Bêlem

Trong khi chờ xe búyt tới đưa đi Bêlem, chúng tôi lại có dịp ngồi trước Nhà Thờ Hấp Hối để nhìn về Tường Thành Giêrusalem. Khung cảnh hôm nay hoàn toàn khác với đêm qua. Giêrusalem sinh động hẳn lên. Tường thành nay rõ mồn một dưới ánh nắng chói chang. Tuy nhiên, trái với dự đoán của tối hôm trước, từ phía trước Nhà Thờ Hấp Hối, chúng tôi không nhìn thấy khu đền Đá Tảng của Hồi Giáo vốn là địa điểm xây Đền Thờ Giêrusalem của cả Salômôn lẫn Hêrốt. Tường Thành vẫn vây kín mọi sự trong vòng ôm thật cao và thật chắc của nó.

Tường Phân Cách Bêlem
Tuy nhiên, chưa nghe có ai muốn hủy bỏ bức tường ấy. Trái lại, cách Giêrusalem chưa quá 10 kilô mét, có một bức tường bị khá nhiều người muốn phá bỏ và phá bỏ ngay lúc này. Đó là bức tường người Do Thái cho dựng giữa Bêlem và Giêrusalem để ngăn ngừa nạn khủng bố tự sát khỏi tấn công người dân và các cơ sở của họ. Bức tường xi măng cốt sắt cao tới 8 mét này được người Do Thái gọi là “hàng rào an ninh” nhưng người Palestine gọi nó là “bức tường kỳ thị chủng tộc. Việc dựng nó gây ảnh hưởng nặng nề lên Bêlem cả về chính trị, xã hội và kinh tế. Và dư luận quốc tế nhất loạt lên án nó, có khi còn nặng nề hơn Bức Tường Bá Linh dạo nào. Tòa án Quốc Tế bảo nó “đi ngược lại luật pháp quốc tế”. Người Palestine muốn băng qua nó phải có giấy phép và giấy phép này mang theo những điều kiện khó khăn.

Cách cả mấy trăm mét, chúng tôi đã thấy nó với hình dáng sừng sững và mầu xám xấu xí dưới nền trời trong xanh của Bêlem. Tới trạm gác, người tài xế chở chúng tôi ngồi trong xe nói vọng ra: Vitnam (đọc và viết đều không có chữ E), và xe chúng tôi được cho phép chạy tiếp để rồi dừng lại trước một tiệm ăn “Tầu” do người Palestine làm chủ và đầu bếp, không xa trạm gác bao nhiêu. Tiệm ăn này nằm đối diện ngay với bức tường, nên chúng tôi có dịp được đọc những hàng chữ viết dọc theo nó phần lớn nội dung là: Hãy hủy bức tường ngay bây giờ! Tiếc rằng người viết hàng chữ đó “không có gang có thép” như Ronald Reagan, nên chắc chắn hiệu quả chẳng có nhiêu, như đối với bức tường Bá Linh ngày nào. Dùng cơm trưa xong, chúng tôi rẽ qua một cửa hàng bán đồ kỷ niệm trước khi thực sự khám phá Bêlem.

Bêlem vốn là thành tuổi trẻ của vua Đavít và cũng là sinh quán của Chúa Giêsu; đồng thời là địa điểm hành hương của Kitô hữu kể từ ngày Nhà Thờ Giáng Sinh được xây dựng tại đây vào thế kỷ thứ 4. Thành này cũng là một trung tâm đơn tu gần như cùng một thời. Quả vậy, thế kỷ thứ 5, Thánh Giêrônimô đã lập một đan viện tại đây. Và với sự giúp đỡ của các giáo sĩ Do Thái, ngài đã dịch Bộ Cựu Ước từ nguyên bản Hi-bá-lai sang tiếng Latinh, vốn được Giáo Hội Công Giáo coi là tiêu chuẩn. Bêlem vốn phồn thịnh cho tới thời Thập Tự Quân, nhưng dân số dần dần giảm đi trong các thế kỷ sau đó và chỉ khá hơn sau cuộc chiến 1948 với việc ngụ cư của hàng ngàn người tị nạn Palestine.

