Theo tin Tòa Thánh, trong ngày thứ hai thăm viếng Cộng hòa Nam Sudan, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tới Nhà thờ Thánh Therese (Juba) để gặp gỡ các giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ. Trong cuộc gặp gỡ này, ngài khẩn khoản yêu cầu họ biết cảm thương và giầu lòng thương xót, không trở thành “lãnh chúa” hay “tù trưởng bộ lạc”. Sau đây là nguyên văn bài nói chuyện của ngài, theo bản tiếng Anh do Tòa Thánh cung cấp:



Anh em giám mục, linh mục và phó tế thân mến,
Anh chị em tận hiến thân mến,
Các chủng sinh, tập sinh và ứng sinh thân mến, xin chào tất cả anh chị em một buổi sáng tốt lành!


Tôi đã mong chờ được gặp anh chị em, và tôi muốn cảm ơn Chúa vì cơ hội này. Tôi biết ơn Đức Giám Mục Tombe Trille về lời chào mừng và cám ơn tất cả anh chị em về sự hiện diện hôm nay cũng như lời chào mừng của anh chị em; một số anh chị em đã đi nhiều ngày để có mặt ở đây ngày hôm nay! Một số kinh nghiệm trước đây của chúng ta có một vị trí đặc biệt trong trái tim tôi: lễ kỷ niệm tại Đền thờ Thánh Phêrô vào năm 2017, khi chúng ta cùng nhau cầu nguyện cho hồng phúc hòa bình, và cuộc tĩnh tâm vào năm 2019 với các nhà lãnh đạo chính trị, những người được yêu cầu ôm hôn, thông qua lời cầu nguyện, cương quyết theo đuổi hòa giải và tình huynh đệ ở đất nước này. Thật vậy, tất cả chúng ta cần ôm lấy Chúa Giêsu, bình an và niềm hy vọng của chúng ta.

Trong bài phát biểu của tôi ngày hôm qua, tôi đã vẽ ra hình ảnh dòng nước sông Nile chảy qua đất nước của anh chị em, như thể đó là xương sống của nó. Trong Kinh thánh, nước thường liên quan đến hoạt động của Thiên Chúa trong sáng thế, lòng cảm thương của Người làm dịu cơn khát của chúng ta khi chúng ta lang thang trong sa mạc, và lòng thương xót của Người trong việc tẩy sạch chúng ta khi chúng ta sa lầy trong tội lỗi. Trong phép rửa, Người thánh hóa chúng ta “nhờ nước tái sinh và đổi mới bởi Chúa Thánh Thần” (Tt 3:5). Từ cùng một quan điểm Kinh thánh, tôi muốn có một cái nhìn khác về nước sông Nile. Hòa vào dòng nước ấy là nước mắt của một dân tộc đắm chìm trong khổ đau và đau đớn, bị dày vò bởi bạo lực, những người có thể cầu nguyện như tác giả thánh vịnh, “Bên dòng sông Babylon, chúng tôi ngồi đó và khóc” (Tv 137:1). Thật vậy, dòng nước của dòng sông lớn ấy gom những tiếng thở dài và những đau khổ của cộng đồng anh chị em, chúng gom những nỗi đau của bao mảnh đời tan nát, chúng gom bi kịch của một dân tộc trốn chạy, những nỗi buồn và sợ hãi trong trái tim và đôi mắt của biết bao người phụ nữ và trẻ em. Chúng ta có thể nhìn thấy nỗi sợ hãi này trong mắt trẻ em. Tuy nhiên, đồng thời, nước sông Nile nhắc nhở chúng ta về câu chuyện của Môsê và do đó chúng cũng nói về sự giải thoát và sự cứu rỗi. Từ những vùng nước đó, Môsê đã được cứu và, bằng cách dẫn dắt dân tộc của mình qua Biển Đỏ, ông đã trở thành phương tiện giải thoát cho họ, một biểu tượng về sự giúp đỡ có tính cứu rỗi của Thiên Chúa, Đấng nhìn thấy nỗi đau khổ của con cái mình, nghe thấy tiếng kêu khóc của chúng và bước xuống để trả tự do cho họ (x. Xh 3:7). Khi nhớ lại câu chuyện về Môsê, người đã dẫn dân của Thiên Chúa băng qua sa mạc, chúng ta hãy tự hỏi việc làm người phục vụ Thiên Chúa có ý nghĩa gì đối với chúng ta trong một vùng đất đầy rẫy chiến tranh, hận thù, bạo lực và nghèo đói. Làm sao chúng ta có thể thi hành thừa tác vụ của mình trên vùng đất này, dọc theo bờ sông đã đẫm quá nhiều máu vô tội, giữa những khuôn mặt đẫm lệ của những người được giao phó cho chúng ta? Đây là câu hỏi. Và khi tôi nói về thừa tác vụ, tôi nói theo nghĩa rộng: tác vụ linh mục và phó tế và cả tác vụ dạy giáo lý, tác vụ giảng dạy, mà rất nhiều tu sĩ nam nữ, cũng như giáo dân, thi hành.

