Trận chiến văn hóa: đi với bụt mặc áo cà sa

Đối với nhiều người Công Giáo, trong trận chiến văn hóa hiện nay, ta đang bị vây hãm, đang bị những tên vô lại hung hãn tấn công một chiều chống lại một giáo hội yêu chuộng hòa bình. Hay còn tệ hơn nữa, đôi khi người ta cảm thấy như Giáo Hội đang ẩn mình đàng sau một pháo đài kính mầu, đang chia năm xẻ bẩy, gấu ó xem ai chính thống hơn ai, trong khi kẻ thù đang phá vỡ tuyến phòng thủ.

Ai cũng thấy điều ấy không đúng. Vì không có lý do gì Giáo Hội lại không thể xông thẳng vào thế gian và đuổi kẻ thù văn hóa của mình chạy dài. Nhưng để làm được việc ấy, ta phải học cách tấn công.

Thay vì tiêu phí thì giờ qúy báu trong cái pháo đài tự xây kia, ta nên lao mình vào tấn kích, truyền bá sự thật cho cái thế giới bao la ở bên ngoài. Điều ấy đòi một thái độ mới và một phương thức mới. Đức Gioan Phaolô II biết rõ điều ấy. Tại Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới ở Denver năm 1993, ngài nói: “Đây không phải là giờ để ta xấu hổ vì Phúc Âm. Mà là giờ để ta rao giảng nó từ trên các mái nhà. Các con đừng sợ phải phá vỡ các lối sống dễ chịu, theo thói quen, để có thể nhận lấy thách thức làm cho Chúa Kitô được biết đến nơi các phố thị tân thời”.

Muốn thế, ta phải từ bỏ thế thủ. Ta cần học cách thuyết phục các phố thị tân thời. Nhất là cần phải rao giảng sao đó mà nghe ra như không rao giảng, từ bất cứ mái nhà nào ta leo lên được. Người Công Giáo hình như đang thua xa thế gian trong cái hiểu phải làm sao để tranh biện trong thế kỷ 21. Đây là lúc ta phải trở nên thông minh như con rắn và ngây thơ trong trắng như chim bồ câu, chứ không ngược lại. Để đạt được điều đó, ta cần tới bốn quy luật sau đây của nghệ thuật tranh biện mà nhiều người cho là hiện đại, nhưng thực ra vốn bắt nguồn từ truyền thống hai ngàn năm nay của Kitô Giáo.

Quy luật 1: Không phải chỉ là luận điểm mà là bạn và luận điểm của bạn

Như Đức Hồng Y John Henry Newman từng nói “Trái tim thường được với tới không phải nhờ lý luận mà là nhờ trí tưởng tượng… Các con người ảnh hưởng tới ta, các lời nói làm ta mềm lòng, các cái nhìn khuất phục ta, các công trình làm lòng ta bùng cháy”. Trong A Grammar of Assent, vị hồng y này còn cho rằng các tam đoạn luận không thể khiến người ta tin Thiên Chúa. Chỉ có sự hiện diện đích thực của Thiên Chúa mới làm được điều đó. Cũng thế, các luận điểm của ta không thuyết phục được ai chấp nhận quan điểm của mình. Sự thật đơn giản là: người khác chỉ nhất trí với ta bao lâu họ tin ta trước đã. Và họ chỉ tin ta khi ta biết chỉ cho họ thấy cái đặc tính không thể rờ mó được của tính đáng tin mà các Kitô hữu vốn gọi tên là tình yêu.

Bạn không thể làm giả được tình yêu; dù có thử làm giả thì việc làm giả ấy sẽ bị dội ngược lại. Bạn phải thực sự tỏ ra quan tâm tới người đối nghịch. Điều ấy phải được coi là một ‘điều răn’ của cả Hội Thánh lẫn ngành giao tiếp nhân sự. Và khi bạn tranh biện với ai, cách thứ nhất để biểu lộ tình yêu đối với họ là kính trọng họ. Điều ấy không dễ như bạn tưởng. Muốn kính trọng ai, bạn phải có tâm thức cởi mở để hiểu rõ ràng rằng họ thực sự có điều quan trọng muốn nói.

