Nhận định về hội nghị mùa thu của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ tại Baltimore, tờ The Pillar cho rằng bất luận như thế nào, các cuộc họp trực tuyến cũng không thể thay thế các cuộc họp trực tiếp. Không giáp mặt nhau hình như người ta không nể nang gì nhau bao nhiêu. Nên phiên họp trực tuyến hồi tháng 6 năm nay, phần lớn nhằm đánh bóng cá nhân và do đó gây chia rẽ, hơn là nhất trí giữa các giám mục. Lần này, họp trực tiếp, dù sao, người ta cũng thận trọng hơn và nhờ thế bầu khí thân thiện hơn.



Điều ấy, theo Crux, được Đức Cha Andrew Cozzens, Chủ tịch Ủy ban Phúc âm hóa và Giáo lý, Ủy ban có nhiệm vụ soạn thảo văn kiện “The Mystery of the Eucharist in the Life of the Church” (Mầu nhiệm Thánh Thể trong Đời sống Giáo Hội), xác nhận. Theo ngài, vào hôm thứ Hai, khi các Giám Mục họp kín để thảo luận riêng về văn kiện này, các cuộc đàm luận trực tiếp về nó đã diễn ra trong một giọng điệu khác hẳn, so với phiên họp hồi tháng 6 năm nay. Và ngài tin, ngoài một vài sửa đổi nho nhỏ về cách dùng từ ra, văn kiện sẽ được thông qua.

Ngài rõ ràng qui khía cạnh tích cực này cho hình thức gặp mặt trực tiếp. Ngài gọi hình thức này là một hồng phúc cả về khía cạnh hiệu năng lẫn tình huynh đệ: “Quả là một hồng phúc được ở với nhau vì bạn sẽ được nhìn thấy nhau và cảm nghiệm được một số khía cạnh huynh đệ trong việc được ở bên nhau, điều mà bạn không thể thực sự nắm được cách khác thế”.

Bên lề

Nhưng theo tờ The Pillar, trong khi bên trong hòa hoãn như thế, thì bên ngoài hay bên lề, sóng gió hình như chưa chịu yên. Thực vậy, cùng ngày đầu tiên của hội nghị, có hai cuộc biểu tình với chủ đề hoàn toàn chống chọi nhau đã diễn ra ở bên ngoài khách sạn nơi tổ chức hội nghị. Một cuộc thúc giục các Giám Mục ngăn cấm các chính trị gia phò phá thai rước lễ. Cuộc kia, trái lại, cho rằng không nên cấm họ tiếp nhận Thánh Thể.

Cuộc đầu gọi là “Cuộc Diễn Hành Nam Giới” (“The Men’s March”) có đến 200 người tụ tập trước tòa nhà của công ty chuyên phá thai Planned Parenthood ở Baltimore sau đó tiến về phía Hội nghị. Họ muốn các Giám Mục “đối diện với thực tại của việc sát hại tập thể liên tiếp hàng ngày những trẻ chưa sinh”.

Nhiều người mang biểu ngữ với hàng chữ “Hãy chấp pháp điều 915 giáo luật” nghĩa cụ thể là không cho những người Công Giáo nào cố chấp trong các tội công khai và nghiêm trọng rước lễ.

Tuy gọi là “Cuộc Diễn Hành Nam Giới” nhưng không thiếu phụ nữ tham gia. Giải thích tại sao lại gọi là Cuộc Diễn Hành Nam Giới, người tổ chức cho hay: “luôn có nam giới liên hệ tới bất cứ vụ phá thai nào, và nam giới chắc chắn là thành phần lớn lao của vấn đề này. Nên nam giới phải là một thành phần giải quyết nó”.

Trong khi “Cuộc Diễn Hành Nam Giới” đang đọc kinh Mân Côi trước khách sạn của Hội Nghị, thì một nhóm khác diễn hành quanh khách sạn với một thông điệp hoàn toàn khác. Tên của họ là “Catholic Organizations for Renewal” (Các Tổ chức Canh tân Công Giáo), tự cho mình là “một liên minh gồm các nhóm Công Giáo cấp tiến do giáo dân lãnh đạo chống lại việc chính trị hóa Rước Lễ”. Họ gọi cuộc biểu dương lực lượng của họ là “Bread not Stones” (Bánh chứ không phải Đá). Có điều, họ chỉ tụ tập được chừng 50 người để “kêu gọi lương tâm các Giám Mục” và “chống việc thử nghiệm tính chính thống ở bàn ăn của Chúa Giêsu”.

