Theo tin Tòa Thánh, trong ngày thứ hai thăm viếng Cộng hòa Nam Sudan, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tới Lăng John Garang (Juba) với Đức Tổng Giám Mục Justin Welby và Tổng điều hợp viên Giáo hội Tô Cách Lan Iain Greenshields, để chủ tọa buổi cầu nguyện đại kết. Nhân dịp này, ngài đã đọc một diễn từ với những người hiện diện. Sau đây là nguyên văn diễn từ của ngài, theo bản tiếng Anh do Tòa Thánh cung cấp.
Thưa Tổng thống,
Thưa các nhà chức trách tôn giáo và dân sự,
Anh chị em thân mến,
Từ mảnh đất yêu dấu này, bị tàn phá bởi bạo lực, nhiều lời cầu nguyện giờ đây đã được dâng lên thiên đàng. Nhiều giọng nói khác nhau đã hợp nhất để tạo thành một giọng nói duy nhất. Cùng với nhau, với tư cách là dân thánh của Thiên Chúa, chúng ta đã cầu nguyện cho dân tộc này và những đau khổ của họ. Là Kitô hữu, cầu nguyện là điều đầu tiên và quan trọng nhất mà chúng ta được kêu gọi thực hiện để làm việc cho điều thiện và tìm được sức mạnh cần thiết để kiên trì trên hành trình của mình. Cầu nguyện, làm việc và hành trình: chúng ta hãy suy niệm về ba động từ này.
Đầu tiên, cầu nguyện. Sự dấn thân lớn lao của các cộng đoàn Kitô hữu đối với sự phát triển con người, tình đoàn kết và hòa bình sẽ không có kết quả nếu không có lời cầu nguyện. Thật vậy, chúng ta không thể cổ vũ hòa bình mà không khẩn cầu Chúa Giêsu là “Hoàng Tử Hòa Bình” trước (Is 9:5). Bất cứ điều gì chúng ta làm cho người khác và chia sẻ với họ trước hết là một hồng phúc được ban cho nhưng không mà chúng ta, trong sự trắng tay, đã nhận được từ Người: đó là ân sủng, ân sủng thuần túy. Chúng ta là Kitô hữu vì chúng ta đã được Chúa Giêsu Kitô yêu thương nhưng không.
Sáng nay, tôi đã nói về nhân vật Môsê, và giờ đây, chính vì liên quan đến việc cầu nguyện, tôi muốn nhắc lại một biến cố có tính chất quyết định đối với ông và với dân của ông. Nó diễn ra khi ông bắt đầu dẫn dắt dân đến tự do. Khi họ đến bờ Biển Đỏ, Môsê và toàn thể dân Israel thấy mình rơi vào tình thế bế tắc. Trước mặt họ, họ nhìn thấy một bức tường nước không thể vượt qua; phía sau họ, lực lượng kẻ thù đang áp sát họ bằng chiến xa và ngựa. Điều đó há không nhắc nhở chúng ta về những ngày đầu của đất nước này, bị kẹt giữa dòng nước chết chóc, lũ lụt thảm khốc ập đến đất nước và bạo lực tàn khốc của chiến tranh đó sao? Tuy nhiên, trong hoàn cảnh tuyệt vọng đó, Môsê đã nói với dân chúng: “Đừng sợ, hãy đứng vững, rồi các ngươi sẽ thấy ơn cứu độ của Chúa” (Xh 14,13). Tôi tự hỏi, Môsê đã tìm thấy sự chắc chắn này ở đâu giữa những nỗi sợ hãi và than thở thường xuyên của dân tộc ông? Sức mạnh đó đến với ông nhờ việc lắng nghe Chúa (xem các câu 2-4), Đấng đã hứa với ông rằng Người sắp tỏ vinh hiển của Người. Kết hiệp với Thiên Chúa, tín thác vào Người, vun trồng bằng lời cầu nguyện: đây là bí quyết của sức mạnh đã giúp Môsê dẫn dắt dân chúng từ áp bức đến tự do.
Điều này cũng đúng với chúng ta. Cầu nguyện cho chúng ta sức mạnh để tiến tới, để vượt qua nỗi sợ hãi của chúng ta, để thoáng thấy, ngay cả trong bóng tối, ơn cứu độ mà Thiên Chúa đang chuẩn bị ngay bây giờ. Hơn nữa, lời cầu nguyện đem ơn cứu độ của Thiên Chúa xuống trên dân chúng. Lời cầu nguyện chuyển cầu đánh dấu cuộc đời của Môsê (x. Xh 32,11-14) là kiểu cầu nguyện mà chúng ta, với tư cách là những mục tử của dân thánh Thiên Chúa, được kêu gọi đặc biệt thực hành. Cầu nguyện để Chúa hòa bình can thiệp vào những nơi con người nam nữ bất lực mang lại hòa bình: một lời cầu bầu kiên trì và liên lỉ. Anh chị em thân mến, chúng ta hãy nâng đỡ nhau trong nỗ lực này. Trong sự đa dạng của các tuyên tín, chúng ta hãy cảm thấy hiệp nhất với nhau, như một gia đình, có trách nhiệm cầu nguyện cho mọi người. Trong các giáo xứ, nhà thờ của chúng ta, nơi ca ngợi và thờ phượng của chúng ta, chúng ta hãy liên lỉ cầu nguyện (x. Cv 1,14) để Nam Sudan, giống như dân Chúa trong Kinh thánh, “có thể đến đất hứa”. Chúng ta hãy cầu nguyện, trong tinh thần thanh thản, để các điều khoản công bằng sẽ được thực hiện cho việc sử dụng vùng đất trù phú và màu mỡ của nó và đất nước sẽ được tặng thưởng nền hòa bình đã hứa mà, đáng buồn, là vẫn chưa đến.