Để cố gắng trả lời điều này, tôi muốn suy nghĩ về hai khía cạnh trong tính cách của Môsê: sự hiền lành nhu mì việc cầu bầu của ông. Tôi nghĩ hai khía cạnh này liên quan đến cuộc sống của chúng ta ở đây.

Điều đầu tiên đánh động chúng ta về câu chuyện của Môsê là sự hiền lành nhu mì của ông, sự đáp ứng ngoan ngoãn của ông đối với sáng kiến của Thiên Chúa. Tuy nhiên, chúng ta không nên nghĩ rằng mọi chuyện luôn diễn ra như vậy: lúc đầu, ông đã cố gắng tự mình chống lại sự bất công và áp bức. Được con gái của Pharaô cứu ở vùng nước sông Nile, sau đó ông phát hiện ra danh tính của mình và cảm động trước sự đau khổ và tủi nhục của những người anh em của mình, đến nỗi một ngày nọ, ông quyết định giành lấy công lý trong tay mình: ông đã giết một người Ai Cập đang đánh một người Do Thái. Kết quả ông phải chạy trốn đến sa mạc, nơi ông ở lại nhiều năm. Ở đó, ông đã trải qua một loại sa mạc nội tâm. Trước đây ông từng nghĩ mình có thể tự mình đương đầu với sự bất công nhưng giờ đây ông thấy mình là kẻ chạy trốn, cô đơn và lẩn trốn, nếm trải cảm giác thất bại cay đắng. Tôi tự hỏi: Sai lầm của Môsê là gì? Ông đã đặt mình làm trung tâm, và chỉ dựa vào sức mạnh của mình. Tuy nhiên, theo cách này, ông đã bị mắc kẹt trong cách làm việc tồi tệ nhất của con người chúng ta: ông đã đáp trả bạo lực bằng bạo lực.

