Con người tôn giáo
Triết học của Thánh Tôma hiện diện không những trong các chú giải và công trình hệ thống mà còn trong các trước tác huyền nhiệm và Kinh thánh của ngài thế nào, thì tư tưởng tôn giáo và thần học của ngài cũng xuất hiện giữa cuộc thảo luận về những điều trần tục và các vấn đề kỹ thuật thuộc học thuật như vậy. Nhưng điều này chỉ có thể chờ mong nơi một người, như Thánh Tôma, chủ trương rằng mọi quan điểm về tạo vật đều liên quan tới chân lý về Đấng Tạo Dựng. Mặc dù Thánh Tôma đánh giá sâu sắc việc cần phải phát biểu có hệ thống bất cứ điều gì có thể hiểu được trong mạc khải Thiên Chúa, ngài không bao giờ bỏ qua sự kiện này là hạnh phúc con người không hệ ở nhận thức khoa học mà hệ ở việc liên tục kết hợp với Thiên Chúa: “Không chỉ học hỏi về những điều thần thiêng nhưng còn cần phải trải nghiệm chúng, một điều không phát xuất từ chỗ chỉ quen thuộc về tri thức qua các thuật ngữ của khoa thần học, mà phát xuất từ việc yêu thương những điều thuộc Thiên Chúa và trung thành với chúng một cách âu yếm” (Thánh Tôma, Chú Giải về Các Thánh Danh Thiên Chúa XI, 4). Vì “Lời của Thiên Chúa Cha hít thở tình yêu” (Chú giải Tin Mừng Thánh Gioan VI, 5). Đó là lý do tại sao Thánh Tôma suy gẫm, nghiên cứu, học thuộc lòng và chú giải Sách Thánh; nhưng tên Tôma đã công khai đồng nhất hóa với các Tổng Luận thời danh.
Như thế, chúng ta thấy quả không chính xác khi cho rằng Thánh Tôma đánh đồng “đức tin” với nội dung cuốn Tổng Luận Thần Học. Cuốn Tổng Luận chỉ là một cố gắng phát biểu có hệ thống Sách Thánh, dòng sông mạc khải luôn luôn chẩy, nhưng không bao giờ làm đầy biển. Thánh Tôma ý thức rõ các tiên tri Do Thái và các Tông đồ Kitô giáo quả có trải nghiệm được cuộc gặp gỡ với Giavê và Chúa Kitô trong các biến cố lịch sử. Các biến cố này là các biến cố đặc ân vì chúng là các biến cố cứu rỗi, và hồ sơ các cuộc gặp gỡ này đã được thông truyền cho các tín hữu qua thánh truyền và thánh kinh. Chúng là các dấu chỉ của chân lý đức tin Kitô giáo, nhưng các dấu chỉ này chỉ có thể được nhận ra bởi các người có đức tin. Do đó, đức tin là một hồng ân. Nó chứa đựng nhận thức về hữu thể bản vị siêu việt, Đấng tự ý tự mạc khải cho con người. Trong tư cách người chú giải Sách Thánh, Thánh Tôma không bao giờ mưu toan dập tắt các câu hỏi do việc này nêu ra. Tuy nhiên, việc thảo luận các câu hỏi như thế đòi khoa giải thích thần học hơn là thiêng liêng. Việc này chắc chắn phát sinh nền thần học Kinh Thánh, cũng là nền thần học lịch sử. Như chính ngài viết: “vì giáo huấn thánh nhằm xử lý các điều thần thiêng, cũng vì một điều được coi là thần thiêng bao lâu nó liên hệ tới Thiên Chúa như nguyên lý hay cùng đích của nó... giáo huấn này phải xem xét các điều như chúng phát xuất từ Thiên Chúa như từ nguyên lý của chúng, và như những hữu thể được đem trở lại với Thiên Chúa như cùng đích của chúng”. Nhà thần học thực sự nghiên cứu lịch sử, các hành động tự do, được xem xét trong tương quan với Thiên Chúa. Mạc khải là Lời Thiên Chúa trong lịch sử, trong Sách Thánh, trong Giáo Hội nơi Chúa Thánh Thần cư ngụ. Không hình thức hay hình thái hiện diện nào của Thiên Chúa trong số này có thể thay thế Thiên Chúa mà chúng mạc khải. Mọi hình thái đều chỉ về một Hữu Thể duy nhất, một sự hiện diện mạc khai Ta cho chính Ta. Người là Đấng vô tạo [uncreated] có khả năng hiện diện với chính Người, với thế giới, và với con người, một ngôi vị hiện hữu với Thiên Chúa trong lịch sử, một lịch sử hoàn toàn được sắp xếp trong tình yêu hướng về Thiên Chúa. Đó chính là “nhiệm cục” [economy] của Thánh Augustinô, vốn bao gồm ơn thánh, vì nó là “trật tự tình yêu” trong đó trọn bản chất có tương quan với Thiên Chúa bởi lòng thèm khát thần thiêng mà chúng ta gọi là “ơn thánh”. Do đó, không hình thức hay hình thái hiện diện nào của Thiên Chúa là đối tượng đức tin của ta. Đức tin là cuộc tiếp xúc của thực tại thụ tạo với thực tại vô tạo đến nỗi chúng ta có thể nói đối tượng đức tin, hiểu cách này, là một chủ thể, một sự hiện diện của Thiên Chúa ba bản vị.
