Theo tạp chí CruxNow, Đức Thánh Cha Phanxicô đã thực hiện một chuyến đi trong ngày đến Assisi vào thứ Bảy để gặp gỡ các nhà kinh tế trẻ và những người tạo ra sự thay đổi. Trong khi ở đó, ngài đã ký vào hiệp ước của họ, vạch ra một viễn kiến chung về một nền kinh tế hòa bình và công bằng, bình đẳng hơn và tôn trọng người nghèo và môi trường.



Trong thỏa thuận, được ký và đọc to vào ngày 24 tháng 9, khi kết thúc biến cố “Nền kinh tế của Đức Phanxicô” ở Assisi, giới trẻ thừa nhận rằng có một “trách nhiệm đặt lên thế hệ chúng tôi,” và nói lên cam kết “dành cả cuộc đời của chúng tôi để nền kinh tế của ngày hôm nay và ngày mai trở thành nền kinh tế của Tin Mừng”.

Một cách chuyên biệt, họ vạch ra viễn kiến về “một nền kinh tế hòa bình và không có chiến tranh”, một nền kinh tế phản đối việc phổ biến vũ khí, “đặc biệt các vũ khí có sức hủy diệt lớn nhất” và đặt mình vào việc phục vụ con người và gia đình, đặc biệt những người dễ bị tổn thương nhất.

Họ cũng bày tỏ mong muốn của họ về một nền kinh tế tôn trọng sáng thế và “không lạm dụng nó”, đồng thời “coi trọng và bảo vệ” các nền văn hóa và truyền thống khác nhau, cũng như tài nguyên thiên nhiên của trái đất.

Hiệp ước cũng nhấn mạnh sự cần thiết của một nền kinh tế cam kết tạo việc làm “an toàn và xứng đáng” cho mọi người, và trong đó “tài chính là bạn và đồng minh của nền kinh tế thực chất và lao động chứ không phải chống lại chúng”.

Hiệp ước cho biết, nghèo đói dưới mọi hình thức phải được đấu tranh để giảm bất bình đẳng và thực sự bao gồm người nghèo. Giới trẻ nhấn mạnh sự cần thiết của một nền kinh tế “được hướng dẫn bởi đạo đức của con người và mở cửa cho sự siêu việt,” tạo ra sự giàu có cho tất cả mọi người và cổ vũ niềm vui, “không phải chỉ có sự giàu có, bởi vì hạnh phúc không được chia sẻ là không trọn vẹn”.

“Chúng tôi tin tưởng vào nền kinh tế này,” họ nói như thế, đồng thời nhấn mạnh rằng viễn kiến vạch ra trong hiệp ước “không phải là điều không tưởng, bởi vì chúng tôi đã và đang xây dựng nó. Và một số người trong chúng tôi, vào những buổi sáng đặc biệt tươi sáng, đã thoáng thấy nơi bắt đầu của miền đất hứa. "

Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến Assisi để bế mạc biến cố “Nền kinh tế của Đức Phanxicô”, nơi tập hợp các nhà kinh tế trẻ, doanh nhân, người tạo ra sự thay đổi, sinh viên và người lao động từ khắp nơi trên thế giới để thảo luận về việc hình thành một nền kinh tế công bằng và huynh đệ hơn.

Thoạt đầu, Đức Giáo Hoàng vốn thông báo kế hoạch đến Assisi dự biến cố này hơn hai năm trước đây, tuy nhiên, nó đã bị hoãn lại do đại dịch coronavirus, buộc những người tham gia phải hướng dẫn các cuộc thảo luận và làm việc trực tuyến để chuẩn bị cho cuộc họp trực tiếp.

Cuộc họp trực tiếp ấy đã được lên lịch lại vào tuần này, từ ngày 22 đến ngày 24 tháng 9, và đã thu hút được khoảng 1,000 người trẻ từ hơn 100 quốc gia.

Assisi, nơi Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến nhiều lần kể từ khi được bầu vào năm 2013, là nơi chôn cất Thánh Phanxicô Assisi, vị thánh Đức Giáo Hoàng lấy làm tên hiệu và là vị thánh nổi tiếng với quyết định bỏ hết của cải để sống một cuộc sống nghèo khó.

