Đức Giáo Hoàng Phanxicô đến Erbil
Theo VaticanNews, ngày thứ ba trong chuyến thăm Iraq của ngài, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã đến Erbil, nơi ngài gặp Tổng thống và Thủ tướng của khu tự trị Kurdistan thuộc Iraq. Hành trình của Đức Giáo Hoàng hôm Chúa nhật bao gồm các cuộc viếng thăm Mosul và Qaraqosh.
Thực vậy, hôm Chúa nhật, khi bắt đầu ngày thứ ba của Hành trình Tông đồ đến Iraq, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bay từ Baghdad đến Erbil, nơi khi ngài đến, ngài đã được chào đón bởi Tổng thống, Thủ tướng của vùng tự trị người Kurd thuộc Iraq cũng như các thẩm quyền dân sự và tôn giáo.
Sau đó, Đức Giáo Hoàng đã gặp Tổng thống khu tự trị người Kurd ở Iraq, Nechirvan Barzani, và Thủ tướng Masrour Barzani tại Phòng chờ Thượng Khách dành cho Tổng thống tại phi trường.
Thành phố Erbil
Còn được gọi là Hewlêr trong tiếng Kurd và Arbīl trong tiếng Ả Rập, thành phố Erbil là thủ phủ và là thành phố lớn nhất của khu tự trị Kurdistan thuộc Iraq. Nó nằm cách Mosul khoảng 88 km về phía đông và chỉ cách biên giới Syria chưa đầy 300 km.
Được coi là một trong những thành phố lâu đời nhất trên thế giới, các khu định cư đô thị đầu tiên của Erbil có niên đại từ năm 2300 trước Công nguyên. Qua nhiều thế kỷ, nhiều dân tộc bao gồm người Sumer, người Assyria, người Babylon, người Medes, người La Mã Abbassids và người Ottoman đã sống trong thành lũy của thành phố cổ xưa này.
Thành lũy Erbil nổi tiếng, được công nhận là Di sản Thế giới của UNESCO vào năm 2014, có diện tích khoảng 110,000 mét vuông và nằm cao hơn khoảng 30 mét so với khu vực kế cận xung quanh. Bên trong nó có Đại Đền thờ Hồi giáo và Bảo tàng Hàng Dệt của người Kurd. Các bảo tàng quan trọng của thành phố - Bảo tàng Văn minh Erbil và Bảo tàng Di sản Syriac - là nơi trưng bày một số hiện vật của khu vực.
Các địa điểm tham quan khác ở Erbil bao gồm Mudhafaria Minaret (Choly Minaret) được xây dựng vào thế kỷ 12 và được cho là phần còn lại của một đền thờ Hồi giáo cổ xưa; Đền thờ Hồi giáo Jalil Khayat - lớn nhất trong thành phố - được hoàn thành vào năm 2007, Phòng trưng bày Minaret, và phòng trưng bày Shanidar. Ngoài ra còn có Chợ Qaysari thế kỷ 12, cũng như các công viên Minare, Shanadar và Sami Abdulrahman.
Cũng nằm ở Erbil là Nhà thờ Chính tòa Chaldean kính Thánh Giuse, Ankawa, - một trong những lãnh thổ nội phận (enclaves) Kitô giáo lớn nhất ở Trung Đông gồm các Kitô hữu phần lớn là người Assyria nói ngôn ngữ Tân-Aram.
Trong những năm gần đây, Erbil đã trở thành nơi cư trú của hàng nghìn người tị nạn, phần lớn phát xuất từ Qaraqosh và Mosul, những người đã chạy trốn trong thời kỳ cai trị của cái gọi là Nhà nước duy Hồi giáo. Thành phố đã chào đón khoảng 540,000 người tị nạn Iraq cùng với những người tị nạn Syria khác vào các trại trong khu vực.
Khu tự trị của người Kurd thuộc Iraq
Được chính thức công nhận với sự ra đời của hiến pháp được thông qua vào năm 2005, khu vực tự trị của người Kurd thuộc Iraq, nằm ở phía đông bắc của Iraq bao gồm bốn tòa thống đốc Dohuk (Dihok), Erbil (Hewlêr), Halabja (Helebce) và Sulaymaniyah ( Silêmanî). Khu tự trị này có phía đông giáp Iran, phía bắc giáp Thổ Nhĩ Kỳ và phía tây giáp Syria.
