Như ai cũng biết: Hoa Kỳ hiện có một tổng thống Công Giáo “tự hào” cho rằng mình rất sùng đạo nhưng lại công khai ủng hộ phá thai hơn cả những vị tổng thống không Công Giáo, ngược hẳn tín lý chính thức của Giáo Hội. Những người như ông đang gây gương mù gương xấu cho nhiều đồng đạo khi “tỉnh bơ” lên rước lễ, dù đang trì chí mang tội nặng khách quan.Trước gương mù gương xấu tỏ tường này, Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ dự tính, trong kỳ họp hàng năm vào tháng 6 tới, sẽ thảo luận viễn ảnh một tuyên bố nào đó về việc xứng đáng rước lễ của các nhân vật công cộng chủ trương phá thai và an tử.
Thư của Bộ Giáo lý Đức tin
Trước khi có cuộc thảo luận ấy và một tuyên bố như thế, Đức Tổng Giám Mục Gomez, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, có viết thư thỉnh ý Thánh bộ Giáo lý Đức tin. Chúng tôi không được đọc nội dung lá thư của ngài. Nhưng thư trả lời của Thánh bộ Giáo lý Đức tin thì được phổ biến rộng rãi hiện nay. Chúng tôi xin chuyển sang Việt ngữ phần chính của lá thư như sau:
“Liên quan tới lá thư năm 2004 của Đức Hồng Y Ratzinger gửi cho Đức Hồng Y McCarrick, thánh bộ này tôn trọng qui định (stipulation) của Đức Hồng Y Ratzinger rằng 'các nguyên tắc này không có ý định cho công bố'. Lá thư được viết dưới hình thức thông đạt riêng tư ngỏ với các vị Giám Mục. Do đó, tuy các nguyên tắc này không được Hội Đồng công bố, chúng vẫn có thể giúp đỡ trong việc soạn thảo văn kiện của qúy Đức Cha. Nên ghi nhận rằng Thông tri Tín lý của Thánh Bộ, tựa là Về Một Số Câu Hỏi Liên Quan Đến Việc Tham Dự Của Người Công Giáo Vào Sinh Hoạt Chính Trị (2002) có trước việc thông đạt bản thân của Đức Hồng Y Ratzinger. Trong dịp viếng thăm mộ Hai Thánh Phêrô và Phêrô (ad limina) năm 2004, một việc được ngài nhắc đến trong lá thư của ngài, nhiều câu hỏi trong nhiều dịp khác nhau đã được nêu lên về việc rước lễ của các chính trị gia Công Giáo ủng hộ điều gọi là 'quyền lựa chọn' phá thai. Khi Thông tri Tín lý được thảo luận trong chuyến viếng thăm ad limina này, điều rõ ràng là có một sự thiếu nhất trí giữa các Giám Mục liên quan đến vấn đề rước lễ. Lúc ấy, việc khai triển một chính sách toàn quốc chưa được xem xét, và Đức Hồng Y Ratzinger cung ứng các nguyên tắc tổng quát về việc rước lễ cách xứng đáng nhằm giúp các vị bản quyền địa phương ở Hoa Kỳ trong việc xử lý với các chính thị gia phò lựa chọn sống trong phạm vi quyền tài phán của các ngài. Như thế, việc thông đạt của Đức Hồng Y Ratzinger chỉ nên được thảo luận trong bối cảnh Thông tri Tín lý có thẩm quyền, một Thông tri cung cấp giáo huấn của Huấn Quyền về nền tảng thần học cho bất cứ sáng kiến nào liên quan đến việc rước lễ cách xứng đáng.
