Giám đốc Xã luận của Bộ Truyền Thông Tòa Thánh, Andrea Tornielli, vừa có bài xã luận đề cập tới kỹ thuật hạ giá lời lẽ của Đức Phanxicô nói về việc tái trang bị vũ khí trên thế giới hiện nay. Ông viết:



"Đức Giáo Hoàng nói chống lại việc tái vũ trang, nhưng... Đức Giáo Hoàng làm những gì ngài nên làm, nhưng... Đức Giáo Hoàng chỉ có thể nói những gì ngài nói, nhưng..."

Luôn luôn có chữ "nhưng" trong nhiều bình luận gây bối rối đi kèm với tuyên bố rõ ràng "không chiến tranh" của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, nhằm bối cảnh hóa và hạ thấp các tuyên bố của ngài.

Vì họ không thể giải thích những lời của Giám mục Rôma theo nghĩa mong muốn, vì bằng bất cứ cách nào, họ cũng không thể "bẻ cong" chúng để ủng hộ cuộc chạy đua vũ trang gia tốc sau cuộc chiến tranh xâm lược do Vladimir Putin phát động chống lại Ukraine, nên họ lịch thiệp tự tách mình ra xa chúng, bằng cách nói rằng Đức Giáo Hoàng chỉ có thể nói những gì ngài nói, nhưng sau đó chính trị phải quyết định thôi.

Và chính trị của các chính phủ phương Tây hệ ở việc quyết định tăng nhiều tỷ dô la vốn đã chi tiêu cho các loại vũ khí mới và ngày càng tinh vi. Hàng tỷ đô la không thể được chi tiêu cho các gia đình, chăm sóc sức khỏe, việc làm, hiếu khách, chống nghèo đói.

Theo bước chân của những vị tiền nhiệm trực tiếp của mình, đặc biệt là Thánh Gioan Phaolô II, Đức Giáo Hoàng Phanxicô lặp lại rằng chiến tranh là một cuộc phiêu lưu không có đường trở lui. Những lời của Thánh Gioan Phaolô II nhân dịp hai cuộc chiến ở Iraq và ở Balkan cũng được "ngữ cảnh hóa" và bị hạ thấp, ngay cả trong Giáo hội.
Vị Giáo hoàng từng thúc giục chúng ta "đừng sợ" mở "cánh cửa cho Chúa Kitô" vào đầu triều đại của mình, đã cầu xin một cách vô ích vào năm 2003 với ba nhà lãnh đạo phương Tây có ý định lật đổ chế độ của Saddam Hussein, yêu cầu họ dừng lại. Gần hai mươi năm sau, ai có thể phủ nhận rằng tiếng kêu phản chiến của Thánh Gioan Phaolô II không chỉ mang tính tiên tri mà còn thấm nhuần chủ nghĩa hiện thực chính trị sâu sắc? Chỉ cần nhìn vào đống đổ nát của đất nước Iraq tử đạo, từ lâu đã bị biến thành nơi chứa mọi thứ khủng bố, là hiểu được cái nhìn của vị Giáo hoàng Ba Lan thánh thiện là có tầm nhìn xa đến mức nào.

Điều tương tự đang xảy ra ngày nay. Từ một vị Giáo hoàng không đầu hàng trước tính không thể tránh khỏi của chiến tranh, trước đường hầm không lối thoát được biểu thị bằng bạo lực, trước luận lý sai lầm của việc tái vũ trang, trước lý thuyết răn đe đã tràn ngập thế giới với rất nhiều vũ khí hạt nhân có khả năng tiêu diệt nhân loại. Trong những ngày gần đây, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói rằng “Tôi rất xấu hổ, khi đọc thấy rằng một nhóm các quốc gia đã cam kết chi hai phần trăm tổng sản lượng quốc gia của họ để mua vũ khí, như một phản ứng đối với những gì đang xảy ra hiện nay. Quả là điên khùng! Giải đáp thực sự không phải là nhiều vũ khí hơn, nhiều lệnh trừng phạt hơn, nhiều liên minh chính trị-quân sự hơn, mà là một cách tiếp cận khác, một cách khác để điều hành thế giới đã hoàn cầu hóa này - không phải bằng cách đe dọa, như trường hợp hiện nay - một cách khác để thiết lập các liên hệ quốc tế. May mắn thay, mô hình chăm sóc hiện đã có sẵn, nhưng thật không may, nó vẫn còn phụ thuộc vào mô hình của sức mạnh kinh tế-kỹ thuật-quân sự".

