Giống như đại đa số báo chí và cơ quan truyền thông Công Giáo khác, Tạp chí America của các cha Dòng Tên Mỹ, khi đưa tin về vụ lật ngược phán quyết Roe v. Wade, đều tỏ ý ủng hộ. Tuy nhiên, đôi lúc, người ta vẫn thấy Tạp chí này thêm chữ “nhưng” vào sự ủng hộ ấy. Đại khái, như những tựa đề: If the Catholic Church is pro-life, why is its maternity leave so bad? (May 6, 2022), I support overturning Roe. But pro-lifers need to understand why so many Americans fear this decision (May 06, 2022), I’ve wanted Roe v. Wade overturned my entire life. So why don’t I feel better now? (May 05, 2022). Nhưng trong bài xã luận ngày 12 tháng 5 vừa qua, các chủ bút của họ đã bỏ chữ “nhưng” này và nhất loạt cho rằng việc kết liễu Roe v. Wade mang lại công lý cho phụ nữ và trẻ chưa sinh.



Theo Tạp chí này, vào đầu tháng 5, một bản dự thảo bị rò rỉ về ý kiến đa số trong vụ án Dobbs v. Jackson Women's Health, hiện đang được Tối cao Pháp viện xem xét, cho thấy tòa này đang trên đà lật ngược các tiền lệ của nó trong phán quyết Roe v. Wade Planned Parenthood v. Casey. Tối cao Pháp viện xác nhận rằng tài liệu rò rỉ là một dự thảo xác thực, có từ tháng Hai. Mặc dù chưa rõ phán quyết cuối cùng, dự kiến vào khoảng cuối tháng 6 hoặc đầu tháng 7, sẽ giống như dự thảo bao xa, nhưng ít nhất hai kết luận có thể được đưa ra.

Đầu tiên, luật của tiểu bang Mississippi liên quan đến vụ Dobbs, tức việc cấm phá thai sau 15 tuần của thai kỳ, gần như chắc chắn sẽ được duy trì. Và trừ khi Chánh án John Roberts thuyết phục một chánh án bảo thủ khác tham gia với ông trong một phán quyết hạn chế hơn, nó dường như sẽ được duy trì bằng cách lật ngược hoàn toàn các phán quyết RoeCasey. Thứ hai, cả chính vụ rò rỉ chưa từng có và sự phẫn nộ sau đó về phán quyết có thể có — một sự phẫn nộ vốn đã bao gồm các cuộc tuần hành phản đối, phá phách và đốt phá trụ sở của một nhóm ủng hộ sự sống, và các cuộc biểu tình giận dữ bên ngoài nhà của các thẩm phán Tối cao Pháp viện, những người dự kiến sẽ ký vào dự thảo - chứng minh rằng gần 50 năm cố gắng giải quyết chính sách phá thai tại Tối cao Pháp viện là một thất bại nặng nề đã góp phần vào việc chính trị hóa tòa án một cách triệt để.

Như thế, câu hỏi đặt ra vẫn là: Đâu là con đường đúng đắn tiến về phía trước kể từ điểm này, đối với cả vấn đề có thực chất về chính sách phá thai và cuộc tranh luận chính trị xung quanh vấn đề này?

Các chủ bút của tạp chí America từ lâu đã lập luận rằng như một vấn đề hợp hiến, phá thai đúng ra là một vấn đề của các cơ quan lập pháp tiểu bang. Hơn nữa, như một vấn đề luân lý, sự sống con người chưa sinh đáng được pháp luật bảo vệ qua các hạn chế về phá thai, các hạn chế này phải đi kèm với các biện pháp bảo vệ phụ nữ mang thai và hỗ trợ để việc chào đón một đứa con trong điều kiện kinh tế an toàn trở thành khả hữu. Vì cả hai lý do đó, các chủ bút của tạp chí America hoan nghênh viễn cảnh phán quyết Roe bị lật ngược và luật phá thai tốt hơn có thể được thực thi. Họ tiếp tục kêu gọi các đồng minh và đồng nghiệp của họ trong phong trào ủng hộ sự sống làm việc để các chính sách trong mạng lưới an toàn xã hội có thể giúp làm giảm tỷ lệ phá thai. Không làm như vậy trong khi vận động cho những hạn chế ngày càng khắc nghiệt về phá thai sẽ khiến trái tim và khối óc khó nhận ra bổn phận luân lý là bảo vệ sự sống chưa sinh.

Từ lâu, các chủ bút này cũng tin rằng, về mặt thực dụng, RoeCasey đã dẫn đến những chia rẽ cố thủ sâu xa hơn về phá thai. Thay vì hợp tác và thỏa hiệp, các phán quyết này của tòa án đã khuyến khích những người ủng hộ quyền lựa chọn phản đối bất cứ và mọi hạn chế thực chất nào đối với việc phá thai đến phải nhờ đến Tối cao Pháp viện. Họ không thấy khả thể thực tiễn nào là các khuyến khích đó có thể thay đổi bao lâu tính hợp hiến của bất cứ luật phá thai nào dựa vào cách thức ít nhất năm thẩm phán áp dụng tiêu chuẩn mơ hồ “gánh nặng quá mức” của phán quyết Casey. Điều này có nghĩa là hy vọng tốt nhất - dù là hy vọng hạn hẹp – đối với cuộc tranh luận chính trị tốt hơn về phá thai vẫn là loại bỏ các trở ngại RoeCasey và trả vấn đề lại cho trật tự bình thường của chính trị lập pháp.