Đôi khi, một điều gì đó tương tự có thể xảy ra trong cuộc sống của chính chúng ta với tư cách là linh mục, phó tế, tu sĩ, chủng sinh, nam nữ thánh hiến, tất cả chúng ta: trong thâm tâm, chúng ta có thể nghĩ rằng chúng ta là trung tâm của mọi sự, chúng ta có thể dựa vào, nếu không phải trên lý thuyết ít nhất là trong thực tế, hầu như chỉ dựa vào tài năng và khả năng của chính chúng ta. Hoặc, với tư cách là một Giáo hội, chúng tanghĩ rằng chúng ta có thể tìm ra câu trả lời cho những đau khổ và nhu cầu của mọi người thông qua các nguồn nhân lực, như tiền bạc, trí thông minh hoặc quyền lực. Thay vào đó, mọi điều chúng ta hoàn thành đều đến từ Thiên Chúa: Người là Chúa, và chúng ta được kêu gọi trở thành công cụ ngoan ngoãn trong tay Người. Môsê đã học được điều này khi, một ngày nọ, Thiên Chúa hiện ra với ông “trong ngọn lửa từ bụi gai” (Xh 3:2). Môsê thấy mình bị thu hút bởi cảnh tượng này; ông cởi mở để kinh ngạc và vì vậy, một cách nhu mì, ông tiến gần ngọn lửa đang cháy một cách kỳ lạ đó. Ông nghĩ: “Ta phải lại xem cảnh tượng vĩ đại này, và xem tại sao bụi gai không bị thiêu rụi” (c. 3). Đây là loại nhu mì hiền lành mà chúng ta cần trong thừa tác vụ của mình: sẵn sàng đến gần Thiên Chúa trong sự kinh ngạc và khiêm nhường. Anh chị em thân mến, anh chị em đừng đánh mất sự kỳ diệu của cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa! Đừng đánh mất sự ngạc nhiên khi tiếp xúc với lời Chúa. Môsê để mình được lôi kéo đến với Thiên Chúa và được Người hướng dẫn. Quyền tối thượng không phải của chúng ta, quyền tối thượng là của Thiên Chúa: tín thác vào lời của Người trước khi chúng ta bắt đầu sử dụng lời của mình, ngoan ngoãn chấp nhận sáng kiến của Người trước khi chúng ta bị cuốn vào các dự án cá nhân và giáo hội của mình.

Bằng cách để cho Chúa uốn nắn mình trong sự nhu mì, chúng ta cảm nghiệm được sự đổi mới trong thừa tác vụ của mình. Trước sự hiện diện của Vị Mục Tử Nhân Lành, chúng ta nhận ra rằng chúng ta không phải là những thủ lĩnh bộ lạc, nhưng là những mục tử đầy lòng cảm và xót thương; không phải là lãnh chúa, mà là tôi tớ cúi xuống rửa chân cho anh chị em chúng ta; chúng ta không phải là một cơ quan thế gian quản lý của cải trần gian, mà là cộng đồng con cái của Thiên Chúa. Anh chị em thân mến, chúng ta hãy làm như Môsê đã làm trước mặt Thiên Chúa. Chúng ta hãy cởi dép ra với lòng kính sợ khiêm tốn (xem câu 5) và từ bỏ lòng tự phụ của con người. Chúng ta hãy để mình được lôi kéo đến với Chúa và dành thời giờ cầu nguyện với Người. Mỗi ngày chúng ta hãy đến với mầu nhiệm của Thiên Chúa, để Người có thể làm chúng ta ngạc nhiên và đốt cháy những thứ gỗ chết khô của lòng kiêu hãnh và những tham vọng quá độ của chúng ta, và biến chúng ta thành những người bạn đồng hành khiêm nhường của tất cả những người được giao phó cho chúng ta chăm sóc.

Được lửa Thiên Chúa thanh tẩy và soi sáng, Môsê đã trở thành phương tiện cứu độ cho những anh chị em đau khổ của mình. Sự nhu mì của ông trước mặt Thiên Chúa khiến ông có khả năng cầu thay cho họ. Đây là khía cạnh thứ hai trong tính cách của ông mà tôi muốn thảo luận hôm nay: Môsê là một người cầu thay. Ông kinh nghiệm về một Thiên Chúa đầy lòng cảm thương, Đấng nghe thấy tiếng kêu cứu của dân Người và xuống giải cứu họ. Cụm từ này thật hay: Người xuống thế. Thiên Chúa giáng thế để giải cứu họ. Trong “sự hạ cố” của mình, Thiên Chúa xuống giữa chúng ta, thậm chí mặc lấy xác phàm của chúng ta trong Chúa Giêsu, trải qua cái chết và những giây phút hỏa ngục nhất của chúng ta. Người không ngừng xuống thế để nâng chúng ta lên. Những người cảm nghiệm Người được dẫn dắt để bắt chước Người. Giống như Môsê, người đã “xuống” ở giữa dân của mình nhiều lần trong thời gian lưu trú trong sa mạc. Thật vậy, vào những thời điểm quan trọng và thử thách nhất, ông sẽ lên núi có sự hiện diện của Thiên Chúa để chuyển cầu cho dân, nghĩa là, đứng vào vị trí của họ để đưa họ đến gần Thiên Chúa hơn, rồi đi xuống. Thưa các anh chị em, cầu thay “không có nghĩa đơn giản là ‘cầu nguyện cho ai đó’, như chúng ta thường nghĩ. Về mặt từ nguyên, nó có nghĩa là ‘bước vào giữa’, sẵn sàng bước vào giữa một tình huống” (C.M. Martini, Un grido di intercessione, Milan, 29 tháng 1, 1991). Đôi khi chúng ta không đạt được nhiều, nhưng chúng ta cần dâng lên một tiếng kêu cầu thay. Như vậy, chuyển cầu là đi xuống và đặt mình ở giữa dân tộc của mình, đóng vai trò như nhịp cầu nối họ với Thiên Chúa.

