1. Cái giá phải trả về mặt đạo đức của hiệp ước Trung hoa -Vatican quá lớn
Benedict Rogers là người đồng sáng lập và là Giám đốc điều hành của Hương Cảng Watch. Ông vừa có bài viết nhan đề: “Uy tín và thẩm quyền đạo đức của Giáo hội đang bị đe dọa nghiêm trọng”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Lan Vy
Cách đây 8 năm, tôi đã viết một bài báo cho tờ Catholic Herald, trong đó tôi cảnh cáo rằng một thỏa thuận giữa Vatican và Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ là “một canh bạc nguy hiểm”. Hai năm sau bài báo đó, Vatican đã ký thỏa thuận bí mật với Bắc Kinh; niềm an ủi duy nhất là đó là một thỏa thuận tạm thời, sẽ được duyệt lại hai năm một lần. Kể từ đó những lời cầu nguyện của tôi đã không được đáp ứng, và những mối quan tâm của tôi đã được chứng thực quá lòng mong đợi.
Vào ngày 22 tháng 10 năm nay, lễ Thánh Gioan Phaolô II, khi Đảng Cộng sản Trung Quốc kết thúc Đại hội Đảng lần thứ 20, Vatican xác nhận rằng họ đã gia hạn thỏa thuận này lần thứ hai. Nếu đã có bất cứ duyệt xét nào, thì duyệt xét này đã không có tính minh bạch. Chi tiết của nó vẫn chưa được biết; toàn bộ văn bản vẫn được giữ bí mật và những lợi ích của nó hoàn toàn khó nắm bắt. Nếu nó đáng để gắn bó với, các kiến trúc sư của nó có nên giữ kín toàn bộ thỏa thuận không, hay nên giải thích chiến lược dài hạn, bảo vệ lập trường của mình và đàm luận với các nhà phê bình?
Đức Giáo Hoàng Phanxicô thường xuyên nói về sự bất công. Khi chủ trì buổi đọc kinh Truyền tin ở quảng trường Thánh Phêrô, ngài đã cầu nguyện cho nơi này hay nơi khác của thế giới, một cuộc khủng hoảng bách hại, một cuộc xung đột hoặc đàn áp. Ngài đã dành sự quan tâm nhất quán đến Miến Điện và nạn diệt chủng Rohingyas; ngài thường nói về các Kitô hữu và người Yazidis đang phải đối đầu với cuộc bách hại ở Trung Đông. Quốc gia duy nhất mà ngài hầu như không nói gì là Trung Quốc, nơi tình hình ảnh hưởng đến hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ đã được các Ngoại trưởng Mỹ liên tiếp công nhận là một tội ác diệt chủng.
Một số quốc hội đã thỏa thuận, cũng như có một tòa án độc lập do Sir Geoffrey Nice KC chủ tọa, người đã truy tố Slobodan Milosevic. Tuy nhiên, chỉ một lần Đức Giáo Hoàng Phanxicô đề cập đến họ, hai năm trước trong cuốn sách Chúng ta hãy mơ: “Tôi thường nghĩ đến những dân tộc bị đàn áp: người Rohingya, người Duy Ngô Nhĩ đáng thương, người Yazidi.” Nhưng “những người Duy Ngô Nhĩ đáng thương” - ít nhất một triệu người trong số họ đang phải chịu đựng những điều kiện trong các trại giam mà các nhà lãnh đạo Do Thái đã so sánh với Hoạ Diệt chủng - đã không được đề cập đến kể từ đó. Phần còn lại của thế giới cuối cùng cũng thức dậy trước những hành động tàn bạo ở Tân Cương - bao gồm lao động nô lệ, tra tấn và đàn áp tôn giáo nghiêm trọng - trong khi Rome vẫn ngủ mê.
