LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG
Cv 2,1-11; 1 Cr 12,3b-7.12-13; Ga 20,19-23
Chúa Thánh Thần,linh hồn của Giáo Hội


Chúng ta đang cử hành đại lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, biến cố đã làm thay đổi hoàn toàn đời sống của Giáo Hội sơ khai. Để chuẩn bị cho chúng ta cử hành đại lễ này có ý nghĩa, phụng vụ Lời Chúa hôm nay nói nhiều về Chúa Thánh Thần. Bởi thế, trong thánh lễ này, chúng ta tập trung suy niệm về Chúa Thánh Thần như là linh hồn của Giáo Hội.

Chúa Thánh Thần nắm giữ một vai trò quan trọng trong lịch sử cứu độ cũng như trong đời sống của người Kitô hữu. Nhưng trong việc thực hành đạo nhiều lúc chúng ta lãng quên Người.

Các tín hữu cần phải được huấn luyện để có sự hiểu biết đầy đủ về giáo lý chính thống liên quan đến nội dung đức tin. Nếu chúng ta chỉ tập trung đời sống đức tin vào Ngôi Cha, chúng ta đang ở giai đoạn “tiền Tân Ước – Pretrinitario.” Nếu chúng ta chỉ tập trung vào Chúa Kitô, mà lãng quên Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, chúng ta là những người theo khuynh hướng “độc thần duy Kitô – Christomoism.” Niềm tin căn bản mà Chúa Giêsu Mạc khải là niềm tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi: Chúa Cha, Chúa Con và Thánh Thần. Thiên Chúa có Ba Ngôi khác biệt nhưng hiệp nhất nên một. Mỗi Ngôi Vị có một vai trò và sứ mạng khác nhau, nhưng bổ túc cho nhau. Kinh Thánh cho ta biết: Chúa Cha là Đấng Sáng Tạo, Chúa Con là Đấng Cứu Độ, và Chúa Thánh Thần là Đấng Thánh Hóa. Tất cả mọi sự đến từ Chúa Cha, nhờ Chúa Con và trong Thánh Thần.

Trong ý hướng đó, hôm nay mừng lễ Chúa Thánh Thần, tôi muốn nhấn mạnh đến vai trò của Chúa Thánh Thần đối với Giáo Hội dựa trên những bài đọc mà chúng ta vừa nghe.

1. Thánh Thần, Đấng tái tạo

Bài đọc I kể lại sự kiên Chúa Thánh Thần được Thiên Chúa ban cho Giáo Hội sơ khai trong ngày lễ Ngũ Tuần dưới biểu tượng “gió và lửa”. Khi Thánh Thần được ban, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác nhau, tùy theo khả năng Thánh Thần ban. Những người hiện diện đều nghe các Tông Đồ nói tiếng mẹ đẻ của mình.

Có người giải thích: Không thể có chuyện các Tông Đồ nói được các tiếng nước ngoài, nhưng nhờ ơn Thánh Thần, khi các ngài giảng thì họ hiểu được trong ngôn ngữ của họ.
Nhưng đọc kỹ bản văn, sách Công Vụ Tông Đồ xác nhận:
“Họ kinh ngạc vì ai nấy đều nghe các ông nói tiếng mẹ đẻ của mình” (Cv 2,7).
Như vậy, các Tông Đồ nói được tiếng lạ nhờ Chúa Thánh Thần.

Điều quan trọng mà tác giả Kinh Thánh muốn gửi tới chúng ta đó là: Chúa Thánh Thần là Đấng làm cho con người hiểu biết nhau, hiệp thông với nhau và yêu thương nhau dù có khác biệt về văn hóa, chủng tộc, ngôn ngữ, quốc gia.

Biến cố Lễ Hiện Xuống khác với biến cố Babel trong Cựu Ước, nơi đó con người không hiểu nhau, chia rẽ nhau, dẫn đến sụp đổ và hủy diệt nhau. Còn biến cố Lễ Hiện Xuống khai sinh Giáo Hội, một Giáo Hội là họa ảnh của Thiên Chúa Ba Ngôi, được tiền định bởi Chúa Cha, được thực hiện bởi Chúa Con, và được bày tỏ nhờ Chúa Thánh Thần. Nhờ đó, mỗi người trong Giáo Hội hiệp thông với nhau nên một trong đức tin và trong sứ vụ của mình.

2. Thánh Thần, linh hồn của Giáo Hội

Chúng ta chuyển sang ý nghĩa của Bài Tin Mừng: Chúa Giêsu Phục Sinh là Đấng ban Thánh Thần cho Giáo Hội. Sau khi Chúa ban bình an cho các môn đệ, Chúa thổi hơi vào các ông và bảo:
“Anh em hãy nhận lấy Chúa Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ.”

Đây là một cuộc tạo dựng mới: Trong Cựu Ước, sách Sáng Thế tường thuật về cuộc tạo dựng đầu tiên: “Thiên Chúa thổi hơi vào Ađam, thì ông có sự sống.” Chúng ta lưu ý động từ “thổi hơi” của Kinh Thánh: có nghĩa là “ban Thần Khí”. Có Thần Khí là có sự sống. Thần Khí trở thành sức sống, là nguyên lý bên trong của con người.

Đức Giêsu Phục Sinh là Thiên Chúa, đã thổi hơi vào các môn đệ. Người ban Chúa Thánh Thần cách dồi dào cho họ và cho Giáo Hội. Từ đó, Giáo Hội được khai sinh, có sức sống để hăng hái lên đường rao giảng Tin Mừng cho mọi người, bất chấp mọi khó khăn thử thách. Tất cả điều đó là nhờ sự hoạt động của Chúa Thánh Thần. Người là “linh hồn của Giáo Hội.”

Vì thế, ở bài đọc II, thánh Phaolô ví Giáo Hội đó như là một thân thể mầu nhiệm, có nhiều bộ phận khác nhau, nhưng hiệp nhất nên một nhờ một đức tin vào Thiên Chúa duy nhất, một Phép Rửa và cùng một Thánh Thần. Chúa Thánh Thần là nguyên lý hiệp nhất của Giáo Hội. Người là Đấng ban cho Giáo Hội những đặc sủng khác nhau để phục vụ lợi ích chung.

3. Kết luận

Trong Hội Nghị Đại Kết ở Upsal, Thượng Phụ Hazim đã phát biểu những lời thật ý nghĩa về Thánh Thần:
“Không có Thánh Thần, Thiên Chúa rất xa vời, Đức Kitô thuộc về quá khứ, Tin Mừng là chữ chết, Giáo Hội chỉ là tổ chức, quyền bính là thống trị, truyền giáo là tuyên truyền, phụng tự chỉ là thuần túy tưởng niệm, hành vi Kitô hữu chỉ còn là đạo đức nô lệ.
Nhưng trong Thánh Thần, vũ trụ được nâng dậy và rên rỉ làm nảy sinh Nước Thiên Chúa, con người chiến đấu chống lại xác thịt, Đức Kitô Phục Sinh đến hiện diện giữa chúng ta, Tin Mừng trở thành quyền bính sự sống, Giáo Hội là hiệp thông Ba Ngôi, quyền bính nhằm phục vụ và giải thoát, Truyền giáo là một lễ Hiện Xuống mới.”
Amen!

ĐCV Thánh Phanxicô Xaviê
Nghệ An - Việt Nam
http://nguoinguphu.blogspot.com/