Theo tin Tòa Thánh, trong buổi tiếp kiến chung tại quảng trường Nhà thờ Thánh Phêrô, Đức Phanxicô đã nói về chuyến tông du của ngài tới Vương quốc Bahrain. Sau đây là nguyên văn bài giáo lý của ngài, dựa vào bản tiếng Anh do Tòa Thánh cung cấp:



Anh chị em thân mến, chào anh chị em buổi sáng!

Trời hơi lạnh phải không? Nhưng trời đẹp.

Trước khi bắt đầu nói về những gì tôi đã chuẩn bị, tôi muốn mọi người chú ý đến hai trẻ em đã lên đây. Các em đã không xin phép. Các em đã không nói, "con sợ". Các em đã trực tiếp lên đây. Đây là cách chúng ta phải ở với Thiên Chúa: trực tiếp. Các em đã cho chúng ta một thí dụ về cách chúng ta cần phải xử sự với Thiên Chúa, với Chúa: hãy tiến tới! Người luôn chờ đợi chúng ta. Đối với tôi, quả là điều tốt được thấy niềm tín thác của hai em bé này. Đó là một điển hình cho tất cả chúng ta. Đây là cách chúng ta luôn cần tới gần Chúa - một cách tự do. Cảm ơn hai em.

Ba ngày trước, tôi trở về sau chuyến đi đến Vương quốc Bahrain, vương quốc mà trước đó, tôi thực sự không biết gì về nó. Nay tôi thực sự biết vương quốc đó như thế nào. Tôi xin cảm ơn tất cả những người đã đồng hành cùng chuyến thăm này qua việc nâng đỡ bằng những lời cầu nguyện của họ, và để lặp lại lòng biết ơn của tôi đối với Đức vua, các cấp chính quyền khác, Giáo hội địa phương và người dân, vì sự đón tiếp nồng nhiệt của họ. Và tôi cũng muốn cảm ơn những người đã tổ chức những chuyến đi này. Để làm được điều này, cần có sự điều động của nhiều người, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh làm việc rất nhiều để chuẩn bị các bài diễn văn, chuẩn bị hậu cần, mọi thứ, có rất nhiều việc điều động… sau đó là những người phiên dịch… và sau đó, là đoàn cảnh sát, đoàn Vệ binh Thụy Sĩ, những người tuyệt vời…. Mọi điều. Đó là một khối lượng công việc to lớn! Với tất cả mọi người, với tất cả các anh chị em, tôi xin công khai cảm ơn vì tất cả những gì các anh chị em đã làm để cuộc hành trình của Đức Giáo Hoàng diễn ra tốt đẹp. Cảm ơn anh chị em.

Thật tự nhiên khi đặt câu hỏi tại sao Đức Giáo Hoàng lại muốn đến thăm đất nước nhỏ bé với đa số là người Hồi giáo này? Có rất nhiều quốc gia Kitô giáo - tại sao ngài lại không đi thăm một hoặc hai quốc gia trong số đó trước? Tôi xin trả lời bằng ba chữ: đối thoại, gặp gỡ và hành trình.

Đối thoại: cơ hội cho cuộc Hành trình đã mong ước từ lâu, nay được ban cho nhờ lời mời của Nhà vua đến dự Diễn đàn về đối thoại giữa phương Đông và phương Tây, một cuộc đối thoại nhằm khám phá sự phong phú của các dân tộc, truyền thống và tín ngưỡng khác. Bahrain, một quần đảo được hình thành bởi nhiều hòn đảo, giúp chúng ta hiểu rằng không nhất thiết phải sống bằng cách tự cô lập nhưng bằng cách đến gần nhau hơn. Ở Bahrain, nơi được tạo thành từ các hòn đảo, người ta đến gần nhau, phải không, người ta chen vai sát cánh nhau. Chính nghĩa hòa bình đòi hỏi điều này, và đối thoại là “dưỡng khí của hòa bình”. Đừng quên điều này. Đối thoại là “dưỡng khí của hòa bình”. Ngay cả đối với hòa bình tại các mái ấm của chúng ta, phải không? Nếu có chiến tranh giữa vợ và chồng, với cuộc đối thoại, họ có thể tiến lên trong hòa bình. Trong gia đình, đối thoại, vì hòa bình, được duy trì qua đối thoại.

