Theo thông cáo báo chí của Tòa Thánh, ngày 27 tháng 8, 2020, Hội đồng Thế Giới Các Giáo Hội và Hội đồng Giáo Hoàng Đối Thoại Liên Tôn đã công bố một văn kiện chung tựa đề là “Phục Vụ Một Thế Giới Bị Thương Tích trong Tình Liên Đới Liên Tôn: Lời Kêu Gọi Kitô Giáo Nhằm Suy Tư và Hành Động Trong Thời Đại Dịch”.
Mục đích là khuyến khích các Giáo Hội và tổ chức Kitô Giáo suy nghĩ về tầm quan trọng của tình liên đới liên tôn trong một thế giới bị đại dịch Covid-19 gây thương tích.
Văn kiện cung cấp một căn bản Kitô Giáo cho tình liên đới liên tôn, một tình liên đới có thể gây cảm hứng và củng cố việc thúc đẩy phục vụ một thế giới bị thương tích không những bởi Covid-19 mà còn bởi nhiều nhân tố khác.
Văn kiện cũng nhằm nói với các tín đồ thuộc các tín ngưỡng khác, những người từng đáp ứng Covid-19 bằng nhiều ý nghĩ tương tự thuộc các truyền thống tôn giáo của họ.
Văn kiện nhìn nhận bối cảnh hiện thời của đại dịch như là thời gian để khám phá các hình thức mới của liên đới để suy nghĩ lại thế giới sau Covid-19. Gồm 5 phần, văn kiện suy nghĩ về bản chất tình liên đới được lòng hy vọng nâng đỡ và cung ứng cho tình liên đới liên tôn một căn bản Kitô Giáo, một số nguyên tắc và một số khuyến cáo để làm thế nào diễn dịch suy tư về liên đới thành các hành động cụ thể và khả tín.
Đức Hồng Y Miguel Ángel Ayuso Guixot, Chủ tịch Hội đồng Giáo Hoàng Đối Thoại Liên Tôn, nghĩ rằng việc phục vụ và tình liên đới Kitô Giáo trong một thế giới bị thương tích vốn là một thành phần trong nghị trình của Hội đồng Giáo Hoàng Đối Thoại Liên Tôn/Hội Đồng Thế Giới Các Giáo Hội từ năm ngoái. Đại dịch Covid-19 buộc dự án này trở thành hành động như “một đáp ứng đại kết và liên tôn kịp thời”. Ngài nói thêm rằng “đại dịch đã phơi bầy tính dễ bị thương tổn và mong manh của thế giới chúng ta, cho thấy đáp ứng của chúng ta phải được cung ứng trong một tình liên đới bao gồm mọi người, cởi mở đối với tín đồ các truyền thống tôn giáo khác và những người thiện chí, vì toàn bộ gia đình nhân loại đều quan tâm đến đáp ứng này”.
Tổng thư ký lâm thời của Hội Đồng Thế Giới Các Giáo Hội, Mục sư Giáo Sư Tiến Sĩ Ioan Sauca thì nghĩ rằng đối thoại liên tôn là điều quan yếu cho việc chữa lành và chăm sóc lẫn nhau trên bình diện hoàn cầu. Ngài nói “Đối đầu với đại dịch Covid-19, gia đình nhân loại cùng nhau đối diện với lời kêu gọi chưa từng thấy là bảo vệ lẫn nhau, và chữa lành các cộng đồng của chúng ta. Đối thoại liên tôn không những giúp minh giải các nguyên tắc đức tin và căn tính Kitô hữu của chúng ta, nhưng còn mở rộng cái hiểu của chúng ta trước các thách đố, và cả các giải pháp đầy sáng tạo, mà người khác có thể có”.
Văn kiện này là văn kiện chung mới nhất do Hội Đồng Thế Giới Các Giáo Hội và Hội đồng Giáo Hoàng Đối Thoại Liên Tôn cùng công bố sau văn kiện “Giáo dục cho Hòa Bình trong Một Thế giới Đa Tôn Giáo: Viễn Ảnh Kitô Giáo” công bố hồi tháng 5, 2019.
Nguyên văn Văn Kiện “Phục Vụ Một Thế Giới Bị Thương Tích trong Tình Liên Đới Liên Tôn”
Mở đầu
Trong một thế giới trong đó đại dịch COVID-19 đã gây ra nhiều đau khổ, việc các Kitô hữu yêu thương và phục vụ đồng loại có ý nghĩa gì? Vào một thời điểm như hiện nay, Hội đồng Thế giới Các Giáo hội và Hội đồng Giáo hoàng về Đối thoại Liên tôn kêu gọi những người theo Chúa Giêsu Kitô yêu thương và phục vụ những người lân cận của chúng ta. Chúng ta tập chú vào tầm quan trọng của việc làm như vậy trong tình liên đới cả với những người tuyên xưng và thực hành các tôn giáo khác với tôn giáo của chúng ta hoặc tự coi họ không thống thuộc bất cứ truyền thống đức tin đặc thù nào.
