Đúng như đã nói với người em họ làm ngoại giao là Jean de Lagarde, Teilhard de Chardin qua đời vào buổi chiều Chúa Nhật Phục Sinh, ngày 10 tháng 4 năm 1955, tại New York, chấm dứt 73 năm trên cõi đời đầy sóng gió.

Sóng gió ấy bắt đầu từ năm 1925. Teilhard bị Cha Bề Trên Cả của Dòng Tên là Vladimir Ledochowski bắt phải từ bỏ chức giáo sư tại Pháp và ký một bản tuyên bố, rút lại các đề cương gây tranh cãi của mình liên quan tới tội nguyên tổ. Thay vì rời bỏ Dòng, ông đã ký bản tuyên bố, rồi lên đường qua Trung Hoa. Đó là hành động kết án đầu tiên trong một loạt kết án về sau của đại diện giáo quyền kéo dài tới tận sau ngày ông đã qua đời. Những kết án này đạt tới tột đỉnh với sắc lệnh năm 1962 của Văn Phòng Thánh (Bộ Giáo Lý Đức Tin ngày nay) ngăn cấm các đấng bản quyền, các bề trên Dòng, các giám đốc đại chủng viện, các viện trưởng đại học không được phổ biến các tác phẩm của Teilhard de Chardin, vì chúng chứa đựng quá nhiều điều hàm hồ và sai lầm nghiêm trọng.

Trên thực tế, các trước tác của ông vẫn tiếp tục được in ronéo và phổ biến hạn chế giữa các tu sĩ Dòng Tên, giữa các thần học gia và học giả để thảo luận, tranh luận và phê phán. Có lúc, hình như các công trình này được nhìn nhận nhiều hơn, thậm chí ngày 10 tháng 6 năm 1981, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh là Đức Hồng Y Agostino Casaroli, viết một bài trên tờ L’Osservatore Romano nói về cuộc sống đầy gắn bó với Chúa Kitô của Teilhard: “Điều mà người đồng thời với chúng ta chắc chắn luôn ghi nhớ là ngoài các khó khăn về ý niệm và thiếu sót trong lối phát biểu trong cố gắng táo bạo nhằm đạt được một tổng hợp, là chứng tá một cuộc sống gắn bó của một con người luôn được Chúa Kitô chiếm hữu tận thẳm sâu linh hồn mình. Ngài quan tâm tới việc tôn trọng cả đức tin lẫn lý trí, và quả đã dự ứng trước một đáp ứng đối với lời kêu gọi của Đức Gioan Phaolô II: ‘Đừng sợ, hãy mở, hãy rộng mở cho Chúa Kitô những cánh cửa dẫn vào các lãnh vực mênh mông của văn hóa, của văn minh, và tiến bộ”.

Tuy nhiên, sau đó không lâu, Tòa Thánh minh xác rằng: không nên giải thích các tuyên bố gần đây của các chức sắc Giáo Hội, nhất là những tuyên bố nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Teilhard như thể là những duyệt lại các chủ trương trước đây của giáo quyền. Điều này có nghĩa: sắc lệnh năm 1962 đến nay vẫn còn hiệu lực.

Điều ấy vẫn không làm nhiều người tiếp tục coi Teilhard là một người thánh thiện. Giống Blaise Pascal, nhà khoa học và thần học Pháp của thế kỷ 17, dù bị coi là lạc giáo vì các khuynh hướng Jansenist, nhưng không ai chối cãi cuộc sống anh hùng, thánh thiện của ông, kể cả kẻ thù của ông là các linh mục Dòng Tên, những người bị ông công kích kịch liệt trong Những Bức Thư Gửi Người Ở Tỉnh. Một trong những người đó là linh mục Thomas M. King, Dòng Tên, giáo sư Đại Học Georgetown, Hoa Thịnh Đốn. Nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày Teilhard qua đời, cha King viết một bài về Teilhard, tựa là “A Holy Man and Lover of the World” (Một Người Thánh Thiện Và Là Người Yêu Thế Gian). Quả là một tựa đề gây bỡ ngỡ, nhất là cho những người sống trước Công Đồng Vatican II, vì thánh thiện và yêu thế gian khó mà đi đôi với nhau. Nhưng tựa đề đó hết sức thích hợp với Teilhard de Chardin, người từng đề tặng cuốn “Lãnh Vực Thần Linh” (Le Milieu Divin) “cho những ai yêu mến thế gian”.

