Con người luân lý, hay đạo đức học Tôma



Cách Thánh Tôma suy nghĩ khác với cách phần lớn chúng ta quen thuộc ngày nay. Tuy Thánh Tôma rất thành thạo trong việc hiểu biết tác phong của con người, nhưng vì nhắm việc hệ thống hóa và việc phát biểu rõ ràng, nên ngài không muốn bàn đến những vấn đề gây hồi hộp trong hiện hữu nhân bản theo cách của các tiểu thuyết gia ngày nay. Trong đạo đức học, chúng ta có thể chỉ trông mong ở Thánh Tôma các nguyên tắc tổng quát mà thôi, vì trên bình diện suy lý, chỉ có điều này mới có giá trị.



Mặc dù sẵn lòng thay đổi ý kiến khi có bất cứ chứng cớ mới nào hay lời phê phán có lý nào, Thánh Tôma không bao giờ thích “chuyển dịch việc nhấn mạnh từ hiện hữu qua hành động, và hơn thế, không phải thứ hành động như một tan hòa vào phương tiện đến loại bỏ mục đích”. Ấy thế nhưng ngài lại coi “hành động” quan trọng vì thay đổi là một sự hoàn hảo nơi tạo vật bao lâu nó là một phần của chuyển dịch hướng tới Thiên Chúa. Chuyển dịch này là chuyển dịch của tình yêu mà đời sống tri thức vốn phục vụ, một đáp ứng đối với sự thiện tuyệt đối là tình yêu của chính Thiên Chúa dành cho con người. Các hữu thể nhân bản lớn lên bằng những đáp ứng này. Va như thế, việc theo đuổi hạnh phúc phụ thuộc việc theo đuổi sự thiện, vốn là sự hoàn hảo của bản chất con người với phó sản của nó là hạnh phúc.
Khuôn mẫu của sự hoàn hảo của con người được khám phá nhờ việc khảo sát các xu hướng có phẩm trật của bản chất con người, những điều cho thấy rõ ý muốn của Thiên Chúa đối với con người đang cố gắng trở thành luân lý. Mục đích của con người là trở nên nhân bản xuyên suốt, đạt được sự hoàn hảo của con người toàn diện, gồm cả xác lẫn hồn, đạt được một nhân cách hoàn hảo theo các khả thể của chính họ. Ý thức một cách thuận lý, con người, không như con vật, có thể biết mục đích của họ và được tự do xác định các thành tựu của mình nếu biết hành động một cách không dốt nát, đam mê, cưỡng bức. Nhưng luân lý tính không phải là việc thể hiện mọi tiềm thể mà không cảm thức được phẩm trật. Việc này đòi phải cân nhắc cẩn thận các giá trị, một việc tiệm tiến [gradation]. Có những giá trị tri thức, luân lý, xã hội, thân xác và, trên hết, các giá trị tôn giáo. Tất cả đòi chúng ta phải đánh giá, nhưng không phải tất cả bị hy sinh vì các giá trị khác. Nhưng nhờ giá trị tình yêu Thiên Chúa có liên hệ mật thiết với sự hoàn hảo của con người, nên đạo đức học Tôma có thể cổ vũ tình yêu Thiên Chúa vì chính Người và tình yêu người khác vì chính họ, bằng cách trước nhất tìm kiếm Nước Thiên Chúa, và nhờ thế, kết hợp đạo đức học bổn phận với đạo đức học duy hạnh phúc [eudaimonism] trong một đáp trả tình yêu.