Nay, vai trò của Giáo Hội là làm chứng cho mạc khải như các Tiên tri, các Tông đồ và Chúa Kitô đã làm, nhưng sau nhiều thế kỷ của lịch sử con người, cần phải có thật nhiều nhận thức lịch sử mới nhận ra những điều đã được mạc khải, những điều thuộc thánh truyền và Thánh Kinh. Nên thừa nhận rằng vào thời Thánh Tôma, có sự thiếu sót nền bác học lịch sử, và thánh nhân đã không cố gắng thiết định bản chất siêu nhiên của mạc khải. Ngài coi việc đó là chuyện đương nhiên. Nhưng ngài là người sau cùng đồng nhất hóa cái hiểu mạc khải của chúng ta với thực tại Thiên Chúa được mạc khải, cũng như ngài là người sau cùng cho rằng bất cứ quả quyết hữu hạn nào cũng là quả quyết sau cùng. Lời lẽ của ngài trong Tổng Luận Thần Học chỉ có một vai trò khiêm tốn là cố gắng giải thích hành động của Thiên Chúa trong thế giới. Linh hồn hướng về thực tại đàng sau các lời lẽ. Tín hữu hay thần học gia mong muốn cảm nghiệm được Thiên Chúa, chứ không phải cảm nghiệm được nhận thức về Thiên Chúa. Thánh Tôma biết rất rõ rằng vì Thiên Chúa siêu việt, nên Người mãi mãi mầu nhiệm một cách tối hậu đối với chúng ta; thế nhưng, vì con người là những hữu thể có trí khôn, nên họ sẽ tìm cách hiểu bất cứ điều gì họ có thể về các mầu nhiệm Thiên Chúa. Con người không thể sống nếu không có mạc khải, và do đó, các nhà duy lý đã quá đáng khi họ đòi cho con người năng lực biết mọi chân lý và giá trị họ cần biết.
Nếu người ta coi Tổng Luận Thần Học tách biệt hẳn mục tiêu của nó, thì điều quá dễ dàng là kết luận rằng Thánh Tôma quá nhấn mạnh đến nội dung ý niệm của mạc khải. Nhưng điều nên làm là thừa nhận rằng Tổng Luận được viết cho các thầy dạy “những người mới bắt đầu đức tin” để phụng sự giáo huấn thánh thiêng mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta. Những người mới bắt đầu này được dẫn dắt từ những điều họ biết tới những điều họ không biết, từ những điều họ tin tới việc trình bày có hệ thống giúp làm cho đức tin của họ trở thành dễ tiếp cận hơn đối với chính họ. Dĩ nhiên, một Tổng Luận Thần Học viết ở thế kỷ 13 chỉ có thể là một khai triển hay giải thích đức tin mang dấu nền văn hóa giáo phụ hay trung cổ. Hay các độc giả của Thánh Tôma có lẽ là những người nửa tin, chấp nhận một số chân lý chứ không chấp nhận tất cả, và lúc đó, Thánh Tôma sẽ quan tâm chỉ cho thấy các chân lý không được chấp nhận đó thực ra được hàm ngụ trong các chân lý mà độc giả vốn tin. Tuy nhiên, những người không tin nhưng là những người có tiềm năng bắt đầu đức tin sẽ tìm thấy trong Tổng Luận các lập luận có lý lẽ liên quan đến sự hiện hữu của Thiên Chúa và tính bất tử của linh hồn, một nền thần học tự nhiên không bao giờ lấn chiếm chỗ đứng của đức tin/mạc khải, nhưng lúc đó đâu là ý nghĩa của việc tiếp cận một người không tin từ quan điểm đức tin?
