Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Như chúng tôi đã tường thuật, lúc 3 giờ chiều Chúa Nhật 2 tháng 10, Đức Thánh Cha đã tới Dinh tổng thống để thăm xã giao tổng thống Hham Heydar Aliyev, và gặp các giới chức chính trị, ngoại giao đoàn và giới chức xã hội dân sự. Sau đó, Đức Thánh Cha đi thăm đài tưởng niệm các chiến sĩ trận vong cho nền độc lập quốc gia, cách đó 8 cây số và đến Trung tâm Heydar Eliyev để gặp gỡ 1000 quan khách thuộc giới lãnh đạo chính trị ngoại giao đoàn và đại diện xã hội dân sự và các cơ cấu khác.
Sau cuộc gặp gỡ này, lúc 5:30 chiều, Đức Thánh Cha đã đến đền thờ Heydar Aliyev để gặp gỡ Sceico của người Hồi vùng Caucaso là ông Allashukur Pashazadeh. Ông đã từng theo học bên Uzbekistan, rồi tại Học viện Imam Albukhari Tashkent. Sau đó ông trở thành thư ký điều hành Hội đồng Hồi vùng Caucaso, rồi được bầu làm chủ tịch. Ông cũng đã là thành viên Quốc hội đầu tiên của Azerbaigian và là thành viên ban cố vấn tôn giáo của tổ chức UNESCO và của Ủy ban đối thoại liên tôn và được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trao tặng Huy chương “Thánh Giorgio” của Vaticăng.
Đáp lời chào của Sceico, Đức Thánh Cha nói thật là ý nghĩa cuộc vặp gỡ thân hữu huynh đệ giữa các tôn giáo trong nơi cầu nguyện này. Nó là dấu chỉ cho thấy các tôn giáo có thể cùng nhau xây dựng sự hoà hợp, từ các tương quan cá nhân và từ thiện chí của hàng lãnh đạo. Dân nước Azerbaigian ước muốn duy trì gia tài lớn lao của các tôn giáo, và tìm kiếm một sự rộng mở lớn và phong phú hơn, trong đó Công Giáo có chỗ đứng hoà hợp với các tôn giáo khác đông đảo hơn và có thể cộng tác chung xây các xã hội tốt đẹp và hoà bình hơn. Ước chi vùng đất cánh cửa giữa Đông Tây này ngày càng vun trồng ơn gọi rộng mở và gặp gỡ, là các điều kiện cần thiết giúp xây dựng các cây cầu hoà bình và một tương lai xứng đáng với con người. Rộng mở cho tha nhân không làm cho nghèo nàn đi, nhưng làm giầu, vì giúp con người là người hơn, nhận biết mình là thành phần tích cực của một tổng thể lớn hơn, và giải thích cuộc sống như là một món quà cho tất cả mọi người khsc, nhìn đích tới không phải với các lợi lộc riêng, nhưng như ích lợi của nhân loại, hành động không với các chủ thuyết lý tưởng và các chủ trương can thiệp, không xen mình một cách nguy hiểm, và không có các hành động áp đặt.
Chính các tôn giáo có một nhiệm vụ lớn là đồng hành với con người trong việc kiếm tìm ý nghĩa cuộc sống, giúp nó hiểu rằng các khả năng hạn hẹp của con người và các của cải trần gian này không được trở thành các điều tuyệt đối. Trích lời thi sĩ Nizami của Azerbaigian, khuyên con người biết rằng các hoa trái của thế giới này không vĩnh cửu, và đừng tôn thờ cái hư mất, rằng “tình yêu là điều bất biến, là điều không có tận cùng”, Đức Thánh Cha nói: Các tôn giáo được mời gọi giúp hiểu rằng trung tâm của con người ở ngoài mình, rằng chúng ta hướng tới Đấng Cao cả vô tận, và hướng tới tha nhân. Tôn giáo là một sự cần thiết cho con người, để nó hiện thực đích điểm của nó, một địa bàn định hướng nó cho sự thiện, và khiến cho nó xa sự dữ, luôn rình rập ngoài cửa con tim nó. Trong nghĩa đó các tôn giáo có một nhiệm vụ giáo dục: giúp rút tiả ra từ con người điều tốt lành nhất. Và như là các người lãnh đạo chúng ta có trách nhiệm lớn là cống hiến các câu trả lời đích thực cho sự tìm kiếm của con người, thường lạc lõng trong các lốc xoáy mâu thuẫn của thời dại chúng ta. Một đàng có người theo chủ thuyết hư vô, không tin vào cái gì hết nếu không phải là các lợi lộc riêng tư, hay vứt bỏ đời minh và sống theo châm ngôn “Nếu Thiên Chúa không hiện hữu, thì tất cả đều được phép”. Đàng khác ngày càng có các người phản ứng cứng nhắc và cuồng tín, có các lời nói và cử chỉ bạo lực, muốn áp đặt các thái độ quá khích triệt để, xa cách Thiên Chúa hằng sống nhất. Trái lại các tôn giáo giúp phân định sự thiện sự và thực hành với các công việc làm, lời cầu nguyện và sư mệt nhọc của nội tâm, chúng được mời gọi xây dựng nền văn hoá gặp gỡ và hoà bình, được làm với sự kiên nhẫn, cảm thông, với các bước đi khiêm tốn và cụ thể. Không bao giờ được phép lèo lái tôn giáo, và tôn giáo không bao giờ được cho vay mượn và trợ giúp các xung đột và các đối kháng.