Theo Cha King, khi Teilhard qua đời năm 1955, tại New York, ông rất nổi tiếng trong giới khoa học Mỹ vì các công trình về địa chất học Á Châu và các nghiên cứu của ông về Người Bắc Kinh. Ngoài khía cạnh đó, ông tương đối không được ai biết tới. Ông từng viết rất nhiều về triết học và thần học, nhưng giáo quyền không cho công bố, dù được phổ biến rộng rãi dưới hình thức bản thảo. Sau khi ông qua đời, các bằng hữu mới thu thập và cho xuất bản 13 cuốn của ông về các vấn đề tôn giáo. Đến lúc có Công Đồng Vatican II, nhiều người bắt đầu coi ông như một vị thánh. Nhưng sự thánh thiện của ông khá lạ, vì nó chủ yếu cho thấy một lòng tận tụy đối với thế gian và các công trình thế tục.

Trong Thế Chiến I, Teilhard là người mang cáng trong Lục Quân Pháp và được đồng đội mến phục vì thái độ dửng dưng đối với nguy hiểm. Sau chiến tranh, ông trở lại Đại Học Paris để hoàn tất chương trình tiến sĩ về địa chất học. Ông tiếp cận khoa học bằng tâm tình của một người mộ đạo, nói tới “nhiệm vụ thánh thiêng trong nghiên cứu. Ta phải thử nghiệm mọi rào cản, tìm hiểu mọi ngả đường, dò tìm mọi vực sâu”. Với Teilhard, tìm tòi nghiên cứu là một hình thức của thờ lạy với khoa khổ hạnh riêng của nó. Công việc từng đưa ông qua những cơn nóng nung người hay cơn bão băng giá, bị đủ thứ rắn rết bọ cạp, thức ăn tồi và không có thức ăn, bất ổn lẫn đầy ải chính trị. Trong tất cả những biến cố ấy, lúc nào người ta cũng thấy ông là một khoa học gia tươi cười.

Teilhard cố gắng đạt tới sự thánh thiện bằng cách làm việc trong ngành khoa học, và cố gắng này đòi phải có một cái hiểu mới về thánh thiện. Cái hiểu truyền thống về thánh thiện vẫn coi công việc thế tục gây trở ngại thiêng liêng cho ta, và coi thế giới quanh ta là phù vân và tro bụi. Muốn đạt tới những sự việc thuộc về Chúa, người ta buộc phải khưóc từ các sự việc thuộc thế gian. Thư thứ nhất của Thánh Gioan từng dạy: “Đừng yêu thế gian hay các sự việc thuộc thế gian” (2:15). Thánh Gioan Thánh Gia cũng viết tương tự: “Phải hoàn toàn xa lánh, hoàn toàn dốc bỏ và hoàn toàn nghèo nàn đối với mọi sự thuộc về thế gian”. Kiến thức thế gian cũng như lo lắng về nó vốn bị coi là sẽ dẫn ta tới kiêu ngạo. Thomas à Kempis, tác giả Gương Phúc, viết rằng “Phải học hỏi để dứt bỏ tình yêu đối với sự vật hữu hình và biến nó thành tình yêu đối với sự vật vô hình”.

Đến gần cuối thế kỷ 20, các chủng viện vẫn còn khuyến khích các chủng sinh đọc các sách vở kiểu đó. Tuy nhiên, phần đông Kitô hữu không còn coi chúng như đem lại lý tưởng nhân bản cho họ nữa. Tuy nhiên, khi cuốn “Lãnh Vực Thần Linh” được xuất bản năm 1958, lời đề tặng “Cho những ai yêu mến thế gian” không khỏi làm nhiều người ngỡ ngàng.