Tom Hoopes, lúc đi kiếm việc làm lần đầu tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn, được Pat Fagan, lúc ấy đang làm việc tại Bộ Y Tế và Dịch Vụ Nhân Bản, cho một lời khuyên chí lý: “Nếu anh là một người thủ cựu, anh phải luôn đọc tờ Washington Post với một tinh thần cởi mở và tờ Washington Times với một con mắt phê phán”. Còn G. K. Chesterton thì nhận định rằng yếu tố chính trong thiên tài của Thánh Thomas Aquinas là ngài luôn làm cho các luận điểm của địch thủ nghe hay hơn là chính các địch thủ ấy.

Việc phải làm là đánh giá chính xác quan điểm của địch thủ, thì họ sẽ sẵn sàng lắng nghe các luận điểm của bạn. Ngoài việc nhận được thiện chí của họ, việc đánh giá chính xác kia còn cần thiết về phương diện thực tiễn nữa. Vì dù gì chăng nữa, bạn cũng không thể chuyển dịch được địch thủ ra khỏi một quan điểm mà chính họ không hề bao giờ chủ trương.

Một cách quan trọng khác để kính trọng địch thủ là: nhìn nhận khi mình lầm. Khuynh hướng nhân bản thường là đào hào cố thủ. Nhưng thái độ như thế chỉ tổ không những đánh mất luận điểm mà còn đánh mất cả tính đáng tin cậy nữa. Không ai chịu lắng nghe một con người cố chấp trong lầm lẫn của mình. Nếu bạn muốn người khác nhìn nhận lúc bạn đúng, bạn phải biết nhìn nhận khi bạn sai.

Quy luật 2: Nói ngôn ngữ của họ

Khi đã được lắng nghe rồi, bạn phải đối diện với thách thức thứ hai: nói điều địch thủ hiểu được. Người Công Giáo chúng ta có thói quen nói một thứ ngôn ngữ đầy những quan niệm luân lý và tham chiếu thẩm quyền Giáo Hội cũng như các tiên kiến (preconceptions) Kitô giáo, một ngôn ngữ người láng diềng của ta không tài nào hiểu nổi. Còn họ, họ nói một thứ ngôn ngữ khác hẳn. Đó là ngôn ngữ của chủ nghĩa thực tiễn duy tương đối, của chủ nghĩa cá nhân tin bản chất mình tốt, và của một thứ phi luân lý mà ta không hiểu được.

Vậy làm sao bắc được nhịp cầu? Ta thường có khuynh hướng và từng yêu cầu họ thuận theo thứ ngôn ngữ luân lý ‘cao hơn’ của chúng ta. Nhưng làm như thế, ta không đi xa được bao nhiêu. Muốn thuyết phục họ, ta phải nói một ngôn ngữ mà họ từng đã hiểu. Tức là chính ngôn ngữ của họ. Quy luật này áp dụng từ thượng tầng trở xuống. Và thực ra nó đã từng là chủ đề cho một thông điệp của Đức Giáo Hoàng. Các thông điệp của Đức Giaon Phaolô II có khuynh hướng khá nặng về trí thức, đề cập tới các vấn đề lớn lao như Phúc Âm Sự Sống, Đức Tin Và Lý Trí, Sự Chói Lọi Của Chân Lý…Tuy nhiên, ngài cũng từng viết loại thông điệp như Các Tông Đồ Người Slavs chẳng hạn, được coi như phương thức đặc trưng của ngài, và là bài học qúy giá cho người Công Giáo.

Thông điệp trên đề cập tới truyện hai thánh Cyril và Methodius, hai anh em tài hoa từng ẩn dật tại “một trong các đan viện dưới chân Núi Olympus”. Lịch sử bản thân của hai vị, và lịch sử của cả Âu Châu, đã thay đổi khi hoàng đế sai họ tới với sắc dân Slav, là sắc dân đang cần “một vị giám mục và thầy dạy… có khả năng giải thích cho họ biết đức tin Kitô giáo chân thật bằng ngôn ngữ riêng của họ”.

Thông điệp ca ngợi hai vị không những đã học ngôn ngữ của người Slav mà còn học hỏi ngôn ngữ ấy cách tốt hơn cả người Slav nữa. Vì hai vị đã tạo ra cả một mẫu tự để có thể phiên dịch Thánh Kinh sang ngôn ngữ mới này. Đức Thánh Cha khen ngợi cố gắng của các ngài “trong việc nắm vững thế giới bên trong của những người mà các ngài có ý định công bố Lời Chúa cho, bằng hình ảnh và khái niệm hết sức quen thuộc đối với họ”.

