1. Cảnh Giáng Sinh lớn nhất thế giới
Theo thông tấn xã ACIPrensa, cảnh Giáng Sinh lớn nhất thế giới hiện nay được tin là ở thành phố Alicante, bên Tây Ban Nha. Các tín hữu và du khách có thể ngắm cảnh này cho đến ngày lễ Chúa Hiển Linh, ngày 06 tháng Giêng năm 2022.
Từ năm 1991 cảnh Giáng Sinh lớn nhất thế giới là tại thành phố Monterrey bên Mễ Tây Cơ. Thành phố này giữ kỷ lục đó trong 29 năm, và phải nhường lại danh hiệu này cho Alicante vào năm 2020.
Cảnh Giáng Sinh tại thành phố Alicante, có từ năm ngoái 2020, và được đặt tại quảng trường tòa thị chính. Năm nay, Cảnh Giáng Sinh đến một con đường rất đẹp trong khu du lịch của thành phố.
Cảnh Giáng Sinh ở Alicante đã được đưa vào sách Guinness chuyên đăng các kỷ lục trên thế giới, từ ngày 01 tháng Mười Hai năm 2020, vì các tượng cao tổng cộng 56.02 mét vượt xa cảnh Giáng Sinh tại Monterrey, Mễ Tây Cơ chỉ cao tổng cộng có 28.58m.
Theo hãng tin Aciprensa, trong cảnh Giáng Sinh ở Alicante, tượng thánh Giuse cao 18.01 mét, tương đương với một tòa nhà 5 tầng, và tượng Đức Mẹ cao 10 mét rưỡi. Để ráp tượng thánh Giuse, người ta phải dùng 1.000 kilo đinh ốc.
Báo chí địa phương cho biết các tượng thánh Giuse, Mẹ Maria và Chúa Hài Đồng Giêsu được phủ một chất hóa học chống cháy, bảo vệ các tượng khỏi thời tiết xấu và sự phá hoại có thể xảy ra.
Source:ACIPrensa
2. 5 câu chuyện tin tức hàng đầu của Vatican năm 2021
Thành thật mà nói, năm 2021 thực sự không phải là một năm ngoại thường về mặt tin tức Vatican. Đây không phải là năm 2013, với sự thoái vị bất ngờ của Đức Bênêđíctô XVI và cuộc bầu cử vị giáo hoàng người Mỹ Latinh đầu tiên trong lịch sử, cũng không phải là năm 2016, với trận tuyết lở trong đạo Công Giáo được kích hoạt bởi Tông Huấn “Amoris Laetitia”, nghĩa là “Niềm vui của tình yêu” của Đức Giáo Hoàng Phanxicô.
Đến nay, những đường nét rộng lớn trong triều đại giáo hoàng của Đức Thánh Cha Phanxicô đã rõ ràng và không còn gây ra những xôn xao như trước nữa. Thay vào đó, những gì chúng ta thấy trong 12 tháng qua giống với một loạt các họa tiết, mỗi họa tiết hấp dẫn theo cách riêng của nó, ngay cả khi không có gì có thể đại diện cho một bước ngoặt lịch sử xác định thế hệ.
Dưới đây là danh sách 5 câu chuyện hàng đầu của Vatican năm 2021 rất chủ quan, với kỳ vọng rằng dòng tin tức từ Thành phố vĩnh cửu sẽ tiếp tục không suy giảm trong năm mới
3. Đức Giáo Hoàng tông du Iraq
Bất chấp mọi nguy hiểm, Đức Thánh Cha Phanxicô đã thực hiện một chuyến đi đầy mạo hiểm đến Iraq trong bốn ngày sôi động, từ ngày 5 đến ngày 8 tháng 3, được cho là chuyến đi nước ngoài quan trọng nhất trong triều giáo hoàng của ngài, và là một trong những chuyến đi có ý nghĩa nhất mọi thời đại.
Đức Giáo Hoàng đứng giữa đống đổ nát của thành phố Mosul tái chiếm từ tay ISIS
Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã đến thăm các thành phố Ur, Baghdad, Najaf, Qaraqosh, Erbil và Mosul, có nghĩa là ngài không chỉ đi đến các địa điểm thông thường có ý nghĩa chính trị và Kinh thánh, mà còn đến cái nôi của Kitô Giáo ở miền bắc Iraq bị tàn phá bởi sự chiếm đóng của IS từ 2014 đến 2017.
Thực tế là chuyến đi đã xảy ra, trong bối cảnh của đại dịch COVID-19 và những lo ngại về an ninh kinh niên, đã chứng minh cho chiều sâu mong muốn đi của Đức Thánh Cha Phanxicô. Có rất nhiều điểm nổi bật, nhưng hình ảnh từ Najaf của Đức Giáo Hoàng với Đại Giáo Trưởng Sayyid Ali al-Husayni al-Sistani, nhà lãnh đạo tinh thần của cộng đồng Hồi giáo Shiite của Iraq và một trong những nhân vật quan trọng nhất của Hồi giáo trên toàn cầu, nhanh chóng nổi lên như một minh chứng cho khả năng đối thoại và tình bạn, chống lại những tường thuật về một “cuộc đụng độ các nền văn minh” không thể tránh khỏi giữa Kitô Giáo và Hồi giáo.