Thánh Tôma dành cho lý trí chức năng loại bỏ các trở ngại đối với việc nhẩy vọt của đức tin. Ở đây, chúng ta không thấy lý trí cố gắng chứng minh các nguyên tắc hay tiền đề của giáo huấn thánh thiêng (sacra doctrina) của Thiên Chúa. Giáo huấn thánh thiêng đã tuyên bố mục tiêu của hiện hữu nhân bản và do đó đã chấm dứt sư hàm hồ của nó. Nhưng cần phải làm cho công bố sơ truyền [kerygma] hay sứ điệp thần thiêng dành cho con người này trở thành minh nhiên nếu muốn loại bỏ sự vô lý. Nhưng điều này không bao giờ có nghĩa sẽ vì thế mà dễ dàng đạt được nó. Nếu mạc khải Thiên Chúa được hoàn tất bằng các việc làm được ghi lại bằng lời, thì điều thích đáng là việc phát biểu thần học về nó nên là một lời kêu gọi hay thách thức để hành động. Đó chính là lời kêu gọi cứu rỗi, một mục đích hay mục tiêu cần đạt được một cách tự do. Đó là sự sáng tạo đích thực của Thiên Chúa và của cả con người nữa. Vì sự sáng tạo tự nhiên vốn là một lời kêu gọi, và vì mạc khải siêu nhiên cũng là một lời kêu gọi, nên không điều nào trong số này trình bầy mạc khải một cách có hệ thống chỉ vì để gia tăng nhận thức của người ta. Không nên nhị phân hóa nhận thức Thiên Chúa thành hai loại nhận thức kiểu Aristốt: nhận thức suy lý và nhận thức thực tiễn, và như thế, nếu nhờ đức tin, chúng ta tham dự vào nhận thức Thiên Chúa, các chân lý đức tin được phát biểu trong các tín điều hay các khoản tin được trình bầy như các mục đích cần đạt được, chứ không như các yếu tính. Đức tin liên quan tới tương lai.
Vậy thì, nếu chủ trương của Thánh Tôma coi “giáo huấn thánh thiêng” như một khoa học xem ra đã đặt ngài như chỉ là suy lý về phía tín điều, thì ta nên nhớ rằng đối với Thánh Tôma, chữ “khoa học” trước hết chỉ nhận thức chắc chắn, nhưng sự chắc chắn thuộc về Thiên Chúa. Nếu nhận thức của Thiên Chúa là loại nhận thức chắc chắn nhất, và nếu việc tham gia của chúng ta nhờ đức tin vào nhận thức của Người giúp chúng ta dự phần vào sự chắc chắn này về điều cực kỳ xứng đáng để biết, tức chính Thiên Chúa, thì giáo huấn thánh thiêng vượt xa mọi khoa học khác về phẩm giá. Nếu chúng ta coi trọng trí hiểu hữu hạn của ta, thì không còn gì xứng đáng hơn mạc khải, vì nó hoàn toàn thoát khỏi việc xác minh; nhưng nếu chúng ta luôn chú ý tới Thiên Chúa, Đấng tự mạc khải mình, thì chân lý mạc khải cung cấp cho ta sự chắc chắn lớn hơn bất cứ cảm giác và phán đoán nào của con người.
Thánh Tôma rõ ràng hơn các người phê bình ngài về vai trò của lý trí liên quan đến các điều khoản tin hay các nguyên tắc của giáo huấn thánh thiêng. Lý trí không thể chứng minh chân lý của chúng nhưng có thể rút ra các kết luận vốn dự phần vào các chân lý này, và đó là cách hợp lý để con người sử dụng lý trí của họ, vì quả là không khả hữu chút nào việc con người thuận lý lại không sử dụng lý trí của họ vào điều có ý nghĩa nhất đối với họ, tức Thiên Chúa Đấng dựng nên họ và kêu gọi họ cả hiện hữu lẫn trở nên hoàn hảo, nghĩa là toàn vẹn.
