được kêu gọi tỏa ra ánh sáng, mang lại ánh sáng cho thành phố, làng mạc và nhà cửa, những người quen biết và mọi hoạt động hàng ngày của chúng ta bằng cuộc sống và các công việc tốt của chúng ta. Chúa sẽ ban cho chúng ta sức mạnh, sức mạnh để trở nên ánh sáng trong Người, để mọi người thấy những việc lành của chúng ta, và khi thấy những việc lành đó, như Chúa Giêsu đã nhắc nhở chúng ta, thì họ sẽ vui mừng trong Thiên Chúa và tôn vinh Người. Nếu chúng ta sống như con trai con gái, anh chị em trên trái đất, mọi người sẽ biết rằng tất cả chúng ta đều có Cha trên trời. Do đó, chúng ta được yêu cầu cháy sáng một cách đầy yêu thương, không bao giờ để ánh sáng của chúng ta bị dập tắt, không bao giờ để dưỡng khí bác ái phai nhạt khỏi cuộc sống của chúng ta để những việc làm của sự dữ có thể lấy đi bầu không khí trong lành của chứng tá chúng ta. Đất nước này, rất đẹp nhưng bị tàn phá bởi bạo lực, cần ánh sáng mà mỗi người trong anh chị em có, hay tốt hơn, ánh sáng của mỗi người trong anh chị em.

Anh chị em thân mến, tôi cầu nguyện để anh chị em trở thành muối rải ra, làm tan biến và gieo rắc cho Nam Sudan hương vị huynh đệ của Tin Mừng. Xin cho các cộng đoàn Kitô hữu của anh chị em tỏa sáng rạng rỡ, để giống như những thành phố được xây dựng trên một ngọn đồi, họ sẽ chiếu tỏa ánh sáng của lòng tốt cho mọi người và cho thấy rằng điều đẹp đẽ và khả hữu là sống quảng đại và hiến thân, có niềm hy vọng và cùng nhau xây dựng một tương lai hòa giải. Anh chị em thân mến, tôi ở với anh chị em và tôi bảo đảm với anh chị em trong lời cầu nguyện của tôi rằng anh chị em sẽ cảm nghiệm được niềm vui của Tin Mừng, hương vị và ánh sáng mà Chúa, “Thiên Chúa bình an” (Pl 4:9), “Thiên Chúa của mọi niềm an ủi” (2 Cr 1:3), mong muốn được tuôn đổ trên mỗi người trong anh chị em.

______________________________________________________________________________________________________________________

Nhận xét cuối cùng của Đức Thánh Cha Phanxicô

Cảm ơn hiền đệ Stephen [Đức Tổng Giám Mục Stephen Ameyu Martin Mulla] vì những lời tốt đẹp của hiền đệ. Tôi chào Tổng thống Cộng hòa, cũng như các nhà chức trách dân sự và tôn giáo hiện diện.

Bây giờ tôi đã đi đến cuối cuộc hành hương này giữa các bạn, và tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn của tôi về sự chào đón nồng nhiệt đã dành cho tôi và về tất cả những công việc đã được thực hiện để chuẩn bị cho chuyến thăm này, đó là chuyến thăm huynh đệ của ba người chúng tôi.

Tôi biết ơn tất cả các bạn, anh chị em, những người đã đến đây với số lượng lớn từ nhiều nơi khác nhau, dành nhiều giờ, nếu không muốn nói là nhiều ngày, trên đường! Tôi cảm ơn các bạn vì tình cảm mà các bạn đã dành cho tôi, nhưng cũng vì niềm tin của các bạn và sự kiên nhẫn của các bạn, vì những điều tốt các bạn làm và những khó khăn mà các bạn sẵn sàng dâng lên Chúa mà không nản lòng mà tiếp tục tiến bước. Nam Sudan sở hữu một Giáo hội can đảm, có mối liên hệ chặt chẽ với Giáo hội ở Sudan, như Đức Tổng Giám Mục lưu ý khi nhắc đến Thánh Josephine Bakhita, một người phụ nữ vĩ đại, nhờ ơn Chúa, đã biến đổi tất cả những đau khổ mà bà phải chịu đựng thành niềm hy vọng. Như Đức Bênêđíctô đã nhận xét: “Niềm hy vọng sinh ra trong bà đã ‘cứu chuộc’ bà, bà không giữ cho riêng mình; niềm hy vọng này phải đến được với nhiều người, đến với tất cả mọi người” (Spe Salvi, 3). Hy vọng là hạn từ tôi muốn để lại cho mỗi bạn, như một món quà để chia sẻ, một hạt giống đơm hoa kết trái. Như Thánh Josephine nhắc nhở chúng ta, phụ nữ, đặc biệt ở đây, là dấu hiệu của hy vọng, và tôi đặc biệt cảm ơn và chúc lành cho tất cả phụ nữ trên đất nước này.

Hy vọng, tôi sẽ liên tưởng đến một hạn từ khác, hạn từ đã vang vọng trong những ngày này: hòa bình. Tôi đến đây với hai hiền đệ Justin và Iain, những người mà tôi chân thành cảm ơn; ba chúng tôi sẽ cùng nhau đồng hành với các bạn và làm tất cả những gì có thể để các bạn bước đi bình yên, bước đến hòa bình. Tôi muốn giao phó đường đi của toàn dân cùng với ba anh em chúng tôi, con đường hòa giải và hòa bình này cho một người phụ nữ khác. Mẹ là Mẹ Maria yêu dấu nhất của chúng ta, Nữ Vương Hoà Bình. Mẹ đã đồng hành cùng chúng tôi với sự hiện diện đầy quan tâm và thầm lặng của Mẹ. Bây giờ chúng ta cầu nguyện với Mẹ, và chúng ta phó thác cho Mẹ sự nghiệp hòa bình ở Nam Sudan và toàn lục địa Phi Châu. Chúng ta cũng phó thác cho Đức Mẹ hòa bình trên thế giới của chúng ta, đặc biệt là ở nhiều quốc gia đang có chiến tranh, như Ukraine, một quốc gia chịu nhiều đau khổ.

Anh chị em thân mến, cả ba chúng tôi đang trở về nhà của chính mình, với các bạn thậm chí còn gần gũi hơn với trái tim của chúng tôi. Tôi xin nhắc lại: các bạn ở trong trái tim của chúng tôi, các bạn ở trong trái tim của chúng tôi, các bạn ở trong trái tim của các Kitô hữu trên toàn thế giới! Đừng bao giờ mất hy vọng. Và đừng đánh mất cơ hội để xây dựng hòa bình. Cầu mong hy vọng và hòa bình ở giữa các bạn. Cầu mong hy vọng và hòa bình ngự trị ở Nam Sudan!