Như chúng tôi đã đưa tin lúc 4g chiều thứ Ba 20 tháng 10, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tham dự cuộc gặp gỡ các vị lãnh đạo tôn giáo quốc tế do Cộng đồng thánh Egidio tổ chức tại Rôma để cầu nguyện cho hòa bình thế giới.
Sinh hoạt này được cử hành theo tinh thần cuộc gặp gỡ hòa bình do Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II mời gọi lần đầu tiên tại Assisi hồi tháng Mười năm 1986.
Chủ đề của cuộc gặp gỡ lần thứ 34 năm nay là “Không ai được cứu thoát một mình - Hòa bình và tình Huynh đệ”.
Trong phần thứ nhất của cuộc gặp gỡ, Đức Thánh Cha Phanxicô, Đức Thượng Phụ Đại Kết Chính Thống Giáo Bácthôlômêô và đại diện các hệ phái Kitô khác đã cầu nguyện tại Vương cung thánh đường Đức Mẹ Aracoeli do dòng Phanxicô coi sóc, nằm cạnh tòa thị chính Rôma. Các tôn giáo khác cầu nguyện ở các địa điểm khác gần đó. Chúng tôi đã có bài tường thuật biến cố này.
Phần thứ hai của cuộc gặp gỡ, diễn ra lúc 5g15, tại khu vực trước tòa thị chính Rôma. Tổng thống Sergio Mattarella và một số quan chức chính quyền Ý đã tham dự phần này.
Trong diễn từ tại đây, Đức Thánh Cha nói:
Anh chị em thân mến,
Tôi vui mừng và tạ ơn Chúa vì ở đây trên Đồi Capitol, trung tâm thành phố Rôma, tôi có thể gặp gỡ các bạn, các nhà lãnh đạo tôn giáo ưu tú, các cơ quan công quyền và rất nhiều bạn bè yêu chuộng hòa bình. Ở bên nhau, chúng ta đã cầu xin bình an. Tôi xin chào Tổng thống Cộng hòa Ý, Sergio Mattarella đáng kính. Tôi rất vui khi được gặp thêm một lần nữa người anh em của tôi, Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô. Tôi biết ơn nhất là, bất chấp những khó khăn trong việc đi lại trong những ngày này, hiền huynh và các nhà lãnh đạo khác đã mong muốn được tham gia buổi gặp gỡ cầu nguyện này. Theo tinh thần của Cuộc gặp gỡ Assisi do Thánh Gioan Phaolô II kêu gọi vào năm 1986, Cộng đồng Sant'Egidio tổ chức hàng năm, tại các thành phố khác nhau, những khoảnh khắc cầu nguyện và đối thoại cho hòa bình giữa các tín đồ thuộc các tôn giáo khác nhau.
Cuộc gặp gỡ Assisi và viễn kiến hòa bình của cuộc gặp gỡ ấy chứa đựng một hạt giống tiên tri mà nhờ ân sủng của Thiên Chúa đã dần trưởng thành qua những cuộc gặp gỡ chưa từng có, những hành động xây dựng hòa bình và những sáng kiến mới mẻ của tình huynh đệ. Mặc dù những năm qua đã chứng kiến những sự kiện đau đớn, bao gồm xung đột, khủng bố và chủ nghĩa cực đoan, nhưng đôi khi nhân danh tôn giáo, chúng ta cũng ghi nhận được những bước tiến hiệu quả được thực hiện trong các cuộc đối thoại giữa các tôn giáo. Đây là một dấu chỉ của hy vọng khuyến khích chúng ta tiếp tục hợp tác với nhau như anh chị em. Nhờ đó, chúng ta đã được Văn kiện quan trọng về Tình huynh đệ của nhân loại vì Hòa bình Thế giới và sự Chung sống với nhau, mà tôi đã ký với Đại Giáo Trưởng của Đại Học Al-Azhar, là ngài Ahmad Al-Tayyeb, vào năm 2019.
Thật vậy, “điều răn về hòa bình được khắc sâu trong các truyền thống tôn giáo” (Fratelli Tutti, 284). Tín hữu các tôn giáo hiểu rằng sự khác biệt tôn giáo không biện minh cho sự thờ ơ hay thù hằn. Đúng hơn, trên cơ sở đức tin tôn giáo của mình, chúng ta có khả năng trở thành những người kiến tạo hòa bình, thay vì thụ động khi đứng trước cái ác của chiến tranh và thù hận. Các tôn giáo đứng về phía phục vụ hòa bình và tình huynh đệ. Vì lý do này, cuộc họp mặt hôm nay của chúng ta cũng tiêu biểu cho một sự khích lệ đối với các nhà lãnh đạo tôn giáo và tất cả các tín hữu nhiệt thành cầu nguyện cho hòa bình, không cam chịu chiến tranh, nhưng làm việc với sức mạnh dịu dàng của đức tin để chấm dứt xung đột.
Chúng ta cần hòa bình! Cần nhiều hòa bình hơn nữa! “Chúng ta không thể thờ ơ. Ngày nay thế giới có một khát khao hòa bình sâu sắc. Ở nhiều quốc gia, con người đang phải chịu đựng những đau khổ do chiến tranh, mặc dù chiến tranh thường bị lãng quên, nhưng nó luôn là nguyên nhân của đau khổ và nghèo đói” (Diễn văn với những người tham gia Ngày Thế giới Cầu nguyện cho Hòa bình, Assisi, 20 tháng 1 năm 2016). Thế giới, đời sống chính trị và dư luận xã hội đều có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi sự ác độc của chiến tranh, đến mức xem nó đơn giản là một phần tất yếu của lịch sử nhân loại. “Chúng ta đừng sa lầy vào các cuộc thảo luận lý thuyết, mà hãy chạm vào da thịt bị thương của các nạn nhân… Chúng ta hãy nghĩ đến những người tị nạn và di tản, những người chịu ảnh hưởng của bức xạ nguyên tử và các cuộc tấn công hóa học, những bà mẹ mất con và những cậu bé và các trẻ em gái bị đày đọa hoặc bị tước đoạt tuổi thơ” (Fratelli Tutti, 261). Ngày nay, những đau khổ của chiến tranh càng trở nên trầm trọng hơn bởi những đau khổ do coronavirus gây ra và ở nhiều quốc gia, việc tiếp cận với sự chăm sóc cần thiết là điều không thể.
