1. Tòa án Hương Cảng kết án Đức Hồng Y Quân và năm người ủng hộ dân chủ khác
Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân và năm người khác đã bị kết tội vào hôm thứ Sáu vì đã không ghi danh một quỹ giúp thanh toán các chi phí pháp lý và điều trị y tế cho những người biểu tình ủng hộ dân chủ ở Hương Cảng.
Vị Hồng Y 90 tuổi và cựu giám mục Hương Cảng đã bị phạt khoảng 4.000 đô la Hương Cảng, hay 500 Mỹ Kim. Mỗi người trong số những người được ủy thác khác của Quỹ Cứu trợ Nhân đạo 612, hiện đã không còn tồn tại, cũng bị phạt số tiền tương tự.
Đức Hồng Y Quân nói với các phóng viên sau phán quyết vào ngày 25 tháng 11: “Mặc dù tôi là một nhân vật tôn giáo, nhưng tôi hy vọng vụ án này sẽ không liên quan đến quyền tự do tôn giáo của chúng tôi.”
Đức Hồng Y xuất hiện tại Tòa sơ thẩm Tây Cửu Long với một cây thánh giá trước ngực, y phục giáo sĩ và đeo khẩu trang. Ngài đã sử dụng một cây gậy để đi bộ.
“Tôi chỉ là một công dân Hương Cảng ủng hộ mạnh mẽ việc cung cấp hỗ trợ nhân đạo,” ngài nói, theo Reuters.
Phiên tòa của Đức Hồng Y Quân từ tháng 9 đến tháng 11 tập trung vào việc liệu các ủy viên của Quỹ Cứu trợ Nhân đạo 612 có cần ghi danh với chính quyền địa phương từ năm 2019 đến 2021 hay không.
Luật sư Bàng Diệu Hồng (Robert Pang, 彭耀鴻) của Đức Hồng Y Quân đã lập luận trước tòa vào tháng trước rằng việc áp đặt “các biện pháp trừng phạt hình sự đối với việc không ghi danh là một vi phạm nghiêm trọng quyền tự do lập hội”.
Chánh án Ada Doãn Thuận Nghi (Yim Shun-yee, 尹顺仪) đã ra phán quyết vào hôm thứ Sáu rằng quỹ này là một “tổ chức địa phương” và phải tuân theo các quy tắc của địa phương, nhưng cô ta không áp dụng hình phạt tối đa cho hành vi vi phạm là khoản tiền phạt khoảng 1,200 đô la.
Doãn Thuận Nghi cho biết trong phán quyết của mình rằng quỹ “có mục tiêu chính trị và do đó nó không được thành lập chỉ vì mục đích bác ái.”
Cùng bị kết án với Đức Hồng Y Quân còn có bốn người khác, bao gồm ngôi sao nhạc pop Canada-Hong Kong Hà Vận Thi (Denise Ho, 何韻詩), học giả Hứa Bảo Cường (Hui Po Keung, 许宝强), và các nhà lập pháp đối lập cũ Ngô Ái Nghi (Margaret Ng, 吳靄儀) và Hà Tú Lan (Cyd Ho, 何秀蘭))
Ngô Ái Nghi, một luật sư và người được ủy thác quỹ đã bị kết án với Đức Hồng Y Quân, nói với các phóng viên bên ngoài tòa án rằng phán quyết này rất quan trọng vì đây là lần đầu tiên bất kỳ ai ở Hương Cảng cũng đều có thể bị kết án theo Pháp lệnh Xã hội vì không ghi danh một hiệp hội.
Anh Di Chính Vĩ (Sze Ching-wee, 施正伟) cựu thư ký của Quỹ cứu trợ nhân đạo 612, cũng bị buộc tội hôm thứ Sáu với mức phạt nhẹ hơn. Anh ta đã bị bắt trước đó vào tháng 11 theo luật an ninh quốc gia của Hương Cảng, và đã được tại ngoại nhưng từ tháng Hai đã bị buộc phải trình diện định kỳ với cảnh sát.
Đức Hồng Y và những người được ủy thác khác của quỹ đã bị bắt vào tháng 5 cùng với các nhà hoạt động dân chủ khác theo luật an ninh quốc gia nghiêm ngặt của Hương Cảng và được tại ngoại ngay sau đó.