Nói cách khác, trong quan niệm của Thánh Tôma, con người luân lý là con người tự do. Con người tự do hành động do động lực yêu thương đối với điều chân và điều thiện, và như thế, con người nội tâm hóa luật tự nhiên trong các xu hướng của họ, thiên luật đã được mạc khải cho họ và luật dân chính đã được công bố. Như Gerald Vann từng viết: “học thuyết luân lý của Thánh Tôma không nhằm việc hẹp hòi bắt tác phong cá nhân phải mù quáng vâng theo một bộ luật. Nó là một kế sách có tính vũ trụ; mục đích của nó là vinh quang Thiên Chúa và ordo universi (trật tự vũ trụ) hay việc thành toàn của thế giới”. Điều chân và điều thiện mà con người đáp ứng không phải là các ý niệm trừu tượng. Nền luân lý Tôma có tính quy thần [theocentric]. Thiên Chúa được yêu thương trong tất cả những gì tốt lành, vì đức ái là linh hồn của mọi hành vi đức hạnh của con người. Con người tìm thấy mình trong việc yêu mến Thiên Chúa, làm điều mình nên làm, và trong việc tìm thấy mình, con người tìm thấy tự do hay sự trọn vẹn [wholeness].

Sự ưu việt được Thánh Tôma dành cho hiện hữu hơn là cho “tinh thần” như đối lập với “vật thể” là vì một nền luân lý tích cực hơn là tiêu cực. Bất cứ người theo Thánh Tôma nào trung thành với giá trị được ngài đặt lên “hiện hữu” và các hiển hiện [epiphanies] siêu việt của nó như chân thiện mỹ đều có đặc điểm ở thái độ cởi mở và sẵn sàng tiếp thu đối với các chân lý được các triết gia khác biệt nhau nhất phát biểu cũng như đối với các hành vi xã hội của những người tự xưng là vô tôn giáo nhưng đang làm việc cho mọi hình thức tiến bộ nhân bản trong thế giới hiện đại. Không nên diễn dịch cuốn Tổng Luận thời danh như là để kết liễu việc tìm kiếm chân lý mà là để thiết lập ra thái độ “cứu chuộc chân lý” hay “tước đoạt người Ai Cập” (*). Điều gây ngạc nhiên trong mỗi cuốn Tổng Luận là con số các nguồn được giải thích cách đầy thiện cảm. Tầm nhìn thấu suốt về siêu hình của Thánh Tôma vào thực tại như là chủ thể hiện hữu không hề khô cằn.
Nhưng tính sinh hoa trái của nó phần lớn tùy thuộc việc thừa nhận chiều sâu và chiều rộng của nó. Một nguyên tắc như “hiện hữu” ít khi có thể xếp vào loại nguyên tắc tư duy của nhà duy lý, mà nó cũng không thể bị tước đi mà không vi phạm ý nghĩa của năng lực đồng hóa các khám phá tri thức tương lai. Một nền triết lý hiện hữu luôn sẵn sàng để có liên quan nếu chúng ta có đó để làm nó nên như thế. Một nền triết lý như thế phối hợp tính ổn định của các nguyên tắc vĩnh viễn với tính năng động của việc nhấn mạnh tới phát triển, vì nó đặt cơ sở cho mọi hoàn hảo của con người và tiến bộ xã hội cũng như giải đáp tôn giáo trên hiện hữu như một hành vi [being-as-act] hay năng lực yêu thương. Do đó, người phê bình học thuyết Tôma nào liên tục đặt “hiện hữu” bên trong khuôn khổ học thuyết Tôma đối nghịch với “trở nên” [becoming] như thể ngài tương phản bản thể với hành động hay Parmenides với Heraclitus, quả đã không hiểu vấn đề. Tính ổn định của hữu thể theo quan điểm của Thánh Tôma có tính năng động, y như tính năng động của thực tại có tính ổn định vậy, vì nó bắt nguồn từ chính hành vi hiện hữu, actus essendi. Hơn nữa, khuôn mặt của việc hiện hữu này, khuôn mặt nó quay hướng về con người, là “tình yêu”, một điều có tính hoạt động hơn hết trong mọi điều, mạnh mẽ hơn sự chết, nguồn bí mật của mọi hạnh phúc nơi con người và mọi thảm kịch của họ.