Kể từ năm 1995, Bêlem được đặt dưới quyền kiểm soát của Thẩm Quyền Quốc Gia Palestine. Thẩm quyền này đã khởi sự một chương trình phục hưng kinh tế
Phụ Nữ Bêlem
và du lịch. Dù số lượng khổng lồ khách hành hương kéo tới đây và đô thị được phát triển hỗn độn, Bêlem vẫn duy trì được bầu không khí cố hữu của nó nhất là tại khu trung tâm gần Công Trường Máng Cỏ và khu buôn bán ở phía tây.

Về phương diện hành chánh, Bêlem hiện là thủ phủ của Tòa Thống Đốc Bêlem thuộc Thẩm Quyền Quốc Gia Palestine. Dân số khoảng 30,000 người. Bêlem cũng được coi là một trung tâm văn hóa và du lịch của Palestine. Nó cũng là nơi sinh sống của các cộng đoàn Kitô hữu kỳ cựu nhất trên thế giới, nhưng con số đã giảm nhiều do di dân.

Theo lịch sử, nó nằm dưới sự thống trị của người Hồi Giáo ít nhất cũng từ năm 637. Người Anh đã chiếm lại nó từ tay Đế Quốc Thổ trong Thế Chiến I và năm 1947, nó được sát nhập vào khu vực quốc tế trong Kế Hoạch Phân Chia Palestine của Liên Hiệp Quốc. Tuy nhiên, trong cuộc chiến tranh Ả Rập và Do Thái năm 1948, Gióc-đan đã sát nhập nó vào lãnh thổ của mình. Trong cuộc chiến Sáu Ngày vào năm 1967, Do Thái đã chiếm lại Bêlem. Rồi kể từ năm 1995, nó được Thẩm Quyền Quốc Gia Palestine điều hành, như trên đã nói, theo hiệp ước Oslo ký kết giữa Do Thái và Phong Trào Giải Phóng Palestine, dưới sự trung gian của Mỹ.

Trong Thánh Kinh, nó được nhắc đến lần đầu như là nơi chôn cất Rachel, người vợ sủng ái của Israel (Giacóp), ông tổ trực tiếp của Dân Do Thái (St 48:7). Mộ của Bà nằm ngay cửa ngõ dẫn vào Bêlem. Rất tiếc, đoàn hành hương của chúng tôi không tới thăm ngôi mộ nổi tiếng này. Rút và mẹ chồng là Naômi từng mót lúa ở Bêlem trong cánh đồng của Bôát và trở thành bà cố của Đavít sau này. Cũng chính tại đây, Đavít được tiên tri Samuen xức dầu tấn phong làm vua thứ hai của Israel, trở thành quân vương văn võ song toàn, được người Do Thái muôn đời xưng tụng… Sau ông, Bêlem rơi vào quên lãng, dù tiên tri Mikha trong thế kỷ thứ 7, thứ 8 trước công nguyên (khoảng những năm 735-687) từng tiên đoán “Phần ngươi, hỡi Bêlem, ngươi nhỏ bé nhất trong các thị tộc Giuđa, từ nơi ngươi, Ta sẽ cho xuất hiện một vị có sứ mệnh thống lãnh Israel” (Mk 5:1).