Đức Giáo Hoàng tại “các dấu đinh của chiến tranh”
Theo hãng tin Zenit, ấn bản tiếng Pháp, vào ngày thứ ba trong chuyến hành hương của Đức Giáo Hoàng Phanxicô đến Iraq, ngày 7 tháng 3 năm 2021, sau một ngày ở Nadjaf và Ur, Đức Giáo Hoàng đi đến miền bắc của đất nước, đến vùng tự trị của người Kurd ở Iraq, nơi các Kitô hữu đã tị nạn trong cuộc tiến công của Nhà Nước Duy Hồi Giáo và một phần bị chiếm đóng bởi quân đội Thổ Nhĩ Kỳ.
Nhưng Đức Giáo Hoàng cũng đã đáp trực thăng đến Mosul, trung tâm của thảm kịch, nơi đã đến lúc để hồi hương và tái thiết: Đức Giáo Hoàng đã cầu nguyện ở đó cho các nạn nhân của chiến tranh.
Sau đó, vẫn luôn bằng trực thăng, Đức Giáo Hoàng đã đến Qaraqosh "Kitô giáo", trong nhà thờ đã được phục hồi: một thành phố do người Kurd bảo vệ vào năm 2014, nhưng đã rơi vào tay ISIS vào ngày 7 tháng 8. Chỉ trong một đêm, nó đã bị trống trơn, không còn một dân cư nào và 14 nhà thờ trong tỉnh đã bị phá hủy, 7 trong số đó có từ thế kỷ 5, 6 và 7.
Ngày này sẽ được kết thúc với một biến cố lớn tại sân vận động Franso Hariri ở Erbil, với sự tham dự của khoảng 10,000 người (thay vì 30,000 như sức chứa của sân vận động).
Hơn bao giờ hết, Đức Giáo Hoàng đang thực hiện những gì ngài khuyến nghị với toàn thể Giáo hội: trở thành một "Giáo hội đi ra ngoài", tới "các vùng ngoại vi", và "bệnh viện dã chiến", như Tổng thống Barham đã nói, hôm Thứ Sáu ngày 5 tháng 3 năm 2021: "cùng chúng tôi chữa lành các vết thương". Điều này cũng là điều được Anan Alkass Yousif làm chứng. Đây là “Thánh Phêrô” đến “để củng cố anh em mình”.
Đức Tổng Giám Mục Công Giáo Chaldean của Mosul và Aqra, Đức Cha Najeeb Michaeel, nói với AFP-TV5 Monde rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ được chào đón "trong niềm vui", ngay cả khi ba năm chiếm đóng của nhóm Nhà nước Duy Hồi giáo (IS), từ mùa hè năm 2014, để lại “nhiều dấu đinh”: “cây thánh giá bị gãy trên cột nhà thờ, chén thánh hoặc bức ảnh biến dạng trên cửa sổ kính mầu … Quá nhiều bằng chứng được lưu giữ nguyên trạng để “vượt thắng quá khứ ”, bằng cách “tha thứ nhưng không quên”.
Chính Đức Tổng Giám Mục đã "cứu các bản thảo cổ khỏi nanh vuốt của ISIS trong thành trì của chúng ở Iraq, phía bắc đất nước, bằng cách đưa chúng đến vùng Kurdistan vào ban đêm trên những con đường mấp mô”.
Đức Giáo Hoàng viếng vùng phía bắc tan nát vì chiến tranh
Trong khi ấy, hãng A.P. tường trình rằng Chúa nhật, 7 tháng 3, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã đến miền bắc Iraq, nơi ngài dự định cầu nguyện giữa đống đổ nát của các nhà thờ bị tàn phá hoặc phá hủy bởi các phần tử Nhà nước duy Hồi giáo cực đoan và cử hành thánh lễ ngoài trời vào ngày cuối cùng của chuyến viếng thăm đầu tiên của Giáo hoàng tới đất nước này.
Vatican hy vọng rằng chuyến thăm mang tính bước ngoặt sẽ tập hợp các cộng đồng Kitô hữu của đất nước và khuyến khích họ ở lại bất chấp nhiều thập niên chiến tranh và bất ổn. Đức Phanxicô cũng đã đưa ra thông điệp về lòng khoan dung và tình huynh đệ liên tôn cho các nhà lãnh đạo Hồi giáo, kể cả trong cuộc gặp gỡ lịch sử vào thứ Bảy với vị giáo sĩ Shia hàng đầu của Iraq, Đại Giáo Trưởng Ali al-Sistani.
