1. Thành phố Trung Quốc nới lỏng phong tỏa sau nhiều đêm biểu tình chống lại các quy định về COVID
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Theo Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Úc các cuộc biểu tình chính trị lớn nhất của Trung Quốc trong nhiều năm qua đã bắt đầu vào ngày 25 tháng 11 và đã lan đến 51 địa điểm trên 24 thành phố. Họ cũng nhận định rằng chiến lược của bọn cầm quyền Trung Quốc hiện nay là “mềm nắn rắn buông”.
Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Chinese City Eases Lockdowns After Nights of Protests Against COVID Rules”, nghĩa là “Thành phố Trung Quốc nới lỏng phong tỏa sau nhiều đêm biểu tình chống lại các quy định về COVID.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Anh Chi.
Một siêu đô thị ở miền nam Trung Quốc đã tuyên bố đảo ngược lệnh phong tỏa gắt gao trên hàng loạt quận vào hôm thứ Năm sau những đêm bạo loạn về các chính sách hạn chế COVID-19.
Tại Quảng Châu, thủ phủ của tỉnh Quảng Đông, các quận bao gồm Hải Châu, Bạch Vân, Thái Đạo, Thiên Hà, Tung Hoa, Hoa Đô và Lệ Loan cho biết các hạn chế di chuyển sẽ được dỡ bỏ để thực hiện kế hoạch tối ưu hóa bao gồm 20 điểm do chính quyền trung ương công bố vào đầu tháng này. Tuy nhiên, các khu vực “rủi ro cao” sẽ vẫn bị phong tỏa.
Trung tâm sản xuất gần 19 triệu dân này là nơi sinh sống của nhiều lao động nhập cư. Thành phố này là một trong những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi chính sách hạn chế COVID đối với nền kinh tế Trung Quốc, một chính sách đã đóng cửa các nhà máy và ngăn cản những người lao động không có việc làm trở về quê hương bản quán hoặc tìm kiếm việc làm ở các khu vực khác.
Cư dân của Quảng Châu nằm trong số những người trên khắp đất nước đã xuống đường biểu tình trước sự kiểm soát đại dịch quá đáng và không khoan nhượng của chính phủ. Các cuộc đụng độ bất thường với cảnh sát địa phương ở một số quận đã diễn ra trong ít nhất hai tuần qua.
Các cuộc biểu tình được tường trình là vẫn tiếp tục ở Hải Châu, một quận có khoảng 1.8 triệu người, theo đoạn phim truyền thông xã hội được đăng lại trên Twitter, nơi những người biểu tình Trung Quốc và cộng đồng người hải ngoại đã sử dụng để lưu trữ các video kỹ thuật số thoát được bức tường lửa kiểm duyệt vĩ đại của Trung Quốc.
Các video cho thấy những người biểu tình ném chai thủy tinh vào cảnh sát mặc đồ bảo hộ cầm khiên chống bạo động. Trong một clip khác, một cuộc biểu tình nhỏ dường như bị giải tán bằng hơi cay.
Một báo cáo của Reuters đã xác minh đoạn phim được quay ở Hải Châu, nhưng các sự kiện dẫn đến cuộc đụng độ vẫn chưa rõ ràng. Báo cáo của các nhân chứng trên mạng xã hội cho biết sự bất bình gia tăng vượt quá giới hạn khi người dân càng ngày càng cảm thấy khó khăn trong việc đi lại và mua các nhu yếu phẩm hàng ngày.
Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc hôm thứ Tư cho biết nước này đã ghi nhận 37,828 ca nhiễm COVID mới vào ngày 29 tháng 11, trong đó cứ 10 người thì có khoảng 1 người có triệu chứng. Như vậy là số ca nhiễm mới đang giảm trong hai ngày qua sau khi Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc báo cáo số ca nhiễm gia tăng liên tục ở mức kỷ lục trong 5 ngày liên tiếp khi Trung Quốc đối mặt với đợt bùng phát dịch lớn nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu cách đây 3 năm.
Giống như đợt bùng phát lớn trước đó ở Thượng Hải vào mùa xuân vừa qua, phần lớn các ca bệnh đều không có triệu chứng và tỷ lệ tử vong vẫn ở mức thấp. Số người chết chính thức của Trung Quốc là 5,233, không có trường hợp tử vong mới trong 48 giờ qua.