Chính nghệ thuật “đứng giữa” anh chị em chúng ta này mà các mục tử của Giáo hội cần trau dồi; đây phải là đặc điểm của họ: khả năng bước vào giữa những đau khổ và nước mắt của họ, vào giữa sự đói khát Thiên Chúa và khát khao tình yêu của họ. Nhiệm vụ đầu tiên của chúng ta không phải là trở thành một Giáo hội được tổ chức hoàn hảo – bất cứ công ty nào cũng có thể làm được điều này – nhưng là một Giáo hội, nhân danh Chúa Kitô, đứng giữa cuộc sống đầy khó khăn của mọi người, một Giáo hội sẵn sàng làm bẩn tay mình cho mọi người. Chúng ta không bao giờ được thi hành thừa tác vụ của mình bằng cách đuổi theo uy tín tôn giáo hay xã hội – sự xấu xa của chủ nghĩa nghề nghiệp – nhưng đúng hơn là bằng cách đi giữa và bên cạnh giáo dân của chúng ta, học cách lắng nghe và đối thoại, hợp tác như những thừa tác viên với nhau và với giáo dân. Hãy để tôi nhắc lại hạn từ quan trọng này: cùng nhau. Chúng ta đừng bao giờ quên điều đó: cùng nhau. Các giám mục và linh mục, linh mục và phó tế, mục tử và chủng sinh, thừa tác viên thụ phong và tu sĩ – luôn thể hiện sự tôn trọng đối với tính đặc thù tuyệt vời của đời sống tu trì. Chúng ta hãy cố gắng hết sức để xua đuổi sự cám dỗ của chủ nghĩa cá nhân, của lợi ích đảng phái. Thật đáng buồn biết bao khi các mục tử của Giáo hội không có khả năng hiệp thông, khi họ không hợp tác và thậm chí phớt lờ nhau! Chúng ta hãy vun đắp sự tôn trọng lẫn nhau, gần gũi và hợp tác thiết thực. Nếu chính chúng ta không làm được điều này, làm sao chúng ta có thể rao giảng cho người khác?

Bây giờ chúng ta hãy trở lại với Môsê và suy ngẫm về nghệ thuật cầu thay, chúng ta hãy nhìn vào đôi tay của ông. Kinh Thánh cống hiến cho chúng ta ba hình ảnh về vấn đề này: Môsê tay cầm gậy, Môsê dang tay, Môsê giơ tay lên trời.

Hình ảnh đầu tiên, Môsê với cây gậy trong tay, cho chúng ta biết rằng ông cầu thay bằng lời tiên tri. Với cây gậy đó, ông làm những điều kỳ diệu, những dấu hiệu về sự hiện diện và quyền năng của Thiên Chúa; ông lên tiếng nhân danh Thiên Chúa, mạnh mẽ tố cáo sự áp bức mà người dân đang chịu đựng, và yêu cầu Pharaô để họ ra đi. Anh chị em thân mến, chúng ta cũng được mời gọi để chuyển cầu cho người dân của chúng ta, lên tiếng chống lại sự bất công và lạm dụng quyền lực áp bức và sử dụng bạo lực để đạt được mục đích của riêng họ giữa đám mây xung đột. Nếu chúng ta muốn là những mục tử chuyển cầu, chúng ta không thể giữ thái độ trung lập trước những nỗi đau do những hành vi bất công và bạo lực gây ra. Vi phạm các quyền căn bản của bất cứ người nam hay người nữ nào là xúc phạm đến chính Chúa Kitô. Tôi rất vui khi nghe lời chứng của Cha Luka rằng Giáo hội không mệt mỏi thực hiện một sứ vụ vừa mang tính tiên tri vừa mang tính mục vụ. Cảm ơn cha! Cảm ơn cha vì nếu có một cám dỗ mà chúng ta phải đề phòng, thì đó là để mọi sự như hiện tại và không tham gia vào các tình huống vì sợ mất đặc quyền và đặc lợi.