Điều nghịch lý là họ bảo ta không nên chính trị hóa việc Rước lễ, nhưng ban tổ chức cuộc diễn hành lại nhấn mạnh, như Jamie Manson, cựu bỉnh bút của tờ National Catholic Reporter, rằng dù dự thảo văn kiện về Thánh Thể không trực tiếp kêu gọi việc ngăn cấm các chính trị gia phò phá thai rước lễ, nhưng “tôi vẫn lo lắng họ sẽ tiếp tục xách nhiễu những người như Tổng thống Biden và Chủ tịch Hạ viện Pelosi”.

Chủ trương trên dường như được Vatican News hỗ trợ khi họ cho đăng bài phỏng vấn Đức Hồng Y hưu trí Roger Mahony, cựu Tổng Giám Mục Los Angeles, tiền nhiệm của Đức Tổng Giám Mục José Gomez, cùng ngày với hội nghị mùa thu của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ. Theo Catholic World News, việc đăng tải trên làm nổi bật quan điểm của Đức Hồng Y Mahony, người cho rằng văn kiện về “Sự Nhất quánh Thánh Thể” là điều “hoàn toàn không cần thiết”

Dựa vào lập luận quen thuộc về việc tách biệt giữa Giáo Hội và nhà nước, Đức Hồng Y Mahony cho rằng “gần như không thể có việc” một chính trị gia Công Giáo đưa ra các quyết định nhất quán dựa vào tín lý Công Giáo. Ngài ca ngợi tuyên bố hồi tháng 6 của 60 dân biểu Dân Chủ, nói rằng khi đọc nó, “tôi nói, ‘đó chính là chúng ta! Đó chính là Giáo Hội’”. Trong tuyên bố đó, các dân biểu phản đối “việc vũ khí hóa phép Thánh Thể đối với các nhà lập pháp Dân Chủ vì họ ủng hộ quyền phá thai an toàn và hợp pháp của người đàn bà”.

Catholic World News cho hay lập luận của Đức Hồng Y Mahony không có gì độc đáo hay gây ngạc nhiên. Nhưng điều đáng lưu ý là một cơ quan chính thức của Tòa Thánh lại quyết định kêu gọi người ta lưu ý tới những quan điểm ấy, được một vị giáo phẩm vốn buộc phải từ chức 10 năm trước đây nói ra, vào đúng ngày các Giám Mục Hoa Kỳ bàn về vấn đề này.

The Pillar thì tiết lộ thêm: Đức Hồng Y Mahony vốn bị cấm thi hành thừa tác vụ công khai ở Tổng giáo phận Los Angeles từ năm 2013: thậm chí không được lên tiếng công khai trong các nhà thờ của tổng giáo phận Los Angeles. Chính vì thế mà trong nghi thức khánh thành tượng đài Đức Mẹ Lavang ở Nhà Thờ Kiếng Garden Grove vừa qua, ngài chỉ được hiện diện như một giáo dân, thậm chí, không được đồng tế! Vậy mà Vatican News lại phỏng vấn và đăng bài phỏng vấn vào đúng hôm thứ hai, 15 tháng 11, 2021! Quả là điều khó hiểu.

Đức Sứ thần Tòa thánh đứng chung hàng với Đức Tổng Giám Mục Gomez

Tuy nhiên, vị đại diện của Đức Phanxicô tại Hoa Kỳ có thái độ khác hẳn. Tờ The Pillar khi thuật lại bài nói chuyện của Đức Tổng Giám Mục Pierre, Sứ thần Tòa thánh tại Hoa kỳ, tại Hội Nghị Mùa Thu, đã đặt hàng tít: “Bài diễn văn của Đức Tổng Giám Mục Pierre đứng chung hàng với các nhận định của Đức Tổng Giám Mục Gomez”.