Biến thể Omicron có khả năng lây truyền cao nhưng ít nghiêm trọng hơn đang góp phần gây ra sự bất bình của công chúng về chiến lược Zero-COVID do Chủ tịch Tập Cận Bình hô hào. Ông Tập Cận Bình đòi phải đóng cửa liên tục và xét nghiệm hàng loạt thường xuyên.
Các cuộc biểu tình chính trị lớn nhất của Trung Quốc trong nhiều năm bắt đầu vào ngày 25 tháng 11 và đã lan đến 51 địa điểm trên 24 thành phố, theo viện nghiên cứu tình báo của Úc. Riêng Quảng Đông đã chiếm ba trong số năm cuộc biểu tình diễn ra hôm thứ Ba, tại Quảng Châu, Thâm Quyến và Đông Hoán.
Source:Newsweek
2. Trung Quốc bắt từng người một trong nhà của họ để đàn áp các cuộc biểu tình
Trung Quốc đang phản ứng ra sao với các cuộc biểu tình tại ít nhất là 51 địa điểm của 24 thành phố? Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “China's Private Crackdown on Protests Targets People in Their Homes”, nghĩa là “Trung Quốc bắt từng người một trong nhà của họ để đàn áp các cuộc biểu tình.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Anh Chi.
Nhà cầm quyền Trung Quốc đã bắt đầu đàn áp các cuộc biểu tình trên toàn quốc chống lại các giao thức khóa COVID-19 đang diễn ra trên toàn quốc bằng cách thỉnh thoảng bắt giữ hoặc thẩm vấn cư dân tại nhà riêng của họ, một dấu hiệu mà một số chuyên gia coi là biện pháp để tránh gây phản cảm trong một tình huống vốn đã tế nhị.
Trong những ngày gần đây, nhiều báo cáo từ trong nước đã vẽ nên bức tranh về một quốc gia đang nổi dậy, với các cuộc biểu tình chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ nổ ra tại các trung tâm dân cư lớn để phản đối các chính sách “Zreo COVID” của Tập Cận Bình, cũng như cảm giác không hài lòng một cách tổng quát với đường lối cai trị đất nước của họ Tập.
Hoạt động biểu tình thường chỉ dành cho các khiếu nại của địa phương, khi bọn cán bộ địa phương hành xử như một bọn cường hào ác bá. Tuy nhiên, các cuộc biểu tình gần đây bao gồm cả sự bất mãn với những tiếng hô đả đảo đối với sự lãnh đạo của Tập Cận Bình, tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc và là nhà lãnh đạo đất nước trong thập kỷ qua. Các cuộc biểu tình này tạo ra một tâm trạng chưa từng thấy kể từ các cuộc biểu tình tại Quảng trường Thiên An Môn ở cuối những năm 1980.
Với tư cách là một nhà lãnh đạo, ông Tập đã tìm cách cá nhân hóa các chính sách COVID-19 của đất nước đặc biệt khi những chính sách này đem lại những thành công nào đó. Nói cho dễ hiểu là ông ta muốn cướp công của rất nhiều người để tạo thêm hào quang cho cá nhân mình. Và khi các cuộc biểu tình bắt đầu chống lại những chính sách đó, dư luận đã trở thành những mối đe dọa lớn nhất đối với chế độ của ông ta.
Một chuyên gia nói với Newsweek rằng khi những người biểu tình bắt đầu đụng độ với cảnh sát, các quan chức Trung Quốc đã bắt đầu nhận ra tiềm năng của các cuộc biểu tình, và hiện đang tìm cách đàn áp những người bất đồng chính kiến trước khi nó lan rộng thành một đám cháy không còn kiểm soát được. Họ bắt đầu nhắm vào những công dân ngay trong nhà của họ và tịch thu điện thoại di động để ngăn cản người dân xuống đường.
Mặc dù công nghệ đang sử dụng là mới, nhưng nguyên tắc là giống nhau: Ngừng lan truyền thông tin trước khi nó trở thành chất xúc tác cho số đông.