Khi hiện hữu như tình yêu được thừa nhận là sự thiện tối cao, đời sống luân lý hệ ở việc đáp ứng tình yêu này trong mọi chọn lựa của con người. Các thực tại hữu hạn được chọn lựa vì chính các giá trị của chúng; giá trị này vốn cùng một lúc làm trung gian cho tình yêu sáng tạo của Thiên Chúa. Vì Thánh Tôma liên hệ hạnh phúc con người với tình yêu hoàn hảo dành cho Thiên Chúa, nên sự hoàn hảo của con người không phải là mục tiêu trực tiếp của họ trong đời sống luân lý. Do đó, cứu cánh luận [teleology] của Aristốt đã được biến đổi sâu xa. Cuộc thảo luận thời danh của Aristốt về năng lực cao nhất của “bản chất” con người được thay thế bằng ý niệm tương quan với “hiện hữu” cao nhất [esse]. Và như thế, vấn đề cùng đích của con người không còn là vấn đề năng lực nào của con người cao hơn như yếu tố thiết lập họ trong bản chất chuyên biệt của họ; đúng hơn, nó là vấn đề năng lực nào của con người có thể vươn tới chủ thể hiện hữu tối cao dù tính siêu khả niệm, siêu ưu việt của Người thách thức bất cứ việc ý niệm hóa nào. Và trọn đời sống tôn giáo của con người hay đời sống đức tin của họ do đó được tích hợp vào nền đạo đức mục đích, hay thành toàn trọn vẹn mà không tước mất tính đáng ước ao nội tại của các giá trị nhân bản cũng không biến Thiên Chúa thành chỉ là giá trị phương tiện cho các năng lực của con người. Thiên Chúa tuy siêu việt nhưng Người luôn hiện diện bằng ý chí sáng tạo của Người trong mọi vật thụ tạo. Người hiện hữu một cách rất đặc biệt trong các hữu thể có ý thức, là những hữu thể nơi đó hành vi đức tin được thực hiện dưới năng động tính của ý chí tìm thực tại hay sự thiện. Và như thế, bất cứ nơi nào Thiên Chúa kêu gọi con người bằng ơn phúc đức tin, ý chí đều có khả năng vươn tới Đấng hiện hữu tối cao vượt quá mọi hiểu biết. Bất cứ nơi nào đáp ứng tự do của con người đối với lời mời gọi của Thiên Chúa giống như đáp ứng của Con Thiên Chúa, con người đều trở thành “ảnh tượng” [icon] hoàn hảo, hoàn hảo nhân bản và hoàn hảo luân lý nhờ việc tham gia vào agape (đức ái) của Thiên Chúa, vốn là nguyên lý của hiện hữu Kitô hữu. Như Thánh Phaolô từng dạy, tình yêu là lề luật mới. Và khả năng con người đáp trả trong yêu thương là trách nhiệm cao cả nhất của họ và là cơ hội lớn nhất của họ để trở thành nhân bản thực sự.

Dù Thánh Tôma chắc chắn nhấn mạnh tới chức năng của nhận thức trong nền luân lý, nhưng ngài đã không bàn đến hành động này. Và mặc dù có nội dung tín lý dứt khoát dành cho đức tin như Thánh Tôma định nghĩa về nó, nhưng bất cứ khi nào ngài nói đến việc sống đức tin, thì luôn luôn là đức tin sống bằng tình yêu. Mặc dù ngài viết nhiều mục liên quan tới đạo đức học như một khoa học, các tầm nhìn thấu đáo của ngài cho thấy ngài coi đời sống luân lý cũng như đời sống tôn giáo như “nghệ thuật yêu mến Thiên Chúa” và những con người nhân bản. Chỉ có tình yêu mới có thể đem con người tới chỗ hiệp thông với Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, và do đó, khi con người hoàn tất định mệnh cụ thể của họ, họ là một “vị thiên chúa nhờ tham gia”. Thiên Chúa Ba Ngôi là qui phạm của nền đạo đức học Kitô giáo biết nhấn mạnh tới các mối tương quan liên bản vị hơn là một nền đạo đức tự mãn [self-sufficient], vốn là quy phạm của Aristốt.