Công Trường Nhà Thờ Giáng Sinh
Đấng ấy, như mọi người biết chính là Chúa Giêsu, sinh ra trong một máng chiên lừa ở Bêlem. Vô danh đến nỗi, nếu không có ngôi sao chỉ đường, chắc ba nhà thông thái Phương Đông đành quay về cố hương, không đến được Bêlem. Tuy nhiên, sự kiện ấy hình như đã lọt vào tiềm thức Hadrian, hoàng đế La Mã, nên ông đã xua quân tiến chiếm Bêlem trong các năm 132-135 và cho xây tại chính địa điểm Giáng Sinh một đền thờ dâng kính thần Adonis, một vị thần của tái sinh và mùa màng. Năm 326, hoàng hậu Helena, mẹ hoàng đế Constantinô, đã cho xây một ngôi nhà thờ trên nền đền thờ ấy khi bà viếng Bêlem. Như trên đã nói, năm 614, đế quốc Sassanid của Ba Tư đánh chiếm Bêlem. Lý do họ không phá hủy đền thờ Giáng Sinh là vì ở đó có tranh ghép ba nhà thông thái trong trang phục Ba Tư. Thập Tự Quân chiếm lại Bêlem trong một thời gian ngắn. Sau đó, nó rơi vào tay Saladin năm 1187. Kitô hữu vẫn được tự do lui tới các địa điểm thánh tại Bêlem, tuy nhiên luôn có sự tranh chấp giữa hai giáo hội Chính Thống và Công Giáo về quyền kiểm soát các địa điểm thánh này, nhất là dưới thời Đế Quốc Thổ, mặc dù trước đó gần như đã có thỏa thuận là Công Giáo sở hữu đan viện sát cạnh nhà thờ Giáng Sinh, còn chính nhà thờ Giáng Sinh thì thuộc quyền kiểm soát của Chính Thống, và hai bên chung quyền kiểm soát Động Sữa.

Về phương diện dân số, năm 1947, Kitô hữu (Chính Thống và Công Giáo) chiếm 75% tổng dân số Bêlem, nhưng tới năm 1998, họ trở thành thiểu số, chỉ chiếm 23%. Thẩm Quyền Palestine chính thức cam kết duy trì chính sách bình đẳng cho các khu dân cư Kitô Giáo của Thành Phố, mặc dù vẫn có những vi phạm từ phía lực lượng an ninh và dân quân. Nói chung, Kitô hữu, dù vẫn tiếp tục rời bỏ Thành Phố, nhưng họ có thiện cảm với người Hồi Giáo. Một cuộc thăm dò năm 2006 do Trung Tâm Nghiên Cứu và Đối Thoại Văn Hóa Palestine thực hiện, đã cho thấy 90% Kitô hữu có bạn bè Hồi Giáo, 73.3% nhất trí rằng Thẩm Quyền Quốc Gia Palestine rất tôn trọng các di sản Kitô Giáo trong Thành Phố và có tới 78% qui việc ra đi của Kitô hữu cho Israel, vì đã hạn chế đi lại trong khu vực này.

Hiện nay, Bêlem sống nhờ du lịch. Ngành này hiện chiếm 65% nền kinh tế của Thành Phố và 11% nền kinh tế của cả Thẩm Quyền Quốc Gia Palestine. Nhà thờ Giáng Sinh dĩ nhiên là một trong các địa điểm lôi cuốn khách du lịch nhiều nhất và là kim nam châm thu hút khách hành hương Kitô Giáo. Nó tọa lạc tại trung tâm thành phố, là một phần của Công Trường Máng Cỏ, được xây trên một chiếc hang gọi là Hang Thánh, nơi Chúa Giêsu sinh ra. Gần đó là Động Sữa nơi Thánh Gia trú ẩn trên đường qua Ai Cập lánh nạn, và bên cạnh là động nơi Thánh Giêrônimô sống 30 năm để phiên dịch Bộ Cựu Ước sang tiếng Latinh.

Nhà thờ Giáng Sinh

Khi đã vượt qua “bức tường phân biệt chủng tộc”, bạn nhanh chóng quên đi thân phận của người Palestine mà phần không nhỏ là hậu duệ của các Kitô hữu từ những thuở ban đầu. Nhà thờ Giáng Sinh cũng là một thực tại Kitô Giáo sống còn lâu đời nhất tại Đất Thánh.

Đây là nơi tương truyền Chúa Giêsu đã sinh ra. Trình thuật Chúa sinh ra tại Bêlem được kể rõ trong hai Phúc Âm Mátthêu (2:1) và Luca (2:4-7). Cả hai trình thuật đều không nhắc chi tới một cái hang, nhưng non một thế kỷ sau, cả Thánh Justinô Tử Đạo và Phúc Âm Đầu Hết của Giacôbê đều nói Chúa Giêsu sinh tại một cái hang. Điều này có lý vì phần lớn các nhà tại khu vực này được cất trước một cái hang. Nếu Đức Mẹ và Thánh Giuse tìm không ra phòng ở các nhà trên, thì phần chắc là phải tìm tới phía sau các căn nhà ấy mà sinh con.

