Theo Russell Shaw (https://aleteia.org/2021/08/13/the-new-religion-friendly-supreme-court/), các hành động gần đây của Tối cao Pháp viện Hoa kỳ phản ảnh sự kiện này: việc thực thi quyền tự do tôn giáo quả đã được ghi trong Tu chính án Thứ nhất của Hiến pháp.



Russell đặt câu hỏi: Tối cao Pháp viện có bán đứng tôn giáo không? Ông cho rằng bạn có thể được miễn thứ khi suy nghĩ như vậy nếu tất cả những gì bạn vẫn phải tiếp tục chứng kiến là tiếng kêu la phản đối việc làm của Pháp viện trong nhiệm kỳ trước. Và ngược lại lúc này, sự phản đối của phe tả ngày càng trở nên gay gắt hơn do dự cảm của họ về một nhiệm kỳ mới với nghị trình phá thai và tài trợ cho các trường tôn giáo.

Tuy nhiên, các hành động thân thiện với tôn giáo của Pháp viện chỉ phản ảnh sự kiện này là, không giống như các tuyên bố được cổ vũ nhân danh một số chính nghĩa thân thiết của cánh tả, quyền tự do tôn giáo đã được ghi trong Tu chính án Thứ nhất của Hiến pháp cùng với các quyền cơ bản khác như tự do ngôn luận và tự do hội họp.

Phán quyết về quyền tự do tôn giáo đáng chú ý nhất của Tối cao Pháp viện là phán quyết nhất trí ngày 17 tháng 6 trong vụ Fulton kiện Philadelphia. Phán quyết này nói rằng thành phố đã sai lầm trong việc loại cơ quan dịch vụ xã hội Công Giáo địa phương ra khỏi chương trình chăm nuôi trẻ em vì đã từ chối việc cho các cặp đồng tính nhận chăm nuôi trẻ em.

Nhưng không hề có nghĩa đó là trường hợp duy nhất, trong đó, các thẩm phán đã đứng về phía tôn giáo. Nhiều lần họ đã đảo ngược các hạn chế của chính phủ liên quan đến đại dịch đối với các buổi lễ tôn giáo nghiêm ngặt hơn so với những hạn chế áp đặt lên các doanh nghiệp thương mại. Và sau đó, họ đã lật ngược phán quyết của tòa án cấp thấp hơn duy trì các nỗ lực buộc nông dân Amish ở Minnesota phải sử dụng kỹ thuật hiện đại - trái với các xác tín tôn giáo của họ - trong việc loại nước thải.

Nhìn về tương lai, các thẩm phán đã đồng ý xét xử một kháng cáo về quyền tự do tôn giáo khác trong nhiệm kỳ bắt đầu từ ngày 4 tháng 10. Và một vài tuần sau đó - ngày chưa được ấn định khi viết bài này – Pháp viện sẽ thụ lý một vụ phá thai từ Mississippi (Dobbs kiện Cơ quan Y tế Phụ nữ Jackson), mặc dù không liên quan đến việc thực thi tự do, nhưng rõ ràng là rất được nhiều cơ quan tôn giáo quan tâm.

Một loạt các bản góp ý kiến thuận lợi (amicus curiae), phần nhiều từ các nguồn Giáo Hội, kể cả Công Giáo, đã được đệ trình trong vụ Dobbs - không có gì ngạc nhiên, khi cả hai bên đều tin rằng nó có thể khiến Tối cao Pháp viện lật ngược phán quyết Roe kiện Wade tức phán quyết năm 1973 lần đầu tiên hợp pháp hóa việc phá thai.

Vụ tự do thực thi (Carson kiện Makin) phát xuất từ tiểu bang Maine, và giống như vụ Dobbs có khả năng tạo ra một phán quyết mang tính bước ngoặt - ở đây, về vấn đề rắc rối của việc tài trợ các trường tôn giáo. Ở một tiểu bang mà hơn nửa số khu học chánh không có trường trung học công lập, bộ giáo dục của Maine đã cấp học phí cho các học sinh theo học tại các trường công lập hoặc tư thục, trong hoặc ngoài tiểu bang, nhưng yêu cầu trường tư phải “không theo giáo phái” nào mói để đủ điều kiện nhận tài trợ.

Các phụ huynh muốn gửi con cái họ đến các trường Kitô giáo đã phản đối chính sách trên, nhưng Tòa phúc thẩm Hoa Kỳ Thứ nhất vào tháng 10 năm ngoái đã chấp thuận việc từ chối tài trợ học phí cho bất cứ trường nào “quảng bá hệ thống đức tin hoặc niềm tin mà nó được liên kết và / hoặc trình bày tài liệu giảng dạy qua lăng kính của đức tin này”. Các bậc phụ huynh nói rằng điều này phản ảnh một "học thuyết hèn hạ" kỳ thị tôn giáo.

Trong một chuyên mục gần đây của New York Times, Linda Greenhouse, một tiếng nói đáng tin cậy của quan điểm tự do về các vấn đề của Tối cao Pháp viện, lập luận rằng điều các thẩm phán làm gần đây tương đương với việc trao cho tôn giáo tư thế “tối huệ quốc”.

Theo một nghĩa hẹp, Greenhouse có thể đúng. Nhưng theo nghĩa rộng hơn, hành động của Pháp viện không dựa vào vụ kiện năm 1993 ít người biết đến có tên là Giáo Hội của Lukumi Babalu Aye kiện Hialeah mà Greenhouse đã viện dẫn nhưng theo lời lẽ của Tu chính án Thứ nhất cấm hành động của chính phủ trừng phạt việc thực thi quyền tự do tôn giáo.

Nếu Pháp viện thực sự muốn dấn thân vào việc thở hơi sống mới vào việc tự do thực thi quyền tự do tôn giáo, thì điều đó đáng được ăn tôn vinh bất chấp những tiếng rên rỉ từ phe tả thế tục.