Ngày nay, người Công Giáo ngày càng trở nên tự ý thức về mình như những người tin nhờ lần giở lại những nẻo đường trên đó đức tin đã xuất hiện, nhờ thăm dò các nguồn mạc khải, hết sức cố gắng hiểu mạc khải bằng cách phân biệt giữa các dữ kiện và việc phát triển của các dữ kiện này trong lịchh sử. Để làm việc này, con người phải sống lại lịch sử Giáo Hội và vì Giáo Hội đã tiến triển rất nhiều kể từ thế kỷ 13, nên người ta không nên chỉ biết lặp lại những điều Thánh Tôma nói như thể không còn lại gì để nói. Tuy nhiên, đúng là việc hiểu Thánh Tôma đã phát biểu đức tin ra sao về phương diện thần học là bước đầu tiên cần thiết phải có trước khi phát biểu cùng một đức tin đó trong các trình bầy mới có hệ thống.
Thần học sẽ không đích thực với chính nó nếu có lúc nào nó không còn phát sinh từ việc nhà thần học thông hiệp với Ngôi Lời Thiên Chúa. Nó chỉ là một khoa học thánh thiêng bao lâu nó thông truyền Lời này. Do đó, Tổng Luận Thần Học không được viết ra một cách tách biệt khỏi ảnh hưởng Kinh Thánh. Trong đó, Thánh Tôma trích dẫn từ mọi sách Cựu Ước ngoại trừ sách Ôvađia (Abdias) và sách Khácgai (Aggaeus) cũng như mọi sách Tân Ước ngoại trừ Thư Gửi Philêmôn. Ngài nhìn nhận rằng tiêu chuẩn không thể sai lầm đối với các tín điều cho rằng mình thuộc giáo huấn thánh thiêng của Thiên Chúa là Sách Thánh qui điển và thánh truyền. Trong việc hướng dẫn Giáo Hội mãi trung thành với mạc khải Thiên Chúa này, Chúa Thánh Thần làm cho Giáo Hội không thể sai lầm khi giảng dạy một cách long trọng liên quan đến các tín điều và luân lý, y hệt như những người viết Kinh Thánh không thể sai lầm vì họ viết dưới sự linh hứng của Chúa Thánh Thần. Chỉ vì Thiên Chúa, trong sách Khải Huyền, tuyên bố Người là Anpha và Ômêga, là khởi nguyên và tận cùng, nên Thánh Tôma đã sử dụng triết học để chứng tỏ điều này có nghĩa gì liên quan đến hữu thể Thiên Chúa: Thiên Chúa hẳn phải tự hữu và do đó là Đấng duy nhất. Cho nên, mọi vật thể khác đều là hữu thể nhờ tham gia, và do đó, được Thiên Chúa tạo nên. Đây là yếu tính của hữu thể Thiên Chúa: Nguyên Nhân tác thành và tối hậu của mọi hữu thể. Gọi Thiên Chúa như Nguyên Nhân Kiểu Mẫu [Exemplary Cause] không hẳn chỉ là bắt chước phái Platông là phái chủ trương thuyết kiểu mẫu; nó cũng là một sự thật có cơ sở trong mạc khải: “Ta hãy làm ra con người giống hình ảnh và họa ảnh của Ta” (St 1:26). Vì Thiên Chúa phát biểu các sự hoàn hảo của Người nơi các sự vật chúng ta cảm nghiệm, nên các nhà kinh viện đã được dẫn dắt tới việc đồng nhất hóa các mô thức hay ý niệm của Platông với Yếu Tính Thiên Chúa như là Ý Niệm Kiểu Mẫu, chắc chắn đây là việc phát triển thuyết Platông dưới ảnh hưởng của Kinh Thánh.
Các phạm trù tân Platông trong cái “dải tổng hợp” [synthetic stretch] của chúng cũng như các phạm trù Aristốt trong phân tích chính xác của chúng, nhờ tài luyện đan [alchemy] của Thánh Tôma, trở thành chủ đề cho luận lý học Nhập Thể, một luận lý học hào phóng với những khả thể chúng ta chưa bao giờ biết. Và như thế, cái khuôn khổ biện chứng của Peter Lombard không hẳn bị thay thế vì bị gộp vào cái mênh mông của một hữu thể học về hiện hữu, là thứ bất cập nhất trong các sơ đồ xử lý diễn trình lịch sử của vũ trụ thụ tạo mà tính khả niệm không bao giờ đạt được ở bên ngoài phạm trù “tự do” đầy tính bản vị.