Gần sáu mươi năm trước, Công đồng Vatican II, khi nói về việc xây dựng một tòa nhà hòa bình, đã tuyên bố rằng “chắc chắn [đàn ông và đàn bà] phải mở rộng suy nghĩ và tinh thần của họ ra ngoài giới hạn quốc gia họ, họ phải gạt bỏ lòng ích kỷ quốc gia sang một bên và tham vọng thống trị các quốc gia khác, và họ phải nuôi dưỡng một lòng tôn kính sâu xa đối với toàn thể nhân loại, vốn đang nỗ lực hướng tới sự thống nhất lớn hơn ”(Gaudium et spes, 82). Đó là những gì Công đồng nói. Tôi nhận thấy nhu cầu này ở Bahrain và tôi hy vọng rằng các nhà lãnh đạo tôn giáo và dân sự trên khắp thế giới có thể nhìn quá biên giới của chính họ, cộng đồng của họ, để quan tâm đến toàn thể. Đó là cách duy nhất để đương đầu với một số vấn đề phổ quát nào đó, chẳng hạn như Thiên Chúa đang bị lãng quên, thảm kịch của nạn đói, sự chăm sóc sáng thế, hòa bình. Ta có thể cùng nhau suy nghĩ về những điều này. Theo nghĩa này, Diễn đàn đối thoại mang tên: “Đông và Tây cho sự chung sống của con người” - đó là tiêu đề, “Đông và Tây cho sự chung sống của con người” - đã khuyến khích việc chọn con đường gặp gỡ và từ khước đối đầu. Chúng ta cần điều này xiết bao! Hiện có nhu cầu gặp gỡ nhau như thế. Tôi nghĩ đến sự điên rồ của chiến tranh - điên rồ - trong đó Ukraine là nạn nhân, và của nhiều cuộc xung đột khác, sẽ không bao giờ được giải quyết qua luận lý ngây thơ của pháo binh, mà chỉ với sức mạnh nhẹ nhàng của đối thoại. Nhưng không phải chỉ có Ukraine, mảnh đất này, nơi đang bị dày xé. Nhưng hãy nghĩ tới những cuộc chiến kéo dài nhiều năm và hãy nghĩ tới Syria - hơn 10 năm! - thí dụ, hãy nghĩ tới Syria, hãy nghĩ tới các trẻ em ở Yemen, hãy nghĩ tới Miến Điện: tới khắp nơi! Hiện giờ, Ukraine đang ở gần hơn. Và chiến tranh để làm gì? Nó hủy diệt, nó hủy diệt nhân loại, hủy diệt mọi thứ. Không thể giải quyết Xung đột bằng chiến tranh.

Nhưng không thể có đối thoại nếu không có chữ thứ hai - gặp gỡ. Chữ đầu tiên - đối thoại. Chữ thứ hai - gặp gỡ. Chúng ta đã gặp nhau ở Bahrain. Nhiều lần, tôi nghe thấy người ta ước muốn các cuộc gặp gỡ giữa các Kitô hữu và người Hồi giáo tăng lên, họ nên tạo ra các mối liên hệ bền chặt hơn, điều này nên được các tâm hồn lưu ý. Theo phong tục ở Phương Đông, ở Bahrain, mọi người đặt tay lên trái tim khi họ chào hỏi người nào đó. Tôi cũng đã làm điều này, để dành chỗ trong tôi cho người tôi đang gặp gỡ. Vì nếu không có sự chào đón này, cuộc đối thoại vẫn trống rỗng, dường như, nó vẫn ở bình diện một ý tưởng hơn là thực tại. Trong số rất nhiều cuộc gặp gỡ, tôi nhớ lại cuộc gặp gỡ với hiền đệ thân yêu của tôi, Đại Imam của Al-Azhar – hiền đệ thân yêu của tôi - và cuộc gặp gỡ với những người trẻ ở Trường Thánh Tâm, những học sinh đã cho chúng tôi một tấm gương lớn: các Kitô hữu và người Hồi giáo học chung với nhau. Thanh niên, trai gái, trẻ em cần hiểu biết nhau để cuộc gặp gỡ huynh đệ có cơ ngăn cản chia rẽ ý thức hệ. Và bây giờ tôi xin cảm ơn Trường Thánh Tâm; Tôi cảm ơn Dì Rosalyn, người đã phát triển ngôi trường này rất tốt, và các trẻ em đã tham gia với các phát biểu của các em, với lời cầu nguyện, khiêu vũ, bài hát - Tôi nhớ tất cả! Cảm ơn các em rất nhiều! Nhưng ngay cả những người cao niên cũng cung cấp chứng tá đầy khôn ngoan huynh đệ. Tôi nhớ lại cuộc họp với Hội đồng Trưởng lão Hồi giáo, một tổ chức quốc tế được thành lập cách đây vài năm nhằm cổ vũ mối liên hệ tốt đẹp giữa các cộng đồng Hồi giáo dưới ngọn cờ tôn trọng, ôn hòa và hòa bình, phản đối chủ nghĩa cực đoan và bạo lực.