Văn kiện này nhằm mục đích cung cấp một cơ sở Kitô giáo cho tình liên đới liên tôn có thể gây cảm hứng và củng cố, nơi các Kitô hữu của mọi giáo hội, sự thôi thúc phục vụ một thế giới bị tổn thương không những bởi đại dịch COVID19 mà còn bởi nhiều vết thương khác. Mặc dù chủ yếu nhằm nói với những người theo Kitô giáo, chúng tôi hy vọng nó cũng sẽ hữu ích cho những người thuộc các tôn giáo khác, những người đã đáp ứng cuộc khủng hoảng này bằng những suy nghĩ tương tự dựa trên truyền thống của riêng họ. Thách thức hoàn cầu trong việc ứng phó với đại dịch này kêu gọi chúng ta tăng cường ý thức và hợp tác đại kết và liên tôn.
Dụ ngôn về người Samaritanô nhân hậu (xem Lc 10: 25-37) giúp chúng ta suy ngẫm về câu hỏi, “Chúng ta được kêu gọi yêu thương và chăm sóc ai? ” và cung cấp hướng dẫn về các phức tạp hàm ngụ trong các thuật ngữ “phục vụ” và “liên đới”. Chúa Giêsu kể câu chuyện này trong bối cảnh mệnh lệnh yêu người lân cận. Khi một người đàn ông bị thương và bị bỏ rơi bên đường, các thành viên trong cộng đồng tôn giáo của ông ta đi ngang qua ông ta và bỏ mặc ông ta nằm đó, không cứu giúp. Người cuối cùng đã dừng lại và giúp đỡ ông ta - một người Samaria - đến từ một cộng đồng, trong nhiều thế kỷ, vốn tranh cãi với cộng đồng của ông ta về bản sắc tôn giáo, cách thức thờ phượng đúng đắn, và quyền được tham gia các vấn đề chính trị. Câu chuyện này là một lời mời suy tư về sự cần thiết phải vượt lên trên các ranh giới trong việc phục vụ của ta và tình liên đới với sự đau khổ. Đó cũng là lời kêu gọi vượt qua những giả định tiêu cực mà chúng ta có thể duy trì và khiêm tốn cũng như biết ơn nhận ra rằng ‘người khác’ (người Samaria trong trường hợp này) có thể chỉ cho chúng ta thấy ý nghĩa thực sự của việc phục vụ và liên đới.
Câu chuyện dụ ngôn này thách thức các Kitô hữu suy nghĩ về cách sống trong một thế giới bị tổn thương bởi đại dịch COVID-19, và tai họa bất khoan dung tôn giáo, kỳ thị, phân biệt chủng tộc, bất công kinh tế và sinh thái và nhiều tội lỗi khác. Chúng ta cần tự hỏi: ai bị thương, và chúng ta đã làm bị thương hay làm ngơ ai? Và ở đâu chúng ta có thể ngạc nhiên khi thấy lòng thương cảm giống như Chúa Kitô đang hoạt động? Câu chuyện này thúc giục chúng ta vượt qua thành kiến tôn giáo và thành kiến văn hóa trong mối liên hệ với cả những người chúng ta phục vụ lẫn những người chúng ta phục vụ với, khi chúng ta cố gắng làm giảm bớt đau khổ và khôi phục sự hàn gắn và sự toàn vẹn trong một thế giới đa nguyên. Đồng thời, nó mang lại cho chúng ta niềm hy vọng vốn là trung tâm đối với đức tin của chúng ta và cách chúng ta sống theo đức tin ấy, khi chúng ta nhận ra rằng đó là chính Chúa Kitô, như là 'người khác' bất ngờ - người Samari - người đang cung ứng sự giúp đỡ của Người cho người bị thương tích.
Cuộc khủng hoảng hiện thời
Đại dịch COVID-19 đã tác động đến cộng đồng hoàn cầu với mức độ tức thời không thể nào tránh được và với thật ít chuẩn bị từ phía chúng ta. Nó đã làm thay đổi đáng kể cuộc sống hàng ngày của mọi người và phơi bầy một cách mạnh mẽ tình dễ bị thương tổn mà mọi con người nhân bản đều có chung. Cùng với hàng triệu người đã bị nhiễm bệnh về thể chất, nhiều người khác đã bị ảnh hưởng về tâm lý, kinh tế, chính trị và tôn giáo; tất cả đã bị tước mất sự thờ phượng công cộng. Người ta đã phải vật lộn để chống chọi với cái chết và đau buồn, đặc biệt là không thể ở bên cạnh những người thân yêu của họ lúc sắp chết và thực hiện các nghi lễ cuối cùng và tang lễ của họ một cách xứng đáng. Việc cấm cửa đã khiến nền kinh tế thế giới điêu đứng và nạn đói hoàn cầu có thể tăng gấp đôi do thảm họa này. Nó cũng góp phần làm gia tăng bạo lực gia đình. Các đòi hỏi gián cách về thể chất và xã hội đã đồng nghĩa với sự cô lập đối với nhiều người. Sự tuyệt vọng, lo lắng và bất an đã đến chi phối cuộc sống của con người. Coronavirus đã ảnh hưởng đến mọi người - giàu và nghèo, già và trẻ, những người ở thành phố và ở thôn quê, nông dân và nhà kỹ nghệ, công nhân và sinh viên.