Cũng từ KinhThánh, chứ không phải từ bộ ba của Plotinus tức duy nhất, tinh thần [nous], linh hồn thế giới mà Thánh Augustinô và Thánh Tôma học được bản tính ba ngôi vị của Thiên Chúa. Chính mạc khải thiêng liêng của Thiên Chúa như ba mà là một [triune] đã cho phép loại suy của Thánh Augustinô đi từ linh hồn con người tới Chúa Ba Ngôi. Việc Chúa Con là Ngôi Lời thuộc dữ kiện mạc khải, cũng như vai trò của Người như hình ảnh hoàn hảo; việc Chúa Thánh Thần là tình yêu cũng thuộc dữ kiện mạc khải. Điều này cho phép Thánh Augustinô thấy trong đời sống nhận thức và yêu thương của con người sự phản ảnh đời sống thân mật của Thiên Chúa. Vì những gì Chúa Kitô từng nói về Cha Người và Chúa Thánh Thần, con người cảm thấy được chính đáng khi sử dụng lý luận siêu hình và loại suy tâm lý để xác định rằng nếu vị này “từ vị kia”, thì ta có một diễn trình, do đó cả tương quan lẫn đối nghịch và, do đó, phân biệt. Trong tình huống này, các mối tương quan, cả tương quan đối nghịch, cũng được đồng nhất hóa với bản thể [substance]; và như thế, trong thực tại Thiên Chúa “là ngôi vị” đồng nghĩa với “là tương quan tồn hữu” [subsistent relation]; do đó, là Thiên Chúa có tính ba ngôi vị. Ba Ngôi mãi là một mầu nhiệm đúng nghĩa, nhưng nó khả niệm theo nghĩa nhờ suy tư siêu hình, nó được chứng minh là không đi ngược lại lý trí. Nếu, như ta đã học được từ mạc khải, có 3 ngôi vị trong Thiên Chúa thì mỗi ngôi vị phải là Thiên Chúa, và Thiên Chúa phải là ba ngôi vị, vì chỉ nhờ suy nghĩ về ý nghĩa của tương quan, một điều vừa hoàn toàn có tính bản thể vừa hoàn toàn có tính tương quan chúng ta mới làm cho bất cứ điều gì mình nói khi nói về Thiên Chúa như Ba Ngôi có ý nghĩa.
Đó là lý do tại sao, nền thần học của Thánh Tôma độc lập về phương diện yếu tính với các lý thuyết vật lý, nó không dựa vào các dữ kiện của kinh nghiệm mà dựa vào mạc khải Thiên Chúa. Trong tư cách thần học gia, Thánh Tôma thấy ngài cũng như Giáo Hội giảng dậy hay huấn quyền là đầy tớ của mạc khải. Không thần học gia nào tự chủ cả cũng như không có huấn quyền nào tự chủ hết. Là đầy tớ của mạc khải trong Tổng Luận Thần Học, Thánh Tôma minh giải lòng trung thành của ngài bằng cách xem xét những gì Thiên Chúa đã nói về chính Người như là nguồn cội và cùng đích của mọi tạo vật và như Đấng Cứu Rỗi trong Chúa Kitô. Khi ngài đề ra các phản bác đối với giáo huấn của Giáo Hội, Thánh Tôma nhằm chứng minh rằng đức tin và lý trí có thể trợ giúp ra sao để giải đáp các phản bác này. Ngài không cho là ngài nói chung cục hay nói không sai lầm. Ngài kính cẩn tham chiếu thế giá của các giáo phụ của Giáo Hội và sử dụng các nguồn triết học để thảo luận mọi điều.