Bằng chứng đầu tiên về việc một chiếc hang ở Bêlem được tôn kính như là nơi Chúa Giêsu sinh ra tìm thấy trong các trước tác của Thánh Justinô Tử Đạo (khoảng năm 160). Và truyền thống ấy đã được Origen và Eusebius củng cố vào thế kỷ thứ 3. Năm 326, Hoàng Đế Constantinô và mẹ là thánh nữ Helena đã cho xây một nhà thờ trên chiếc hang ấy. Nhà thờ này được cung hiến vào ngày 31 tháng 5 năm 339, có sàn hình bát giác. Ở giữa, có một lỗ rộng 4 mét có hàng rào để người ta nhìn thấy hang. Ngày nay, vẫn còn lại một phần tranh ghép sàn của thời ấy. Năm 530, Hoàng Đế Justinianô cho phá nhà thờ do Constantinô xây để dựng một nhà thờ rộng hơn, tức nhà thờ còn tồn tại đến bây giờ. Như trên đã nói, người Ba Tư khi chiếm Bêlem vào năm 614, đã không phá hủy nhà thờ vì kính trọng bức tranh ghép ba nhà thông thái ăn vận theo phong tục của họ. Điều này đã được một công đồng họp tại Giêrusalem trong thế kỷ thứ 9 trích dẫn để chứng minh sự ích lợi của tranh ảnh đạo.

Thời Đế Quốc Thổ Nhĩ Kỳ, Nhà Thờ Giáng Sinh bị bỏ bê, tuy không bị phá hủy. Phần lớn các đá hoa cương của nhà thờ bị lấy đi đem về trang trí cho Núi Đền
Bên trong Nhà Thờ Giáng Sinh
tại Giêrusalem. Trận động đất năm 1834 và trận hỏa hoạn năm 1869 vẫn không phá hủy được Nhà Thờ. Năm 1847, việc đánh cắp ngôi sao bạc dùng để đánh dấu chính xác nơi Chúa Giêsu sinh ra đã là nguyên cớ cho một khủng hoảng quốc tế dẫn tới Cuộc Chiến Crimée (1854-1856). Năm 1852, nhà thờ được đặt dưới sự chăm sóc chung của cả ba Giáo Hội: Công Giáo, Ácmêni và Chính Thống Hy Lạp. Tuy nhiên, người Hy Lạp được quyền kiểm soát Hang Giáng Sinh.

Bước vào bên trong, chúng tôi thấy lòng nhà thờ khá rộng, mái cao, sàn nhà, hai bên tường và cả trần nhà cũng như các cột lớn (44 chiếc) đều được trang trí bằng hình ảnh đạo kiểu Hy lạp. Nhà thờ khá đông khách hành hương, nhất là về phía dẫn xuống Hang Giáng Sinh. Các tu sĩ phục vụ Nhà Thờ lúc này hoàn toàn thuộc Giáo Hội Chính Thống Hy Lạp, những người rất giống “người tôn giáo” Do Thái chúng tôi gặp ở Hồng Kông, nghĩa là phớt tỉnh Ăng-lê, cứ thản nhiên đồng ca kinh chiều, giữa cái ồn ào của khách hành hương đến từ muôn phương.