Tờ South China Morning Post đưa tin rằng phán quyết trong phiên tòa xét xử Đức Hồng Y Quân có thể được coi là “khúc dạo đầu cho nhiều rắc rối pháp lý hơn… khi cảnh sát an ninh quốc gia tiếp tục điều tra về cáo buộc nhóm này thông đồng với các lực lượng nước ngoài.”
Source:Catholic News Agency
2. Thế giới Công Giáo tưởng niệm hàng trăm ngàn Kitô hữu tử đạo tại Việt Nam
Hôm 24 tháng 11, Giáo Hội trên toàn thế giới đã tưởng niệm hàng trăm ngàn Kitô hữu tử đạo tại Việt Nam. Nhân dịp này, Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, có bài tường trình nhan đề “Remembering the hundreds of thousands of Christians martyred in Vietnam”, nghĩa là “Tưởng niệm hàng trăm ngàn Kitô hữu tử đạo tại Việt Nam”.
Kitô giáo đến Việt Nam năm 1533, và nhiều Kitô hữu Việt Nam đã trở thành thánh và các vị tử đạo trong các đợt bách hại khác nhau. Những người đã được biết đến và đông đảo những người chưa được biết đến đã chết cho Chúa Giêsu Kitô cùng được vinh danh vào ngày 24 tháng 11, hàng năm lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam.
Từ năm 1630 đến năm 1886, khoảng 130,000 đến 300,000 Kitô hữu chịu tử vì đạo ở Việt Nam, thường là sau khi bị giam giữ và tra tấn dã man. Những người khác buộc phải trốn vào rừng núi hoặc bị lưu đày sang các nước khác.
Các cuộc đàn áp thường xảy ra trong bối cảnh có những thay đổi chính trị và căng thẳng xã hội, đặc biệt là dưới thời các hoàng đế áp dụng các chính sách bài Kitô giáo vì sợ ảnh hưởng của nước ngoài.
Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam tôn vinh những vị tử đạo vô danh này, tiêu biểu là 117 vị tử đạo đã chết vì đức tin Công Giáo tại Việt Nam vào cuối thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19.
Trong số các ngài có 96 người Việt Nam, 11 người Tây Ban Nha và 10 người Pháp. Tám người trong nhóm là các giám mục, 50 linh mục và 59 giáo dân Công Giáo. Các thánh giáo dân bao gồm một em bé 9 tuổi và thánh Anê Lê Thị Thành, một bà mẹ sáu con.
Một số linh mục là tu sĩ Đa Minh, những người khác là linh mục giáo phận thuộc Hội Thừa sai Paris.
Các vị tử đạo cũng được nhóm thành “Thánh Anrê Dũng-Lạc và các bạn đồng hành tử đạo.” Thánh Anrê Dũng Lạc sinh ra trong một gia đình nghèo khó, cha mẹ không theo đạo Thiên Chúa, cha mẹ ngài đã giao phó ngài cho một người giám hộ là một giáo lý viên Công Giáo. Ngài được rửa tội và sau đó được thụ phong linh mục vào năm 1823. Ngài phục vụ với tư cách là cha sở và nhà truyền giáo trên khắp Việt Nam. Ngài đã hơn một lần bị bỏ tù và được các tín hữu Công Giáo chuộc mạng.
Ngài bị xử trảm tại Hà Nội vào ngày 21 tháng 12 năm 1839.
Các nhóm tử đạo Việt Nam đã được phong chân phước bởi nhiều vị giáo hoàng. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã phong thánh cho 117 vị tử đạo vào ngày 19 tháng 6 năm 1988, và hết lời ca ngợi chứng tá của các ngài.
“Làm sao để nhớ hết? Ngay cả khi chúng ta giới hạn bản thân mình với những người được phong thánh hôm nay, thì chúng ta cũng không thể tập trung vào từng người trong số họ,” Đức Thánh Cha suy tư trong bài giảng Thánh lễ phong thánh. Ngài so sánh những cuộc bách hại ở Việt Nam với những cuộc bách hại mà các thánh tông đồ và các Kitô hữu sơ khai phải đối mặt.