Nhưng ngài tuân theo trật tự thần học nghiêm ngặt: Thiên Chúa tạo dựng con người; con người trở về với Thiên Chúa qua các hành động nhân linh tốt lành hoàn thành trong Chúa Kitô, Đấng ban cho con người sự sống Ba Ngôi của tình hiệp thông Thiên Chúa. Trong khuôn mẫu toàn diện của xuất xứ và trở về này, Thánh Tôma xem xét gần như mọi vấn đề suy lý và luân lý. Sự chính xác hay vắn tắt của ngài không có ý định cho rằng mọi điều đều dễ dàng biết hay làm nhưng trong sự quan tâm đối với thần học hệ thống, ngài cố gắng bàn đến mọi khía cạnh càng gọn gàng bao nhiêu càng hay. Sự súc tích này nhất thiết loại bỏ việc khai triển dài dòng [elaboration], một điều rất có thể cần thiết đối với các tín hữu hậu trung cổ, những người mà trọn nền văn hóa của họ không thể được dựa vào để hiểu đức tin Công Giáo. Thành thử, một số ý nghĩa nào đó trong các quả quyết của Thánh Tôma có thể bị bỏ lỡ vào thời kỳ sau này. Như vấn đề bị hiểu lầm hơn cả về các bí tích chẳng hạn. Ta rất thường gặp những người nghĩ rằng kiểu nói thời danh ex opere operato có nghĩa là bẩy bí tích ban ơn thánh hay ơn tham gia vào sự sống Thiên Chúa một cách máy móc hay tự động, gần như ma thuật. Trước nhất, kiểu nói này chỉ xuất hiện trong các công trình tiên khởi của Thánh Tôma về các Sentences (Các Ý Kiến Thần Học). Hơn nữa, các yêu tố vật chất như nước và dầu được gọi là “chất thể” [matter] của mỗi bí tích; các công thức được nói lên được gọi là “mô thức” [form] đem lại ý nghĩa cho bí tích; nhưng với Thánh Tôma, chất thể và mô thức không đơn giản cộng lại thành việc thông truyền thiên tính. Không, “mô thức lời nói” là Lời Đức Tin tìm thấy trong Giáo Hội. Và như thế, khi Thánh Tôma nói rằng tính hữu hiệu của bí tích phát xuất từ mô thức (ex opere operato) là ngài muốn nói rằng bí tích được Chúa Kitô thiết lập. Nó độc lập đối với chúng ta nhưng không độc lập đối với Chúa Kitô, Đấng đã thiết lập ra nó, vì quả thực, bí tích chỉ có thể do Thiên Chúa thực hiện như hồng ân của Người. Và Chúa Kitô Đấng Cứu Rỗi đã thiết lập ra các bí tích, Người hiện diện trong mỗi bí tích với quyền năng cứu rỗi cho mọi nhu cầu của con người. Nhưng cũng như sự hiện diện của Chúa Kitô với các Tông Đồ không miễn chước các cố gắng bản thân của các ngài thế nào, thì sự hiện diện của Chúa Kitô trong các bí tích cũng sẽ không cứu được con người nếu không có sự hợp tác của họ. Ở đây, ta thấy có sự áp dụng nguyên tắc tổng quát của Thánh Tôma; nguyên tắc này cho rằng bất cứ điều gì được nhận lãnh đều được nhận lãnh theo hình thái người nhận lãnh. Cho nên, các bí tích không ban ơn thánh cho chúng ta như thể chúng ta là những sự vật mà như những con người có ý chí tự do để đáp trả, những con người có trách nhiệm. Chúng là thành phần của một viễn kiến rộng hơn về thế giới như một tái tạo [re-creation]. Trong Cựu Ước, Thiên Chúa bản vị siêu việt cư xử với con người trong cộng đồng Do Thái; nay, cộng đồng thế giới được nhắm trở thành một con người, con người mới (Eph. 2:15), “một ngôi vị” (Gl 3:28), “con người hoàn hảo” (Eph.4:13) trong Chúa Kitô, Đấng, qua việc Nhập Thể, đã trở thành đầu hay chúa của một vương quốc mới trong đó, Giáo Hội là máng ưu tuyển nhưng không duy nhất chuyển ơn thánh, đến nỗi những ai tái sinh một cách bí ích từ Giáo Hội đều sinh ra từ Thiên Chúa, Đấng mà dân của Người được hợp nhất trong tình yêu hay ơn thánh qua Chúa Thánh Thần ngụ cư trong Giáo Hội, từ đó, Người tiếp tục nhiệm cục thần thiêng hay việc giáo dục tôn giáo cho con người, ban cho họ sự hiểu biết trọn vẹn hơn thực tại Thiên Chúa mà họ vốn được tiếp xúc nhờ đức tin.