Thực thế, căn cứ vào các chủ đề chung xuất hiện trong các bài phát biểu hôm thứ Ba của Đức Tổng Giám Mục Pierre và Đức Tổng Giám Mục Gomez, không thể nào lại không lập luận một cách hợp lý rằng vị Sứ thần này chủ ý nhắm đề cao lập trường của Đức Tổng Giám Mục Gomez.

Khả thể trên phần nào đi ngược suy đoán của giới truyền thông báo chí từ trước đến nay. Trong những tháng gần đây, một số nhà bình luận thường đặt giới lãnh đạo hội đồng giám mục Hoa Kỳ ở thế đối lập với huấn quyền và giáo triều của Đức Giáo Hoàng Phanxicô.

Sau các bài phát biểu ngày hôm qua của sứ thần Tòa thánh và của Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, người ta thấy quan điểm ấy không mấy còn giá trị.

Ít nhất thì hai bài nói chuyện đó phải được coi là củng cố lẫn nhau trước một chủ đề đầy thách thức: sứ mệnh và thừa tác vụ của Giáo hội trong một thế giới đang bị tục hóa nhanh chóng từ lúc khởi đầu đại dịch.

Đức Tổng Giám Mục Gomez tham dự cuộc họp Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ tuần này trong bối cảnh một số người chỉ trích bài phát biểu ngài vừa đưa ra hồi đầu tháng, trong đó ngài lưu ý rằng đứng trước những đòi hỏi thực sự và khẩn cấp về công lý, nhiều phong trào mới đã ra đời với những chủ trương giả mạo tôn giáo.

Trong bài phát biểu đó, Đức Tổng Giám Mục Gomez nói: “Bất cứ chúng ta gọi các phong trào này là gì thì họ đều tự cho là mình cung cấp những gì tôn giáo cung cấp”. Nhưng theo ngài, không phong trào nào có khả năng thực hiện được những lời hứa về công lý và sự cứu rỗi. Ngài nói, “Chúng ta phải công bố Chúa Giêsu Kitô. Một cách mạnh dạn, sáng tạo”.

Phát biểu với các giám mục anh em của mình vào sáng thứ Ba, Đức Tổng Giám Mục Gomez nói rõ hơn về điểm đó. Theo ngài, xã hội Mỹ đang “đánh mất câu chuyện của mình” qua quá trình thế tục hóa. Tuy nhiên, vị tổng giám mục nhấn mạnh, ngày càng có nhiều người khao khát Tin Mừng sau nhiều năm xung đột chính trị và xã hội và đại dịch coronavirus.

Đức Tổng Giám Mục Gomez đã bị chỉ trích vì bị cho là chơi trò chính trị bằng cách lên tiếng chống lại chủ nghĩa thế tục và các hậu quả của sự phân cực chính trị, nhưng cùng những hiện tượng ấy đã được Đức Tổng Giám Mục Pierre đề cập tới trong bài phát biểu của chính ngài trước các giám mục. Thực thế, vị Tổng Giám Mục Sứ thần đã trích dẫn bài giảng của Đức Thánh Cha về Ngày Thế giới Người nghèo, trong đó ngài nói rằng chúng ta “là một phần của lịch sử được đánh dấu bằng khổ nạn, bạo lực, đau khổ và bất công, luôn chờ đợi một sự giải phóng dường như không bao giờ đến”.

Đức Tổng Giám Mục Pierre nói: “Tôi tin rằng tính đồng nghị là một câu trả lời cho các thách thức của thời đại chúng ta, và cho cuộc đối đầu đang đe dọa chia rẽ đất nước này và cũng có tiếng vang trong Giáo hội”.

Bài thuyết trình của Đức Sứ thần về tính đồng nghị đã đưa ra một định nghĩa vượt ra ngoài ngôn ngữ đôi khi mang tính tự quy chiếu và tối nghĩa vốn ám ảnh cuộc thảo luận về chủ đề này. Thay vào đó, ngài đưa ra một tiền đề đơn giản: cuộc đối thoại của tiến trình đồng nghị không giả thiết trước bất cứ sự thỏa hiệp nào về sự thật hay thẩm quyền giảng dạy chân chính, nhưng có thể là một phương tiện quan trọng để phúc âm hóa.