“Một lần nữa chúng ta có thể nói rằng máu của các vị tử đạo là dành cho anh chị em, những người Kitô hữu của Việt Nam, là nguồn ân sủng để tiến triển trong đức tin. Ở nơi anh chị em, niềm tin của cha ông tiếp tục được truyền cho các thế hệ mới. Đức tin này vẫn là nền tảng cho sự bền đỗ của tất cả những ai cảm thấy mình là người Việt Nam đích thực, trung thành với mảnh đất của mình, đồng thời muốn tiếp tục là môn đệ đích thực của Chúa Kitô.”
Ngài nói thêm: “Từ hàng dài các vị tử đạo, những đau khổ, nước mắt của họ là 'thu hoạch của Chúa'. Chính họ, những người thầy của chúng ta, đã cho tôi cơ hội tuyệt vời để trình bày với toàn thể Giáo hội về sức sống và sự vĩ đại của Giáo hội Việt Nam, sức mạnh, sự kiên nhẫn, khả năng đối mặt với mọi khó khăn và loan báo Chúa Kitô. Chúng ta tạ ơn Chúa vì những gì Thánh Thần sinh sôi dồi dào giữa chúng ta!”
“Tất cả các Kitô hữu đều biết rằng Tin Mừng yêu cầu chúng ta phục tùng các thể chế của con người vì tình yêu dành cho Chúa, để làm điều tốt, cư xử như những người tự do, tôn trọng mọi người, yêu thương anh em của chúng ta, kính sợ Thiên Chúa, tôn trọng chính quyền và các thể chế công cộng,” Đức Thánh Cha nói.
Đức Gioan Phaolô II cho biết các vị tử đạo Việt Nam đã bắt đầu “một cuộc đối thoại sâu sắc và tự do” với người dân và nền văn hóa Việt Nam. Họ tuyên bố “sự thật và tính phổ quát của niềm tin vào Chúa” và đề xuất “một hệ thống các giá trị và nghĩa vụ đặc biệt phù hợp với văn hóa tôn giáo của toàn thế giới phương Đông”.
Đức Thánh Cha Gioan Phaolô Đệ Nhị nói tiếp rằng “Dưới sự hướng dẫn của cuốn giáo lý đầu tiên của người Việt Nam, họ đã làm chứng rằng chỉ phải tôn thờ một Thiên Chúa duy nhất, là Thiên Chúa duy nhất đã tạo dựng trời đất. Đối mặt với các biện pháp cưỡng chế của chính quyền liên quan đến việc thực hành đức tin, họ khẳng định quyền tự do tín ngưỡng của mình, lập luận với lòng can đảm khiêm tốn rằng Kitô giáo là điều duy nhất họ không thể từ bỏ, vì họ không thể bất tuân với Chúa tể tối cao là Chúa Trời Đất”.
“Hơn nữa, họ mạnh mẽ tuyên bố ý chí trung thành với chính quyền của đất nước, không làm trái những gì chính đáng và trung thực; họ đã dạy phải kính trọng và tôn kính tổ tiên của họ, theo phong tục của vùng đất của họ, dưới ánh sáng của mầu nhiệm phục sinh”
“Giáo hội Việt Nam, với các vị tử đạo và qua chứng tá của mình, đã có thể tuyên bố cam kết và ý chí không bác bỏ truyền thống văn hóa và thể chế luật pháp của đất nước; ngược lại, Giáo Hội đã tuyên bố và chứng tỏ rằng Giáo Hội muốn được nhập thể ở đất nước này, trung thành đóng góp vào sự phát triển thực sự của quê hương”
Đức Thánh Cha đã viện dẫn câu nói của Kitô hữu cổ xưa rằng “máu của các vị tử đạo là hạt giống của Giáo hội.” Ngài cũng lưu ý rằng những người Công Giáo Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với sự bách hại trong thời đại ngày nay.
“Ngoài hàng ngàn tín hữu, trong các thế kỷ trước, đã bước theo dấu chân của Chúa Kitô, ngày nay vẫn còn có những người làm việc, đôi khi trong đau khổ và từ bỏ chính mình, với khát vọng duy nhất là có thể kiên trì trong vườn nho của Chúa với tư cách là người trung thành, như những người hiểu biết về những điều tốt đẹp của vương quốc Thiên Chúa.”
Đức Thánh Cha nói, bổn phận làm việc và cầu nguyện cho Nước Chúa trị đến là một “hoạt động nội tâm liên tục và nghiêm ngặt”, “đòi hỏi sự kiên nhẫn và niềm trông đợi tin tưởng của những người biết rằng sự quan phòng của Thiên Chúa đang làm việc với họ để thực hiện sứ mệnh của mình. Những nỗ lực và cả sự đau khổ của họ đều có hiệu quả.”