Đức Thánh Cha đã dùng hình ảnh nghệ thuật làm kính mầu bằng gỗ và kính Shekele, đã có từ nhiều thế kỷ tại Azerbaigian, để diễn tả sự gắn bó giữa xã hội và tôn giáo. Người ta không dùng keo dính, không dùng đinh, nhưng chỉ dùng gỗ bọc kính với nhau để cho ánh sáng lùa vào. Cũng thế, mỗi xã hội dân sự đều phải nâng đỡ tôn giáo để cho ánh sáng cần thiết cho sự sống tràn vào. Vì thế cần bảo đảm cho tôn giáo được tự do thực sự. Không dùng keo dán giả tạo bắt buộc con người tin, không áp đặt một niềm tin xác định, đánh mất sự tự do lựa chọn, không có các đinh đóng từ bên ngoài của các lợi lộc trần thế, của các tham vọng quyền bính và tiền bạc. Bởi vì Thiên Chúa không thể được khẩn nài cho các lợi nhuận riêng tư, hay cho các mục đích ích kỷ, không thể biện minh cho bất cứ hình thức nào của chủ thuyết cuồng tín, đế quốc hay thực dân. Một lần nữa, từ nơi ý nghĩa này vang lên tiếng kêu mời: đừng bao giờ bạo lực nhân danh Thiên Chúa nữa! Ước chi danh thánh của Ngài được tôn thờ, không bị phạm thánh và buôn bán bởi các thù hận và các đối nghịch của con người. Chúng ta hãy tôn vinh Thiên Chúa bằng lời cầu nguyện kiên trì và bằng việc đối thoại cụ thể. Câu nguyện và đối thoại mở rộng con tim hướng tới thiện ích của tha nhân và tương ứng sâu xa với nhau.
Theo tinh thần Công Đồng Chung Vatican Giáo Hội Công Giáo khích lệ con cái mình nhận ra các giá trị tinh thần, luân lý, xã hội, văn hóa nơi tín hữu các tôn giáo khác, giữ gìn chúng và làm cho chúng tiến triển. Không có khuynh hướng trộn lẫn tôn giáo, cũng không có sự cởi mở ngoại giao, nhưng là đối thoại với người khác và cầu nguyện cho họ Đó là các phương thế để biến giáo mác thành liềm, dấy lên tình yêu nơi có thù hận và tha thứ nơi có xúc phạm, để không mệt mỏi khẩn nài đi trên các con đường hoà bình.
Một nền hoà bình đích thực được xây dựng trên sự tôn trọng lẫn nhau, trên ý chí vượt qua các thành kiến và các lầm lỗi quá khứ, trên việc từ bỏ các thái độ hai lòng và các lợi lộc phe phái; một nền hoà bình lâu bền đuợc linh hoạt bởi lòng can đảm vượt qua các hàng rào, triệt hạ nghèo túng và các bất công, tố cáo và ngăn chặn việc gia tăng phổ biến các vũ khí và các lợi nhuận gian ác trên da thịt người khác. Tiếng của quá nhiều máu đổ ra từ trái đất căn nhà chung kêu lên tới Thiên Chúa. Giờ đây chúng ta đuợc gọi hỏi đưa ra một câu trả lời không thể chần chừ được nữa cho việc cùng nhau xây dựng một tương lai hoà bình: không phải với những giải pháp bạo lực và bất thình lình, nhưng đã đến lúc cấp thiết sử dụng các tiến trình kiên nhẫn của hoà giải. Vấn đề thực sự của thời đại chúng ta không phải là làm thế nào tiếp tục các lợi lộc của chúng ta, nhưng đâu là viễn tượng cuôc sống cống hiến cho các thế hệ tương lai, làm sao để lại cho họ một thế giới tốt đẹp hơn thế giới chúng ta đã nhận được. Thiên Chúa và lịch sử sẽ hỏi chúng ta có tạo dựng hoà bình không, và các thế hệ trẻ mơ một tương lai khác đang hỏi chúng ta rồi.
Ước chi trong đêm đen của các xung khắc mà chúng ta đang trải qua, các tôn giáo là các bình mình của hoà bình, hạt giống của tái sinh giữa các tàn phá chết chóc, các tiếng vọng của đối thoại vang lên không mệt mỏi, các con đường của gặp gỡ và hoà giải để đến nơi mà các cố gắng làm trung gian chính thức xem ra không đem lại kết quả. Nhất là trong vùng Caucaso thân yêu này, mà tôi đã ước ao đến thăm như người hành hương hoà bình, ước chi các tôn giáo là các phương thế tích cực giúp thắng vượt các thảm kịch của quá khứ và các căng thẳng hiện tại
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Sau khi từ giã đại diện các tôn giáo Đức Thánh Cha đã đi xe ra phi trường từ giã Azerbaigian để về Roma. Lễ nghi từ biệt đã diễn ra đơn sơ. Phó thủ tướng đã tiễn Đức Thánh Cha tới chân thang máy bay. Máy bay chở Đức Thánh Cha và đoàn tuỳ tùng đã cất cánh lúc 7 giờ tối giờ đia phương và về tới Ciampino lúc 10 giờ tối giờ Roma, kết thúc chuyến công du thứ 16 của Đức Thánh Cha tại nước ngoài.
Cám ơn quý vị và anh chị em đã theo dõi loạt phóng sự về chuyến tông du Georgia và Azerbaigian của chúng tôi.