CÓ THỂ THAY ĐỔI THẾ GIỚI
“Người này là lợi khí Ta chọn”.
“Thập giá, cột thu lôi của ân sủng, làm tắt cơn thịnh nộ của Thiên Chúa, để chỉ còn lại ánh sáng tình yêu Ngài! Trên đường Đamas, một Saolô hung hãn đã bị cột thu lôi của ân sủng quật ngã, và con người này đã khám phá sức hút của Thần Khí; nhờ đó, đã ‘có thể thay đổi thế giới!’”.
Kính thưa Anh Chị em,
Hôm nay, Giáo Hội kính nhớ thánh Phaolô, một con người bị “ân sủng và tình yêu Chúa quật ngã”; đúng hơn, một vị thánh mà sự cải đạo của ngài, có thể nói, là một trong những sự kiện quan trọng nhất sau cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu vào những thế kỷ đầu của Kitô giáo. Thật khó để nhấn mạnh quá mức ảnh hưởng của ngày lễ hôm nay, lễ kính một con người, một vị thánh bị ân sủng quật ngã, cuốn theo Thần Khí; một người đã ‘có thể thay đổi thế giới!’.
Để hiểu tầm quan trọng của một sự kiện lớn nhỏ, hãy xét xem mọi thứ sẽ như thế nào nếu sự kiện đó đã không bao giờ xảy ra! Đây là tiền đề của bộ phim “It’s a Wonderful Life”, “Cuộc Đời Tuyệt Vời” của F. Capra; Capra so sánh cuộc sống thực tế với một kịch bản giả định, “Nếu không như thế, điều gì sẽ xảy ra?”. Điều gì sẽ xảy ra nếu Phaolô chưa bao giờ trở lại? Chưa bao giờ viết một lá thư? Chưa bao giờ xuống tàu cho một hành trình truyền giáo? Điều đó có thể giả định một cách thuyết phục rằng, bản thân thế giới, không chỉ Giáo Hội, có lẽ sẽ trông ‘rất khác’ nếu không nói là ‘khá xa lạ’ so với ngày nay. Có lẽ, Kitô giáo vẫn sẽ giới hạn ở Palestine trong nhiều thế kỷ nữa, trước khi lan ra Âu Châu; có thể, Kitô giáo đã rẽ phải thay vì rẽ trái, và tất cả Trung Hoa, Ấn Độ sẽ theo văn hoá Công Giáo như Âu Châu ngày nay. Không thể nói được! Nhưng tác động quy mô toàn cầu từ việc Phaolô cải đạo cho thấy ý nghĩa của việc trở lại nơi một con người vốn đã bị cuốn hút bởi Thần Khí, con người đó ‘có thể thay đổi thế giới’ như thế nào! Tại sao? Bởi lẽ, Phaolô đã quá say mê Chúa Kitô, “đã là lợi khí” Ngài chọn!
Dẫu Công Vụ Tông Đồ không nói rõ các chi tiết chung quanh cuộc trở lại, nhưng các nghệ sĩ thích vẽ lại một Phaolô bị ném khỏi yên ngựa trên đường Đamas. Đang khi quờ quạng trên mặt đường, Phaolô nghe, “Saolô, Saolô, sao ngươi bắt bớ Ta?”, chứ không nghe, ‘Sao ngươi bắt bớ những người theo Ta?’. Rõ ràng, Chúa Kitô và Hội Thánh là một; bắt bớ Hội Thánh là bắt bớ Chúa Kitô. Phaolô tin điều các Kitô hữu đã tin trong nhiều thế kỷ, và vẫn tin cho đến ngày nay. Yêu mến Chúa Kitô là yêu mến Hội Thánh và ngược lại. Hội Thánh không chỉ là phương tiện chuyên chở mặc khải, nhưng Hội Thánh thực sự là một phần trong sự mặc khải của Thiên Chúa; và nhất là với Chúa Kitô, Hội Thánh gồm những con người đã định hướng theo Ngài, được cuốn hút bởi Thần Khí, trở nên “lợi khí”, đó là những con người ‘có thể thay đổi thế giới!’.
Kitô hữu là những “lợi khí” đã được định hướng! Kitô hữu không biết mình đi đâu, đi với ai, làm gì… khác nào cô bé Alice trong chuyện cổ tích “Alice Ở Xứ Thần Tiên”. Trong cuộc trò chuyện giữa cô bé và con mèo Cheshire, Alice hỏi, “Bạn vui lòng cho tôi biết, tôi nên đi con đường nào từ đây?”; con mèo trả lời, “Điều đó phụ thuộc rất nhiều vào nơi bạn muốn đến”. Alice bảo, “Tôi không quan tâm lắm!”; “Vậy thì bạn hãy đi theo con đường nào không quan trọng!”, con mèo trả lời. Kitô hữu biết mình đi đâu, đi với ai, làm gì!
Anh Chị em,
“Người này là lợi khí Ta chọn”. Khác với Alice lẻ loi trong xứ sở diệu kỳ, cuộc cải đạo của Phaolô tiết lộ rằng, Kitô hữu là người dò dẫm tìm đường dẫn đến Thiên Chúa. Đến với Chúa, bạn không đi một mình nhưng đi với tư cách thành viên của Hội Thánh vì bạn đã tháp nhập vào Hội Thánh trong ngày rửa tội; cũng từ ngày đó, bạn trở nên “lợi khí” của Ngài! Phaolô đã đến với Chúa qua biến cố Đamas; cũng bằng cách đó, trên những ‘Đamas’ của mình, sau khi bị quật ngã, bị cuốn hút bởi Thánh Thần, bạn và tôi đến với Chúa! Và như Phaolô, con người say mê Chúa Kitô, đã thay đổi thế giới; thì bạn và tôi, một khi say mê Ngài, chúng ta cũng ‘có thể thay đổi thế giới’.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, hôm nay, kết thúc tuần cầu nguyện cho các Giáo Hội Kitô hiệp nhất, xin cho con luôn là “lợi khí”, đừng là “hung khí” của Chúa, hầu con cũng ‘có thể thay đổi thế giới!’”, Amen.
(Tgp. Huế)