“Khi vấn đề này tái xuất hiện trong kỳ viếng thăm ad limina năm 2019-2020 của các Giám Mục Hoa Kỳ, Thánh bộ này có ý kiến này là cuộc đối thoại giữa các Giám Mục nên tiến hành để duy trì sự hợp nhất của Hội Đồng Giám Mục khi đứng trước sự bất đồng về chủ đề gây tranh cãi này. Việc soạn thảo một chính sách toàn quốc chỉ đã được đề nghị trong các chuyến viếng thăm ad limina nếu việc này giúp các Giám Mục duy trì sự hợp nhất. Thánh bộ này ghi nhận rằng một chính sách như thế, xét vì bản chất có thể gây tranh cãi của nó, có thể có hậu qua ngược lại và trở thành nguồn bất hòa hơn là hợp nhất trong hàng Giám Mục và Giáo Hội rộng lớn hơn ở Hoa Kỳ. Do đó, trong chuyến viếng thăm ad limina, chúng tôi bày tỏ ý kiến này: việc khai triển hữu hiệu một chính sách trong lãnh vực này đòi có cuộc đối thoại trong hai giai đoạn: trước nhất giữa chính các Giám Mục, và sau đó giữa các Giám Mục với các chính trị gia phò lựa chọn sống trong quyền tài phán của các ngài.
“Giai đoạn đối thoại đầu tiên nên diễn ra giữa các Giám Mục để các ngài có thể nhất trí như một Hội Đồng rằng ủng hộ luật lệ phò lựa chọn là không tương ứng với giáo huấn Công Giáo. Do đó, các Giám Mục nên thảo luận và nhất trí với giáo huấn trong Thông tri Tín lý nhắc ở trên; điều 3 Thông tri này quả quyết rằng “Các Kitô hữu được kêu gọi bác bỏ, như là gây hại cho sinh hoạt dân chủ, quan niệm đa nguyên phản ảnh chủ nghĩa duy tương đối luân lý và chấp nhận rằng nền dân chủ phải đặt căn bản trên nền tảng vững chắc của các nguyên tắc đạo đức không thể thương lượng, vốn nâng đỡ đời sống trong xã hội”. Các Giám Mục nên khẳng định như một Hội Đồng rằng 'những ai trực tiếp can dự vào các cơ quan lập pháp có nghĩa vụ nghiêm trọng và rõ ràng phải chống đối bất cứ luật lệ nào tấn công sự sống con người” (Thông tri Tín lý điều 4). Sau khi nhất trí đã đạt được, lúc đó, các Giám Mục sẽ chuyển qua việc thực thi giai đoạn hai trong đó, các vị bản quyền địa phương sẽ vươn tay ra và dấn thân đối thoại với các chính trị gia Công Giáo sống trong quyền tài phán của các ngài, các chính trị gia có chủ trương phò lựa chọn liên quan đến luật lệ phá thai, an tử, hoặc các điều xấu xa về luân lý khác, như một phương thế để hiểu bản chất các chủ trương của họ và việc họ thấu hiểu giáo huấn Công Giáo.
“Một khi hai giai đoạn đối thoại sâu rộng và thanh thản trên đã diễn ra, Hội Đồng sẽ đối diện với trách vụ khó khăn là biện phân cách tiến tới tốt nhất cho Giáo Hội ở Hoa Kỳ trong việc làm chứng cho trách nhiệm luân lý nặng nề của các viên chức công cộng Công Giáo phải bảo vệ sự sống con người ở mọi giai đoạn. Nếu lúc đó, có quyết định soạn thảo một chính sách toàn quốc về việc xứng đáng để được rước lễ, thì tuyên bố này cần phải phát biểu một đồng thuận thực sự của các Giám Mục về vấn đề này, trong khi tuân giữ điều kiện tiên quyết này: bất cứ dự khoản nào của Hội Đồng trong lãnh vực này đều phải tôn trọng quyền của các vị bản quyền cá thể trong các giáo phận của các ngài và đặc quyền của Tòa Thánh (xem Apostolos Suos, 22&24). Ngoài ra, Thánh Bộ có ý kiến này: bất cứ tuyên bố nào của Hội Đồng liên quan đến các nhà lãnh đạo chính trị Công Giáo cũng sẽ tốt nhất nếu được lên khuôn trong bối cảnh rộng lớn của việc xứng đáng rước lễ về phần mọi tín hữu, chứ không chỉ một loại người Công Giáo nào đó, phản ảnh nghĩa vụ của họ phải làm cho đời sống họ phù hợp với toàn bộ Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô khi họ chuẩn bị nhận lãnh bí tích (Thông tri Tín lý điều 4). Sẽ là việc hướng dẫn sai lầm khi một tuyên bố như thế cho người ta cảm tưởng này là: phá thai và an tử mà thôi mới tạo nên chất thể trầm trọng cho nền luân lý và giáo huấn xã hội Công Giáo buộc người ta phải có trình độ giải trình trọn vẹn về phía người Công Giáo.