Đức Phanxicô đã đến thành phố Mosul ở phía bắc, nơi bị tàn phá nặng nề trong cuộc chiến chống IS, để cầu nguyện cho các nạn nhân chiến tranh của Iraq. Khung cảnh sẽ là một quảng trường thành phố được bao quanh bởi tàn tích của bốn nhà thờ bị hư hại thuộc một số nghi lễ và giáo phái Kitô giáo của Iraq.
Ngài đã di chuyển bằng trực thăng qua vùng bình nguyên Ninievê đến cộng đồng Kitô giáo nhỏ ở Qaraqosh, nơi chỉ một phần nhỏ các gia đình đã hồi hương sau khi chạy trốn khỏi cuộc tấn công của IS vào năm 2014. Ngài cũng nghe những lời chứng của cư dân và cầu nguyện trong Nhà thờ Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội, nơi đã bị IS đốt cháy và được khôi phục trong những năm gần đây.
Ngài kết thúc ngày này bằng một thánh lễ tại sân vận động ở Irbil, trong khu vực bán tự trị phía bắc của người Kurd, với sự tham dự của khoảng 10,000 người. Ngài đến Irbil vào sớm hôm Chúa nhật, nơi ngài được chào đón bởi các trẻ em trong trang phục truyền thống và một em mặc trang phục như một giáo hoàng.
Iraq tuyên bố chiến thắng IS vào năm 2017, và trong khi nhóm cực đoan không còn kiểm soát bất cứ vùng lãnh thổ nào, nó vẫn tiến hành các cuộc tấn công lẻ tẻ, đặc biệt là ở phía bắc. Nước này cũng đã chứng kiến một loạt các vụ tấn công bằng tên lửa gần đây của lực lượng dân quân do Iran hậu thuẫn nhằm vào các mục tiêu của Mỹ, một bạo lực được liên kết với các căng thẳng giữa Washington và Tehran.
Sự cai trị tàn bạo trong ba năm của nhóm IS đối với phần lớn miền bắc và miền tây Iraq, và chiến dịch chống lại nó, đã để lại một vùng đất rộng lớn bị hủy diệt. Các nỗ lực tái thiết đã bị đình trệ trong bối cảnh khủng hoảng tài chính kéo dài nhiều năm, và toàn bộ khu phố vẫn còn trong đống đổ nát. Nhiều người Iraq đã phải xây dựng lại nhà cửa bằng chi phí của họ.
Nhóm thiểu số Kitô giáo của Iraq bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề. Các chiến binh buộc họ phải lựa chọn giữa việc trở lại đạo, tử hình hoặc trả một loại thuế đặc biệt đối với những người không theo đạo Hồi. Hàng nghìn người đã bỏ chạy, bỏ lại những ngôi nhà và nhà thờ bị phá hủy hoặc bị những kẻ cực đoan trưng dụng.
Dân số Kitô giáo gần 2,000 năm tuổi của Iraq đã nhanh chóng giảm sút, từ khoảng 1,5 triệu người trước cuộc xâm lăng do Hoa Kỳ dẫn đầu năm 2003, một cuộc xâm lăng khiến đất nước rơi vào hỗn loạn, xuống chỉ còn vài trăm nghìn người ngày nay.
Đức Phanxicô hy vọng sẽ chuyển tới một sứ điệp hy vọng, một sứ điệp được làm nổi bật nhờ bản chất có tính lịch sử của chuyến viếng thăm và sự kiện đây là chuyến du hành quốc tế đầu tiên của ngài kể từ lúc bùng nổ đại dịch coronavirus.
Các chuyên gia y tế công cộng đã bày tỏ lo ngại trước chuyến đi; họ cho rằng các cuộc tụ họp đông người có thể là các biến cố siêu lây lan vi rút coronavirus tại một quốc gia đang trải qua đợt bùng phát ngày càng trầm trọng, nơi có rất ít người được tiêm chủng phòng ngừa.
Vatican cho biết họ đang thực hiện các biện pháp phòng ngừa, gồm cả việc tổ chức Thánh lễ ngoài trời trong một sân vận động chỉ đầy một phần. Nhưng trong suốt chuyến thăm, đám đông đã tụ tập gần nhau, với nhiều người không đeo khẩu trang. Đức Giáo Hoàng và các thành viên trong phái đoàn của ngài đã được tiêm chủng nhưng hầu hết người dân Iraq thì chưa.