Hình ảnh thứ hai là hình ảnh Môsê với đôi tay dang rộng. Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng ông “đã giơ tay trên biển” (Xh 14:21). Đôi bàn tay mở rộng của ông là dấu hiệu cho thấy Thiên Chúa sắp thể hiện quyền năng của mình. Sau đó, ông Môsê sẽ cầm các bản Luật trong tay (x. Xh 34,29) và cho dân xem; bàn tay giơ cao của ông chứng tỏ sự gần gũi của Thiên Chúa, Đấng luôn tích cực đồng hành với dân của Người. Tự nó, lời tiên tri không đủ để giải thoát khỏi sự dữ: cần giang rộng vòng tay với anh chị em của chúng ta, để nâng đỡ họ trên hành trình của họ; vuốt ve đàn chiên của Chúa. Chúng ta có thể hình dung Môsê chỉ đường và nắm tay mọi người để khuyến khích họ kiên trì. Trong bốn mươi năm, ở tuổi già, ông vẫn ở bên cạnh họ: đó là ý nghĩa của sự gần gũi. Đó không phải là một nhiệm vụ dễ dàng: ông thường phải nâng đỡ tinh thần của những người đang chán nản và mệt mỏi, đói và khát, thậm chí đôi khi còn ương ngạnh và dễ càu nhàu và thờ ơ. Khi làm như vậy, Môsê cũng phải đấu tranh với chính mình, vì nhiều lúc, ông cũng trải qua những giây phút tăm tối và cô đơn, như khi ông thưa với Chúa: “Sao Chúa nỡ xử tệ với tôi tớ Chúa như vậy? Tại sao tôi không được ơn trước mặt Ngài, mà Ngài lại đặt gánh nặng của cả dân tộc này cho tôi? … Một mình tôi không thể gánh nổi cả dân tộc này, vì họ quá nặng đối với tôi” (Ds 11:11, 14). Hãy nhìn cách Môsê cầu nguyện: ông mệt mỏi. Tuy nhiên, ông không lùi bước: luôn gần gũi Chúa, ông không quay lưng lại với dân tộc của ông. Đây cũng là công việc của chúng ta: dang tay ra, đánh thức anh chị em của chúng ta, nhắc nhở họ rằng Thiên Chúa trung thành với các lời hứa của Người, thúc giục họ tiến bước. Bàn tay của chúng ta được “xức dầu bằng Thần Khí” không chỉ để thực hiện các nghi thức thiêng liêng, mà còn để khuyến khích, giúp đỡ và đồng hành với mọi người bỏ lại phía sau bất cứ điều gì làm họ tê liệt, khép kín họ và khiến họ sợ hãi.