Trong khi đó, các cuộc xung đột vẫn tiếp diễn, khiến nhân loại phải đau khổ và chết chóc. Chấm dứt chiến tranh là một nghĩa vụ nghiêm trọng trước mặt Thiên Chúa của tất cả những người nắm giữ trách nhiệm chính trị. Hòa bình là ưu tiên của mọi nền chính trị. Thiên Chúa sẽ chất vấn những ai thất bại trong việc tìm kiếm hòa bình, hoặc những ai gây ra những căng thẳng và xung đột. Ngài sẽ đòi họ phải trả lẽ về tất cả những ngày, những tháng và những năm chiến tranh đã qua mà các dân tộc trên thế giới phải chịu đựng!
Những lời Chúa Giêsu nói với Thánh Phêrô thật sâu sắc và đầy khôn ngoan: “Hãy xỏ gươm vào vỏ, vì tất cả những ai cầm gươm sẽ chết vì gươm” (Mt 26:52). Những người dùng gươm, có thể tin rằng vũ khí sẽ giải quyết các tình huống khó khăn một cách nhanh chóng, nhưng họ sẽ thấy nơi cuộc sống của chính họ, nơi cuộc sống của những người thân và cuộc sống của đất nước họ, những cái chết do gươm giáo mang lại. “Đủ rồi!” Chúa Giêsu nói (Lc 22,38) khi các môn đệ rút ra hai thanh gươm trước cuộc Khổ nạn của Người. “Đủ rồi!” Đó là phản ứng rõ ràng của Chúa đối với bất kỳ hình thức bạo lực nào. Lời duy nhất đó của Chúa Giêsu vang vọng qua nhiều thế kỷ và đến với chúng ta một cách mạnh mẽ trong thời đại này: gươm giáo, vũ khí, bạo lực và chiến tranh, đã quá đủ rồi!
Thánh Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục đã lặp lại lời đó trong lời kêu gọi của ngài trước Liên Hiệp Quốc vào năm 1965: “Đừng chiến tranh nữa!” Đây là lời cầu xin của chúng ta và của tất cả những người nam nữ có thiện chí. Đó là ước mơ của tất cả những ai nỗ lực vì hòa bình khi nhận ra rằng “mỗi cuộc chiến đều khiến thế giới của chúng ta tồi tệ hơn trước đó” (Fratelli Tutti, 261).
Làm thế nào chúng ta tìm ra được cách thoát khỏi những xung đột ngày càng quyết liệt hơn và tàn phá kinh hoàng hơn? Làm thế nào để chúng ta tháo gỡ những nút thắt của cơ man các cuộc xung đột vũ trang? Làm thế nào để chúng ta ngăn chặn được những xung khắc? Làm thế nào để chúng ta khơi dậy những suy nghĩ về hòa bình trong các kẻ gây chiến và những người dựa vào sức mạnh của vũ khí? Không một người nào, không một nhóm xã hội nào có thể một mình đạt được hòa bình, thịnh vượng, an ninh và hạnh phúc. Không một ai làm được. Nếu chúng ta muốn trung thực với chính mình thì hãy ngẫm nghĩ về bài học rút ra từ đại dịch gần đây. Chúng ta cần “nhận thức rằng chúng ta là một cộng đồng toàn cầu, tất cả cùng chung trong một con thuyền, nơi vấn đề của một người là vấn đề của tất cả. Một lần nữa chúng ta phải nhận ra rằng không ai được cứu một mình; chúng ta chỉ có thể được cứu cùng nhau” (Fratelli Tutti, 32).
Tình huynh đệ, nảy sinh ra từ nhận thức rằng chúng ta là một gia đình nhân loại, phải thâm nhập vào đời sống của các dân tộc, các cộng đồng, các nhà lãnh đạo chính phủ và các cơ cấu quốc tế. Điều này sẽ giúp tất cả mọi người hiểu rằng chúng ta chỉ có thể được cứu cùng nhau thông qua gặp gỡ và thương lượng, gạt xung đột sang một bên và theo đuổi hòa giải, tiết chế ngôn ngữ chính trị và tuyên truyền, và phát triển các nẻo đường hòa bình đích thực (xem Fratelli Tutti, 231).
Chúng ta đã tập hợp tối nay, với tư cách là những người thuộc các truyền thống tôn giáo khác nhau, để gửi đi một thông điệp hòa bình. Để chứng tỏ một cách rõ ràng rằng các tôn giáo không muốn chiến tranh và, thực sự, khước từ những ai hô hào bạo lực. Chúng ta kêu cầu mọi người cầu nguyện cho hòa giải và cố gắng giúp cho tình huynh đệ có thể mở ra những con đường hy vọng mới. Quả thật, với sự giúp đỡ của Thiên Chúa, chúng ta sẽ có thể xây dựng một thế giới hòa bình, và nhờ đó, anh chị em cùng được cứu rỗi. Cảm ơn các bạn.
Source:Libreria Editrice Vaticana