Cao điểm vẫn là kiên nhẫn xếp hàng về phía tay phải của lòng Nhà Thờ để tiến về phía Hang Giáng Sinh nằm ở phía đầu Thánh Đường. Nhưng người chờ đông quá, nên chúng tôi đổi hướng đi thăm hang Thánh Giêrônimô trước, nơi ngài từng sống 30 năm để phiên dịch Thánh Kinh, tọa lạc ngay cạnh Nhà Thờ Giáng Sinh. Con mắt người hiện đại khó mà nhận ra lý do tại sao Thánh Nhân lại sống trong một cái hang “tối tăm” để làm việc trong một thời gian khá dài như thế. Bình thản trở lại, mới hay thời ấy rất có thể hang không tối tăm và khó ra vào như bây giờ, vì chưa có những toà nhà bên cạnh như Nhà Thờ Thánh Catarina, án ngữ hay các lối vào không bị thay đổi, bít kín như bây giờ. Có xuống đấy mới hay không phải chỉ là nơi Thánh Nhân ngủ nghỉ mà còn là nơi ngài làm việc, cử hành phụng vụ, tiếp đãi người quen, bạn bè. Hang cũng là nơi sinh sống của nhiều Kitô hữu thời ấy nữa. Một hàng chữ Latinh trên vách đá viết theo kiểu xưa “Locus sancti Hieronymi presbyterii & Ecclesiae doctoris” (Nơi của Thánh Giêrônimô linh mục và tiến sĩ Hội Thánh) chắc là mới viết sau này. Nhìn qua bên trái, nhiều hàng chữ khác viết Ave Maria (Kính mừng Maria) không rõ từ hồi nào, nhưng được viết trên vách đá của một căn hộ tiên khởi. Dù sao, cũng xin ngả mũ chào những vách đá từng bầu bạn với một trong những vị đại thánh tiến sĩ của Giáo Hội mà công trình vẫn còn được Giáo Hội trân trọng cho đến tận nay.

Nhà Thờ Thánh Catarina
Rời Hang Thánh Giêrônimô, chúng tôi tới thăm nhà thờ Thánh Catarina thành Alexandria nằm sát bên trái Nhà Thờ Giáng Sinh và nối với Hang Thánh Giêrônimô bằng một đường cầu thang bằng đá. Tương truyền, nhà thờ này được xây trên địa điểm Chúa Giêsu hiện ra với Thánh Nữ và tiên đoán bà sẽ được phúc tử đạo (khoảng năm 310). Nhà thờ được nhắc đến lần đầu vào thế kỷ 15 và rất có thể bao gồm một phần của đan viện thời Thập Tự Quân vào thế kỷ 12. Dấu vết của đan viện do Thánh Giêrônimô lập vào thế kỷ thứ 5 cũng tìm thấy ở đây. Năm 1881, nhaàthờ này được nới rộng do các cha Dòng Phanxicô và được kiến trúc sư Antonio Barluzzi canh tân vào năm 1948. Hiện nay nhà thờ có vóc dáng hiện đại, hết sức sáng sủa, với những kính mầu và một dàn ống đàn organ tân tiến. Lúc chúng tôi ở đây, các sinh viên đại học Paris cũng có mặt. Gặp họ ở đâu, tôi đều thấy thái độ nghiêm túc trong suy niệm, học tập và cầu nguyện, khiến tôi cũng lắng đọng tâm hồn, giữa cái nóng chẩy mồ hôi của Bêlem, vốn thuộc Sa Mạc Giuđêa.

Rời nhà thờ Thánh Catarina, chúng tôi trở lại Nhà Thờ Nhà Thờ Giáng Sinh và dù khách hành hương vẫn còn rất đông, chúng tôi đành phải xếp hàng với họ. Được một điều: ai đến đây cũng lịch thiệp, không chen lấn, dù hàng nối đuôi xem ra như không hề nhúc nhích. Nhìn ngang nhìn dọc, nhìn về phía trước chỉ thấy ảnh Đức Mẹ, ảnh Chúa, ảnh các thiên thần và các thánh “đáp lễ”. Hang Giáng Sinh không biết ở mô? Nhưng rồi cũng đến lúc miệng Hang “sáng láng” hiện ra. Sáng láng thật vì các chùm đèn từ dưới Hang chiếu ra làm cửa vào Hang sáng rực, trái với khung cảnh âm u của lòng Nhà Thờ. Dùng camera, tôi quẹt một đường thì thấy ở cửa Hang, các khuôn mặt đạo hạnh của muôn dân nước đang háo hức nhìn vào bên trong, chờ đến lượt. Ai cũng một nét mặt hạnh phúc trông chờ, cùng lắm chỉ kém nét hạnh phúc của người nông dân Bảo Gia Lợi mà Morton gặp ở Mồ Thánh đầu thế kỷ 20.