Câu truyện về các ngài rõ ràng có thể áp dụng vào thời ta: Hai người Công Giáo thông minh lui về Núi Olympus, dùng thì giờ của mình vui hưởng niềm tin với những người Công Giáo cùng một tâm trí. Nhưng rồi được sai đi phương xa, rời bỏ “các lối sống dễ chịu, theo thói quen, để có thể nhận lấy thách thức làm cho Chúa Kitô được biết đến”. Các ngài phiên dịch phúc âm sang ngôn ngữ sơ khai của một thế giới đóng kín và thù nghịch. Và nhờ thế, các ngài đã chinh phục được Đông Âu.

Liệu chúng ta có rời bỏ được Núi Olympus của riêng mình để chinh phục con người thời nay không? Chúng ta chỉ làm được điều ấy, khi chịu học để nói được ngôn ngữ của địch thủ. Hãy lấy cuộc nhân duyên đồng tính làm thí dụ. Công luận bảo rằng “người đồng tính là người nhã nhặn (nice). Tại sao lại không cho họ hưởng điều ta được hưởng?”. Câu trả lời rằng “Sinh hoạt đồng tính trái với Thánh Kinh” quả là đúng, nhưng câu ấy được phát biểu bằng một thứ ngôn ngữ chẳng ai nghe. “Sinh hoạt đồng tính là điều xấu ngay trong nội tại” có tốt hơn nhưng vẫn chưa có nghĩa.

Một luận điểm được lòng người hơn sẽ là tìm ra cốt lõi của chân lý trong luận điểm của địch thủ. Bất kể hiện nay nó trở nên tác hại đến đâu, nhưng mỗi một đợt công luận đều có một căn bản chân lý nào đó. Thí dụ, quả thật không nên khước từ hạnh phúc một cách bất công đối với người đồng tính. Cả Sách Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo cũng dạy vậy. Và như thế, ta có thể nhất trí với công luận về điểm ấy. Hạnh phúc của người đồng tính là điều quan trọng. Nhưng làm thế nào để người đồng tính được hạnh phúc hơn cả? Bạn hãy trích dẫn các con số thống kê để chứng tỏ cho người ta thấy: đồng tính luyến ái thường do bạo hành trẻ em gây ra và đã dẫn người ta tới trầm cảm, thất vọng và tự tử một cách quá đáng, không tương xứng. Rồi sau đó, ráp nối để có được một luận điểm tương tự như thế này: “Người đồng tính là người nhã nhặn. Tại sao lại chối bỏ các thực tại từng gây hại cho họ và buộc họ phải sống một cuộc sống chán chường? Ta hãy giúp họ tìm ra hạnh phúc thực sự bằng cách giúp họ ra khỏi lối sống ấy”.

Phong trào phò sự sống đã làm được việc đó với những hiệu quả lớn lao. Những nhóm như Đừng Im Lặng Nữa (Silent No More) đã hiểu được rằng công chúng bị các vấn đề của người đàn bà gây sao lãng đến quên không nhìn tới chính vấn đề sự sống. Cho nên họ nhất trí. Đàn bà cũng rất quan trọng. Rồi họ nhấn mạnh rằng phá thai làm thương tổ đàn bà một cách sâu xa. Ít nhất ở lúc khởi đầu, có thể luận điểm của bạn bị coi như quá thực dụng (utilitarian). Nhưng bạn có cơ may tốt hơn để tiếp diễn cuộc tranh luận nếu bạn chịu bắt đầu như thế.

Quy luật 3: Ai chứ không phải điều gì

Người yêu người và ghét các khái niệm trừu tượng. Điều ấy có tính sinh vật học. Hãy cho một bé thơ hình ảnh một người mà xem. Em mỉm cười liền. Nhưng nếu cho cùng bé thơ đó một hình thù hình học mà xem, em sẽ nhìn đi chỗ khác ngay. Các luận điểm cũng thế thôi. Ai biết sử dụng những con người có thực một cách khéo léo đều thắng cuộc cả, bất kể điều ấy có nên hay không.

Những người ủng hộ hôn nhân đồng tính một cách có ý thức về phương diện chính trị hiểu rõ điều ấy. Nhiều người trong chúng ta than phiền về sự thiên vị của truyền thông khi thấy các cuộc hôn nhân đồng tính trên truyền hình (hay các câu truyện mủi lòng về người đồng tính, người đồng tính mừng vui khi đạt được quyền lợi mới…). Nhưng thực ra đâu có đơn giản như vậy.