Năm 1916, giữa những lúc thư thả ngoài mặt trận, Teilhard viết tiểu luận đầu tiên khiến ông nổi tiếng, đó là tiểu luận “Sự Sống Vũ Trụ”. Trong tiểu luận này, ông mô tả việc hiệp thông với trái đất như là cách vươn tới sự hiệp thông với Thiên Chúa. Nền thần học của ông xoay quanh ý niệm của Thánh Phaolô về “thân thể Chúa Kitô”. Thánh Phaolô kêu gọi Kitô hữu nhận ra mình không phải như các cá nhân riêng rẽ nhưng như một thân thể. Hơn nữa, các trước tác của Thánh Phaolô còn gợi cho Teilhard điều này nữa: “thân thể Chúa Kitô” bao gồm luôn thế giới vật chất, vì trong Chúa Kitô “muôn vật được tạo thành, trên trời cùng dưới đất, hữu hình với vô hình… tất cả đều do Thiên Chúa tạo dựng, nhờ Người và cho Người… tất cả đều tồn tại trong Người” (Cl 1:16-17). Sự hợp nhất muôn vật nơi Người này chỉ có thể thực hiện được bằng cách xây dựng một hạ tầng thế tục. Qua việc làm trong khoa học, kỹ thuật, quản trị, giáo dục và thống nhất các dân tộc, người Kitô hữu được mời gọi phát triển thế gian để nó trở nên thân thể xứng hợp cho Chúa Kitô, Đấng là linh hồn của nó. Biến hóa là một diễn trình xây dựng, và Kitô hữu nên dấn thân tiếp tục diễn trình này. Teilhard từng viết: “Hợp tác vào việc phát triển vũ trụ phải được coi là nghĩa vụ chủ yếu và hàng đầu trong các nhiệm vụ của Kitô hữu”. Teilhard đề nghị rằng cần phải có một cộng đồng tôn giáo trong đó, người ta thề hứa sẽ đẩy mạnh hơn nữa công trình của thế gian, một công trình đòi phải có khoa khổ hạnh riêng, buộc người ta phải khước từ chủ nghĩa cái tôi và từ bỏ hết mình (supreme renunciation).

Đây là lối suy nghĩ mới hẳn. Kitô hữu phải yêu mến thế gian, vì ta thấy Chúa Kitô ở đó. Đau khổ không còn là hình phạt của tội lỗi nữa, mà là cái giá mỗi người chúng ta phải trả để mang vũ trụ tới chỗ thành toàn của nó trong Chúa Kitô. Một vài tuần sau khi viết xong “Sự Sống Vũ Trụ”, Teilhard thêm lời bạt nhìn nhận là mình đã giới thiệu “một xu hướng hoàn toàn mới cho giáo huấn khổ hạnh của Kitô Giáo”. Pierre Leroy, người bạn Dòng Tên thân cận nhất của Teilhard trong những năm cuối đời, có kể lại một câu truyện cho thấy người giáo dân Công Giáo đã bị lôi cuốn bởi ngôn từ của Teilhard như thế nào. Đó là câu truyện một thương gia rất thành công yêu cầu được minh xác về vấn đề này, Teilhard đã trả lời như sau: “Vì mọi sự trong thế gian đều theo con đường thống nhất hóa, nên sự thành công tâm linh của vũ trụ được cột chặt vào việc vận hành chính xác của mọi vùng trong vũ trụ, nhất là vào việc mọi năng lượng có thể có được phóng ra trong vũ trụ. Vì việc thương trường của ông… đang diễn tiến tốt, nên một chút sức mạnh nữa đã được trải rộng ra khắp khối nhân loại, và nhờ thế, có thêm một chút tự do nữa để hành động, suy nghĩ và yêu thương”.