Trong khi toàn thể nhân loại đang bị tổn thương nặng nề, đại dịch đã nhắc nhở chúng ta về hố phân cách tai tiếng giữa người giàu và người nghèo, giữa những người có đặc quyền và những người kém may mắn. Ở nhiều nơi, người bệnh, người già và người tàn tật phải chịu đựng nhiều đau buồn nhất, thường ít hoặc không được chăm sóc y tế. Nó đã làm trầm trọng thêm các định kiến chủng tộc và dẫn đến việc gia tăng bạo lực đối với những người lâu nay được coi là mối đe dọa đối với giới thống trị chính trị vốn được cấu trúc và duy trì bởi các hệ thống bất bình đẳng, độc quyền, kỳ thị và thống trị. Những người ở bên lề, nhất là di dân, người tị nạn và tù nhân, đã bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch này.
Sự khốn khổ của con người liên kết với đại dịch COVID-19 đang diễn ra trong bối cảnh đau khổ rộng lớn hơn của hành tinh này. Nhiều người đã kêu gọi chúng ta không những chỉ lắng nghe tiếng nói của những con người đau khổ mà còn cả những tiếng than khóc kéo dài của trái đất và của toàn bộ cộng đồng sự sống trên đó, điều có thể trở nên trầm trọng hơn do hậu quả kinh tế của một thế giới hậu COVID-19. Chúng ta cũng có thể thấy cuộc khủng hoảng sức khỏe này như một dấu hiệu báo trước các cuộc khủng hoảng tương lai liên quan đến biến đổi khí hậu và cuộc tấn công vào tính đa dạng sinh học. Chúng ta khẩn cấp cần một sự hoán cải sinh thái trong thái độ và hành động để chăm sóc thế giới của chúng ta một cách hữu hiệu hơn, chú ý đến tiếng rên rỉ của tạo thế.
Ý thức cao độ về tình trạng dễ bị tổn thương chung của chúng ta là lời kêu gọi phải có các hình thức liên đới mới vươn tới mọi ranh giới. Trong giờ phút khủng hoảng này, chúng ta biết ơn sự phục vụ anh dũng của các nhân viên y tế và tất cả những người cung cấp dịch vụ, thậm chí mạo hiểm sức khỏe của mình, bất kể danh tính. Chúng ta cũng đã thấy những dấu hiệu khởi sắc về tình liên đới của người ta đối với những người nghèo khó, biểu lộ qua hoạt động thiện nguyện và bác ái. Chúng ta vui mừng khi thấy các Kitô hữu, cũng như những người thuộc mọi tín ngưỡng và thiện chí, đang cộng tác để xây dựng một nền văn hóa cảm thương, vươn tay ra với những người nghèo khổ và dễ bị tổn thương bằng sự trợ giúp về vật chất, tâm lý và tinh thần, ở bình diện cá nhân cũng như định chế. Bởi vì chúng ta là một gia đình nhân loại, tất cả chúng ta đều có liên hệ như anh chị em và là những người đồng cư trú trên trái đất, ngôi nhà chung của chúng ta. Sự liên lập của chúng ta nhắc nhở chúng ta rằng không ai có thể tự mình cứu được mình. Đây là thời gian để khám phá những hình thức liên đới mới để suy nghĩ lại về thế giới hậu COVID-19.
Vì các liên hệ liên tôn có thể là một phương tiện mạnh mẽ để phát biểu và xây dựng tình liên đới, và để mở lòng chúng ta đón nhận các tài nguyên đến với chúng ta từ ở chỗ vượt quá các giới hạn của chúng ta, chúng tôi mời gọi một suy tư về việc làm cách nào chúng ta, trong tư cách Kitô hữu, có thể trở thành những người cộng tác trong tình liên đới với tất cả những ai có đức tin và thiện chí. Trong hành trình hướng tới sự liên đới này, các cộng đồng khác nhau được gợi hứng và được duy trì bởi lòng hy vọng mà chúng ta có thể tìm thấy trong các truyền thống liên hệ của chúng ta.
Tình Liên đới được nâng đỡ bởi Hy vọng
Mọi người đều có hy vọng và ước mơ, và hy vọng sẽ tiếp thêm sức mạnh giúp nâng đỡ ý chí sống của con người cả trong các thời kỳ khó khăn. Là Kitô hữu, chúng ta hy vọng vào vương quốc đã hứa của Thiên Chúa, trong đó toàn thể sáng thế được hòa giải và gắn kết với nhau trong công lý và hòa bình. Niềm hy vọng này biến đổi đời sống của chúng ta, hướng chúng ta vượt ra ngoài thế giới hiện tại, đồng thời dẫn chúng ta theo Chúa Kitô để phục vụ thế giới này và sự hưng thịnh của nó. Do đó, mọi Kitô hữu được kêu gọi làm việc với nhau và cộng tác với các tín đồ của các truyền thống tôn giáo khác để thể hiện niềm hy vọng của chúng ta về một thế giới thống nhất đầy công lý và hòa bình. Nói rộng hơn, chúng ta được kêu gọi trở thành những người đàn ông và đàn bà của hy vọng, cùng làm việc với tất cả những ai có thiện chí cho một thế giới tốt đẹp hơn.