Cuối cùng – hình ảnh thứ ba – Môsê với hai tay giơ lên trời. Khi dân chúng sa vào tội lỗi và làm một con bò con bằng vàng cho mình, Môsê lại đi lên núi – hãy nghĩ xem ông phải có sự kiên nhẫn lớn biết bao! – và đọc một lời cầu nguyện, cho thấy ông vật lộn với Thiên Chúa, cầu xin Người đừng bỏ rơi Israel. Ông đi xa đến mức nói: “Dân này đã phạm một tội lớn; họ đã làm cho mình những vị thần bằng vàng. Nhưng bây giờ, xin Chúa tha tội cho họ, bằng không, xin xóa tên tôi khỏi cuốn sách Chúa đã viết” (Xh 32:31-32). Môsê đứng với dân chúng cho đến phút cuối cùng, giơ tay thay mặt họ. Ông không nghĩ đến việc tự cứu mình; ông không bán đứng nhân dân vì lợi ích của mình! Ông can thiệp, ông vật lộn với Thiên Chúa; ông vẫn giơ tay cầu nguyện trong khi các anh em ông chiến đấu trong thung lũng bên dưới (x. Xh 17,8-16). Mang những cuộc đấu tranh của người dân đến trước mặt Thiên Chúa trong lời cầu nguyện, nhận được sự tha thứ cho họ, thực hiện sự hòa giải như những máng chuyển của lòng Thiên Chúa thương xót: đây là nhiệm vụ của chúng ta trong tư cách những người chuyển cầu.

Anh chị em thân mến, đôi bàn tay tiên tri này, vươn ra và giơ cao, đòi hỏi nỗ lực rất nhiều, điều này không dễ dàng chút nào. Để trở thành những ngôn sứ, những người bạn đồng hành và những người chuyển cầu, để thể hiện bằng cuộc sống của chúng ta mầu nhiệm về sự gần gũi của Thiên Chúa với dân của Người, chúng ta có thể phải trả giá bằng mạng sống của mình. Nhiều linh mục và tu sĩ – như Nữ tu Regina đã nói với chúng ta về các chị em của mình – đã là nạn nhân của bạo lực và các cuộc tấn công khiến họ mất mạng. Một cách rất thực tế, họ đã hiến mạng sống mình vì Tin Mừng. Sự gần gũi của họ với các anh chị em của họ là một bằng chứng kỳ diệu mà họ để lại cho chúng ta, một di sản mời gọi chúng ta tiếp tục sứ mệnh của họ. Chúng ta hãy nghĩ đến Thánh Daniele Comboni, người đã cùng với các anh em thừa sai của mình thực hiện một công việc truyền giáo vĩ đại ở vùng đất này. Ngài thường nói rằng một nhà truyền giáo phải sẵn sàng làm bất cứ điều gì vì Chúa Kitô và Tin Mừng. Chúng ta cần những tâm hồn can đảm và quảng đại sẵn sàng chịu đau khổ và chết vì Châu Phi.

Vì vậy, tôi muốn cảm ơn anh chị em vì tất cả những gì anh chị em làm giữa rất nhiều thử thách và đau khổ. Thay mặt cho toàn thể Giáo hội, tôi xin cảm ơn anh chị em về sự cống hiến, lòng dũng cảm, sự hy sinh và sự kiên nhẫn của anh chị em. Cảm ơn anh chị em! Anh chị em thân mến, tôi cầu nguyện để anh chị em luôn là những mục tử và chứng nhân quảng đại, chỉ được trang bị bằng lời cầu nguyện và tình yêu; các mục tử và nhân chứng tự để bản thân mình, trong sự hiền lành nhu mì, không ngừng ngạc nhiên trước ân sủng của Thiên Chúa; và trở thành một phương tiện cứu rỗi cho những người khác, những mục tử và nhà tiên tri của sự gần gũi, những người đồng hành với mọi người, những người chuyển cầu với những cánh tay giơ cao. Xin Đức Trinh Nữ Maria bảo vệ anh chị em. Giờ phút này, chúng ta hãy thinh lặng nhớ lại những anh chị em của chúng ta, những người đã hy sinh mạng sống của họ trong thừa tác mục vụ ở đây, và chúng ta hãy cảm tạ Chúa vì Người luôn ở gần chúng ta. Chúng ta hãy cảm tạ Chúa vì sự “tử vì đạo” của họ đã đến gần. Chúng ta hãy cầu nguyện trong thinh lặng.

Cảm ơn vì sự chứng tá của anh chị em. Và, nếu anh chị em có chút thời gian, xin hãy cầu nguyện cho tôi. Cảm ơn anh chị em.