Chính vì hòa bình mà chúng ta được kêu gọi làm việc. Chúa Giêsu muốn chúng ta trở thành những người kiến tạo hòa bình (x. Mt 5:9). Người muốn Giáo hội của Người không chỉ là dấu chỉ và khí cụ của sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa mà còn là sự hiệp nhất của toàn thể gia đình nhân loại (x. Lumen Gentium, 1). Thật vậy, như Thánh Phaolô nói với chúng ta, Chúa Kitô “là hòa bình của chúng ta” chính vì Người phục hồi sự hiệp nhất. Chính Người là Đấng “đã hợp nhất hai nhóm thành một và phá bỏ bức tường ngăn cách, tức là sự thù địch giữa chúng ta” (x. Eph 2:14). Hòa bình của Thiên Chúa là như vậy: không chỉ là một thỏa thuận đình chiến giữa các cuộc xung đột, mà còn là một tình bằng hữu huynh đệ đến từ sự hiệp nhất chứ không hút hết; từ việc tha thứ chứ không chế ngự; từ việc hòa giải chứ không áp đặt. Khát vọng hòa bình của thiên đàng lớn lao đến nỗi nó đã được công bố ngay từ lúc Chúa Kitô giáng sinh: “bình an dưới thế cho người Chúa thương” (Lc 2:14). Chúa Giêsu đau khổ trước việc bác bỏ hồng ân mà ngài đến để mang đến này, đến nỗi Người đã khóc cho Giêrusalem mà nói: “Phải chi ngày hôm nay ngươi cũng nhận ra s những gì đem lại hòa bình cho ngươi!” (Lc 19:42).
Anh chị em thân mến, chúng ta hãy làm việc không mệt mỏi vì nền hòa bình mà Thần Khí của Chúa Giêsu và Chúa Cha thúc giục chúng ta xây dựng: một nền hòa bình hội nhập sự đa dạng và thúc đẩy sự hiệp nhất trong sự đa dạng. Sự bình an của Chúa Thánh Thần hòa hợp những khác biệt, trong khi tinh thần thù địch với Thiên Chúa và nhân loại sử dụng sự đa dạng như một phương tiện chia rẽ. Kinh thánh cho chúng ta biết rằng “con cái của Thiên Chúa và con cái của ma quỷ được tiết lộ theo cách này: tất cả những ai không làm điều công chính đều không phát xuất từ Thiên Chúa, và những ai không yêu thương anh chị em mình cũng vậy” (1 Ga 3:10). Các bạn thân mến, những người tự gọi mình là Kitô hữu phải chọn đứng về phía nào. Những ai chọn Chúa Kitô, luôn luôn chọn bình an; những kẻ khơi mào chiến tranh và bạo lực phản bội Chúa và chối bỏ Tin Mừng của Người. Điều Chúa Giêsu dạy chúng ta rất rõ ràng: chúng ta phải yêu thương mọi người, vì mọi người đều được yêu thương như con cái của Cha chung trên trời. Tình yêu của người Kitô hữu không chỉ dành cho những người thân cận với chúng ta, mà còn dành cho tất cả mọi người, vì trong Chúa Giêsu, mỗi người đều là người thân cận, anh chị em của chúng ta – thậm chí cả kẻ thù của chúng ta (x. Mt 5:38-48). Điều này càng đúng hơn biết bao đối với những người là thành viên của cùng một dân tộc, mặc dù thuộc các nhóm dân tộc khác nhau. “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15:12): đó là giới răn của Chúa Giêsu, và nó mâu thuẫn với mọi cách hiểu “bộ tộc” về tôn giáo. “Để tất cả chúng nên một” (Ga 17:21). Đó là lời cầu nguyện chân thành của Chúa Giêsu dâng lên Đức Chúa Cha cho tất cả chúng ta là những người tin.