Hy vọng là một đặc điểm thiết yếu của mọi tôn giáo. Trong suốt lịch sử nhân loại, chúng ta biết rằng niềm hy vọng tôn giáo thường thôi thúc các tín đồ quan tâm một cách đầy yêu thương và cảm thương tới những người đang chịu các thảm kịch của thân phận con người. Ngày nay, chúng ta cần các giá trị đạo đức và tinh thần phổ quát và chung chia để thổi niềm hy vọng mới vào thế giới đang bị tàn hại vì đại dịch. Về mặt này, các tôn giáo có thể cung ứng một đóng góp quý báu để đánh thức và hướng dẫn nhân loại xây dựng một trật tự xã hội mới ở các bình diện địa phương, khu vực, quốc gia và quốc tế. Viễn kiến mới này cần dựa trên tính thống nhất của gia đình nhân loại cũng như dựa trên di sản các giá trị đạo đức chung của toàn thể nhân loại. Ngày nay, có một mối liên kết hoàn cầu thúc giục chúng ta đảm nhận trách nhiệm hành tinh dựa trên các giá trị tôn giáo và đạo đức chung để phục vụ và hàn gắn thế giới sau COVID-19. Chúng ta được kêu gọi để tương tác lại với thế giới, nhất là để ứng phó với hiện trạng thương tổn đáng buồn trong bản thân, gia đình, các thành phố và quốc gia của chúng ta, và trong toàn bộ tạo thế.
Cơ sở của chúng ta đối với tình liên đới liên tôn
Là các Kitô hữu, chúng ta nhìn thấy cơ sở của tình liên đới liên tôn trong niềm tin của chúng ta vào Thiên Chúa, Đấng vốn là một trong ba Ngôi vị, Cha, Con và Thánh Thần:
1. Mọi con người nhân bản đều là tạo vật của Thiên Chúa Duy Nhất, Chúa Cha (xem St 1: 26-27), Đấng có cùng kế hoạch tốt lành y hệt dành cho họ. Chúng ta là anh chị em, được kết nối bằng tình yêu và bằng phẩm giá bình đẳng của chúng ta, một phẩm giá mà chúng ta không cần phải giành được. Do đó, như một gia đình được liên kết bởi một Đấng Tạo Hóa và được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, chúng ta có trách nhiệm đối với nhau. Ý thức này thách thức chúng ta trở thành khuôn mặt và công cụ tình yêu chữa lành của Thiên Chúa trên thế giới, bảo vệ và khôi phục phẩm giá của mọi con người nhân bản. Bằng cách quan tâm đến nhau và loại bỏ các trở ngại trên con đường hiện hữu và trở thành những con người có trách nhiệm đối với hạnh phúc của nhau, chúng ta tôn vinh Đấng mà chúng ta đã được tạo ra giống như Người. Như Người Samaritanô nhân hậu đã cho chúng ta thấy, tình liên đới này là phổ quát, vượt lên mọi ranh giới và nhằm toàn thể nhân loại. Sự kết nối căn bản và nguồn gốc chung của chúng ta quan trọng hơn gấp bội so với các chia rẽ tri nhận được do con người dựng lên.
2. Sự tin cậy và hy vọng của chúng ta ở trong Chúa Giêsu Kitô, Đấng chữa lành bằng các vết thương của Người (xem 1 Pr 2:24). Trong Chúa Giêsu Kitô, chúng ta đối diện với đau khổ mà không đánh mất niềm hy vọng có cơ sở của mình. Trong sự hy sinh của Người, Chúa Giêsu đã đem lòng cảm thương, theo nghĩa nguyên thủy là cùng-đau khổ hoặc đau khổ với, tới điểm cùng cực đầy chữa lành của nó, trong một tình yêu vượt quá sự hiểu biết của chúng ta. Là các Kitô hữu, chúng ta được kêu gọi bước vào sự chữa lành “cùng-đau khổ” này, trở thành máng chuyển tình yêu của Người, đồng thời phụ thuộc vào nó để chữa lành cho chính chúng ta. Chính lòng cảm thương của Người Samaritanô nhân hậu cho phép chúng ta coi ông như hình ảnh của Chúa Kitô, đang chăm sóc những vết thương của thế giới. Chúng ta nhận ra rằng các nhân đức thương xót và cảm thương đối với tất cả những ai đang đau khổ đang vang dội khắp các truyền thống tôn giáo khác, những truyền thống tôn giáo này cũng có những tấm gương phong phú về lòng rộng lượng và sự quan tâm đến những người thiếu thốn nhất.