Các nhà tranh đấu cho người đồng tính lúc nào cũng phải đương đầu với một công chúng thường là thù nghịch. Cho nên họ đã phải nhọc công tìm học ngôn ngữ của nền văn hóa hiện đại, làm bài ở nhà, vận động nhiều người, gọi điện thoại, và đưa ra nhiều điển hình bản thân có sức thuyết phục để bênh vực cho luận điểm của mình. Họ có bao giờ biện luận về ý nghĩa của hôn nhân hay các mục đích của nó; họ chỉ đơn giản lý luận rằng “chúng tôi cũng là những con người có cảm xúc”. Và họ cũng chưa bao giờ nói với truyền thông về các hậu quả của việc định nghĩa lại hôn nhân. Họ chỉ nói tới Hillary và Julie, tới David và Robert. “Hillary Goodridge, 46 tuổi, ở Boston, phải thú nhận bà chính là chị ruột của người bạn đời là Julie Goodridge, 45 tuổi. Bà phải đi thăm Julie khi Julie được vội chở vào khu chăm sóc kỹ lưỡng dành cho người mới sinh sau khi hạ sinh đứa con gái đầu của họ là Annie”. Đó là nội dung một câu truyện của họ. Một câu truyện khác của họ như sau: “David Wilson, 58 tuổi, đã không dám nói rằng ông ta là anh ruột của người bạn đời của mình là Robert Compton, 53 tuổi, vì ông Wilson là người da đen, trong khi ông Compton, người trong 5 năm qua đã vào nhà thương tới 5 lần, lại là người da trắng”.

Bạn biết mục đích các bài báo đó muốn nói gì không? Họ muốn nói rằng hai con người đồng tính nhã nhặn là N và M cảm thấy bị thương tổn một cách hết sức đặc thù và đáng buồn vì những hạn chế trong luật pháp về hôn nhân. Nhà lập pháp đầy anh hùng là X cho hay: “Đó đều là những người nhã nhặn. Tại sao lại từ chối họ cùng một niềm hạnh phúc hôn nhân mà tất cả chúng ta đều có?” Câu truyện được ‘quân bình hóa’ vì trước đó, người ta cũng đã trích lời một ông bảo thủ khó tính là Y nói: “Kê gian [sodomy] là chuyện tồi bại”.

Thử tưởng tượng sẽ khác biệt dường nào nếu phe bảo thủ, thay vì nói như trên, chịu nói thế này: “Bạn tôi là Alicia nghĩ lối sống đồng tính làm cô ta hạnh phúc. Nhưng cô ta lại đau khổ vì bị người bạn đời đồng tính hành hung. Tác phong bạo hành này được các nhà nghiên cứu về đồng tính xác nhận đã xẩy ra khá thường trong cộng đồng đồng tính. Bây giờ Alicia đã từ bỏ lối sống ấy và đang làm lại cuộc đời cô”.

Hay tốt hơn nữa, thử tưởng tượng ra một tổ chức chuyên khích lệ những người trước đây có sinh hoạt đồng tính nhưng nay đã sống trong sạch trở lại. Tổ chức này ‘quấy quả’ tờ báo mấy tháng nay, bằng cách cung cấp cho nhà báo số điện thoại của mình. Kết cục nhà báo phải gọi tới để nói truyện với Alicia và được Alicia cho hay: “tôi thấy văn hóa đồng tính đã dối trá đối với tôi. Không ai cho tôi hay về nỗi chán chường của người đồng tính. Nhiều bạn thân nhất của tôi đã phải tự sát. Tôi rất mừng là đã bỏ lại phía sau tất cả những chuyện ấy. Ông làm ơn cho phổ biến câu truyện của tôi đi. Nhiều người cần đọc nó”.

Chỉ có làm như thế mới giúp người đọc có được điều gì đó để suy nghĩ. Trong nền văn hóa hiện nay, chỉ những ai biết nói ngôn ngữ của cử tọa và có truyện kể mới thắng cuộc tranh biện.

Quy luật 4: dựng một chính nghĩa tích cực

Đối với phần đông xã hội ngày nay, Giáo Hội Công Giáo chẳng phải là kẻ thù mà cũng chẳng phải là người cứu tinh. Giáo Hội ấy chẳng hề là một lực lượng mà người ta cần phải đương đầu. Giáo Hội ấy chẳng ăn nhằm gì tới họ. Có nhiều lý do giải thích điều ấy, và bạn có thể mặc tình đổ lỗi cho các vị giám mục, hồng y và hàng giáo sĩ nói chung. Nhưng thiết tưởng bạn cũng nên trách cứ hàng ngũ giáo dân đã lui về thế thủ, chỉ biết nói những câu như “ngươi không được” hay không nói chi cả.