Như thế, Thánh Tôma không thể nhất trí đối với việc cho rằng các định tín của Nixêa và Constantinốp là “việc Hy lạp hóa đức tin Kitô giáo”. Chủ trương này gợi ý rằng “đức tin” ban đầu do tiếp xúc với triết học Hy Lạp đã được biến đổi thành các tín điều siêu hình tìm thấy trong các kinh tin kính vĩ đại như thể “đức tin ban đầu”, bao lâu là “mạc khải tiếp nhận” chứ không phải “mạc khải phát biểu” không phải là một giải thích chịu ảnh hưởng của văn hóa Do Thái của những người tiếp nhận nó. Vấn đề liệu đức tin có nên được rao giảng cho các thế hệ những người được giáo dục về cổ điển trong các thời giáo phụ và trung cổ hay không để nó được dễ hiểu đối với họ theo các phạm trù tư duy quen thuộc của họ gần như là một cuộc tranh cãi kiểu của Thánh Phêrô và Thánh Phaolô, nghĩa là vấn đề liệu giáo huấn của Chúa Kitô phải là Công Giáo, phổ quát, hay bị giới hạn cho dân Do Thái mà thôi, liệu mọi người có phải đều là dân Thiên Chúa chọn hay không.
Nhưng, như chúng ta đã nói từ đầu, vì Thánh Tôma viết Tổng Luận Thần Học để giúp người học hướng tới một ý thức tốt hơn về những điều họ tin, nên ngài coi lập luận triết học như phụ thuộc hay phục vụ việc hiểu biết giáo huấn thánh thiêng về sứ điệp cứu rỗi, tức giáo huấn sơ truyền [kerygma] dù chủ trương tính độc lập của triết học. Và như thế, ngày nay, nếu triết học không giúp một số tín hữu biết tốt hơn những gì họ tin, thì không nên áp đặt triết học lên họ. Thánh Tôma sẵn sàng tin rằng con người có nhiều cách để có được nhận thức. Ngoài lý trí, còn có trực giác, và bên cạnh cách tiếp cận tri thức đối với thực tại, còn có cách tiếp cận của cảm giới, hay lý lẽ trái tim của Pascal. Thánh Tôma nói đến việc nhận thức bằng đồng cảm [connaturality] hay khuynh hướng, một thứ ý thức do kinh nghiệm, loại nhận thức luân lý do những người tốt lành sở hữu được. Người ta có thể cảm nhận được điều gì đúng, và cũng có thứ kinh nghiệm phụng vụ để giáo dục người ta trong những điều họ tin. Nhưng nếu tín điều có liên quan tới các thay đổi trong nền văn hóa của con người, thì điều cũng đúng là cũng có việc phát triển trong các cảm quan của con người mà với nó các kinh nghiệm phụng vụ cần phải sánh bước.
Thánh Tôma không bao giờ do dự thay đổi khi thay đổi được biện minh. Phần lớn các nhà chú giải giáo phụ đều đã thảo luận về nghĩa “thiêng liêng” của Sách Thánh. M.L. Lamb, trong lời nói đầu của ông cho bản dịch giá trị cuốn Chú Giải Thư Thánh Phaolô Gửi Tín Hữu Êphêsô, ca ngợi Thánh Tôma đã bước nhiều bước tiến bộ trong nền bác học Kinh Thánh bằng cách phân biệt “các cơ cấu tâm lý và thần học hoạt động trong việc thông truyền mạc khải”. Khi nhìn nhận bản chất phương tiện của việc thông truyền tiên tri hay Kinh Thánh, Thánh Tôma thấy rằng việc Thiên Chúa chọn các người viết ra Kinh Thánh bao gồm cả các tài năng của cá nhân lẫn các thiên phú văn hóa và kỹ năng văn chương của họ. Theo quan điểm của Thánh Tôma, tác giả được linh hứng, giống như bất cứ nguyên nhân dụng cụ nào, đều có sự đóng góp riêng để đóng góp, nhưng cần phải phân biệt việc này với điều dụng cụ làm hoặc nói dưới quyền lực của Thiên Chúa, nguyên nhân chính. Vì tâm lý học Tôma đem lại cho hình ảnh vai trò thiết yếu trong nhận thức, hình ảnh hay hành động khả giác trong Sách Thánh cung cấp một ý nghĩa chiểu tự đòi phải khám phá, bao lâu chính trong và qua nghĩa chiểu tự này ta có thể nắm được bất cứ ý niệm nào hay ý nghĩa thiêng liêng nào.