Jeremy Wallace, một chuyên gia về lịch sử Trung Quốc tại Đại học Cornell, tác giả của cuốn sách mới “Tìm kiếm sự thật và che giấu sự thật: Thông tin, tư tưởng và chủ nghĩa độc tài ở Trung Quốc”, nói với Newsweek rằng:
“Đối với tôi, điều này rất quen thuộc, ít nhất là ở phần này: ý tưởng chính là cố đừng tạo ra một cảnh tượng nào gây căm phẫn, cố gắng hạ nhiệt các phản ứng dữ dội trong thời điểm hiện tại,”
Wallace nói thêm: “Họ đàn áp có mục tiêu hơn và hy vọng rằng nỗi sợ hãi cá nhân về những điều như vậy sẽ ngăn chặn mọi người ngay từ đầu”.
Hôm thứ Ba, một video được lan truyền rộng rãi trên mạng mô tả cảnh sát Trung Quốc kiểm tra điện thoại di động của hành khách trên một chuyến tàu điện ngầm ở Thượng Hải để tìm bằng chứng về các nhu liệu điện toán vượt tường lửa nhằm thoát khỏi lệnh phong tỏa quốc gia đối với các ứng dụng truyền thông xã hội như Telegram.
Động thái này diễn ra trước điều mà truyền thông nhà nước mô tả vào đầu tuần này là một cuộc đàn áp sắp xảy ra của các cơ quan thực thi pháp luật đối với hoạt động biểu tình.
Một báo cáo khác, của AFP, mô tả một phụ nữ biểu tình đã chia sẻ câu chuyện về việc cô và năm người bạn của cô nhận được điện thoại từ cảnh sát Bắc Kinh sau khi tham gia một cuộc biểu tình. Họ yêu cầu cung cấp thông tin về số người họ đi cùng, thời gian họ đi và cách họ di chuyển.
Trong một trường hợp, cô ấy nói với AFP, một sĩ quan cảnh sát đã đến nhà bạn của cô ấy sau khi họ gọi một cuộc điện thoại đến nơi ở của cô ấy mà không được trả lời.
“Cảnh sát nhấn mạnh rằng cuộc biểu tình đêm qua là một cuộc tụ tập bất hợp pháp và nếu chúng tôi có yêu cầu thì chúng tôi có thể gửi chúng qua các kênh thông thường,” người phụ nữ nói với AFP.
Nhưng thông điệp của những người biểu tình đã tìm cách lan truyền hoàn toàn khác. Họ muốn truyền cảm hứng cho một cuộc trò chuyện quốc gia về hướng đi của đất nước, là điều chưa bao giờ có cơ hội nở rộ như hiện nay.
Wallace cho biết bản chất của khả năng kiểm soát sự lan truyền thông tin của đất nước đã truyền cảm hứng cho các khía cạnh khác của phong trào—cụ thể là thói quen giơ tờ giấy trắng của người biểu tình—để thể hiện sự bất mãn đối với bọn cầm quyền Trung Quốc.
Wallace cho biết, mặc dù không nói gì cả, nhưng những trang trắng tinh có ý nghĩa chung đối với tất cả những ai nhìn thấy chúng, đó là xây dựng tinh thần đoàn kết dân tộc mà không trực tiếp thách thức chế độ.
Nhưng nó cũng giúp nắm bắt được những mong muốn vô định hình của dân chúng—những người phản đối Tập, và cả những người khác không nhất thiết muốn ông ta từ chức—đều mong muốn quyền tự do ngôn luận trong xã hội Trung Quốc.
Wallace nói: “Tôi nghĩ rằng có sự khác biệt thực sự trong dân chúng về nội dung của sự thất vọng”.
“Có phải họ chỉ mong muốn dẹp bỏ cái chính sách zero- COVID và ngừng khóa cửa không? Hay nó vượt xa COVID-19 và phong tỏa, và bao gồm cả nỗi chán chường về sự giám sát liên tục, kiểm duyệt liên tục và sự thất vọng đối với một nhà lãnh đạo không muốn cho người dân được cai trị hoặc tham gia vào chính trị? Đó là một phần thú vị mà tôi chưa thấy được nhấn mạnh,” anh ấy nói thêm.
Source:Newsweek