Sau cùng, vợ chồng tôi cũng xuống được tới Hang. Hang Giáng Sinh hình chữ nhật, nằm dưới Nhà Thờ, được coi là tiêu điểm của Nhà Thờ này. Nó chính là nơi
Hôn Sao Giáng Sinh
ít nhất từ thế kỷ thứ 2, Kitô hữu vẫn tôn kính như là nơi Chúa Giêsu được Đức Mẹ sinh ra. Rồi Ngôi Sao Bạc nằm dưới một bàn thờ cũng đã được nhìn thấy, nó đánh dấu chính nơi Chúa sinh ra với hàng chữ “tại đây Chúa Giêsu Kitô đã được Trinh Nữ Maria sinh ra”. Nó mới chính là tiêu điểm và nó mới chính là nguyên nhân tạo nên sự kiên nhẫn chờ đợi. Ai cũng muốn nán lại, không những hôn kính, mà còn để quay phim chụp hình. Dù vị tu sĩ Chính Thống Giáo luôn miệng “quickly, please”. Mà hôn được, chụp hình được mình hôn ngôi sao ấy quả là hả hê, sẵn lòng theo lệnh vị tu sĩ xếp hàng bước ra khỏi Hang. Nếu không, chỉ còn đường kiên nhẫn bắt đầu xếp hàng trở lại để thoả lòng mong ước.

Điều ấy khó lòng xẩy ra với chúng tôi, bởi người trưởng đoàn luôn hối thúc đi thăm nơi khác. Trạm tiếp theo là Động Sữa, không xa nhà thờ Giáng Sinh. Vừa băng qua Công Trường Máng Cỏ và một dẫy phố bán đồ kỷ niệm, động ấy đã xuất hiện về bên tay phải. Trái với Công Trường Máng Cỏ và sân nhà thờ Giáng Sinh, Động Sữa thật yên tĩnh và êm ả, dù một số công nhân đang dùng các dụng cụ chạy bằng điện để sửa và thay một số cửa ra vào. Ngang với mặt đường là một nhà nguyện do các cha Dòng Phanxicô xây dựng bên trên động. Chúng tôi được dẫn theo một đường vòng để xuống chính động và nghe dẫn giải về sự tích của nó. Tương truyền đây là nơi Thánh Gia trú ngụ lúc Hêrốt cho tàn sát các trẻ sơ sinh của Bêlem, trước khi lánh nạn qua Ai Cập, thoát bàn tay hung hiểm của tên bạo chúa này. Tương truyền cũng cho rằng trong khi cho con bú, Đức Mẹ đã để rơi một giọt sữa xuống nền động, biến động thành trắng xóa như sữa mẹ.
Đức Mẹ cho Can bú
Nơi chúng tôi nghe thuyết chỉ có một số hình ảnh về Thánh Gia, nhất là bức tranh sống động vẽ cảnh Thánh Giuse đi chân đất, trong hành trang chạy loạn, đang vừa tiến bước vừa ái ngại nhìn hai mẹ con trong cảnh màn trời chiếu đất. Ơn quan phòng và trái tim người chồng, người cha thật kỳ diệu, dù người chồng này và người cha này từng kinh qua những giây phút nát lòng vì sự kiện người vợ này người con này không hẳn thuộc về mình theo nghĩa thể lý. Ra khỏi động, chúng tôi còn được chứng kiến nhiều hình ảnh đẹp hơn nữa về tác phong chăm bẵm con thơ. Người mẹ đồng trinh tuyệt diệu nhất trần gian này cũng là người mẹ đã dùng cả thân xác phàm nhân của mình mà chăm bẵm người con thần thánh. Bức tượng Đức Mẹ cho Chúa Hài Đồng bú ở trên mặt tiền nhà nguyện là hình ảnh nói lên cụ thể nhất: Người giống chúng ta mọi đàng, chỉ trừ tội lỗi. Vú mẹ là nguồn sống của con. Tiếc thay, xã hội và nền văn hóa hiện đại đã làm méo mó hẳn ý nghĩa vừa sinh học vừa nhân bản ấy, biến cặp vú người đàn bà trở thành một món đồ mua bán, mua vui, không còn ý nghĩa gì khác. Tuy nhiên, bức tượng này, có lẽ vì vị trí công cộng của nó, nên vẫn còn nhiều đặc tính “e lệ”. Chúa Con “rúc” vào ngực Mẹ để bú, che lấp hết cả vú Mẹ. Trái lại, một bức tranh trưng bày phía bên trong nhà nguyện cho thấy trọn bầu vú Mẹ và Chúa Con dù đã no nê vẫn chưa chịu nhả vú Mẹ ra. Hình ảnh ấy quả đã nói lên hết tính nhân bản của tình mẫu tử. Nghệ thuật thánh quả đã khởi đi từ những thực tại hết sức nhân bản như thế.