Ta không bao giờ hái lượm được chi khi chỉ biết đối nghịch. Ta chỉ hái lượm khi dựng được một chính nghĩa tích cực cho điều mình đề nghị. Thời nào cũng thế thôi. Sở dĩ Chúa Kitô gây được biến động suốt thời gian công khai rao giảng, là vì Người có liên hệ hết sức gần gũi đối với thế giới, không phải chỉ là thế giới tôn giáo mà là thế giới nói chung. Trong lịch sử Giáo Hội, các hái lượm vĩ đại nhất của Đức Tin chỉ xuất hiện khi Đức Tin ấy biết đề cập thẳng tới các nhu cầu của thế giới. Các nhà truyền giáo biết truyền bá văn minh, các đan sĩ biết sáng lập ra trường học, các nữ tu biết sáng lập ra bệnh viện, các linh mục biết rao giảng hy vọng cho một thế giới tan vỡ, các vị ấy đều là các anh hùng liệt nữ biết đẩy xa chính nghĩa của Chúa Kitô.

Còn người Công Giáo ngày nay thì sao? Liệu chúng ta có đang loay hoay lao mình vào cố gắng ngăn chặn những tên vô lại hay thay vào đó đang đem sứ điệp biến đổi của Giáo Hội tới một thế giới đang bị các ý thức hệ tai hại phá phách? Hãy nhớ lại các thông điệp đã nhắc trên đây. Phúc Âm Sự Sống đề cập tới nỗi chán chường và trống rỗng của văn hóa sự chết, và đề nghị thiết lập ra một văn hóa sự sống. Đức Tin Và Lý Trí xuất hiện để cứu một nền khoa học đang ly dị khỏi thực tại tâm linh, bằng cách đưa ra chính nghĩa tích cực để tạo ra mối liên hệ hài hòa giữa hai thực tại này. Sự Chói Lọi Của Chân Lý, cũng vậy, một cách đầy thuyết phục cho người ta thấy sự gắn bó mạch lạc về luân lý đem con người tới hạnh phúc ra sao. Đó chính là những mỏ vàng giáo huấn có mục đích giải quyết các vấn đề thực sự. Tuy nhiên, chính nghĩa mạnh mẽ và tích cực làm thế nào để lời dạy của huấn quyền có thể giúp được thế giới vẫn còn rất hiếm hoi trong thừa tác vụ của Công Giáo.

Và không phải chỉ trong hành động mà thôi, mà cả trong thảo luận, luận đàm nữa, người Công Giáo vẫn còn khá nhiều tiêu cực. Người ta thường bắt gặp nhiều hoàn cảnh trong đó người Công Giáo được mời tới thảo luận về cách thế làm thế nào để có thể dùng học lý Công Giáo mà phục vụ thế giới. Chỉ sau mười mấy phút thảo luận,họ đã quay qua tranh luận xem ai đã phá hoại Công Đồng Vatican II.

Để trở thành một lực lượng có khả năng thay đổi tâm trí người ta, ta cần phải phá tan chu kỳ bới lông tìm vết. Ta cần dẹp tan những dự án chỉ biết dóng lên các chiều kích tiêu cực. Thế giới không phải là một lực lượng đe doạ chúng ta cho bằng là nơi đang hết sức cần tới các đóng góp của chúng ta. Tỏ ra mình đúng trước mặt địch thủ mà thôi không đủ. Mà còn cần phải vừa đúng vừa biết thuyết phục nữa. Khi phẩm giá sự sống và tính thánh thiêng của hôn nhân bị lâm nguy, ta không được hài lòng với việc chỉ bênh đỡ Chân Lý trong trận chiến một chiều. Ta phải làm sao thắng được trận chiến ấy.

________________________________________

Theo Tom Hoopes, chủ bút điều hành tờ National Catholic Register và đồng chủ bút với vợ là April tờ Faith & Family. Từ năm 1993 tới năm 1996, ông là thư ký báo chí của Bill Archer, chủ tịch Ủy Ban Thuế Khóa Hạ Viện Mỹ.