Đức Tổng Giám Mục Pierre nói, tính đồng nghị là một cách thức trong đó, Giáo hội có thể sống tốt hơn sứ mệnh truyền bá Tin Mừng của mình ở mọi bình diện, và, thông qua tiến trình nội bộ sống tính đồng nghị, trở nên sẵn sàng hơn trong việc dấn thân với thế giới.

Theo Đức Tổng Giám Mục Pierre, chìa khóa để hiểu tính đồng nghị là chấp nhận rằng đối thoại, từ bản chất của nó, không thừa nhận sự cần thiết phải chấp nhận những tiếng nói có vấn đề, mà đúng hơn nên hiểu chúng.

Ngài nói: “Không phải mọi ý kiến đều như nhau, và không phải như thể sự thật được quyết định bởi đa số phiếu”, nhưng sự lắng nghe một cách tôn trọng là điều cần thiết để đưa một người đến gần hơn với Chúa Giêsu Kitô và giáo huấn của Giáo hội.

Đức Tổng Giám Mục Pierre nhắc đến cuộc tranh luận gần đây về việc Rước lễ dành cho các chính trị gia ủng hộ phá thai, và cảnh cáo chống lại một tâm lý coi việc từ chối Rước lễ như một kiểu mục tiêu ngay trong nó, thay vì hiểu tại sao một chính trị gia lại rời bỏ giáo huấn của Giáo hội như một phần của cuộc đối thoại mục vụ liên tục, nhằm mục đích đưa họ trở lại.

Đức Sứ thần đề nghị: việc truyền giảng Tin Mừng cũng cần cùng một diễn trình lắng nghe đồng nghị mà Giáo hội cần để mời gọi tham gia trong nội bộ.

Lấy việc phá thai làm thí dụ, Đức Tổng Giám Mục Pierre nói rằng mặc dù Giáo hội là và phải mãi là “phò sự sống không cần phải biện hộ” và tuyệt đối trong việc chống đối phá thai, nhưng cách tiếp cận đồng nghị bao gồm việc hiểu rõ điều gì thúc đẩy các bà mẹ tìm cách chấm dứt thai kỳ và thỏa mãn các nhu cầu thực tế, xúc cảm và tinh thần của các bà mẹ đang mang thai.

Đức Tổng Giám Mục Pierre lập luận, để Giáo hội có thể nói về những vết thương văn hóa phân biệt chủng tộc, nghèo đói và bất công, trước tiên phải phát triển thói quen lắng nghe, bởi vì Giáo hội không thể truyền giảng Tin Mừng một cách hữu hiệu nếu không hiểu thực tại của những người mà mình đang nói với. Theo đức Sứ thần, giáo huấn rõ ràng là điều cần thiết, nhưng “một Giáo hội muốn giảng dạy trước hết phải là Giáo hội lắng nghe”.

Ngài nói: “Tính đồng nghị được thúc đẩy bởi sứ mệnh”, và quan điểm của ngài, theo tờ The Pillar, thay vì đi ngược quan điểm của Đức Tổng Giám Mục Gomez về vai trò của Giáo hội trong một xã hội bị tục hóa, rõ ràng là một lộ trình hữu hiệu để dấn thân chặt chẽ hơn vào các chủ đề chính trị xã hội nổi bật được Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ quyết định bàn luận.

Đối với tất cả những "căng thẳng" do phương tiện truyền thông tạo ra giữa các ưu tiên của hai vị này, cả Đức Tổng Giám Mục Gomez lẫn Đức Tổng Giám Mục Pierre đều nói với các giám mục Hoa Kỳ hôm thứ Ba rằng Giáo hội có nhu cầu cấp bách phải truyền giáo cho một xã hội tìm kiếm công lý và ý nghĩa. Cả hai đều rõ ràng về điều thông điệp của Tin Mừng là câu trả lời xác thực duy nhất cho những vết thương do những người bên lề xã hội gánh chịu.

Mặc dù chắc chắn là khác biệt về giọng điệu, nhưng không có bài phát biểu nào có vẻ mâu thuẫn với bài phát biểu kia. Có lẽ đó là tính đồng nghị đang hoạt động.