Source:Catholic News Agency
3. 'Nỗi đau của anh chị em là nỗi đau của tôi': Đức Giáo Hoàng Phanxicô viết thư đánh dấu 9 tháng chiến tranh ở Ukraine
Trong một lá thư xúc động gửi cho người dân Ukraine, Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết rằng ngài nhìn thấy thập giá của Chúa Kitô trong những tra tấn và đau khổ mà người dân Ukraine phải chịu đựng trong chín tháng chiến tranh.
“Tôi muốn kết hợp những giọt nước mắt của tôi với nước mắt của anh chị em và nói với anh chị em rằng không có ngày nào mà tôi không gần gũi với anh chị em và không mang anh chị em trong trái tim và trong những lời cầu nguyện của tôi,” Đức Thánh Cha viết trong thư.
“Nỗi đau của anh chị em là nỗi đau của tôi. Trên thập giá của Chúa Giêsu hôm nay tôi nhìn thấy anh chị em -những người đang phải chịu đựng nỗi kinh hoàng do sự xâm lược này gây ra.”
Đức Thánh Cha Phanxicô nói tiếp rằng “thánh giá đã hành hạ Chúa sống lại trong những cực hình được tìm thấy trên các xác chết” và “trong những ngôi mộ tập thể được phát hiện ở nhiều thành phố khác nhau.”
Vatican đã công bố bức thư bằng tiếng Ukraine và tiếng Ý vào ngày 25 tháng 11, một ngày sau khi lá tứ được Đức Thánh Cha Phanxicô ký tại Đền Thờ Thánh Gioan Lateranô.
Trong thư, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc lại việc thánh hiến nước Nga và Ukraine cho Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ vào ngày 25 tháng Ba.
Ngài nói: “Xin Đức Mẹ, Mẹ của Chúa Kitô và của chúng ta, đoái nhìn anh chị em. Trước Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ, cùng với các giám mục trên thế giới, tôi đã thánh hiến Giáo Hội và nhân loại, đặc biệt là đất nước của anh chị em và nước Nga.”
“Trước Trái tim Từ mẫu của Đức Mẹ, tôi đã trình bày những đau khổ và nước mắt của bạn.”
Đức Thánh Cha Phanxicô đã thường xuyên cầu nguyện cho “Ukraine tử vì đạo” trong các buổi tiếp kiến công khai kể từ khi Nga phát động cuộc xâm lược toàn diện vào tháng Hai.
Bức thư của ngài gửi cho người dân Ukraine được ký đúng một tuần sau khi ngài gặp riêng Đức Tổng Giám Mục Mieczysław Mokrzycki của Lviv và Đức Giám Mục Jan Sobiło, một Giám Mục Phụ Tá của Kharkiv-Zaporizhia ở Ukraine và Đức Hồng Y Quốc vụ khanh Tòa Thánh đã dâng Thánh lễ cho hòa bình ở Ukraine..
Bức thư của Đức Thánh Cha cũng đề cập đến “nạn diệt chủng Holodomor,” là nạn đói do con người gây ra ở Ukraine thuộc Liên Xô đã giết chết hàng triệu người trong khoảng thời gian từ 1932 đến 1933, và sự kiên cường không ngừng của người dân Ukraine ngày nay.
“Ngay cả trong bi kịch to lớn mà họ đang phải gánh chịu, người dân Ukraine chưa bao giờ nản lòng hay cam chịu. Thế giới đã công nhận một dân tộc táo bạo và mạnh mẽ, một dân tộc chịu đau khổ và cầu nguyện, khóc lóc và đấu tranh, kháng cự và hy vọng: một dân tộc cao thượng và tử vì đạo,” Đức Phanxicô nói.
“Tôi tiếp tục sát cánh bên anh chị em với trái tim, lời cầu nguyện và với sự quan tâm nhân đạo để anh chị em có thể cảm thấy được đồng hành, để anh chị em không quen với chiến tranh, để anh chị em không bị bỏ lại một mình hôm nay và đặc biệt là ngày mai khi cơn cám dỗ quên đi những đau khổ của anh chị em sẽ đến, có lẽ sẽ đến.”
Source:Catholic News Agency