Cánh Đồng Chiên và lời chúc hòa bình

Từ Động Sữa, chúng tôi qua viếng Cánh Đồng Chiên, một cánh đồng từ thời xa xưa đã được nhận diện như là cánh đồng của những người chăn chiên tới chiêm ngưỡng Chúa Hài Đồng. Người ta tin như thế, vì cánh đồng này cho đến nay vẫn là một cánh đồng mầu mỡ, chắc chắn là nơi những người chăn chiên kia đưa chiên của mình tới gặm cỏ. Tuy nhiên, cảnh thiên thần hiện ra với họ chính xác xẩy ra ở chỗ nào thì người Chính Thống Hy Lạp và các tu sĩ Phanxicô không nhất trí với nhau. Người nhận ở chỗ này kẻ nhận ở chỗ kia. Cả hai địa điểm đều đã được khai quật và người ta đã tìm thấy các nhà thờ và đan viện ở cả hai chỗ ấy từ thế kỷ thứ 4 hay sớm hơn. Cả Egeria (năm 384) lẫn Arculf (năm 670) đều nhắc đến những nhà thờ và đan viện này. Đây cũng là cánh đồng nơi Rút và mẹ chồng mót lúa của Bôát.

Nhà Thờ Hang Chăn Chiên
Như thế, hiện nay tại Cánh Đồng Chiên, có tới 5 nhà thờ. Chúng tôi chỉ đi thăm hai nhà thờ do các cha Dòng Phanxicô trông coi. Đó Nhà Thờ Hang Tự Nhiên tại Khirbat Siyar al-Ghanim và nhà thờ có hình chiếc lều du mục do kiến trúc sư Antonio Barluzzi xây năm 1954. Hang tự nhiên hay hang trú bằng đá này tọa lạc tại một khu vực đẹp mắt, từ đó, bạn có thể thấy được những ngọn đồi chung quanh. Kể từ năm 1859, hang tự nhiên này lôi cuốn nhiều khách hành hương hơn. Tại đây, một cuộc khai quật từng phần đã được C. Guarmani thực hiện năm 1859 nhưng mãi đến những năm 1951-1952, nó mới được khai quật đầy đủ bởi linh mục V. Corbo. Các cuộc khai quật này đã khám phá ra cơ sở đan viện làm nghề nông với đủ máy ép, bể nước, kho chứa và những nơi trú ẩn.

Hang quay về hướng đông, tránh được các ngọn gió tây và thu nhận đủ cái ấm áp của những tia nắng ban mai. Hang cũng mở ra một thung lũng hẹp, nơi súc vật có thể tụ lại lúc gặp nguy hiểm. Điều ấy càng chứng tỏ nơi này chính là nơi các mục đồng trú ngụ khi họ được thiên thần hiện ra báo tin vui. Các cha Dòng Phanxicô đã biến hang này thành một nhà nguyện có nhiều ý nghĩa. Mái đá tự nhiên của nó được phủ bằng một lớp mồ hóng đen như muốn chứng tỏ rằng nơi đây vốn được dùng làm chỗ tạm trú từ lâu.

