Theo bản tin ngày 7 tháng 3 của tờ The Catholic Herald, Đức Giáo Hoàng đã kết thúc ngày trọn vẹn cuối cùng của cuộc hành hương lịch sử tới Iraq bằng cách cử hành thánh lễ tại một sân vận động túc cầu trước hàng ngàn tín đồ Kitô giáo sốt mến, những người đã đến đó từ khắp đất nước để nhận được phước lành của ngài.
Sân vận động Franso Hariri ở Erbil có sức chứa 25,000 người nhưng chưa đến một nửa số đó đã có thể tham dự biến cố có phát vé do các quy định gián cách xã hội.
Nhiều người trong cộng đoàn đã ngồi cách xa nhau trên những chiếc ghế trắng trên sân, phần còn lại cũng được đặt cách quãng tương tự trên khán đài.
Thánh lễ có một bức tượng Đức Mẹ Đồng trinh đã được phục hồi sau khi các chiến binh thánh chiến IS chặt đầu và tay.
Đức Giáo Hoàng đã làm phép bức tượng, được vận chuyển từ nhà thờ ở Keramlis, một ngôi làng Kitô giáo trên Bình nguyên Ninivê, đến chỗ tôn vinh trên bàn thờ trong Thánh lễ Chúa nhật.
Keramlis, một thị trấn cổ của Assyria cách Mosul chưa đầy 30 km về phía đông nam, đã rơi vào tay cái gọi là Nhà nước duy Hồi giáo vào tháng 8 năm 2014, hai tháng sau khi những kẻ cực đoan chiếm Mosul và các khu vực xung quanh, khiến hầu hết cư dân phải chạy trốn.
Trong bài giảng của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô đã thuyết giảng về sức mạnh và sự khôn ngoan thần thiêng, trái ngược với sự điên rồ của con người tin rằng bản thân mình đã đủ, nhất là khi họ có sức mạnh. Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp tục nói: “Tại đây, tại Iraq này, biết bao anh chị em, bạn bè và đồng bào của anh chị em phải chịu đựng những vết thương của chiến tranh và bạo lực, những vết thương cả hữu hình lẫn vô hình! Cơn cám dỗ là phản ứng lại những trải nghiệm này và những đau đớn khác bằng sức mạnh của con người, bằng khôn ngoan của con người”.
Vào cuối thánh lễ, Đức Giáo Hoàng đã khiến đám đông kinh ngạc khi ngài thực hiện một vòng danh dự trong một chiếc xe trượt gôn trước mặt Tổng thống của Chính quyền Khu vực Người Kurd.
Trước đó, Đức Giáo Hoàng đã đến thăm một khu vực từng chứng kiến một số hành động tàn bạo và tàn phá tồi tệ nhất của các chiến binh thánh chiến IS sau khi chúng từ Syria xâm chiếm bắc Iraq.
Ở Mosul, nơi người dân địa phương nổi tiếng về việc sống cuộc sống trọn vẹn và đầy nụ cười qua suốt nghịch cảnh, các thanh thiếu niên rạng rỡ trong bộ quần áo Chúa nhật đẹp nhất của mình, hòa cùng bố và mẹ trong bài hát và vẫy cành lá cọ để dành cho Đức Giáo Hoàng một cuộc chào đón hân hoan giữa đống đổ nát hoang tàn và các tòa nhà bị ném bom.
Một Tweeter Kitô hữu viết, “Ôi lạy Chúa, ngài đang đứng ở trung tâm Mosul, Đức Thánh Cha ơi, con không thể tin vào mắt con!”.
Có thể cho rằng khoảnh khắc mang tính biểu tượng mạnh mẽ nhất diễn ra khi Đức Giáo Hoàng dẫn đầu các buổi cầu nguyện ở Quảng trường Nhà thờ, ngồi trên chiếc ghế màu trắng trên một bục trải thảm đỏ được nâng cao, trở thành tí hon giữa các tòa nhà sụp đổ. Cây thánh giá được ngài nâng cao đã được làm từ gỗ của các nhà thờ đổ nát.
Đề cập đến những ngày đen tối của cuộc chiếm đóng của IS, Đức Giáo Hoàng nói: “Thật xót xa biết bao khi quốc gia này, cái nôi của nền văn minh, lại phải gặp rắc rối bởi một trận đánh dã man, với các địa điểm thờ phượng lịch sử bị phá hủy và hàng trăm cá nhân - Người Hồi giáo, người Kitô giáo, người Yazidis và nhiều người khác - buộc phải di tản hoặc bị giết".
Đức Giáo Hoàng đã thả một con chim bồ câu hòa bình vào bầu trời Mosul và lần đầu tiên trong chuyến đi này, tình hình an toàn đủ để ngài bỏ chiếc xe bọc thép để tham quan Thành phố Cổ trong một chiếc xe đánh gôn, để tận mắt chứng kiến sự tàn phá gây ra bởi ISIS và cuộc xung đột cuối cùng đã lật đổ họ, bao gồm cả nhà thờ Công Giáo Syriac Al-Tahera đổ nát.