Sau chuyến đi, chính phủ Iraq do người Hồi giáo thống trị đã tuyên bố ngày 6 tháng 3 là “Ngày Khoan dung và Chung sống” trên toàn quốc, để kỷ niệm cuộc gặp giữa Đức Thánh Cha Phanxicô và Ayatollah.
Vẫn còn phải xem liệu bụi phóng xạ từ chuyến viếng thăm của Giáo hoàng có làm thay đổi cơ bản những bách hại thường nghiệt ngã ở Iraq hay không, nhưng chuyến tông du thực sự đã thể hiện lòng dũng cảm cá nhân và quyết tâm mục vụ, chuyến đi ngắn ngủi của Đức Phanxicô đến Iraq là một khoảnh khắc đáng chú ý - và do đó, cũng là câu chuyện hàng đầu trong năm 2021 ở Vatican.
4. Giải phẫu đại tràng
Đức Thánh Cha đã được đưa vào bệnh viện Gemelli của Rôma vào chiều Chúa Nhật 4 tháng 7 để tiến hành một cuộc phẫu thuật theo một kế hoạch đã được dự trù trước liên quan đến chứng diverticular stenosis của ngài.
Stenosis là thuật ngữ y tế chỉ sự thu hẹp một đường ống trong cơ thể, trong trường hợp này là ruột. Diverticular hay bệnh đại tràng là tên được đặt cho một căn bệnh trong đó các chi nang hay các túi nhỏ nhô ra từ các bức tường trơn nhẵn bình thường của đại tràng.
Theo Trường Y của Đại Học Harvard, căn bệnh này rất phổ biến - khoảng 2 phần 3 số người Mỹ mắc bệnh này dưới dạng này hay dạng khác trước tuổi 85. Nó thường không gây ra vấn đề lớn và có thể được điều trị bằng thuốc kháng sinh.
Tuy nhiên, bệnh có thể dẫn đến viêm chi nang (diverticulitis), nghĩa là các túi hoặc nang nhỏ trong đại tràng bị viêm hoặc bị nhiễm trùng. Các triệu chứng bao gồm đau bụng thường là ở bụng dưới phía bên trái, táo bón, tiêu chảy, đầy hơi, buồn nôn, ói mửa và sốt. Đức Thánh Cha Phanxicô được báo cáo là mắc chứng “hình thành khe hẹp” – “stricture formation” - một biến chứng của bệnh viêm chi nang hiếm gặp, có thể gây ra từ những đợt tái phát của bệnh này.
Trường Y của Đại Học Harvard giải thích rằng “Trước tình trạng viêm lặp đi lặp lại, một phần ruột kết bị sẹo và thu hẹp lại”. Các bác sĩ gọi việc thu hẹp như vậy là một sự “hình thành khe hẹp” cần phải có sự can thiệp của các bác sĩ phẫu thuật để khắc phục vấn đề ngõ hầu phân có thể đi qua mà không bị cản trở.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã trải qua hemicolectomy, tức là phẫu thuật cắt bỏ một phần ruột kết để loại bỏ phần bị ảnh hưởng. Phẫu thuật này không có bất kỳ ảnh hưởng nào đến hệ tiêu hóa của một người.
Ban đầu, Đức Thánh Cha Phanxicô dự kiến sẽ trở lại Vatican chỉ sau vài ngày nằm bệnh viện, nhưng cuối cùng, ngài đã dành 10 ngày ở Gemelli trước khi về lại Vatican. Đây là lần nhập viện đầu tiên trong triều đại giáo hoàng của Đức Thánh Cha Phanxicô, và là lần đầu tiên kể từ cuộc bầu cử vào năm 2013thực sự khiến nhiều người sợ hãi về sức khỏe đối với vị giáo hoàng hiện đã 85 tuổi.
Mặc dù Vatican chưa bao giờ nói thẳng như vậy, nhưng nhiều người tin rằng việc hồi phục sau ca phẫu thuật kéo dài hơn dự kiến, có lẽ ảnh hưởng đến quyết định của Đức Giáo Hoàng Phanxicô về việc đi lại. Chẳng hạn như trước hội nghị thượng đỉnh COP26 ở Glasgow, Tô Cách Lan, ngài nói với một phóng viên rằng lý do duy nhất khiến ngài không đi là do sức khỏe của mình; cuối cùng, Đức Giáo Hoàng đã phải vắng mặt.
Trong khi nhìn chung, sức khỏe của Đức Giáo Hoàng Phanxicô có vẻ khỏe mạnh, đủ để ngài hoàn thành hai chuyến tông du tới Hung Gia Lợi và Slovakia, và gần đây tới Síp và Hy Lạp, tuy nhiên, ca phẫu thuật ruột kết là một lời nhắc nhở về tình trạng sức khoẻ của ngài, và có lẽ, đã cung cấp động cơ cho những suy nghĩ về điều gì có thể xảy ra tiếp theo.
Source:Angelus News