Ngay cả khi Chánh án Roberts thành công trong việc bảo đảm một phán quyết hạn chế hơn về việc duy trì giới hạn 15 tuần đối với việc phá thai trong khi không quyết định gì khác, vấn đề phá thai sẽ được đưa ra trước tòa trong thời gian ngắn. Các tiểu bang khác có thể đề xuất luật cấm phá thai sau 10 hoặc 12 tuần, hoặc một thách thức đối với việc chấp pháp tư nhân (private enforcement) của lệnh cấm sáu tuần của Texas cuối cùng có thể đưa ra tòa án theo cách không thể né tránh. Còn nếu có việc làm giảm RoeCasey nhiều hơn mà không lật ngược chúng, thì, theo họ, sẽ lại có một vụ kiện khác sau đó. Sự lặp lại không ngừng của cùng một diễn trình sẽ không tạo ra giải pháp ổn định cho vấn đề này.

Công chúng Hoa Kỳ vẫn tiếp tục chia rẽ sâu xa về việc phá thai trong nhiều thập niên và cả hai đảng chính trị đều trở thành chuyên gia khai thác sự chia rẽ đó vì mục đích đảng phái. Mặc dù việc lật ngược lại RoeCasey sẽ không chấm dứt tình trạng phe đảng đó, bao lâu chính sách phá thai chỉ có thể bị ảnh hưởng một cách có ý nghĩa bởi các bổ nhiệm cho tòa án, phá thai sẽ tiếp tục là một vấn đề chi phối chính trị.

Vì cùng những lý do đó, các chủ bút của tạp chí America tin rằng phong trào ủng hộ sự sống không nên theo đuổi việc hiến pháp thừa nhận tư cách nhân vị của thai nhi thông qua tòa án như một cách để đơn phương hạn chế và hình sự hóa việc phá thai. Vì Hiến pháp không nói gì về vấn đề này cũng như về vấn đề phá thai, nên phán quyết của tòa nhằm xác lập tính cách nhân vị của thai nhi sẽ là hình ảnh phản chiếu sai lầm căn bản của Roe, có khả năng khiến đất nước rơi vào một cuộc chiến ủy nhiệm về vấn đề này thông qua các bổ nhiệm ở ngành tư pháp.

Lập trường của Giáo Hội Công Giáo chống lại việc phá thai xuất phát từ cam kết đối với tính thánh thiêng của mọi sự sống con người bất kể hoàn cảnh nào, khi còn trong bụng mẹ hay bên ngoài bụng mẹ. Bảo vệ sự sống ở mọi nơi khác nhưng bác bỏ việc bảo vệ đó đối với trẻ chưa sinh là tham gia vào điều bị Daniel Berrigan, S.J., từng tố cáo là "nỗi kinh hoàng của con người", trong đó sự sống của những đứa trẻ chưa sinh bị coi là một trong những người không xứng đáng có quyền và phẩm giá. Cha Berrigan nói: “Những con người văn minh không bận tâm tới việc vứt bỏ sự sống ở bất cứ giai đoạn nào."

Giáo Hội Công Giáo dạy rằng phôi thai, như sự sống con người, “phải được đối xử từ khi thụ thai như một con người”. Đây là một lập luận đạo đức, một lập luận mặc nhiên thừa nhận rằng không có cách khách quan nào để xác định một thời điểm trong sự phát triển con người mà tại đó các tác nhân đạo đức có thể tin tưởng rằng một con người kém phát triển hơn chưa phải là một con người và vì vậy có thể bị giết một cách tự do. Người Công Giáo được kêu gọi thuyết phục đồng công dân của chúng ta về nghĩa vụ chung là bảo vệ sự sống con người thông qua lập luận và đấu tranh dân chủ, và không nên tìm cách áp đặt nó bằng những sắc lệnh tư pháp, vốn dựa trên những lập luận hiến pháp chắc chắn căng thẳng.

Điều cần thiết nhất trong cuộc tranh luận công cộng về việc phá thai là một sự suy xét đạo đức trung thực về hai sự thiện đang ở thế căng thẳng với nhau khi một phụ nữ phải đối mặt với việc mang thai mà nàng cảm thấy mình không thể tiếp tục: sự toàn vẹn thể xác cũng như quyền tự chủ cá nhân của nàng, và phẩm giá của sự sống chưa sinh hoàn toàn phụ thuộc vào nàng. Theo các sáng kiến mà Roe đã giúp thiết lập, những người ủng hộ một điều thiện có xu hướng phớt lờ hoặc trốn tránh điều kia, trong khi phỉ báng phe đối thủ, một phe cũng đang làm điều y hệt. Sự thù hận và sợ hãi của người ở hai bên về vấn đề phá thai sẽ không dễ dàng để vượt qua. Nhưng lời kêu gọi yêu thương và thực thi công lý cho cả phụ nữ và cuộc sống của những đứa trẻ chưa chào đời chỉ đòi hỏi có thế.