Một số người dám nghĩ rằng một nền đạo đức về hiện hữu nhân bản được năng động điều hướng về hữu thể tuyệt đối có bản vị nhất thiết bao hàm việc giảm thiểu hay hạ giá trật tự nhân bản hay tạm thời [temporary]. Ngược lại, khuynh hướng của con người hướng về tuyệt đối khiến họ lưu tâm tới tất cả những gì có liên hệ với tuyệt đối. Mối tương quan riêng của con người với Thiên Chúa, chiều kích tôn giáo của họ, cho phép họ tham dự vào việc điều hướng thế giới của Thiên Chúa, sự khôn ngoan của con người hợp tác với ơn quan phòng của Thiên Chúa. Điều này trao cho con người một trách nhiệm có tính sáng tạo phải tiến bộ trong các khoa học, kỹ thuật và nghệ thuật trong kinh thành con người. Kinh thành này không bao giờ được nhìn một cách đích thực ngoại trừ, trong tương quan với Thiên Chúa, nó là một tình huống đem lại cho mọi sự kiện tạm thời một giá trị khôn tả trường cửu.

Nếu siêu hình học và tôn giáo nhấn mạnh tới việc thế giới tùy thuộc về phương diện hữu thể học vào Thiên Chúa và tình yêu ưu tiên của Thiên Chúa dành cho người ta, thì siêu hình học và tôn giáo không hề cản trở việc xây dựng kinh thành nhân bản. Hơn nữa, con người được cứu khỏi tính hàm hồ lưỡng nghĩa của họ nhờ ơn gọi của họ trong việc mô phỏng tự do sáng tạo của Thiên Chúa. Sự thiện vô hạn, vốn làm cơ sở cho các chọn lựa của con người, cũng làm cho khả hữu việc con người lớn mạnh trong tự do hay hay tính toàn vẹn [wholeness], hoa trái thành công trong nghệ thuật yêu mến Thiên Chúa và con người như họ nên được yêu mến, vì chính họ.

Tất cả những gì con người đạt được sẽ tồn tại mãi mãi vì các thành tựu của họ là một phần của chính họ, và họ vốn bất tử như chủ thể có tương quan với Thiên Chúa trường cửu. Nhập Thể là vì Phục Sinh. Nên thế giới sẽ trỗi dậy lại với Chúa Kitô. Hiện hữu với esse hay hiện hữu thiêng liêng là hiện hữu mãi mãi và tình yêu quả vĩnh viễn.

Đạo đức học Tôma có thể sử dụng từ vựng Aristốt, nhưng rượu mới trong các bình cũ là thần khí yêu thương. Vì Chúa Kitô của Sách Thánh đã tuyên bố có thể tóm gọn mọi lề luật luân lý vào tình yêu Thiên Chúa và người lân cận, điều đúng hơn, do đó, là nói rằng đạo đức học Tôma là đạo đức học Kinh Thánh chứ không phải đạo đức học Aristốt. Và mặc dù phần lớn huyền nhiệm học Kitô giáo theo khuynh hướng tân Platông muốn xoay hướng đa dạng trở về với thống nhất bằng cách xa lánh đến bác bỏ thế giới này, đời sống huyền nhiệm của Thánh Tôma có đặc điểm của một chiêm niệm chín mùi từ đời sống luân lý Kitô giáo. Đặc điểm này đưa thống nhất vào đa dạng. Sự nên một này được đức ái đem lại, vì đức ái vốn là mô thức của mọi nhân đức Kitô giáo. Các quan tâm đa dạng về đời sống, các vấn đề đời sống, và các sinh hoạt của đời sống con người đều được tình yêu thống nhất hóa. Việc đáp trả Thiên Chúa này trong và qua các biến cố cụ thể hàng ngày là một chiêm niệm Kinh Thánh, chứ không phải Hy Lạp. Hơn nữa, con người, chủ thể đáp trả các giá trị nhập thể không phải là một hiền sĩ Khắc Kỷ mà là một con người rất nhân bản mà các niềm đam mê của họ vốn lên năng lực cho tình yêu họ dâng hiến cho Thiên Chúa và con người.