Như thế, chúng ta chuyển sang chữ thứ ba: hành trình. Hành trình đến Bahrain không nên được coi là một tình tiết riêng biệt. Đó là một phần của diễn trình do Thánh Gioan Phaolô II khởi xướng khi ngài tông du Marốc. Vì vậy, chuyến thăm đầu tiên của một Giáo hoàng tới Bahrain nói lên một bước tiến mới trên hành trình giữa các tín đồ Kitô giáo và Hồi giáo - không phải để nhầm lẫn mọi thứ hay làm giảm niềm tin, không. Đối thoại không làm giảm giá trị, nhưng tạo ra các liên minh huynh đệ nhân danh Tổ phụ Ápraham của chúng ta, người đã hành hương trên trái đất dưới cái nhìn nhân từ của Thiên Chúa duy nhất, Thiên Chúa của hòa bình. Đây là lý do tại sao phương châm của cuộc hành trình là: "Hòa bình trên trái đất cho những người thiện chí". Và tại sao tôi thấy cuộc đối thoại không giảm xuống? Bởi vì để đối thoại anh chị em cần phải có bản sắc riêng của mình. Nếu anh chị em không có bản sắc riêng của mình, anh chị em không thể đối thoại bởi vì anh chị em thậm chí không hiểu mình là ai. Để một cuộc đối thoại trở nên tốt đẹp, nó luôn phải bắt nguồn từ bản sắc riêng của một người, nhận thức được bản sắc của chính anh chị em và từ đó cuộc đối thoại có thể diễn ra.

Đối thoại, gặp gỡ và hành trình ở Bahrain cũng diễn ra giữa các Kitô hữu. Chẳng hạn, cuộc gặp gỡ đầu tiên mang tính đại kết, một lời cầu nguyện cho hòa bình với Đức Thượng Phụ và hiền đệ thân yêu Bartholomew, và với các anh chị em của nhiều tuyên tín và nghi lễ khác nhau. Nó diễn ra trong Nhà thờ dâng kính Đức Mẹ Ả Rập, có cấu trúc giống như một cái lều, nơi, theo Kinh thánh, Thiên Chúa gặp Môsê trong sa mạc dọc theo cuộc hành trình. Các anh chị em trong đức tin, những người mà tôi đã gặp ở Bahrain, thực sự đang sống “trong một cuộc hành trình”. Phần lớn, họ là những người lao động nhập cư xa quê hương, họ khám phá ra cội nguồn của mình trong dân Chúa và gia đình của họ trong đại gia đình Giáo Hội. Thật tuyệt vời khi thấy những người di cư này - từ Phi luật tân, từ Ấn Độ và từ những nơi khác – Các Kitô hữu tụ họp và nâng đỡ nhau trong đức tin. Và họ vui mừng tiến về phía trước, với niềm tin chắc rằng niềm hy vọng vào Thiên Chúa không làm thất vọng (x. Rm 5: 5). Gặp gỡ các Mục tử, những người nam nữ thánh hiến, những người làm công tác mục vụ, và trong thánh lễ xúc động được cử hành tại sân vận động với rất nhiều tín hữu đến từ các quốc gia vùng Vịnh khác, tôi đã mang đến cho họ tình âu yếm của toàn thể Giáo hội. Đó là cuộc hành trình.

Và hôm nay tôi muốn truyền đến anh chị em niềm vui chân chính, giản dị và đẹp đẽ của họ. Gặp nhau và cùng nhau cầu nguyện, chúng tôi cảm thấy chúng tôi là một trái tim và một linh hồn. Nghĩ về hành trình của họ, về kinh nghiệm đối thoại hàng ngày của họ, tất cả chúng ta hãy cảm thấy được kêu gọi mở rộng chân trời của mình – mở rộng trái tim, làm ơn! Chứ không phải các trái tim khép kín, cứng cỏi. Hãy mở rộng trái tim vì tất cả chúng ta đều là anh chị em và để tình huynh đệ nhân loại này có thể tiến lên phía trước. Mở rộng chân trời của anh chị em, cởi mở, mở rộng các quan tâm của anh chị em và hãy cống hiến hết mình để hiểu biết người khác. Nếu anh chị em tận tâm muốn hiểu biết người khác, anh chị em sẽ không bao giờ bị đe dọa. Nhưng nếu anh chị em sợ người khác, anh chị em sẽ bị đe dọa. Mỗi người và mọi người đều cần thiết để cuộc hành trình của tình huynh đệ và hòa bình được tiến triển. Tôi có thể đưa tay của mình ra, nhưng nếu không có bàn tay từ phía bên kia, nó sẽ không làm được gì cả. Xin Đức Mẹ giúp chúng ta trong cuộc hành trình này! Cảm ơn anh chị em!