Sáng ngày 29 tháng 4, 2023, tức ngày thứ hai trong chuyến viếng thăm Hung Gia Lợi 3 ngày của Ngài, trước hết Đức Phanxicô đến thăm trẻ em tại Viện Chân Phúc László Batthyány-Strattmann ở Budapest, nơi có một vườn trẻ, một trường tiểu học và một nhà dành cho trẻ em mù. Tại đây, ngài được ông giám đốc, György Inotay, chào đón bằng kinh hòa bình của Thánh Phanxicô thành Assisi, được ông đọc bằng tiếng Latinh. Sau một vòng thăm viện, Đức Giáo Hoàng dự buổi hòa nhạc chủ yếu tấu các bản nhạc Hung Gia Lợi. Sau buổi hòa nhạc, Đức Giáo Hoàng gặp một số trẻ em được chăm sóc tại viện. Và trong một chia sẻ ngắn không soạn sẵn, ngài cám ơn ông Giám đốc về lời kinh được ngài mô tả là “một chương trình đời sống” và ngài nhấn mạnh: Chúa Giêsu đến trần gian chấp nhận thực tại như nó là. Các thánh cũng mô phỏng Chúa Giêsu, không trốn chạy thực tại. Chấp nhận thực tại, do đó, nên là mục tiêu của mọi Kitô hữu.



Sau đó, Đức Phanxicô đã tới Nhà thờ Thánh Êlidabét ở Budapest để gặp gỡ khoảng 6 trăm người tỵ nạn và người nghèo được các hiệp hội Công Giáo giúp đỡ, tại đây, ngài nói rằng đức tin chân chính thách thức chúng ta gặp gỡ người nghèo và nói ngôn từ bác ái.

Sau đây là bài nói chuyện của ngài với nhóm người nghèo và người tỵ nạn, theo bản tiếng Anh do Tòa Thánh cung cấp:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em buổi sáng!

Tôi rất vui khi được ở đây với anh chị em. Xin cảm ơn Đức Giám Mục Antal vì những lời chào mừng và đã mô tả sự phục vụ quảng đại mà Giáo hội Hung Gia Lợi thực hiện cho và với người nghèo. Những người túng thiếu – chúng ta đừng bao giờ quên – là tâm điểm của Tin Mừng, vì Chúa Giêsu đã đến giữa chúng ta “để đem tin mừng cho người nghèo khó” (Lc 4:18). Do đó, người nghèo đặt ra cho chúng ta một thách thức lớn: chúng ta phải bác bỏ việc để đức tin mà chúng ta tuyên xưng bị giam cầm bởi một lòng đạo đức xa rời cuộc sống, một lòng đạo đức dẫn đến một loại “chủ nghĩa vị kỷ thiêng liêng”, một nền linh đạo do chính tôi sáng tạo để duy trì sự yên tĩnh và tự mãn bên trong của chính tôi. Đức tin đích thực luôn thách thức, chấp nhận rủi ro, nó dẫn chúng ta đến gặp gỡ người nghèo và nói ngôn ngữ bác ái bằng chứng tá cuộc sống của chúng ta. Thánh Phaolô nói với chúng ta rằng chúng ta có thể nói nhiều thứ tiếng, có nhiều khôn ngoan và giàu có, nhưng nếu thiếu bác ái, chúng ta chẳng có gì và chẳng là gì cả (x. 1 Cr 13:1-13).

Ngôn ngữ của lòng bác ái. Đó là ngôn ngữ được nói bởi Thánh Êlidabét, người mà người dân Hung Gia Lợi rất sùng kính và yêu mến. Khi đến đây sáng nay, tôi đã nhìn thấy bức tượng của thánh nữ ở quảng trường, với phần đế cho thấy thánh nữ đang nhận sợi dây của Dòng Phanxicô và cho nước để làm dịu cơn khát của một người đàn ông nghèo. Đây là một hình ảnh hùng hồn của đức tin: những ai “gắn bó với Thiên Chúa”, như Thánh Phanxicô Assisi, người là nguồn cảm hứng cho Thánh Êlidabét, đều trở nên có lòng bác ái đối với người nghèo. Vì “nếu ai nói: 'Tôi yêu Thiên Chúa ' mà ghét anh em mình, thì người ấy nói dối; vì ai không yêu anh em mà mình trông thấy, thì không thể yêu Thiên Chúa mà mình không thấy được” (1 Ga 4:20). Thánh Êlidabét, con gái của một vị vua, đã lớn lên trong sự thoải mái của cuộc sống tại cung đình, trong một môi trường sang trọng và đặc quyền. Tuy nhiên, một khi được chạm đến và biến đổi bởi cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô, bà cảm thấy ghê tởm sự giàu có và phù phiếm của thế gian, và tìm cách từ bỏ chúng và quan tâm đến những người túng thiếu. Vì thế, bà không chỉ bán tài sản của mình mà còn dành cả cuộc đời để phục vụ người nghèo, người cùi và người bệnh, tận tình chăm sóc họ, thậm chí còn vác họ trên vai. Đó là ngôn ngữ của bác ái.

