Mỗi khi chính quyền Trung Quốc nói về vai trò của các tôn giáo trong nước, họ đều nhấn mạnh đến sự cần thiết phải “Trung Quốc hóa”.
Trong bài phát biểu tại Đại hội lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc đánh dấu nhiệm kỳ thứ ba của ông, Chủ tịch Tập Cận Bình đã tái khẳng định cam kết “Trung Quốc hóa tôn giáo, hướng dẫn tôn giáo và xã hội xã hội chủ nghĩa thích ứng với bối cảnh Trung Quốc”. Nhưng Trung Quốc hóa cụ thể nghĩa là gì?
Một ví dụ về cách các cơ quan chính quyền muốn chính sách này được hiểu có thể thấy từ một cuộc triển lãm khai mạc gần đây tại Tòa Tổng Giám mục ở Bắc Kinh đánh dấu kỷ niệm 15 năm bổ nhiệm Đức Cha Giuse Lý Sơn làm Tổng Giám mục thủ đô vào năm 2007 với sự đồng ý của Tòa thánh ngay cả trước khi ký Thỏa thuận tạm thời 2018.
Vài tháng trước, Đức Cha Lý Sơn đã trở thành chủ tịch của Hiệp hội Công Giáo Yêu nước Trung Quốc, cơ quan chính phủ chính thức kiểm soát đời sống của Giáo hội ở Trung Quốc. Có lẽ đây cũng là lý do tại sao người ta quyết định đánh dấu lễ kỷ niệm bằng một cái gì đó đề cập rõ ràng đến chỉ thị mà Tập Cận Bình nhấn mạnh.
Với tựa đề “Vinh danh trời thương quê hương. Lịch sử Trung Quốc hóa Công Giáo ở Bắc Kinh”, triển lãm bao gồm 41 phòng với hơn 600 hình ảnh.
Theo một tuyên bố từ giáo phận Bắc Kinh, phải mất 16 tháng làm việc và năm vòng thảo luận giữa các chuyên gia, với nhiều bản thảo viết đi viết lại, để sắp xếp một cách có hệ thống và tóm tắt một cách thấu đáo quá trình lịch sử Trung Quốc hóa đạo Công Giáo ở Bắc Kinh.
Ban giới thiệu giải thích rằng mục đích của sáng kiến này là thúc đẩy hơn nữa quá trình Trung Quốc hóa Công Giáo, để hiểu rõ hơn về tuyên bố quan trọng của Tổng bí thư Tập Cận Bình về tôn giáo, quảng bá nền văn hóa Trung Quốc xuất sắc, củng cố niềm tin văn hóa và khám phá các nguồn tài nguyên văn hóa Công Giáo phong phú của Bắc Kinh.
Từ những hình ảnh được chụp từ cuộc triển lãm và được đăng trên tài khoản WeChat của giáo phận Bắc Kinh, rõ ràng lòng yêu nước được thể hiện nổi bật hơn đức tin Công Giáo. Hình ảnh của linh mục Dòng Tên vĩ đại Matteo Ricci và một số ví dụ về những nỗ lực quan trọng đầu tiên trong việc hội nhập văn hóa xuất hiện trong phần về nguồn gốc lịch sử của quá trình Trung Quốc hóa.
Nhìn chung, lịch sử của các thực thể yêu nước được nhấn mạnh nhiều hơn với Giám mục Phó Thiết Sơn (Fu Tieshan) sinh năm 1931 và qua đời năm 2007. Ông ta là nhân vật chủ chốt ở Bắc Kinh bảo vệ ý tưởng về một Giáo hội “tự trị” độc lập hoàn toàn khỏi Rôma.
Source:Asia News