3. Chúng ta cũng nhìn thấy Chúa Kitô nơi người đàn ông bị thương bên lề đường. Trong sự đau khổ của anh chị em chúng ta, chúng ta gặp được khuôn mặt của Đấng Kitô đau khổ (xem Mt 25: 31-46). Cái hiểu về việc cùng-chịu đau khổ của Chúa Kitô với toàn thể nhân loại thách thức các Kitô hữu chúng ta nhận ra rằng mọi đau khổ đều có cùng phẩm giá và cùng yêu sách được chữa lành - cả “một trong những người nhỏ bé này” (xem Mt 18:14) cũng không thể bị bỏ rơi. Đối với chúng ta, tình liên đới của Chúa Giêsu với người đau khổ cũng triệt để như nó có tính biến đổi vậy: nó bao trùm hoàn toàn tính thương tích của thế giới, không cho phép khoảng cách nào đối với nỗi đau đớn của người khác và gánh lấy nó. Tuy nhiên, trong việc Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết, tình liên đới này cũng mở ra một cách hiện hữu mới cho mọi người. Sự sống lại là bằng chứng và bảo đảm rằng tình yêu mạnh hơn bất cứ thương tích nào, dù sâu đến đâu, và sự chết sẽ không có tiếng nói cuối cùng.
4. Khi chúng ta liên đới với người khác, chúng ta được kết nối bởi công trình của Chúa Thánh Thần. Người “thổi nơi nào Người muốn” (Ga 3: 8). Khi chúng ta hướng về người khác, nhất là người túng thiếu, như Người Samaritanô nhân hậu từng làm, chúng ta có thể sẽ ngạc nhiên và khiêm hạ, bởi nơi chúng ta thấy Chúa đang làm việc. Như sức mạnh tinh thần hướng chúng ta về Thiên Chúa trong lời cầu nguyện và hướng về những người lân cận trong việc phục vụ và liên đới thế nào, thì Chúa Thánh Thần cũng nối kết chúng ta theo một cách đặc thù như thế với tất cả những người có đức tin. Nó tiếp thêm sức mạnh cho chúng ta với những hồng phúc chúng ta nên dùng cho các mục đích xây dựng con người. Nó có khả năng tạo ra trong chúng ta những công trình yêu thương, hân hoan, hòa bình, nhẫn nại, nhân từ, rộng lượng, trung tín, dịu dàng và tự chủ và hướng dẫn chúng ta ra khỏi con đường tự phụ, cạnh tranh và đố kỵ (xem Gl 5: 22- 23, 26). Chính Chúa Thánh Thần cũng sai chúng ta vào thế gian để trở thành tin mừng trong đó, và là bàn tay của Chúa Kitô chăm sóc tất cả những ai đau khổ.
Các nguyên tắc
Niềm tin của chúng ta vào tầm quan trọng của việc cùng nhau bước trên con đường này được phản ảnh qua việc Hội Đồng Thế Giới Các Giáo Hội và Hội đồng Giáo Hoàng Đối Thoại Liên Tôn đã cùng nhau viết Văn kiện này. Chúng ta tin rằng cả diễn trình thai nghén nó lẫn nội dung của nó đều phản chiếu sự cởi mở và trách nhiệm của chúng ta như các Kitô hữu tham gia cuộc đối thoại với những người theo các truyền thống tôn giáo khác. Chúng ta công nhận các nguyên tắc sau đây để hướng dẫn chúng ta trong công việc phục vụ lẫn nhau trong một thế giới bị thương tích, cùng với tất cả những người có đức tin và thiện chí. Chúng xuất phát từ niềm tin chung của chúng ta vào Thiên Chúa Cha, Con và Thánh Thần, và kế hoạch của Thiên Chúa dành cho toàn thể nhân loại.
1.Khiêm nhường và dễ bị tổn thương: Là các Kitô hữu, chúng ta được kêu gọi khiêm hạ bước đi với Chúa của chúng ta (xem Mk 6: 8; Mt 11:29) và sẵn lòng chia sẻ những đau khổ của Chúa Kitô và những đau khổ của thế giới. Trong sự cởi mở của “việc dám làm và quan tâm” này, chúng ta học cách sống chứng nhân của mình như việc sống với này (with-ness). Trong sự khiêm nhường và dễ bị tổn thương như vậy, chúng ta noi theo mô hình của Chúa Kitô và tình yêu hy sinh của Người, và trong Người đạt tới trọn tiềm năng của chúng ta (xem Pl 2: 5-11). Chính lòng kiêu hãnh và việc thiếu khả năng mở lòng đón nhận người khác đủ để phát triển, đã bẫy chúng ta vào những chủ trương cố thủ tạo ra và kéo dài sự chia rẽ. Giống như Giacóp trong cuộc đấu tranh với Thiên Chúa, chúng ta phải liều mình bị thương để nhận được phước lành (xem St 32: 22-32). Chúng ta trở thành dễ bị tổn thương khi nói sự thật trước quyền lực, và khi lên tiếng bênh vực những người chịu bất công. Chúng ta cũng tin vào công lý như cơ sở để tha thứ, không có nó, xung đột không thể giải quyết được, và chúng ta đứng trong một truyền thống lâu đời của những Kitô hữu đã cống hiến mạng sống của họ để đấu tranh vì nó, phản chiếu sự hy sinh quên mình của Chúa Giêsu Kitô.