Lời nói "Không" của Đức Giáo Hoàng Phanxicô với chiến tranh, một chữ "không" triệt để và xác tín, không liên quan gì đến cái gọi là trung lập cũng như không thể được trình bày như một quan điểm đảng phái hoặc được thúc đẩy bởi các tính toán chính trị-ngoại giao. Trong cuộc chiến này, có những kẻ xâm lược và có những kẻ bị tấn công. Có những kẻ đã tấn công và xâm lược, giết hại dân thường không vũ trang, đạo đức giả che đậy cuộc xung đột dưới chiêu bài "hoạt động quân sự đặc biệt"; và có những người vất vả bảo vệ mình bằng cách chiến đấu cho đất đai của riêng họ. Người kế vị của Thánh Phêrô đã nhiều lần nói điều này bằng những lời lẽ rất rõ ràng, lên án tuyệt đối cuộc xâm lược và tử vì đạo của Ukraine đã diễn ra trong hơn một tháng nay.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là ngài "chúc lành" cho việc tăng tốc cuộc chạy đua vũ trang, một cuộc chạy đua, đàng khác, đã bắt đầu cách đây một thời gian, do các nước châu Âu đã tăng chi tiêu quân sự của họ lên 24,5% so với năm 2016: bởi vì Đức Giáo Hoàng không phải là "tuyên úy của phương Tây" và bởi vì ngài lặp lại rằng ngày nay, đứng về phía phải của lịch sử có nghĩa là chống lại chiến tranh và tìm kiếm hòa bình bằng bất cứ phương tiện nào. Chắc chắn, Sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo nhìn nhận quyền tự vệ. Tuy nhiên, nó đặt để các điều kiện, chỉ rõ rằng việc sử dụng vũ khí không được kích động các sự ác và rối loạn nghiêm trọng hơn cái ác cần bị loại bỏ, và nó nhắc lại rằng khi đánh giá điều kiện này, "sức mạnh của các phương tiện hủy diệt hiện đại" có một tầm quan trọng rất lớn. Ai có thể phủ nhận rằng nhân loại ngày nay đang trên bờ vực thẳm chính vì sự leo thang xung đột và sức mạnh của “những phương tiện hủy diệt hiện đại”?

Lúc đọc kinh Truyền Tin vào hôm Chúa Nhật vừa qua, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói rằng, “Chiến tranh không nên là điều không thể tránh khỏi. Chúng ta không nên làm quen với chiến tranh! Thay vào đó, chúng ta cần hoán cải sự coi thường của ngày hôm nay thành sự cam kết cho ngày mai. Bởi vì, nếu chúng ta thoát ra được điều này như chúng ta đã thoát được trước đây, tất cả chúng ta sẽ có tội một cách nào đó. Trước nguy cơ tự hủy diệt, ước mong sao nhân loại chịu hiểu rằng đã đến lúc phải xóa bỏ chiến tranh, xóa bỏ nó khỏi lịch sử loài người trước khi nó xóa bỏ lịch sử loài người này”.

Do đó, cần phải xem xét nghiêm túc lời kêu gọi, lời kêu gọi lặp đi lặp lại của Đức Giáo Hoàng. Nó là lời mời được gửi đến chính các chính trị gia để họ suy nghĩ và cam kết.

Cần có một nền chính trị vững chắc và một nền ngoại giao sáng tạo, theo đuổi hòa bình, bằng bất cứ cách nào, ngăn chặn vòng xoáy biến thái mà trong vài tuần đang làm thui chột hy vọng về một quá trình chuyển đổi sinh thái và đang mang lại năng lực mới cho ngành kinh doanh trao đổi và buôn bán vũ khí. Chính làn gió chiến tranh, khi quay ngược kim đồng hồ lịch sử, đang đưa chúng ta trở lại thời đại mà chúng ta hy vọng đã từ bỏ hoàn toàn sau khi Bức tường Bálinh sụp đổ.