Lúc chúng tôi ở đây, không hiểu từ đâu có những tiếng đồng ca bài “O come ye, all faithful, yoyful and triumphant, O come ye, o come ye to Bethlehem”, nhìn chung quanh chỉ thấy dăm ba người Á Châu đang trố mắt quan sát hang. Sau mới biết, bài hát đó vọng sang từ ngôi nhà thờ của Barluzzi, cách đó không xa. Điều đặc biệt là dù nhà thờ tại hang tự nhiên này mang đủ tính chất cổ kính, nó vẫn được trang hoàng bằng bức ảnh Đức Mẹ Guadalup khá lớn gần ngay bên bàn thờ. Ở đây, chúng tôi được suy niệm bài trình thuật mục đồng nghe tin vui và rủ nhau lên đường về Bêlem bái kính “Đấng Cứu Độ”.

Cách nhà thờ hang tự nhiên mấy bước là tàn tích của nhà thờ và đan viện thời Byzantine được các nhà khảo cổ định niên biểu thuộc thế kỷ thứ 4. Lên một chút
Nhà Thờ Chăn Chiên của Barluzzi
nữa, trên một nọn đồi nhỏ, các cha Dòng Phanxicô đã trao cho kiến trúc sư Antonio Barluzzi xây một nhà thờ khác trông giống như một chiếc lều du mục để tưởng nhớ các biến cố chung quanh việc thiên thần hiện ra với các mục đồng và sự kiện họ hân hoan lên đường đi bái kính Chúa Giêsu. Các biến cố này được vẽ lại trên ba bức bích hoạ lớn, do Noni thực hiện bên trong nhà thờ. Bức vui nhất chính là bức vẽ cảnh các người chăn chiên đủ lứa tuổi đang kéo nhau tiến về Bêlem. Người vui nhất vẫn là cậu bé, vừa đi vừa nhẩy mừng, có con chó cùng đồng hành trong những bước đi nhẹ nhõm. Cụ già dù không còn sức nhẩy múa như thế, nhưng cũng vác chiên trên vai, thẳng lưng tiến về nơi “Đấng Cứu Độ” sinh ra. Barluzzi mặc cho ngôi nhà thờ này một vẻ hân hoan trông thấy qua hàng chuông 3 chiếc trên nóc lối vào nhà thờ. Về hàng chuông này, Morton từng nhận xét: tại Bêlem, chỉ có một giọng Hồi Giáo mời gọi tín hữu cầu nguyện (muezzin) nhưng chuông thì nhiều lắm. Trên cổng vào là hàng chữ Latinh: Ecce angelus Domini stetit super illos” (Này thiên thần Chúa đứng trên họ). Nguyên bản Phổ Thông ghi là juxta illos, bên cạnh họ chứ không trên họ. Có lẽ ở đây, người ta muốn cho câu nói phù hợp hơn với bức bích hoạ của Noni bên trong nhà thờ chăng?

Lúc chúng tôi từ giã Cánh Đồng Chiên và cũng là từ giã Bêlem, mặt trời vẫn còn khá cao. Ánh nắng vẫn chan hòa khắp nơi. Xe buýt chở chúng tôi lại phải băng qua trạm kiểm soát của Do Thái trước khi thẳng đường trở lại Giêrusalem. Không như lần vào, trong lần ra này, tiếng “Vitnam” không có hiệu quả gì, mặc dù khuôn mặt của chúng tôi mười mươi khác khuôn mặt người Palestine. Tuy không phải xuống xe như hàng chữ lớn trên tấm bảng chỉ dẫn ở bên ngoài trạm kiểm soát nói rõ, chúng tôi vẫn được một nhân viên an ninh Do Thái thân hành lên tận xe xem mặt và yêu cầu xuất trình giấy thông hành. Câu các thiên thần hát trong lúc các người chăn chiên vây quanh Chúa Hài Đồng và được ghi một hàng trên mái vòm nhà thờ của Barluzzi: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an cho người thiện tâm dưới đất” chắc chắn bị lực lượng an ninh Do Thái ở đây cũng như các nhà cầm quyền của họ không lưu ý bao nhiêu.