2.Tôn trọng: Là Kitô hữu, chúng ta cần tôn trọng hoàn cảnh phức tạp và độc đáo của mỗi cá nhân và quyền được kể câu chuyện của họ. Chúng ta được kêu gọi xem và coi mọi người là chủ thể trong câu chuyện của chính họ chứ không phải là đối tượng trong câu chuyện của chúng ta, đồng thời chống lại việc giảm thiểu các quyền lợi và tự do của họ đối với các nhân tố như tình trạng sức khỏe thể chất hoặc tinh thần, quốc tịch, thu nhập của họ, giới tính, màu da của họ, v.v. Trong điều này, chúng ta làm chứng cho một Thiên Chúa, Đấng mà Sự tự mặc khải của Người vào một thời điểm chuyên biệt và một địa điểm đặc thù, trong khuôn mặt nhân loại của Chúa Giêsu Kytô (xem Ga 1:14), đã khẳng định việc toàn thể nhân loại, và tất cả những con người nhân bản đều được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa. Điều này buộc chúng ta phải cố gắng thu hẹp khoảng cách và hàn gắn các bất bình đẳng ở bất cứ nơi nào chúng xảy ra, kể cả giữa người giàu và người nghèo, nam và nữ, trong cuộc trò chuyện và cộng tác chặt chẽ với những người mà cuộc sống và câu chuyện của họ thường bị kìm hãm bởi những bất bình đẳng này (xem Mt 7 : 12).
3.Cộng đồng, lòng cảm thương và thiện ích chung: Những giá trị này tạo nền tảng cho việc dấn thân của chúng ta với thế giới (xem Mt 5: 7). Chúng ta được mời gọi đón nhận thực tại phức tạp và đau đớn của đời người, giống như Thiên Chúa đã làm khi trở thành con người trong Chúa Giêsu Kitô. Chỉ trong mối liên hệ, chúng ta mới cảm nghiệm được đầy đủ nhân tính của mình, và nhờ việc yêu thương người khác, và chia sẻ đau khổ của họ, chúng ta mới trở thành con người hoàn toàn theo cách Thiên Chúa đã tạo nên chúng ta và chỉ cho chúng ta trở nên theo gương Chúa Giêsu Kitô. Động lực thúc đẩy tình liên đới của chúng ta hệ ở việc xây dựng các cộng đồng công bằng và hòa nhập, nuôi dưỡng lòng cảm thương và thúc đẩy thiện ích chung bằng cách chú ý nhiều hơn đến các vết thương của thế giới mà Chúa Giêsu từng đã gánh lấy qua việc Người cùng đau khổ với những người bị thế giới ruồng bỏ - “ở bên ngoài cổng thành” ( Dt 13:12).
4. Đối thoại và học hỏi lẫn nhau: Chúng ta được kêu gọi học hỏi lẫn nhau trong thời gian khủng hoảng này. Chúng ta cũng nên cởi mở với những gì Thiên Chúa có thể dạy chúng ta qua những người mà chúng ta ít mong đợi nhất để học được bất cứ điều gì (xem Cv 11: 1-18). Những người nghèo và những người bị thương tích thường có những bài học quan trọng để dạy và những quà phúc để trao tặng. Tất cả chúng ta cần phải thừa nhận sự nghèo khó và dễ bị tổn thương trong chính chúng ta. Chúng ta cần sẵn sàng thay đổi cuộc sống của mình cùng một mức độ mà chúng ta đang tìm cách thay đổi cuộc sống của những người khác: thí dụ, khi di dân và người tị nạn được nghinh đón, cả họ lẫn các cộng đồng chủ nhà của họ đều có thể được biến đổi. Nơi những người đau khổ và dễ bị tổn thương, có một cơ hội để gặp gỡ các công trình của Thiên Chúa (xem Ga 9: 2-3). Được tạo ra theo hình ảnh và họa ảnh Thiên Chúa, mọi con người đều có thể phản chiếu hình ảnh của Thiên Chúa cho chúng ta, và giúp chúng ta đặt câu hỏi xem chúng ta đang làm tốt như thế nào trong ơn gọi bày tỏ tình yêu của Thiên Chúa cho người khác.