“Mọi cố gắng phải được thực hiện để đối thoại với các Hội Đồng Giám Mục khác khi soạn thảo chính sách này ngõ hầu học hỏi lẫn nhau và duy trì sự hợp nhất trong Giáo Hội hoàn vũ”.
Phải đọc lá thư ra sao?
Thoạt mới đọc, ai cũng cho rằng lá thư của Thánh bộ Giáo lý Đức tin tỏ ý dè dặt đối với động thái sắp tới của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ. Lá thư nhắc nhở tông thư Apostolos Suos của Đức Gioan Phaolô II: một Hội Đồng Giám Mục chỉ có thể ban hành các tuyên bố tín lý nếu các thành viên “nhất trí” (unanimous) trong việc ủng hộ nó.
Về phương diện đó, ai cũng biết hiện có những quan điểm chống chọi nhau giữa một số Giám Mục Hoa Kỳ về vấn đề rước lễ của các chính trị gia phò phá thai. Bởi thế, lá thư lưu ý các vị Giám Mục Hoa Kỳ về “bản chất có thể gây tranh cãi” của cuộc thảo luận, thậm chí có thể “trở thành nguồn bất hòa thay vì hợp nhất trong hàng Giám Mục và Giáo Hội rộng lớn hơn ở Hoa Kỳ.
Lá thư cũng phần nào lặp lại quan điểm phê phán của phe cấp tiến Công Giáo đối với phong trào phò sinh Công Giáo nói chung, khi họ gọi những người này là những người Công Giáo chỉ biết tranh đấu cho một vấn đề mà quên nhiều vấn đề quan trọng khác. Thực vậy, lá thư khuyên các Giám Mục Hoa Kỳ không nên chấp thuận một chính sách cho thấy “các chất thể trầm trọng duy nhất trong nền luân lý và giáo huấn xã hội Công Giáo...” là phá thai và an tử. Mặc dù, Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ luôn cho rằng phá thai và an tử không phải là những vấn đề duy nhất trong việc đánh giá các chính trị gia. Hội Đồng luôn cho rằng quyền sống là vấn đề công cộng “nổi bật nhất” (preeminent) thời ta mà thôi. Vả lại, các vấn đề trầm trọng về luân lý khác, như kỳ thị chủng tộc và chiến tranh hạt nhân, đâu có chính trị gia Công Giáo nào đi ngược lại giáo huấn của Giáo Hội để mà lên tiếng “giáo dục”!
Lá thư cũng khuyên các Giám Mục Hoa Kỳ không nhằm riêng các chính trị gia mà nói chung đến việc rước lễ cách xứng đáng của mọi tín hữu. Lời khuyên này đúng là để gỡ ngòi nổ khỏi việc cất gương mù gương xấu của những kẻ lợi dụng Giáo Hội cho các mục tiêu dân túy tồi tệ của riêng họ, một thứ buôn thần bán thánh công khai. Mỗi Giáo Hội có đặc tính riêng, một hoàn cảnh riêng cần được giải quyết. Nói chung chung như thế thì cần gì đến một Hội Đồng Giám Mục! Chỉ cần bảo họ đọc Sách Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo.
Không lạ gì, tờ The Pillar gọi lá thư của Thánh bộ giáo lý đức tin là cú đập chết (kibosh) kế hoạch của các Giám Mục Hoa Kỳ.