Brigitta đã nói chuyện với chúng ta về điều này, và tôi cảm ơn cô vì sự làm chứng của cô. Cô kể cho chúng ta nghe về những thiếu thốn, những khó khăn và vất vả của cô để cố gắng vượt qua và giữ cho những đứa con của cô không bị đói. Sau đó, vào thời điểm tàn khốc nhất, Chúa đã đến giúp đỡ cô. Cô nói với chúng ta cách Chúa đến can thiệp. Đấng lắng nghe tiếng kêu của người nghèo, Đấng “bảo vệ công lý cho kẻ bị áp bức, Đấng ban bánh cho kẻ đói ăn” và “nâng đỡ những kẻ đang cúi đầu”, hầu như không bao giờ can thiệp bằng cách giải quyết các vấn đề của chúng ta từ trên cao. Thay vào đó, Người đến gần chúng ta với vòng tay yêu thương dịu dàng của Người, khơi dậy lòng cảm thương nơi các anh chị em của chúng ta, những người lưu ý và chọn không thờ ơ. Như Brigitta đã đề cập, cô có thể cảm nghiệm được sự gần gũi của Chúa nhờ Giáo Hội Công Giáo Hy Lạp, nhờ rất nhiều người đã cố gắng hết sức để giúp đỡ cô, khuyến khích cô, tìm cho cô một công việc và hỗ trợ cô cả về nhu cầu vật chất lẫn hành trình đức tin của cô. Đó là loại chứng tá mà chúng ta được yêu cầu đưa ra: thể hiện lòng cảm thương đối với tất cả mọi người, đặc biệt là những người đang gặp cảnh nghèo đói, bệnh tật và đau đớn; cảm thương, có nghĩa là “chịu đựng cùng”. Chúng ta cần một Giáo hội thông thạo ngôn ngữ bác ái, ngôn ngữ phổ quát mà mọi người có thể nghe và hiểu, kể cả những người ở xa chúng ta nhất, kể cả những người không có tín ngưỡng.



Ở đây, tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn của tôi đối với Giáo hội ở Hung Gia Lợi vì đã phục vụ bác ái một cách quảng đại và rộng khắp. Anh chị em đã xây dựng một mạng lưới liên kết các nhân viên mục vụ, tình nguyện viên, các tổ chức Caritas của giáo xứ và giáo phận, đồng thời thu hút các nhóm cầu nguyện, các cộng đồng tín hữu và các tổ chức thuộc các hệ phái khác, nhưng vẫn đoàn kết trong mối hiệp thông đại kết phát sinh từ lòng bác ái. Cũng xin cảm ơn anh chị em vì đã chào đón rất nhiều người tị nạn từ Ukraine– không những chỉ với lòng quảng đại mà còn với sự nhiệt tình –. Tôi đã cảm động khi lắng nghe lời chứng của Oleg và gia đình anh ấy. “Hành trình đến tương lai” của họ - một tương lai khác, khác xa với nỗi kinh hoàng của chiến tranh - thực sự bắt đầu bằng một “hành trình của ký ức”, bởi vì Oleg nhớ lại sự chào đón nồng nhiệt mà anh đã nhận được ở Hung Gia Lợi nhiều năm trước, khi anh đến làm việc ở đây với tư cách là một đầu bếp. Ký ức về trải nghiệm đó đã khuyến khích anh đưa gia đình đến Budapest, nơi anh được tiếp đón với lòng hiếu khách quảng đại. Ký ức về tình yêu nhận được thắp lại hy vọng và thôi thúc con người bắt đầu một hành trình mới trong cuộc sống. Ngay cả giữa đau đớn và khổ sở, một khi chúng ta đã nhận được sự xoa dịu của tình yêu, chúng ta sẽ tìm thấy can đảm cần thiết để tiếp tục tiến về phía trước: chúng ta tìm thấy sức mạnh để tin rằng tất cả sẽ không mất đi, và một tương lai khác là điều có thể. Tình yêu mà Chúa Giêsu ban cho chúng ta và truyền lệnh cho chúng ta thực hành có thể giúp nhổ bật gốc rễ những sự dữ của tính ích kỷ và tai họa của sự thờ ơ khỏi xã hội, khỏi các thành phố của chúng ta và những nơi chúng ta sống, đồng thời thắp lại hy vọng về một thế giới mới, công bằng và huynh đệ hơn, nơi tất cả mọi người có thể cảm thấy như ở nhà.