5. Thống hối và Canh tân: Để trở nên một phần của diễn trình chữa lành và trọn vẹn, các Kitô hữu chúng ta được mời gọi nhìn nhận sự đồng lõa và tội lỗi của mình trong nhiều hệ thống áp bức, vốn làm trầm trọng thêm sự đau khổ của nhiều người (2 Sm 12). Với việc tin chắc rằng Thiên Chúa của chúng ta đang tha thứ, chúng ta cần hỏi xem chúng ta, những người đang bị thương tích bởi tội lỗi, đã làm bị thương người khác, và một cách rộng hơn, tất cả tạo thế của Thiên Chúa, như thế nào. Chúng ta cần lắng nghe tiếng khóc của cả mẹ đất và của các anh chị em đang đau khổ của chúng ta. Với trái tim đau đớn, chúng ta nhận ra rằng, như các cộng đồng, chúng ta cũng có một lịch sử lạm dụng từng làm tổn thương những người dễ bị tổn thương nhất trong chúng ta. Sự thú nhận việc đồng lõa của chúng ta trong đau khổ là khởi điểm cho sự đổi mới thực sự giúp chúng ta có thể sống một cuộc sống công bằng hơn. Sự tự phê phán bản thân như vậy cũng sẽ giúp chúng ta chống lại cơn cám dỗ đổ lỗi cho người nghèo về sự nghèo khó của họ, hoặc những người bị tổn thương vì các vết thương của họ. Nó cũng giúp chúng ta bác bỏ ý tưởng cho rằng Thiên Chúa chọn một số người để được thịnh vượng, và một số người phải chịu đau khổ, dựa trên giá trị hoặc hành động của họ, và để vượt qua các hệ thống bất công mà chúng ta đã ngầm duy trì mãi mãi qua sự im lặng và giữ trung lập.
6. Biết ơn và quảng đại: Các Kitô hữu được mời gọi biết ơn và quảng đại. Chúng ta phải nhớ rằng, không do công riêng của mình, chúng ta giầu ơn phúc do Thiên Chúa, nguồn gốc của mọi ơn phúc hoàn hảo (xem Gcb 1:17), ban tặng. Vì điều này, chúng ta nên biết ơn Thiên Chúa. Chúng ta phải chống lại cơn cám dỗ bám víu vào của cải của mình. Một trong những dấu ấn đặc trưng của Giáo hội sơ khai là nền kinh tế chia sẻ triệt để, vốn đi đôi với tấm lòng vui vẻ và chân thành (x. Cv 2: 45, 46). Chúng ta cũng thấy những tấm gương của các cộng đoàn Kitô hữu sơ khai tràn đầy niềm vui và quảng đại, ngay trong lúc hoạn nạn và nghèo đói cùng cực, nhờ ân sủng ban năng lực của Thiên Chúa, Đấng, nơi Chúa Giêsu Kitô đã trở nên nghèo khó vì lợi ích của chúng ta (2 Cr 8: 1-9). Niềm vui và lòng biết ơn của chúng ta đối với sự tự mặc khải của Thiên Chúa cho chúng ta nơi Chúa Giêsu Kitô mang lại cho chúng ta sự an toàn và tin tưởng rằng chúng ta cần đặt toàn bộ bản thân mình để phục vụ một thế giới đang bị tổn thương, được cảm hứng từ những tấm gương rộng lượng không ngờ.
7. Yêu thương: Chúng ta được kêu gọi sống tình yêu của Chúa Kitô, cho thế giới thấy khuôn mặt của Người. Chúng ta yêu vì Người đã yêu chúng ta trước (xem 1 Ga 4:19). Tình yêu mang ra sống cho thấy bộ mặt thật của Kitô giáo (xem Ga 13:35), ngay cả lúc đôi khi khuôn mặt mà Kitô hữu chúng ta trình bầy, hoặc những khuôn mặt mà người khác xây dựng, có thể khó mà yêu thương cho được. Đức tin của chúng ta trở nên sống động trong hành động biết sống thật tình yêu thương của Chúa Kitô. Do đó, cùng nhau làm việc cho một thế giới tốt đẹp hơn sẽ xây dựng vương quốc công bằng, hòa bình và hân hoan của Thiên Chúa theo nhiều cách. Nó giữ cho đức tin và sứ mệnh của chúng ta luôn sống động và tích cực, nó định hình cuộc sống Kitô hữu của chúng ta thành một dấu chỉ yêu thương sự hiện diện của Chúa Kitô, và nó xây dựng tình yêu và sự hiểu biết giữa chúng ta và những người mà chúng ta cùng tham gia trong việc phát biểu tình yêu của chúng ta bằng hành động. Khi chúng ta làm việc hướng tới việc giảm bớt đau khổ, chúng ta cũng đang hướng tới vương quốc từng được hứa ban cho chúng ta trong và qua Chúa Giêsu Kitô, nơi mà người cuối hết sẽ là người trước nhất (xem Mt 20:16) - trái ngược hẳn với các đế quốc của thời đại chúng ta.
Các đề nghị
Chúng tôi kêu gọi tất cả các Kitô hữu phục vụ những người lân cận của chúng ta và phục vụ cùng với họ, khi cân nhắc các đề nghị dưới đây.
1. Tìm cách làm chứng cho sự đau khổ, cổ động người ta chú ý đến nó và thách thức bất cứ thế lực nào nhằm bịt miệng hoặc loại trừ tiếng nói của những người bị thương và dễ bị tổn thương trong chúng ta, quy trách nhiệm giải trình cho những người và cơ cấu đứng đằng sau sự đau khổ này.