Vì Thế Chiến I kéo dài, Teilhard có ý định viết thêm nhiều tiểu luận khác. Nhưng khi ông gửi chúng cho các vị bề trên trong Dòng, các vị này tỏ ý hết sức bối rối. Các vị sợ rằng vì quá nhấn mạnh tới sự hiện diện của Thiên Chúa trong thế gian, ông liều mình sa vào chủ nghĩa phiếm thần. Mà xem ra, ông có vẻ thích hạn từ này. Để bênh vực cho mình, Teilhard dựa vào Thánh Phaolô, người từng nói về Chúa Kitô như là đầu mọi sự và thân thể Người như “sự viên mãn làm mọi sự được viên mãn” (Eph 1:23).

Để củng cố “xu hướng mới” nói trên, Teilhard gửi các tiểu luận của mình cho Maurice Blondel, một triết gia và là một học giả Công Giáo nổi tiếng thời ấy. Trong một lá thư đính kèm, ông biện luận rằng một linh đạo từ bỏ không phải là điều đáng ước ao cho nhân loại nói chung. Phần lớn người ta phải làm việc lâu giờ trong thế giới thế tục và những thời khắc này không thể bị coi là xa lạ đối với việc hiệp thông với Chúa Kitô. Trong thư trả lời, Blondel tỏ ý quan ngại vì nhiều đoạn văn của Teilhard rất gần với chủ nghĩa phiếm thần. Nhưng đồng thời, ông cũng nhận ra một điều gì đó rất đúng trong sứ điệp của Teilhard. Chính Blondel cũng có cùng một cái hiểu tâm linh tương tự như thế, nhưng không dám nói ra công khai. Ông bị kìm hãm một thời kỳ lâu dài bởi các chứng tá và thẩm quyền chống lại cái hiểu ấy, vì đối với phần đông các học giả Công Giáo, các quan tâm về thế giới chỉ là “phù vân, làm tinh thần phiền lụy và làm trái tim sa đoạ. Đọc Teilhard, Blondel được khích lệ: “tư tưởng ấy đã đem lại cho tôi biết bao tin tưởng và vững tin!”.

Ngược lại, nhờ trao đổi với Blondel, Teilhard đã khai triển được giai đoạn thứ hai cho linh đạo của mình. Trước nhất, con người phải yêu thế gian. Rồi, khi thời gian tới, họ phải từ bỏ nó. Với một nền linh đạo tiến triển và tự phát triển, “người ta chỉ còn nửa đường dẫn tới Núi Hiển Dung”. Nhưng họ cũng cần một nền linh đạo nhỏ bé đi, từ bỏ và chết đi. Teilhard nói tới việc ta bị “ra không” (annihilation, một hạn từ ông mượn của Thánh Gioan Thánh Giá), tức thời gian trong mọi cuộc đời khi dòng biến cố đi ngược lại ta, và ta cảm thấy bị sức mạnh của thế gian đánh cho tơi bời. Ta đối diện với các giới hạn, các thất bại, các đau khổ và chính cái chết của mình. Đối với Teilhard, những điều đó cũng đem Thiên Chúa đến với ta, và đem ta tới Thiên Chúa. Ông viết: “Nếu ta tin, thì sức mạnh mà ta đang thống khổ chống lại sẽ hết còn là năng lực mù quáng hay sấu xa. Vật chất thù nghịch sẽ biến mất. Và thay vào đó, ta sẽ thấy Chúa Tể thần linh”.

Ấy thế nhưng, trước khi bị “ra không”, con người phải phát triển mình trước đã, và nhờ làm thế, họ phát triển thế gian. “Nỗ lực phổ quát của thế giới có thể được coi như việc chuẩn bị lễ hy sinh sẽ được dâng lên”. Giống việc leo một chiếc thang, thoạt đầu ta phải đứng vững ở một nấc thang và rồi phải từ bỏ nấc thang đó. Tình yêu con người chỉ là một dẫn khởi vào tình yêu, chuẩn bị trái tim cho tình yêu thần linh.