Các hành động tàn bạo vẫn tiếp diễn ở Tây Tạng, tuy nhiên Đức Giáo Hoàng Phanxicô là vị giáo hoàng đầu tiên trong nhiều thập niên không gặp Đức Đạt Lai Lạt Ma. Trung Quốc thu hoạch nội tạng từ các tù nhân lương tâm, tuy nhiên vào năm 2017, cựu Thứ trưởng Y tế Hoàng Khiết Phu ( Huang Jiefu, 黄洁夫) - một trong những tác giả của tội ác khủng khiếp này - đã được Học viện Khoa học Giáo hoàng mời phát biểu về chủ đề này. Bắc Kinh gần đây đã xé bỏ một hiệp ước quốc tế là Tuyên bố chung Trung-Anh, liên quan đến Hương Cảng và phá hủy các quyền tự do, pháp quyền và quyền tự chủ mà họ đã hứa - thế mà Vatican đã tái gia hạn thỏa thuận với chế độ của Tập Cận Bình.
Nếu cuộc sống của người Công Giáo ở Trung Quốc được cải thiện nhờ thỏa thuận, thì Rôma có thể giải thích những thỏa hiệp mà họ đã thực hiện. Mặc dù Tòa Thánh phải là tiếng nói của lương tâm đối với nhân quyền, phẩm giá con người, sự sống con người và công lý của con người cho tất cả mọi người, nhưng trước hết Vatican phải có trách nhiệm với đoàn chiên của mình. Nếu thỏa thuận này đã tạo ra sự tự do lớn hơn cho người Công Giáo, và một cuộc đối thoại có ý nghĩa với Đảng Cộng sản Trung Quốc về những mối quan tâm rộng lớn hơn, thì những người như tôi đã giữ miệng lưỡi rồi. Nhưng sự thật không thể tránh khỏi là: điều ngược lại đã diễn ra. Thỏa thuận này là đồng phạm của những cuộc đàn áp lớn hơn đối với người Công Giáo, một sự tăng cường đàn áp các Kitô hữu trên phạm vi rộng hơn, và tô vôi lên những hành động tàn bạo khác.
Các Kitô hữu Trung Quốc đang phải đối đầu với cuộc đàn áp tồi tệ nhất kể từ sau Cách mạng Văn hóa. Các nhà thờ do nhà nước quản lý đang bị giám sát gắt gao, người dưới 18 tuổi bị cấm đến nơi thờ phượng, chia sẻ tài liệu tôn giáo trực tuyến bị cấm và các nhà thờ được yêu cầu trưng bầy hình ảnh của Tập Cận Bình và các biểu ngữ tuyên truyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc bên cạnh - hoặc đôi khi thay thế hẳn cho các hình ảnh tôn giáo. Không có một giám mục hoặc linh mục Công Giáo nào trong tù trước thỏa thuận được trả tự do; điều kiện tiên quyết cho thỏa thuận đáng lẽ phải là việc trả tự do cho các giáo sĩ Công Giáo bị cầm tù. Không rõ liệu điều đó có lọt vào mục đích nói chuyện của nhóm đàm phán Vatican hay không, nhưng nếu họ nêu ra thì họ đã ra về tay trắng.
Tệ hơn nữa, một số giáo sĩ Công Giáo đã bị bắt kể từ khi có thỏa thuận này - vì thỏa thuận - và một số giám mục trung thành với Rome trong nhiều thập niên đã bị buộc phải nghỉ hưu nhường chỗ cho các ứng viên ưa thích của Bắc Kinh. Chỉ hai tháng sau khi thỏa thuận được công bố, Đức Cha Phêrô Thiệu Chúc Mẫn (Shao Zhumin, 邵祝敏) của Ôn Châu đã bị bắt lần thứ năm trong hai năm. Vào tháng Giêng năm 2020, Đức Cha Vinh Sơn Quách Hy Cẩm (Guo Xijin - 郭希錦) của Mân Đông - người đã bị giáng chức xuống vị trí Giám Mục Phụ Tá để nhường chỗ cho một giám mục do Bắc Kinh bổ nhiệm - đã bị chính quyền buộc phải rời khỏi nơi cư trú của ngài nơi đã bị đóng cửa. Kết cục, ngài đã ngủ ở ngưỡng cửa văn phòng nhà thờ của mình; sau khi quốc tế phản đối kịch liệt, ngài đã được phép trở lại căn hộ của mình, nhưng với các tiện ích bị cắt giảm.