2. Cổ vũ nền văn hóa bao gồm (inclusivism) nhằm tôn vinh sự khác biệt như ơn phúc Thiên Chúa ban, để chống lại mọi dấu hiệu của chủ nghĩa loại trừ (exclusivism) mà chúng ta thấy ngày nay trong các xã hội của chúng ta ở nhiều bình diện khác nhau. Điều này cần bắt đầu trong cuộc sống gia đình và tiếp tục qua các định chế xã hội khác. Muốn đạt mục đích này, chúng tôi khuyến cáo sử dụng có trách nhiệm các phương tiện truyền thông xã hội để tăng cường lối truyền thông lành mạnh và mang tính xây dựng, nhằm khuếch đại sứ điệp hòa bình và liên đới.
3. Nuôi dưỡng tình liên đới qua linh đạo, xem xét cách làm thế nào để các thực hành tâm linh truyền thống như cầu nguyện, ăn chay, từ bỏ bản thân và bố thí có thể được thấm nhuần sâu xa hơn bởi ý thức về nhu cầu của thế giới rộng lớn hơn và lời kêu gọi của chúng ta phải liên đới với những người đau khổ.
4. Mở rộng việc đào tạo các giáo sĩ, các thành viên của các cộng đồng tu trì và dòng tu (cả nam lẫn nữ), giáo dân, nhân viên mục vụ và sinh viên để phát huy sự tương cảm (empathy) và trang bị cho họ những nhận thức tốt nhất và các công cụ để làm việc cho một nhân loại bị thương tích bằng cách hợp tác với những người khác.
5. Thu hút và hỗ trợ những người trẻ, những người mà chủ nghĩa lý tưởng và nghị lực của họ có thể là liều thuốc giải độc cho cơn cám dỗ của chủ nghĩa hoài nghi, trong nỗ lực chữa lành thế giới bị tổn thương mà chúng ta là một thành phần.
6. Tạo không gian cho các cuộc đối thoại (như Văn kiện này hướng đến) mang tính chào đón và bao trùm. Học hỏi từ các thành viên của các tôn giáo khác về động cơ, nguyên tắc và khuyến cáo của họ để làm việc trong tình liên đới liên tôn, để chúng ta có thể trở nên gần gũi hơn cả trong sự hiểu biết nhau lẫn hợp tác với nhau. Dành không gian cho những người bị đẩy qua bên lề được lắng nghe và tôn trọng, cung cấp các nơi để họ thuộc về. Tạo diễn đàn cho các nhóm khác nhau sinh hoạt bên nhau để họ có thể phát triển trong tình yêu và sự hiểu biết lẫn nhau.
7. Tái cấu trúc các dự án và diễn trình liên đới liên tôn qua việc khảo sát các dự án đang thực hiện và những điểm mạnh hiện có, để xác minh nơi nào những điểm mạnh này nhận được lợi ích từ công việc hợp tác với các cộng đồng, tổ chức hoặc cơ quan khác. Tái cấu trúc các dự án theo cách có thể khẳng định tính đa dạng mà chúng ta vốn được tạo dựng. Công việc của chúng ta chỉ có thể phản ảnh sự viên mãn của nhân tính nếu chúng ta chống lại cơn cám dỗ ở lỳ “trong chính mình”. Cùng nhau phục vụ một thế giới bị thương làm tất cả chúng ta trở thành người lân cận.
Kết luận
Tình liên đới đại kết và liên tôn cho phép cam kết tôn giáo của chúng ta trở thành một nhân tố hợp nhất, thay vì chia rẽ người ta. Khi chúng ta tay trong tay làm việc với các tín đồ của các tín ngưỡng khác và những người thiện chí, chúng ta tạo mẫu hòa bình, công lý và sự liên kết qua lại với nhau vốn là trọng tâm của các xác tín đức tin của chúng ta, đồng thời tái tạo và củng cố các giá trị này. Đối với các Kitô hữu, tình liên đới liên tôn là một cách vừa sống thực giới răn yêu thương người khác của Chúa Giêsu Kitô, vừa làm việc với người khác để tìm kiếm hòa bình vốn là ý muốn của Thiên Chúa dành cho thế giới. Lớn lên trong tình yêu đối với những người chúng ta giúp đỡ, những người mà chúng ta giúp đỡ với và những người giúp đỡ chúng ta, tạo ra nhiều cách để chúng ta sống trọn vẹn với những gì Chúa đã tạo ra chúng ta - những người mang hình ảnh thần thiêng và những người chia sẻ hình ảnh này với những người khác. Khi chúng ta mở lòng ra phục vụ một thế giới bị tổn thương bởi COVID-19 qua tình liên đới đại kết và liên tôn, cầu mong chúng ta dẫn khởi được sức mạnh từ tấm gương của Đấng mà chúng ta noi theo, là Chúa Giêsu Kitô. Người đến không phải để được phục vụ mà là để phục vụ (Mt 20:28). Noi gương tình yêu và lòng quảng đại của Người Samaritanô nhân hậu, chúng ta hãy tìm cách nâng đỡ những người yếu đuối và dễ bị tổn thương, an ủi những người đau khổ, xoa dịu nỗi đau và sự đau khổ và bảo đảm phẩm giá của mọi người. Xin cho chúng ta, nhờ mở lòng trong đối thoại và mở tay trong liên đới, cùng nhau xây dựng một thế giới được đánh dấu bằng sự hàn gắn và hy vọng.