Tiếp tục chủ đề của toàn bộ sứ vụ của ngài, hôm nay, Đức Giáo Hoàng nói về mối hận thù có tính hủy diệt giữa các cộng đồng: “Tất cả chúng ta đều là anh em. Tình anh em bền chặt hơn việc huynh đệ tương tàn”.
Đức Giáo Hoàng hẳn phải rất vui khi biết những cây thánh giá được trang trí bằng vàng sử dụng trong buổi lễ ở Quảng trường Nhà thờ được tạo ra bởi nhà điêu khắc Omar, 22 tuổi, một trong hàng trăm tình nguyện viên Hồi giáo đã làm việc để khôi phục các nhà thờ Kitô giáo trong hơn hai năm qua.
Anh nói, “Thật vinh dự rất nhiều khi được đón tiếp Đức Giáo Hoàng ở Mosul. Các tín ngưỡng khác nhau phải làm việc với nhau”.
Qaraqosh, cách Mosul 35 km về phía đông, bị ISIS xâm chiếm vào ngày 6 tháng 8 năm 2014. Mọi gia đình có thể chạy trốn đều đã rời khỏi thành phố, nhiều người trong số những người ở lại và từ chối cải đạo qua phiên bản Hồi giáo cực đoan của các chiến binh thánh chiến đã bị bắn hoặc chặt đầu. Phụ nữ và các cô gái trẻ bị bắt làm nô lệ tình dục. Các nhà thờ bị phạm thánh, các biểu tượng và chén thánh được sử dụng cho mục tiêu trần tục.
Đức Giáo Hoàng đã di chuyển bằng trực thăng qua vùng bình nguyên Ninivê để đến Qaraqosh nghe chứng từ các gia đình và cầu nguyện trong Nhà thờ Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội.
Hàng ngàn người đã tập trung trên tuyến đường của đoàn xe hộ tống có phong cách tổng thống hơn là giáo hoàng.
Khi chiếc xe limousine bọc thép của Đức Giáo Hoàng và các xe hộ tống từ từ tiến vào thị trấn, một dàn gồm khoảng 30 vệ sĩ đi từng bước ở hai bên - một nhắc nhở ớn lạnh rằng cái gọi là Nhà nước duy Hồi giáo vẫn hoạt động cách Qaraqosh chưa đầy 40 km, và có thể có các đơn vị nằm sẵn trong thành phố.
Nhiều chim bồ câu hòa bình được thả ra khi đám đông hô vang: “Hallelujah! Papa Francis” lúc Đức Giáo Hoàng đi ngang qua. Những người không thể đến gần phải xem trên màn TV khổng lồ.
Trong buổi lễ ở nhà thờ, Đức Giáo Hoàng kêu gọi các cộng đồng Kitô giáo không để mất hy vọng bất chấp những nỗi kinh hoàng mà họ phải chịu đựng.
Ngài nói: “Chắc chắn, sẽ có những khoảnh khắc trong đó đức tin có thể chao đảo, khi dường như Thiên Chúa không chịu nhìn hoặc hành động. Điều này đúng với anh chị em trong những ngày đen tối nhất của chiến tranh, và điều này cũng đúng trong những ngày khủng hoảng sức khỏe hoàn cầu và sự bất an lớn lao. Những lúc như thế, hãy nhớ rằng Chúa Giêsu đang ở bên cạnh anh chị em. Đừng từ bỏ ước mơ. Đừng bỏ cuộc. Đừng mất hy vọng".
Như một sự thúc đẩy hơn nữa đối với các Kitô hữu ở Qaraqosh, Đức Giáo Hoàng đã trả lại một bản chép tay thánh thiêng được cứu khỏi các chiến binh thánh chiến ISIS và đã được khôi phục ở Ý.
Cuốn Sidra, được viết bằng ngôn ngữ Aram cổ xưa và có niên đại vào thế kỷ 14 và 15, là một trong những cuốn sách cổ nhất của Nhà thờ Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội, và đã được các linh mục địa phương cứu. Nó chứa các lời cầu nguyện phụng vụ dành cho các buổi lễ Phục sinh.
Về số lượng, Đức Giáo Hoàng đã thu hút được đám đông lớn nhất từ trước đến nay trong chuyến đi này, một phần vì có nhiều Kitô hữu hơn ở phía bắc Iraq, nơi hiện là quê hương của hàng nghìn người tìm kiếm nơi tạm trú ở đó.
Và Chính phủ bán tự trị của người Kurd cũng đã ban hành các khu tạm trú cho các Kitô hữu chạy trốn các cuộc giao tranh đang tiếp diễn ở Syria.
Đức Giáo Hoàng quay trở lại Baghdad và lên đường trở lại Rôma vào thứ Hai, sau khi kết thúc những gì sẽ được coi là cuộc hành hương lịch sử rất thành công kéo dài bốn ngày, đạt được mục tiêu của ngài là mang lại hy vọng cho các cộng đồng Kitô giáo đang bị vây khốn ở Iraq và đặt nền tảng quan trọng cho sự hòa hợp gần gũi hơn giữa các Kitô hữu và người Hồi giáo.