Thưa anh chị em, chúng ta hãy cùng nhau làm việc để nuôi dưỡng tình đoàn kết huynh đệ này giữa chúng ta với tư cách là các Kitô hữu, và giúp mang thông điệp hòa bình đến xã hội bằng cách truyền bá đường lối bất bạo động của Chúa Giêsu. Những người tự xưng là tín hữu không nên liên quan gì đến một nền văn hóa dựa trên tinh thần báo thù. Tin Mừng không phải chỉ là một triết lý tôn giáo đẹp đẽ, mà là một lời tiên tri trở thành hiện thực trong lịch sử. Chúng ta hãy làm việc vì hòa bình bằng cách dệt và may vá, không phải bằng cách cắt hoặc xé. Chúng ta hãy theo Chúa Giêsu, và khi theo Người, chúng ta cùng nhau bước đi trên con đường dẫn đến hòa bình (x. Lc 1:79).
Sau động từ cầu nguyện và làm việc, bây giờ chúng ta đến với động từ thứ ba: hành trình. Ở đất nước này, các cộng đồng Kitô giáo đã cam kết sâu sắc trong việc cổ vũ các diễn trình hòa giải. Tôi cảm ơn anh chị em vì chứng tá đức tin rạng ngời này phát sinh từ việc nhận thức, không chỉ được thể hiện bằng lời nói mà còn bằng hành động, trước bất cứ sự phân chia lịch sử nào, vẫn có một sự thật không thay đổi, đó là chúng ta là Kitô hữu; chúng ta thuộc về Chúa Kitô. Thật là một điều tuyệt vời, giữa những tình huống xung đột lớn, những người tuyên xưng đức tin Kitô giáo đã không bao giờ chia rẽ người dân mà đã, đang và tiếp tục là một nhân tố của sự hiệp nhất. Truyền thống đại kết này của Nam Sudan là một kho tàng quý giá, một hành động ca ngợi danh Chúa Giêsu và một hành động yêu thương dành cho Giáo hội, hiền thê của Người, một tấm gương cho tất cả mọi người về sự thăng tiến hiệp nhất Kitô giáo. Đó là một truyền thống được nuôi dưỡng trong cùng một tinh thần đó. Sự chia rẽ giáo hội trong các thế kỷ qua không nên có bất cứ tác động nào đối với những người đang được truyền bá Tin mừng, và việc truyền bá Tin Mừng phải góp phần vào sự phát triển hiệp nhất lớn hơn. Mong rằng chủ nghĩa bộ lạc và tinh thần đảng phái từng thúc đẩy các hành động bạo lực ở đất nước này không làm phương hại đến mối quan hệ giữa các giáo phái khác nhau. Trái lại, ước gì chứng tá về sự hiệp nhất giữa các tín hữu tràn lan đến toàn dân.
Ở đây, để kết thúc, tôi muốn gợi ý hai hạn từ chủ chốt giúp chúng ta kiên trì trong hành trình của mình: ký ức và cam kết. Ký ức. Các bước của anh chị em theo chân những người đã đi trước anh chị em. Đừng sợ rằng anh chị em sẽ không theo kịp gương sáng của họ, nhưng hãy cảm thấy mình được thúc đẩy bởi những người đã dọn đường cho anh chị em. Giống như trong một cuộc chạy tiếp sức, hãy nắm lấy và giữ chặt chứng từ của họ khi anh chị em chạy về phía mục tiêu hiệp thông trọn vẹn và hữu hình. Sau đó, cam kết. Chúng ta tiến tới sự hiệp nhất khi tình yêu có tính cụ thể, khi chúng ta tham gia giúp đỡ những người bị ruồng bỏ, những người bị thương và những người bị tước quyền. Anh chị em đã làm điều này trong bất cứ lĩnh vực nào. Tôi đặc biệt nghĩ đến các lĩnh vực y tế, giáo dục và hoạt động bác ái. Anh chị em cung cấp cho mọi người sự hỗ trợ cần thiết biết bao! Cảm ơn anh chị em vì điều này. Hãy tiếp tục hỗ trợ họ, không bao giờ đóng vai trò như đối thủ cạnh tranh nhưng với như thành viên của một gia đình, anh chị em, những người, bằng lòng cảm thương đối với sự đau khổ, người yêu dấu của Chúa Giêsu, tôn vinh Thiên Chúa và làm chứng cho mối hiệp công mà Người yêu mến.
Các bạn thân mến, các anh em của tôi và tôi đã cùng nhau đến đây với tư cách là những người hành hương để được ở với các bạn, dân thánh của Thiên Chúa, trong cuộc hành trình của các bạn. Ngay cả khi khoảng cách ngăn cách chúng ta về mặt thể lý, chúng tôi luôn ở gần các bạn. Chúng ta hãy lên đường mỗi ngày bằng cách cầu nguyện cho nhau, cùng nhau làm chứng nhân và trung gian cho bình an của Chúa Giêsu, và kiên trì trên cùng một hành trình bằng những hành động bác ái và hiệp nhất thiết thực của chúng ta. Trong mọi sự, chúng ta hãy yêu thương nhau liên lỉ và hết lòng (x. 1Pr 1:22).