Đáng buồn thay, nhiều người, ngay cả ở đây, thực sự là người vô gia cư. Nhiều anh chị em dễ bị tổn thương hơn của chúng ta – sống một mình, vật lộn với nhiều khuyết tật về thể chất và tinh thần, bị tàn phá bởi chất độc của ma túy, ra tù hoặc bị bỏ rơi vì già yếu – đang phải chịu cảnh nghèo khó trầm trọng về vật chất, văn hóa và tinh thần; họ không có mái che và không có nhà để ở. Zoltàn và vợ của anh ấy là Anna đã cung cấp cho chúng tôi lời chứng của họ về vấn đề to lớn này – cảm ơn vì những lời của anh chị! Cũng xin cảm ơn anh chị vì đã đáp lại sự thúc giục của Chúa Thánh Thần, đã dẫn dắt anh chị với lòng can đảm và quảng đại xây dựng một trung tâm tiếp nhận những người vô gia cư. Tôi rất cảm động khi biết rằng, cùng với nhu cầu vật chất của họ, anh chị quan tâm đến những câu chuyện cá nhân và phẩm giá bị tổn thương của họ, chăm sóc họ trong sự cô đơn và cuộc đấu tranh của họ để cảm thấy được yêu thương và chào đón trên thế giới. Anna nói với chúng tôi rằng, “Chúa Giêsu, Lời hằng sống, chữa lành tâm hồn và các mối quan hệ của họ, bởi vì người ta được xây dựng lại từ bên trong”; một khi họ nhận ra rằng trong mắt Thiên Chúa họ được yêu thương và ban phước, họ được tái sinh. Đây là một bài học cho toàn thể Giáo Hội: cung cấp bánh cho no bụng thì không đủ; chúng ta cần lấp đầy trái tim của người ta! Từ thiện không chỉ là trợ giúp vật chất và xã hội. Nó liên quan đến toàn bộ con người; nó cố gắng đưa con người đứng dậy bằng tình yêu của Chúa Giêsu: một tình yêu giúp họ phục hồi vẻ đẹp và phẩm giá của họ.

Làm từ thiện có nghĩa là can đảm nhìn vào mắt mọi người. Chúng ta không thể giúp đỡ người khác trong khi ngoảnh mặt đi. Làm bác ái đòi hỏi can đảm tiếp xúc: chúng ta không thể bố thí từ xa mà không đụng chạm. Phải chạm và phải nhìn. Bằng cách này, bằng cách chạm và nhìn, chúng ta bắt đầu hành trình với những người đang gặp khó khăn. Và điều này làm cho chúng ta nhận ra rằng chính chúng ta cần cái nhìn và sự đụng chạm của Chúa xiết bao.

Thưa anh chị em, tôi khuyến khích anh chị em luôn nói ngôn ngữ bác ái. Bức tượng ở quảng trường này tượng trưng cho phép lạ nổi tiếng nhất của Thánh Êlidabét: chúng ta được kể rằng Chúa đã từng biến những ổ bánh mì mà bà mang đến cho người nghèo thành rất nhiều hoa hồng. Đây cũng là trường hợp của anh chị em: bất cứ khi nào anh chị em cố gắng cung cấp bánh cho người đói, Chúa làm cho niềm vui nở hoa trong anh chị em và truyền vào cuộc sống của anh chị em hương thơm của món quà tình yêu mà anh chị em trao tặng. Thưa anh chị em, hy vọng và lời cầu nguyện của tôi là anh chị em sẽ luôn lan tỏa hương thơm bác ái trong Giáo hội và trên đất nước của mình. Xin anh chị em tiếp tục cầu nguyện cho tôi. Cảm ơn anh chị em.