Khi đến nơi, Đức Thánh Cha Phanxicô đã được chào đón bởi một phái đoàn lớn gồm người trẻ và các thẩm quyền dân sự và giáo hội của khu vực, như Đức Tổng Giám Mục Assisi, Domenico Sorrentino, cũng như các viên chức hàng đầu của Vatican như Hồng Y Dòng Tên người Canada Michael Czerny, người đứng đầu Thánh bộ Phát triển Con người Toàn diện của Vatican, cũng như thư ký của Thánh bộ, nữ tu người Ý và nhà kinh tế Alessandra Smerilli.

Sau khi đến, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiến đến lễ đài của Nhà hát Lyrick và nghe lời chứng của tám người trẻ, xen kẽ với các buổi biểu diễn âm nhạc và sân khấu.

Hiệp ước sau đó đã được đọc to và được ký bởi Đức Giáo Hoàng, người đã phác thảo viễn kiến của ngài về một nền kinh tế hoàn cầu, lặp lại những lời kêu gọi tha thiết cho người nghèo và môi trường cũng như những lời chỉ trích chủ nghĩa tư bản hoàn cầu, đồng thời kêu gọi các nhà kinh tế và doanh nhân trẻ có mặt khai phá những con đường mới về công bằng và bình đẳng.

Ngài nói, “Khi một người trẻ nhìn thấy ở một người trẻ khác lời kêu gọi tương tự, và trải nghiệm này được lặp lại với hàng trăm, thậm chí hàng nghìn người trẻ khác, thì những điều tuyệt vời sẽ trở thành có thể, thậm chí hy vọng thay đổi một hệ thống to lớn và phức tạp như nền kinh tế thế giới”.

Ngài chỉ ra nhiều thách thức mà thế giới hiện đang phải đối diện, chẳng hạn như cuộc khủng hoảng môi trường đang diễn ra, tác động lâu dài của đại dịch coronavirus, và cuộc chiến ở Ukraine, cũng như các cuộc xung đột hoàn cầu khác.

“Ngày nay, một nền kinh tế mới được lấy cảm hứng từ Thánh Phanxicô Assisi có thể và phải trở thành một nền kinh tế thân thiện với trái đất và một nền kinh tế hòa bình,” Đức Giáo Hoàng nói như thế và nói thêm rằng điều này bao gồm việc “biến đổi một nền kinh tế sát hại thành một nền kinh tế của sự sống, trong mọi khía cạnh của nó”.

Lưu ý rằng nhiều nhà tiên tri trong Kinh thánh còn trẻ khi được Thiên Chúa kêu gọi, Đức Phanxicô nhấn mạnh rằng “khi xã hội dân sự và các doanh nghiệp thiếu kỹ năng của người trẻ, thì toàn bộ xã hội khô héo và cuộc sống của mọi người bị diệt vong. Hiện đang thiếu sự sáng tạo, lạc quan, nhiệt tình”.

Ngài nói: “Một xã hội và một nền kinh tế không có người trẻ thật đáng buồn, bi quan và hoài nghi”, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết của một nền kinh tế với “chiều kích tiên tri”, tập trung vào sự hoán cải thực sự về mặt sinh thái và bản thân.

Đức Giáo Hoàng nói: “Trái đất đang bốc cháy hôm nay, nên hôm nay chúng ta phải thay đổi, ở mọi bình diện”. Ngài thúc giục tuổi trẻ bắt chước thảo mộc theo nghĩa sự tăng trưởng và nở rộ của họ phụ thuộc vào sự hợp tác của họ với toàn bộ môi trường xung quanh.

Ngài nói, trong suốt thế kỷ 20, trái đất và các nguồn tài nguyên của nó bị “cướp đoạt”, và nếu mô hình vẫn như cũ, thì các chiến lược để chống lại thiệt hại “sẽ luôn không đủ.”

Như ngài đã nhiều lần làm trong quá khứ, Đức Giáo Hoàng Phanxicô lên án việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch và kêu gọi đầu tư vào các nguồn năng lượng tái tạo.

Ngài cũng kêu gọi những người trẻ tuổi chấp nhận nguyên tắc đạo đức này là “những thiệt hại phải được sửa chữa”, nghĩa là những người đã lạm dụng hành tinh và bầu khí quyển giờ đây phải hy sinh, từ bỏ những thói quen và lối sống không bền vững.

Ngài nói, tính bền vững là “một thực tại nhiều chiều kích” và do đó vượt ra ngoài môi trường, đòi hỏi các thay đổi xã hội, tương quan và tinh thần.