Có một chiều hướng trong đó Thánh Tôma, trong học thuyết luân lý của ngài, không theo cả Platông lẫn Aristốt và phái Khắc Kỷ nhưng theo Thánh Augustinô. Với Aristốt, vũ trụ là một hệ thống khép kín không có các tiêu chuẩn tuyệt đối do ý niệm của Platông cung ứng, nhưng trong khi phái Platông ghi nhận chính xác sự nôn nao khao khát của con người, họ cho điều này phát nguồn từ mối tương quan của con người với thân xác hơn là với các ý niệm trường cửu. Thánh Tôma đi giữa thuyết nhị nguyên của Platông với việc khinh chê vật chất và thuyết đạo đức duy tự nhiên của Aristốt. Thánh Tôma chắc chắn ngài ưa thích tình huống phức tạp của con người khi nhìn nhận thân xác là yếu tố có tính yếu tính trong bản chất của họ hơn là luận lý vô thực chất của thuyết nhị nguyên, nhưng ngài không chắc liệu ngài có biết rõ con người để ngài sẵn lòng ủy thác việc thiết lập ra luật luân lý cho một xã hội lý tưởng của con người hay không. Thánh Tôma biết chắc rằng con người tự do được Thiên Chúa tạo dựng trong mối tương quan năng động với Người sẽ không phải là chính họ, nếu họ không có tính tri thức và tình yêu nhân bản, điều vốn vượt quá tư lợi. Thánh Tôma nhất trí với Thánh Phaolô rằng con người là thân xác, linh hồn, và tinh thần, và chủ nghĩa hiện thực của ngài về hiện hữu cung ứng viễn kiến này về con người phát triển trong lòng thế giới giữa một cộng đồng nhân bản sẵn sàng đón nhận tình yêu vô hạn. Đáp trả lời mời gọi thần thiêng vốn là chính sáng tạo, vũ trụ là một khát vọng nồng cháy, một đi lên, một trở về với “hợp nhất” hay toàn vẹn tính.

Điều trên có nghĩa mọi thành công xã hội và chính trị, các thành tựu đối với ích chung của những con người nhân bản và đối với việc phát huy chính phủ của những con người tự do, có tính vĩnh viễn, chứ không phù du. Bất cứ điều thiện nào làm cho con người đều kéo dài mãi mãi, và không điều nào bị loại ra ngoài đời sống luân lý, một đời sống luôn được đo lường bằng các khả thể có thực ở một thời điểm lịch sử nhất định nào đó. Và vì ơn cứu rỗi là thành tựu của Thiên Chúa, nên không người nào vì bất cứ hoàn cảnh kinh tế hay lịch sử nào bị ngăn cản dự phần vào đó. Chỉ cần họ bằng lòng và thành thực cố gắng làm chứng cho nó. Yêu thương người khác vì chính họ, vốn là điều ai cũng có thể có, là sức mạnh phổ quát duy nhất có khả năng kết hợp con người lại với nhau bao lâu nó thực sự kết hợp họ với Thiên Chúa. Tình yêu cũng là sức mạnh lớn nhất đối với sự thay đổi trong thế giới, vì chỉ có tình yêu mới có thể thay đổi trái tim con người cách triệt để, mở lớn nó, ly tâm [decentralize] con người, và chuẩn bị cho họ biết nhìn ra một thế giới khác từ tổ ấm của họ. Khi con người dần dần mở rộng và mở sâu thế giới quan của họ, các ảo tưởng sẽ lìa xa họ và họ sẽ đáp trả một cách thỏa đáng hơn các đòi hỏi cấp thiết của từng tình huống dưới sức lôi cuốn của một tình yêu có thể tạo ra sự lớn mạnh vũ trụ và bản thân vốn chuẩn bị họ cho cuộc kết hợp “mọi sự trong mọi sự”.