Vào tháng 6 năm 2020, Đức Cha Augustinô Thôi Thái (Cui Tai - 崔泰), Giám mục phó giáo phận Tuyên Hóa (Xuanhua - 宣化), lại bị bắt đi – sau khi đã phải chịu 13 năm giam giữ. Nơi ở của ngài vẫn chưa được biết. Vào ngày 21 tháng 5 năm 2021, cảnh sát Trung Quốc đã bắt giữ Đức Cha Giuse Trương Vĩ Trụ (Zhang Weizhu, 张伟柱) của Giáo phận Tân Hương ở tỉnh Hà Nam, một ngày sau khi họ bắt giữ bảy linh mục của ngài và một số lượng không xác định chủng sinh vì bị cáo buộc vi phạm các quy định mới của đất nước về các vấn đề tôn giáo. Ngài đã bị giam giữ kể từ đó và nơi ở của ngài cũng không rõ. Không ai biết hai vị giáo phẩm này đang được giam giữ ở đâu, nhưng tiếng nói của Vatican nhân danh họ vẫn chưa được nghe thấy.
Năm nay, một trong những giám mục cao cấp và được kính trọng nhất của Giáo hội, Giám mục hưu trí 90 tuổi của Hương Cảng, Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân, đã bị bắt; ngài hiện đang bị xét xử. Phản hồi của Vatican đã bị tắt tiếng, và không nên quên rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã từ chối gặp ngài trong lần cuối ngài viếng thăm Rôma. Trái ngược với tuyên bố lấp lửng của Vatican về “mối quan tâm”, Chủ tịch Liên đoàn các Hội đồng Giám mục Á Châu, Hồng Y Charles Bo của Miến Điện, đã đưa ra một tuyên bố mạnh mẽ lên án vụ bắt giữ và nhấn mạnh rằng trong khi “đối với người dân Hương Cảng, ngày nay càng ngày càng khó lên tiếng một cách tự do”, vì vậy “những người trong chúng ta ở bên ngoài Hương Cảng, những người có tiếng nói phải thay mặt họ sử dụng tiếng nói này”.
Quy phục một chế độ mà các nhà ngoại giao của nó tấn công một cách dã man những người biểu tình ôn hòa như họ đã làm tại lãnh sự quán của họ ở Manchester vào tháng 10 là sai lầm. Việc gia hạn một thỏa thuận với một chế độ đã lôi kéo một cựu lãnh đạo ốm yếu, Hồ Cẩm Đào, ra khỏi Đại hội Đảng và tới một số phận không xác định trước ống kính và dưới cái nhìn của Tập Cận Bình là vô đạo đức. Và để làm được tất cả những điều này trong khi các giáo sĩ Công Giáo đang ngồi tù, một Hồng Y đang bị xét xử vì những cáo buộc bịp bợm và một cuộc diệt chủng đang diễn ra là điều không thể giải thích được. Nếu Vatican không chịu lắng nghe lý lẽ, thì những người Công Giáo có ảnh hưởng trên toàn thế giới phải nói to và rõ ràng với Đức Thánh Cha và thúc giục ngài suy nghĩ lại lập trường của mình.
Tính chất khả tín và thẩm quyền đạo đức của Giáo hội đang bị đe dọa, vì nếu cái giá của một thỏa thuận với Bắc Kinh là sự im lặng của Rôma đối với một số hành vi tàn bạo nghiêm trọng nhất trong thời đại của chúng ta, thì cái giá đó quá cao; thỏa thuận bẩn thỉu, ranh mãnh này đã khiến trái tim của Vatican bị đổ máu và các ngón tay của Tòa Thánh rỉ máu. Tòa Thánh cần cấp bách ngừng im lặng trước cái ác, buông tay ma quỷ, và thay vào đó đứng lên chống lại những kẻ độc tài ở Bắc Kinh nhân danh sự thật, công lý và tự do.
