Phản ứng trước quyết định của Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ về việc phá thai, Andrea Tornielli, giám đốc biên tập của Bộ Truyền thông Vatican, nhấn mạnh rằng “Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã lên tiếng mạnh mẽ và dứt khoát” chống lại việc phá thai.

Bài xã luận của Tornielli (“Phò sinh, Luôn luôn”) theo sau một tuyên bố trước đó của Giáo hoàng Hàn lâm viện về Sự sống. Tornielli nói, phán quyết “có thể tạo cơ hội để suy gẫm về sự sống, việc bảo vệ những người không có khả năng tự vệ và bị vứt bỏ, quyền của phụ nữ và bảo vệ quyền làm mẹ”.

Ông nói thêm, “Thật không may, một sự suy gẫm nghiêm túc và chia sẻ về sự sống cũng như việc bảo vệ tư cách làm mẹ đòi hỏi chúng ta phải tránh xa luận lý cực đoan chống đối và phân cực chính trị - thật không may – thường đi kèm với cuộc thảo luận về vấn đề này, ngăn cản cuộc đối thoại thực sự”.

“Phò sinh, chẳng hạn, luôn có nghĩa là phải quan tâm nếu tỷ lệ tử vong của phụ nữ do việc làm mẹ tăng lên,” ông nói tiếp như thế trong khi trích dẫn sự gia tăng tỷ lệ tử vong của người mẹ ở Hoa Kỳ từ năm 2019 đến năm 2020 (Tornielli không đề cập đến sự gia tăng đó có liên kết với Covid.)

Ông nói thêm, “Phò sinh luôn luôn có nghĩa là hỏi xem phải giúp đỡ phụ nữ ra sao để họ chào đón sự sống mới. Ở Mỹ, khoảng 75% phụ nữ phá thai sống trong cảnh nghèo đói hoặc lương thấp. Và chỉ có 16% nhân viên trong kỹ nghệ tư nhân được hưởng chế độ nghỉ hộ sản có lương … Phò sinh, luôn luôn, cũng có nghĩa là bảo vệ nó trước mối đe dọa từ súng ống.”

Tornielli kết luận, “Do đó, chúng ta có thể hy vọng rằng cuộc tranh luận về phán quyết của Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ sẽ không bị giản lược thành một cuộc đối đầu về ý thức hệ, mà sẽ thúc đẩy tất cả chúng ta — ở cả hai phía của đại dương — suy gẫm về ý nghĩa của việc chào đón sự sống".



Sau đây là nguyên văn bài xã luận của Tornielli:

Phò sinh, luôn luôn



Phán quyết của Tối cao Pháp viện, sau gần nửa thế kỷ, đã loại bỏ các quyết định trước đó từng thực tế hợp pháp hóa việc phá thai theo yêu cầu trên toàn nước Mỹ. Phán quyết hôm thứ Sáu trao cho các tiểu bang cá thể thẩm quyền ra luật lệ về vấn đề này và có thể tạo cơ hội để suy gẫm về sự sống, việc bảo vệ những người không có khả năng tự vệ và bị vứt bỏ, quyền của phụ nữ và bảo vệ quyền làm mẹ.

Đó là một chủ đề mà ngay từ đầu triều giáo hoàng của mình, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã lên tiếng một cách mạnh mẽ và dứt khoát.

Trong Evangelii gaudium, văn kiện phác thảo “lộ trình” của Giám mục Rôma đương nhiệm, chúng ta đọc: “Trong số những người dễ bị tổn thương mà Giáo hội mong muốn được chăm sóc với tình yêu thương và sự quan tâm đặc biệt là những đứa trẻ chưa chào đời, những đứa trẻ vô tội và không tự vệ nhất trong chúng ta. Ngày nay, những nỗ lực được đưa ra nhằm phủ nhận nhân phẩm của chúng và làm bất cứ điều gì người ta muốn, lấy mạng sống của chúng và thông qua luật pháp ngăn cản bất cứ ai cản trở điều này. Như một cách chế giễu nỗ lực của Giáo hội nhằm bảo vệ sự sống của chúng, nhiều mưu toan thường được thực hiện nhằm trình bầy chủ trương của Giáo hội như có tính ý thức hệ, duy tăm tối và bảo thủ. Nhưng thực ra, bảo vệ sự sống chưa sinh này có liên hệ chặt chẽ với việc bảo vệ mỗi và mọi nhân quyền khác. Nó bao hàm niềm xác tín rằng con người luôn thánh thiêng và bất khả xâm phạm, trong bất cứ hoàn cảnh nào và ở mọi giai đoạn phát triển nào. Con người là mục đích trong chính họ và không bao giờ là phương tiện để giải quyết các vấn đề khác”.

Một suy tư nghiêm túc và chia sẻ về sự sống cũng như việc bảo vệ quyền làm mẹ đòi hỏi chúng ta phải tránh xa luận lý cực đoan chống đối và phân cực chính trị - thật không may – thường đi kèm với cuộc thảo luận về vấn đề này, ngăn cản cuộc đối thoại thực sự.

Phò sinh, chẳng hạn, luôn có nghĩa là phải quan tâm nếu tỷ lệ tử vong của phụ nữ do việc làm mẹ tăng lên. Tại Hoa Kỳ, theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), tỷ lệ tử vong của người mẹ đã tăng từ 20.1 phụ nữ chết trong 100,000 trẻ sinh ra còn sống vào năm 2019 lên 23.8 trên 100,000 trẻ sinh ra còn sống vào năm 2020. Và, một cách đáng chú ý, tỷ lệ tử vong nơi phụ nữ da đen năm 2020 là 55.3 ca tử vong trên 100,000 trẻ sinh ra còn sống, gấp 2.9 lần tỷ lệ tử vong ở phụ nữ da trắng.

Phò sinh luôn luôn có nghĩa là hỏi xem phải giúp đỡ phụ nữ ra sao để họ chào đón sự sống mới. Theo một thống kê ở Mỹ, khoảng 75% phụ nữ phá thai sống trong cảnh nghèo đói hoặc lương thấp. Và chỉ có 16% nhân viên trong kỹ nghệ tư nhân được hưởng chế độ nghỉ hộ sản có lương … Phò sinh, luôn luôn, cũng có nghĩa là bảo vệ nó trước mối đe dọa từ súng ống.Theo một thống kê ở Hoa Kỳ, khoảng 75% phụ nữ phá thai sống trong cảnh nghèo đói hoặc có mức lương thấp. Và theo một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Harvard Review of Psychiatry vào ngày 9 tháng 3 năm 2020, chỉ có 16% nhân viên trong kỹ nghệ tư nhân được hưởng chế độ nghỉ hộ sản có lương. Gần một trong bốn bà mẹ mới không được nghỉ hộ sản có lương buộc phải đi làm trở lại trong vòng mười ngày sau khi sinh con.

Phò sinh, luôn luôn, còn có nghĩa là bảo vệ nó trước mối đe dọa của súng đạn, thứ không may đã trở thành nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho trẻ em và thanh thiếu niên ở Mỹ.

Do đó, chúng ta có thể hy vọng rằng cuộc tranh luận về phán quyết của Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ sẽ không bị giản lược thành một cuộc đối đầu về ý thức hệ, mà sẽ thúc đẩy tất cả chúng ta — ở cả hai phía của đại dương — suy gẫm về ý nghĩa của việc chào đón sự sống, bảo vệ nó và thúc đẩy nó bằng các luật lệ phù hợp.