Thánh Tôma cũng quan tâm tới hành động như bất cứ nhà thực dụng [pragmatist] Hoa Kỳ nào, nhưng ngài không bao giờ tách biệt hành động khỏi hiện hữu. Đó là lý do tại sao hành động luôn nêu ra vấn đề nguồn gốc và mục đích. Kinh nghiệm Tôma về hành động rộng và sâu hơn kinh nghiệm thực dụng. Điều Buber gọi là “hàng ngày” được thánh Tôma gọi là bất tất, ngẫu nhiên [contingent] và Dewey gọi là “diễn trình”. Nhưng phân tích của Thánh Tôma về kinh nghiệm hành động nằm trong xu hướng sâu hơn của ý chí con người hướng tới sự thiện tuyệt đối, hướng tới kinh nghiệm mặc nhiên của con người về siêu việt trong mọi xu hướng của họ, một kinh nghiệm giữ cho con người luôn nhân bản. Vì Thánh Tôma dạy rằng hành vi của Thiên Chúa là một với hữu thể của Người, nên không bao giờ được coi Thiên Chúa như một đối vật mà phải như một chủ thể, một tự do sáng tạo. Nghĩa là Thiên Chúa không bao giờ bị giới hạn bởi nhu cầu. Bất cứ nơi nào Thiên Chúa hành động, Người đều hành động để thông truyền điều thiện. Luật luân lý nhân bản sâu sắc, được nhận biết một cách trực giác là thế này: Hãy làm điều thiện. Mà con người làm điều thiện khi họ họa hình Thiên Chúa trong hành động bằng cách hiện thân [incarnate] phần nào sự thiện tuyệt đối kia mà khát vọng của ý chí họ vốn hướng họ về. Để con người trở thành nhân bản, điều “hiện nay” đem siêu việt đến cho họ; điều “hàng ngày” của họ có trong nó điều vĩnh cửu. “Chuông chỉ là chuông khi bạn rung nó, bài hát chỉ là bài hát khi bạn hát nó” thế nào, hữu thể nhân bản sẽ không nhân bản trừ khi nó nhân bản hóa môi trường của nó bằng cách thông truyền điều thiện. Không phải mọi hành vi của con người đều là hành vi nhân bản. Để nhân bản, chúng phải được thực hiện bằng nhận thức và tự do. Không phải mọi hành vi nhân bản đều có giá trị luân lý. Điều xác định thành công của một hành động không phải là giá trị tiền mặt của nó mà là giá trị luân lý của nó, một giá trị được đo lường bằng năng lực hoàn thiện con người như một ngôi vị theo hình ảnh Thiên Chúa, Đấng thông truyền sự thiện.

Không gian, thời gian và di truyền [heredity] có phần trong việc làm ra con người, và ngày nay ta nghe nhiều về việc này. Nhưng con người vượt quá các yếu tố đó. Họ là trách nhiệm tối hậu trong việc làm ra chính họ. Và luân lý chính là nói về chuyện này.
____________________________________________________________________________________________________
(*) Kiểu nói trích từ Xuất hành 12:36, kể lại việc người Do Thái trên đường rời khỏi Ai Cập đã tước đoạt của cải của người Ai Cập, 1 việc được biện minh như là công làm nô lệ bao năm qua. Cũng có người giải thích hành vi này được biện minh về luân lý vì cướp của những người bên ngoài tín ngưỡng của mình.

Kỳ tới: Con người Tôn giáo