Giống Chúa Kitô nhập thể, Sách Thánh vừa nhân bản vừa thần thiêng. Sẽ đi ngược lại Kitô giáo khi làm ngơ hay loại bỏ ý nghĩa nhân bản; và như thế, đòi phải có việc phục hồi lịch sử. Giống như mọi việc phục hồi lịch sử, việc phục hồi Sách Thánh đòi các học giả có khả năng và tận tụy. Trách vụ của họ rất khó khăn, nhưng cũng giống như các tác giả ban đầu của Sách Thánh, họ phát biểu ý nghĩa của đức tin.
Dù ta có thể tìm thấy trong các thái độ đối với Kinh thánh của Thánh Tôma một lòng kính trọng mặc nhiên trước các hình thức văn chương của người viết, nhưng chính ngài thiếu các dụng cụ bác học mà từ đó vốn đã có sẵn cho các nhà giải thích; tuy thế, các chú giải Sách Thánh của ngài vẫn cho thấy các vấn đề thần học có liên hệ với con người trung cổ và Thánh Kinh chứ không phải Aristốt là nguồn của phần lớn suy tư thần học của ngài. Mặc dù thế, là một thầy dạy tại một đại học trung cổ thế kỷ 13, người ta vẫn thấy ngài phát biểu chân lý Kitô giáo với nhiều nét văn hóa của riêng ngài, một nền văn hóa rõ ràng hào hứng về tri thức trước việc tái khám phá ra Aristốt trong viễn ảnh Ảrập. Yếu tố văn hóa này trong môi trường nhân bản của Thánh Tôma lên đặc điểm cho văn phong của ngài y hệt như bài diễn văn của Thánh Phêrô tỏ rõ ngài là một người Galilê. Như M.D. Chenu từng viết rất hay trong tác phẩm không thể thiếu là cuốn Hướng Tới Việc Hiểu Thánh Tôma [Toward Understanding St. Thomas]: “Chúng ta hãy loại bỏ ý tưởng, có nguồn gốc cận đại nhưng vẫn ám ảnh chúng ta ngày nay, rằng có một sự mâu thuẫn giữa thần học kinh viện và thần học thực chứng [positive]. Cuộc tranh cãi chống phái Thệ Phản và sau này, chủ nghĩa duy lý đã tạo ra nó, như là hậu quả của đòi hỏi bút chiến, một tháo gỡ thế hợp nhất bên trong của nhận thức thần học trong đó Thánh Tôma và các người đồng thời với ngài đã lao công, tôi dám nói là hít thở. Thánh Tôma là một Bậc Thầy Thần Học, ngài chú giải Kinh Thánh... thế nhưng cốt lõi công trình của ngài có tính Kinh Thánh, và nền thần học của ngài có nguồn gốc ở Phong Trào Tin Mừng của thời ngài...”
Do đó, việc thông đạt chân lý của các thần học gia ngày xưa như Thánh Augustinô và Thánh Tôma cho các Kitô hữu hiện tại và tương lai cũng phải đi theo con đường tiến từ từ khởi đi từ Sitz im Leben (khung cảnh đời thực) tới ý nghĩa đoạn văn. Việc ấy đòi phải có sự quen biết với văn hóa. Một khi được giải thoát, “ý nghĩa” giống như hạt giống có thể được gieo vào thửa đất của một nền văn hóa mới và tiếp tục sinh hoa trái. Tuy nhiên, chỉ qua việc nghiên cứu khảo cổ, cổ sinh vật học, ngữ học, và nhiều khoa học bổ sung khác vốn góp phần làm cho sự hiểu biết môi trường sống thực của ta, thì ý nghĩa của Sách Thánh mới được giải thoát để có thể nắm được sự liên quan mới mẻ.
Chúng ta ở trong tinh thần của Thánh Tôma khi thay vì lặp lại ngài chúng ta đổi mới ngài. Giữ cho trẻ trung, thế giới tư tưởng hẳn phải thay đổi.
Kỳ cuối: Phụ Lục: Cầu nguyện và các kinh nguyện