Cũng không lạ gì, Nancy Pelosi nồng nhiệt hoan nghinh lá thư. Thực vậy, theo CNA trong bản tin ngày 13 tháng 5, trả lời phỏng vấn của EWTN cùng ngày, Pelosi nói rằng về việc rước lễ của các chính trị gia phò phá thai, “tôi nghĩ tôi có thể dùng phán đoán riêng của tôi trong vấn đề này” và cho biết thêm bà ta “hài lòng với những gì Vatican đề xuất về vấn đề” rước lễ của các chính trị gia này, cho rằng tuyên bố của Vatican “trong căn bản muốn nói ‘đừng chia rẽ về vấn đề này’”.
Pelosi đọc đúng: “đừng chia rẽ” nhưng không “đừng chia rẽ” như bà nghĩ. Thánh bộ giáo lý đức tin mong muốn có sự nhất trí, nhưng là nhất trí về điều ngược với chủ trương của những người như Nancy Pelosi hay Joe Biden.
Thực vậy, The Pillar , khi đọc kỹ lá thư của Đức Hồng Y Ladaria gửi cho Đức Tổng Giám Mục chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, thấy rằng chính Thánh bộ giáo lý đức tin gợi ý Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ thảo luận vấn đề tính nhất quán Thánh Thể trên bình diện Hội Đồng, chứ không ngược lại. Chính Đức Hồng Y Ladaria khuyến khích Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ đối thoại sâu rộng về chủ đề, và nhấn mạnh các ngài nên nhất trí tuyên bố “ở bình diện Hội Đồng” rằng “những người trực tiếp can dự vào các bộ phận lập pháp có nghĩa vụ nghiêm trọng và rõ ràng phải chống đối bất cứ luật lệ nào tấn công sự sống con người”.
The Pillar cũng cho rằng sẽ có những người phản đối lá thư của Đức Hồng Y Ladaria, nhưng trong số này sẽ không có những nhà bảo thủ như Đức Tổng Giám Mục Aquila, Đức Tổng Giám Mục Cordileone, hay Đức Cha Olmsted. Vì một lý do giản dị là lá thư này nhắc nhở các Giám Mục Hoa Kỳ rằng “các Kitô hữu được kêu gọi bác bỏ, như gây hại cho sinh hoạt dân chủ, quan niệm đa nguyên nhằm phản ảnh chủ nghĩa duy tương đối luân lý. Dân chủ phải đặt căn bản trên nền tảng chân thật và vững chắc của các nguyên tắc đạo đức không thể thương lượng gì được, các nguyên lý vốn nâng đỡ đời sống trong xã hội”.
Trong phiên họp sắp tới vào tháng 6, các vị Giám Mục nào xem ra muốn thương lượng các nguyên tắc không thể nào thương lượng được này khó dựa vào lá thư của Đức Hồng Y Ladaria để tìm hậu thuẫn.
Thành thử, theo Ed. Condon của The Pillar, lá thư của Đức Hồng Y Ladaria, thay vì là cú tát, thì thực ra là một bản đồ chỉ đường để các Giám Mục Hoa Kỳ đi theo con đường cứng rắn hơn.
Thay vì khuyên các Giám Mục từ bỏ dự án, lá thư đề nghị phương cách tiến hành cụ thể và hữu hiệu hai bước của dự án.
The Pillar cũng cho rằng Đức Hồng Y Ladaria không hề khuyên các Giám Mục Hoa Kỳ đừng pha mình vào chính trị. Ngược lại, trích dẫn chính Thông tri Tín lý của Thánh bộ, ngài khẳng định, như trên đã trích dẫn, “các Kitô hữu được kêu gọi bác bỏ, như gây hại cho sinh hoạt dân chủ, quan niệm đa nguyên nhằm phản ảnh chủ nghĩa duy tương đối luân lý. Dân chủ phải đặt căn bản trên nền tảng chân thật và vững chắc của các nguyên tắc đạo đức không thể thương lượng gì được, các nguyên lý vốn nâng đỡ đời sống trong xã hội”.