Bởi thế, Teilhard không bất đồng với nền linh đạo từ bỏ, chỉ cho rằng nó không phải là nơi đúng để bắt đầu. Thành công không phải là trọn câu truyện, và thất bại cũng thế. Nhưng ta chỉ thấy Chúa Giêsu trong đau đớn và mất mát sau khi đã cố gắng hết mình tìm kiếm Người trong việc làm tốt lành của Người.

Năm 1923, đang khi khai quật tại các thung lũng gần Vạn Lý Trường Thành bên Trung Hoa, Teilhard đã viết một trong các tiểu luận được nhiều người ưa thích hơn cả, đó là cuốn “Thánh Lễ Vũ Trụ”. Đứng trên mảnh đất vàng của Trung Hoa, ông nói tới việc biến toàn bộ trái đất thành bàn thờ của mình. Trong phần dâng lễ của Thánh Lễ này, ông dâng lên mọi lao công và đau đớn của thế gian. Bánh lễ bao gồm mọi sự đang bừng lên, đang lớn lên, đang đâm trồi nở hoa và kết trái; rượu lễ là mọi sự đang bị sói mòn, tàn tạ và bị đốn đi. Trong phần truyền phép, Chúa Kitô, qua linh mục, nói tới việc coi sự phát triển của thế gian là thân thể mình, còn những xao xuyến và chết chóc của nó là máu mình. Chúa Kitô ở khắp mọi nơi, và thế gian được truyền phép thành chính xác thịt Người.

Tiếp theo sự kỳ diệu của truyền phép, linh mục tiến qua phần Hiệp Lễ. Khi vươn tay cầm lấy “bánh rực lửa”, linh mục cam kết vượt quá con người mình, tự để mình bị lôi cuốn vào các lao công, các nguy hiểm và việc không ngừng canh tân các ý niệm. Qua tất cả những điều đó, ngài sẽ lớn lên và trong diễn trình lớn lên này, ngài tìm thấy Thiên Chúa: “Người được đầy tràn tình yêu tha thiết đối với Chúa Giêsu ẩn tàng trong các sức mạnh đang đem lại gia tăng cho trái đất, người ấy sẽ được trái đất nâng cao, như một bà mẹ… và sẽ giúp họ khả năng chiêm ngắm dung nhan Thiên Chúa”.

Nhưng xét cho cùng, nước Thiên Chúa không thuộc thế gian này. Thiên Chúa nội tại cũng là Thiên Chúa vô cùng siêu việt. Bởi thế, người ta không thể vào được Thiên Chúa chỉ bằng cách đơn giản làm việc vì chính nghĩa trần thế, bất kể lớn lao thế nào. Muốn được hợp nhất sau cùng, họ phải bước qua diễn trình thu nhỏ đầy thống khổ và cái chết, không hề có thứ bù trừ hữu hình nào được ban cho. “Chính vì thế, khi rót vào chén thánh Ta sự đắng đót của mọi xa cách, mọi giới hạn, mọi sa đoạ vô bổ, con đã đưa nó cho Ta mà nói: ‘Tất cả hãy uống chén này’”. Chúa Giêsu ẩn mình trong các sức mạnh này, và mọi người yêu mến Người nơi đó, cuối cùng, “sẽ tỉnh dậy trong lòng Thiên Chúa”. Teilhard trích dẫn một tu sĩ Dòng Tên vô danh thuộc thế kỷ 16: “Lạy Chúa, là Chúa Tể của con, hãy nhốt con vào thật sâu trong trái tim Chúa; và rồi giữ con ở đó, đốt con, thanh tẩy con, nổi con thành lửa, thăng hoa con, cho tới khi con hoàn toàn trở nên điều Chúa muốn con trở nên qua việc hóa ra không trọn vẹn của con”.

