NGƯỜI LÃNH ĐẠO
(Chúa Nhật XXXI TN A)
Lãnh đạo, chỉ đạo là những hạn từ chúng ta thường xuyên được nghe, nhất là từ những vị đang nắm chức cao quyền lớn. Những con đường của hệ thống giao thông hay những con đường phát triển kinh tế, văn hóa xã hội…thì dĩ nhiên cần có sự lãnh đạo và dẫn đường của nhiều người. Tuy nhiên trong niềm tin Kitô giáo thì con đường về trời, nghĩa là con đường để có hạnh phúc vĩnh cửu thì chỉ có một người lãnh đạo, chỉ đạo duy nhất là Đức Kitô, vì chính Người đã khẳng định: “Không ai có thể đến với Chúa Cha mà không qua Thầy”(Ga 14,6); “anh em chỉ có một vị lãnh đạo là Đức Kitô” (Mt 23,11). Không ai có thể lên trời và dẫn dắt người khác lên trời nếu không phải là người đã từ trời mà xuống (x.Ga 3,10-13). Hệ luận tất yếu kéo theo đó là mọi xác phàm, dù là bậc hiền giả, bậc thánh nhân hay người sáng lập tôn giáo thảy đều chỉ thấy con đường về trời cách lờ mờ như thấy qua tấm gương đồng (x.1Cor 13,12).
Chúng ta tin rằng Chúa Kitô là Đấng từ trời mà xuống và chỉ mình Người mới có thể chỉ lối dẫn đưa nhân loại chúng ta về trời đến đích. Tuy nhiên khi chọn gọi nhóm Mười Hai Tông Đồ và các môn đệ thì Chúa Kitô muốn có nhiều người cộng tác trong việc dẫn đưa tha nhân đến hạnh phúc đích thực. Dù được vinh dự cộng tác với Đấng đã từ trời mà xuống thì những người được gọi là “lãnh đạo” trong đời sống tâm linh cũng vẫn còn đó nhiều hạn chế và bất cập, thậm chí có thể sai lầm.
Chúa Kitô đã từng vạch rõ những lầm lạc của nhiều vị lãnh đạo Do Thái thời bấy giờ. Sai một li đi một dặm. Một trong những nguyên nhân lớn làm phát sinh sự lầm lạc đó là lòng kiêu hãnh, tính cao ngạo, sự tự tôn. Sự tự tôn, kiêu ngạo thường được khoác lớp áo lộng lẫy bên ngoài hầu che đậy những bất cập, thiếu sót. Người kiêu ngạo, tự tôn khi giữ vị trí cao, vai trò lớn thì hay vẽ vời nhiều sự để “long trọng hóa” bản thân mình chẳng hạn như “nới rộng thẻ kinh, may dài tua áo...” (x.Mt 23,5). Chúa Kitô đã vạch rõ tình trạng này của nhiều lãnh đạo Do Thái giáo thời của Người bằng những lời xem ra thật gay gắt, có khi thì với đám đông dân chúng và có khi thì trực tiếp với chính họ.
Một hệ quả khó lường của sự tự tôn, tự kiêu đó là dễ phạm sai lầm gây hậu quả nghiêm trọng cho chính bản thân và cho tha nhân, nếu người tự kiêu, tự tôn đang giữ vị trí cao, đang nắm vai trò lớn trong xã hội hoặc trong tập thể tôn giáo. Sai lầm là thân phận con người, một chuyện thường tình dễ thứ tha. Thế nhưng việc khắc phục hậu quả là một vấn đề nan giải, nhất là khi hậu quả ấy lại di hại lâu dài cho đám đông dân chúng, đặc biệt những người thấp cổ, bé phận.
Chuyện mù dẫn mù, cả hai lăn cù xuống hố thì dễ nhận biết. Cái tai hại hơn cả đó là cái sự “quáng gà” cộng với sự tự cao của những người đang trong vai vế lãnh đạo. Biết một cách phiếm diện, biết một chiều, biết chưa rõ mà những tưởng rằng mình đã biết đủ đầy, biết rõ toàn diện thì bản thân không dễ nhận ra sai lầm của mình và tha nhân nhiều khi cũng khó phát hiện. Ngôn sứ Malaki đã chuyển tải lời của Thiên Chúa đến với nhiều tư tế thời bấy giờ: “Các ngươi đã đi sai đường lối, và làm cho nhiều vấp phạm lề luật...” (Bài đọc 1).
Một sự hiểu biết bất cập cộng thêm sư tự tôn thì hậu quả thật khó lường. Cần có nhiều Giona mạnh dạn nói lời chân lý không chỉ cho dân chúng mà còn cho cả những người đang nắm quyền cao chức trọng ngoài xã hội cũng như trong các tập thể tôn giáo. Sự thật thì chói tai. Nói lời sự thật thì dễ chuốc lấy hiểm họa khó lường. Chúa Kitô đã tuyên bố với dân chúng xưa rằng Người còn hơn cả Giona và Người khẳng khái trước mặt Philatô rằng Người bỏ trời đến thế gian này là để làm chứng cho sự thật (x.Ga 18,37).
Sự thật sẽ giải thoát chúng ta (x.Ga 8,32). Sự thật sẽ đưa chúng ta trở về đúng vị thế của mình. Không ai tự tạo nên chính mình và nhân vô thập toàn. Người khiêm nhu thì luôn ở trong sự thật và dù không thể tránh sai lầm ở điều này hay ở mặt kia nhưng chắc chắn sẽ tránh được những sai lầm gây hậu quả nghiêm trọng cho bản thân và tha nhân.
Lịch sử cho thấy đã có những dòng nước mắt kiểu ăn năn sám hối của nhiều vị lãnh đạo ngoài xã hội, đã có những động thái sám hối và lời xin lỗi của nhiều đấng bậc trong Giáo hội. Dù thực tâm hay chỉ là kế sách mị dân thì chúng xem ra đáng trân trọng. Tuy nhiên vấn đề hệ trọng là khắc phục hậu quả như thế nào đây. Và lịch sử cũng cho thấy việc khắc phục hậu quả thật là gian nan và không thể một sớm một chiều. Chính vì thế việc chọn lựa người lãnh đạo là việc mà mọi người, nhất là các nhân sĩ, những người có chút tâm và chút tài phải dấn thân đi đầu hướng dẫn đám đông quần chúng. “Mạnh ở tướng chứ mạnh gì quân”. Kinh nghiệm của cha ông chúng ta vẫn còn giá trị cách nào đó.
Ban Mê Thuột