Đức Phanxicô kêu gọi các thay đổi nhằm tôn trọng người nghèo; ngài nói rằng, “carbon dioxide không phải là ô nhiễm duy nhất giết chết người; bất bình đẳng cũng gây thiệt hại nghiêm trọng cho hành tinh của chúng ta ”.

Ngài nhấn mạnh sự cần thiết phải thúc đẩy các mối tương quan bền vững hơn, đặc biệt ở phương Tây, nơi mà các mối tương quan giữa con người và cộng đồng “đang ngày càng trở nên mong manh và rời rạc,” còn gia đình và khả năng chấp nhận và bảo vệ sự sống “đang bị khủng hoảng nghiêm trọng”.

Ngài nói, do chủ nghĩa tiêu dùng tràn lan được nhiều doanh nghiệp lớn thúc đẩy, một “nạn đói hạnh phúc” cũng đã được tạo ra, trong đó con người ngày càng bị cô lập và cô đơn; ngài cho rằng xu hướng này phải được đảo ngược.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng lặp lại lời chỉ trích của ngài đối với chủ nghĩa tư bản; ngài nói rằng nó "không bền vững" trong hình thức hiện tại của nó.

“Vốn đầu tiên của bất cứ xã hội nào là vốn tinh thần, vì đây là điều cho chúng ta lý do thức dậy mỗi buổi sáng,” ngài nói thế, đồng thời lưu ý rằng giới trẻ đặc biệt và ngày càng chịu ảnh hưởng của việc thiếu ý nghĩa.

Đức Giáo Hoàng nói, điều này “phát xuất từ việc thiếu vốn tinh thần quý giá này – một vốn vô hình nhưng thực tế hơn vốn tài chính hoặc kỹ thuật. Chúng ta cần khẩn trương xây dựng lại gia sản tinh thần thiết yếu này ”.

Quay sang nhân vật Thánh Phanxicô Assisi và tình yêu của ngài đối với sự nghèo khó, Đức Thánh Cha nói rằng để phát triển một nền kinh tế lấy cảm hứng từ vị thánh Umbria này ta phải “lấy người nghèo làm trung tâm.”

“Bắt đầu với họ, chúng ta xem xét nền kinh tế; bắt đầu với họ, chúng ta xem xét thế giới,” ngài nói thế và kêu gọi người trẻ không trở thành đồng phạm trong một hệ thống “sản sinh ra những người bị loại bỏ” và một “nền kinh tế giết người”.

Đức Phanxicô kết thúc bài phát biểu của ngài bằng lời kêu gọi các nhà kinh tế trẻ làm ba điều, trong đó điều đầu tiên là “nhìn thế giới bằng con mắt của những người nghèo nhất trong số những người nghèo”.

“Trong thời kỳ trung cổ, phong trào Phanxicô đã có thể tạo ra những lý thuyết kinh tế đầu tiên và thậm chí cả những ngân hàng đầu tiên cho những người túng thiếu” thông qua tổ chức Monti di Pietà của họ, hay còn gọi là “ngọn núi của lòng thương xót”, về căn bản là các tiệm cầm đồ hoạt động như một tổ chức từ thiện.

Ngài nói: “các con cũng sẽ cải thiện được nền kinh tế nếu các con nhìn mọi thứ từ góc độ của những nạn nhân và những người bị vứt bỏ”.

Đức Phanxicô cũng kêu gọi giới trẻ đừng quên tầm quan trọng của việc làm và người lao động, cũng như tạo ra việc làm cho mọi người; ngài nói rằng việc làm là “thách thức của thời đại chúng ta, và nó sẽ càng là thách thức của ngày mai”.

Ngài cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc “nhập thể”; ngài nói rằng sự thay đổi thực sự không chỉ đến qua những lý tưởng, mà còn là việc chuyển những giá trị này thành những hành động cụ thể.

Đức Thánh Cha xin sự tha thứ cho những tội lỗi trong quá khứ đối với người nghèo, người bị thiệt thòi và môi trường, và cầu xin Thiên Chúa hỗ trợ những người trẻ hiện nay, đặc biệt trong niềm “khao khát điều thiện và sự sống” của họ.

Ngài cầu xin, “Xin nâng họ lên khi họ gặp thất vọng vì những tấm gương xấu, đừng để họ nản lòng nhưng thay vào đó, họ được tiếp tục tiến bước trên các nẻo đường của họ”.