Trong nửa thế kỷ từ ngày Teilhard qua đời, Giáo Hội đã trải nghiệm nhiều thay đổi. Các thay đổi này phần lớn có liên quan tới Công Đồng Vatican II. Tại Công Đồng này, nhiều người thấy rõ ảnh hưởng của Teilhard. “Hiến Chế Mục Vụ Về Giáo Hội Trong Thế Giới Hiện Đại” (1963) đã vươn tay đụng tới thế giới thế tục bằng cách nhấn mạnh tới giá trị của nó và các kỳ diệu của kỹ thuật. Hiến Chế này thấy các nhà khoa học làm việc “với một tâm trí khiêm hạ và đứng đắn” được hướng dẫn bởi bàn tay Thiên Chúa và Chúa Kitô như điểm Omega, “mục tiêu của lịch sử nhân loại”. Các cá nhân và quốc gia được mời gọi nắm tay nhau để trở thành “những người thợ của một nhân loại mới”. Phát triển con người là trách nhiệm chung, một ý nghĩ được Teilhard viết ngay ở tiểu luận đầu tiên. Đức Cha Otto Spülbeck của giáo phận Meissen, Đức Quốc, thuật lại rằng tên của Teilhard được nhắc tới 4 lần khi các giám mục bàn thảo văn kiện này tại phòng họp toàn thể của Công Đồng.

Nhiều nhà thần học và tác giả linh đạo ngày nay cũng tự coi mình mắc nợ đối với Teilhard. Jon Sobrino, S.J., từng cho rằng Teilhard ảnh hưởng niều tới công trình thần học giải phóng của mình. Các Kitô hữu quan tâm tới môi trường cũng tìm thấy nhiều cảm hứng nơi Teilhard. Michael Comdessus, Giám đốc Qũy Tiền Tệ Quốc Tế trong 14 năm, cũng nói rằng: ông luôn luôn nghĩ tới Teilhard trong việc làm hằng ngày của ông. Ngay những nền linh đạo không ăn có gì với Kitô Giáo cũng lấy cảm hứng nơi Teilhard. Marilyn Ferguson, tác giả cuốn The Aquarian Conspiracy, có hỏi 185 nhà lãnh đạo phong trào New Age xem ai là người ảnh hưởng nhất đối với tư duy của họ, Teilhard được họ nhắc nhiều hơn moị người khác.

Tất cả những người đó đều thuộc “những ai yêu mến thế gian”. Teilhard hẳn cảm thấy ấm lòng. Ông cho hay, ông thường cầu “Thánh Lễ Vũ Trụ” nhiều lần. Nó nhắc ông nhớ rằng có hai hình thức hiệp thông: trong phát triển, ta hiệp thông với thân thể Chúa Kitô, còn trong thu nhỏ và chết chóc, ta hiệp thông với máu của Người. Dự ứng trước cái chết của mình, Teilhard ghi nhận rằng mọi tín hữu đều muốn rước lễ lúc lâm chung. Ông xin họ điều này nữa: “xin dạy tôi biết coi cái chết của mình như một hành vi hiệp thông”. Ngày 10 tháng 4 năm 1955, đúng Chúa Nhật Phục Sinh, Teilhard lên cơn nhồi máu cơ tim và qua đời, việc hiệp thông của ông đã hoàn tất.

Con người của khoa học và của niềm tin ấy từng được người ta gọi là nhà khoa học tươi cười. Binh sĩ Hồi Giáo người Algerie gọi ông là sidi (ngài, ông chúa) một từ ngữ tôn giáo chỉ sự kính trọng. Một đồng đội thuật lại: “những binh lính bắn sẻ Bắc Phi của trung đoàn ông nghĩ rằng ông được đấng thiêng liêng (baraka) của mình che chở. Vì những cơn mưa của súng máy cũng như hàng thảm của bom phi cơ hình như chẳng dám đụng tới ông… Có lần tôi hỏi: ‘Điều gì khiến ông giữ được bình thản trong trận đán này? Xem ra ông không thấy nguy hiểm và sợ sệt không đụng tới ông’. Ông trả lời một cách nghiêm trang nhưng với nụ cười thân hữu thường lệ khiến cho lời nói của ông lúc nào cũng ấm áp: ‘Nếu bị giết, tôi chỉ thay đổi hình thức sống, có thế thôi”.