Tinh thần của Thánh Gioan Phaolô II, người đã giúp chấm dứt Chiến tranh Lạnh và đánh bại chế độ chuyên chế của Cộng sản ở Đông Âu - và vào ngày lễ trọng năm nay, khi thỏa thuận được tái tục một cách đáng tiếc - sẽ truyền cảm hứng cho Vatican để tiếp tục đấu tranh cho Đức Hồng Y Quân, người bị bỏ tù, các giáo sĩ trên khắp Trung Quốc, những người theo đạo Tin lành bị đàn áp, các học viên Pháp Luân Công, người Tây Tạng, các nhà hoạt động dân chủ Hương Cảng và người Duy Ngô Nhĩ. Nếu Giáo hội không thể làm điều đó, thì chắc chắn Giáo hội sẽ phải đối đầu với sự phán xét - trong thế giới này hay thế giới tiếp theo.
2. Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk gặp một số đại sứ cạnh Tòa Thánh
Hôm 14 tháng Mười Một vừa qua, Đức Tổng Giám Mục Trưởng Sviatoslav Shevchuk, Giáo chủ Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương, đã gặp gỡ một số các vị đại sứ cạnh Tòa Thánh.
Trong cuộc gặp gỡ tại dinh thự Rovera của Hội Hiệp sĩ thánh mộ Giêrusalem gần Vatican, Đức Tổng Giám Mục Shevchuk đã trình bày về diễn tiến chiến tranh tại Ukraine, cũng như việc phục vụ của Giáo hội và những diễn tiến cần thiết để tiến tới một nền hòa bình công chính trước sự xâm lăng của Nga.
Tham dự cuộc gặp gỡ có khoảng 30 vị đại sứ, theo sáng kiến của Văn phòng Tổng thư ký của Đức Tổng Giám Mục Trưởng ở Roma. Hiện diện trong dịp này, cũng có Đức Hồng Y Fernando Filoni, Thủ lãnh Hội Hiệp sĩ Thánh Mộ.
Trong bài tường trình, Đức Tổng Giám Mục Shevchuk chia sẻ những dữ kiện bi thảm về tình trạng nhân đạo ở Ukraine, nhắc đến những quyền bị vi phạm trong chiến tranh do các lực lượng Nga gây nên, quyền sống trong an ninh, những vi phạm quyền cư trú, trợ giúp y tế và giáo dục. Ngài cũng tố giác quân Nga sử dụng những võ khí bị cấm chống lại thường dân và những đối tượng dân sự, sự vi phạm tự do, và sự cưỡng bách di cư của dân chúng Ukraine do chiến tranh, kể cả những vụ phát lưu dân sang Liên bang Nga.
Tuy có nhiều sự kiện tiêu cực, nhưng Đức Tổng Giám Mục Trưởng cũng nói đến những dấu chỉ hy vọng, được trình bày qua một băng Video ngắn, về một người trẻ Nga chống lại chiến tranh tại Ukraine. Tuy nhiên, Đức Giáo chủ nhận định rằng viễn tượng hòa bình và cuộc sống sau chiến tranh vẫn là một câu hỏi bỏ ngỏ, điều này chỉ có thể diễn ra sau khi làm sáng tỏ sự thật về những gì xảy ra, công lý và sự hoán cải tâm hồn. Nhưng điều chắc chắn đó không phải là một con đường dễ dàng.
Đức Tổng Giám Mục Trưởng không quên chia sẻ một số kinh nghiệm bản thân về những gì đã thấy tận mắt khi viếng thăm những thành phố “tử đạo”, như Bucha và Irpin, cũng như trình bày về những khó khăn thường nhật của những người sống tại Ukraine. Sau cùng, ngài bày tỏ sự hãnh diện về những dấn thân của Giáo hội trong việc trợ giúp những người túng thiếu nhất. Đức Tổng Giám Mục nói: Tôi hãnh diện về những giám mục, linh mục, đan sĩ nam nữ của tôi quyết định ở lại với dân chúng”.