CHÚA NHẬT III MÙA THƯỜNG NIÊN

Is 8,23-9,3; 1 Cr 1,10-13.17; Mt 4,12-23

CHÚA GIÊSU, ÁNH SÁNG MUÔN DÂN

Trong thánh lễ Chúa Nhật III Thường Niên này, chúng ta suy niệm về chủ đề mà phụng vụ Lời Chúa hôm nay gợi lên: “Chúa Giêsu là ánh sáng muôn dân.”

1. Ánh sáng chiếu soi đêm tối

Trong bài đọc I, hình ảnh được dùng ở đây là ánh sáng. Tiên tri Isaia nói về Galilê là mảnh đất của dân ngoại, những con người không thanh sạch và nhỏ bé, thấp hèn. Nhưng trong cái nhìn tiên tri của Isaia, đây là nơi mà ánh sáng của Thiên Chúa sẽ xuất hiện và “dân đang lần bước giữa tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng; đám người sống trong vùng bóng tối, nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi” (Is 9,1). Dưới ánh sáng của mạc khải Tân Ước, chúng ta nhận ra ánh sáng mà Isaia loan báo đó chính là Đức Giêsu, Người là ánh sáng soi chiếu cho muôn dân.

Trong bài đọc II, thánh Phaolô nói với dân chúng ở Côrintô, những người được coi là đã đón nhận ánh sáng Chúa Kitô, ánh sáng đó đã đến với họ để soi chiếu lòng trí họ nhận ra con đường dẫn tới ơn cứu độ. Tuy nhiên, khốn thay có những tranh chấp, xung đột và chia rẽ đã xảy ra giữa cộng đoàn vì lòng trung thành và trung tín của họ. Ánh sáng của Chúa Kitô đã bị giảm thiểu và hiểu một cách sai lạc. Họ tranh luận nhau:

“Tôi thuộc về ông Phaolô, tôi thuộc về ông Apôlô, tôi thuộc về ông Kêpha, tôi thuộc về Đức Kitô. Thế ra Đức Kitô bị chia năm xẻ bảy rồi ư?” (1 Cr 1,12-13).

Thế ra, thay vì tập trung vào Chúa Kitô, họ lại tập trung vào các Tông Đồ, những người rao giảng về Chúa Kitô. Và như thế có một sự cắt đứt với ánh sáng ở giữa họ: một số thì trung thành hơn với Phêrô, một số thì trung thành hơn với Phaolô hay Apôlô hơn là trung thành với Chúa Giêsu. Điều này đã mang đến cho cộng đoàn những bóng tối về sự chia rẽ, thiếu sự hiệp nhất. Điều này là một sự nhắc nhở rất ý nghĩa cho chúng ta, những tông đồ của Chúa, các giám mục, linh mục, giáo dân, các cô thầy giáo, những người hướng dẫn… chúng ta không được chiếm chỗ của Chúa Kitô nơi dân chúng, không được cạnh tranh với Người. Bởi Người là ánh sáng cho muôn người và khi dân chúng đến với chúng ta, chúng ta phải hướng họ đến với Chúa Kitô như Phaolô đã làm.

2. Chúa Giêsu, ánh sáng thật

Trong bài Tin Mừng, chúng ta thấy Chúa Giêsu bước vào một khoảnh khắc của bóng tối, tương tự như trong bài đọc I, Isaia nói tới, dân bước đi trong đêm tối. Ở đây là bóng tối gì vậy? Gioan Tẩy Giả đã bị bắt và bị bỏ tù. Đó là một giây phút rất đen tối của xã hội lúc bấy giờ đối với các môn đệ của Gioan và cả các môn đệ của Chúa Giêsu, những người được Gioan giới thiệu đến với Người. Nhưng đây là khoảnh khắc đêm tối không biết làm sao để hướng tới ánh sáng, bởi vì khi Gioan Tẩy Giả bị bắt, Chúa Giêsu rút lui và lánh qua miền Galilê, đến ở Caphácnaum, một thành ven biển hồ Galilê. Người đến với đoàn dân ngoại, không trong sạch và bị khinh thường, từ đó ánh sáng đã bừng lên chiếu rọi mọi người.

Theo thánh Mátthêu, việc Chúa Giêsu rút lui để đến Galilê, nơi dân ngoại sinh sống là để ứng nghiệm lời ngôn sứ Isaia đã nói: Ánh sáng sẽ đến và ánh sáng Chúa Kitô đến với một thông điệp mở đầu:

“Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần” (Mt 4,17).

Nước Trời không phải là triều đại của thế giới này, nhưng là triều đại đến từ trên cao. Nước Thiên Chúa rất gần, đang đến với chúng ta và nó đến với chúng ta qua Galilê, qua một dân tộc bị ngờ vực, một dân tộc không thanh sạch. Ánh sáng sẽ đến. Nước Thiên Chúa đang đến với chúng ta. Nên chúng ta phải hoán cải đời sống. Vì Chúa đang đến với chúng ta, nên những gì không thuộc về Thiên Chúa cần phải từ bỏ và quay về với Chúa, trở về với ánh sáng này. Nước Thiên Chúa đang đến với chúng ta, vậy ngay bây giờ, chúng ta hãy chọn lựa để thuộc về Thiên Chúa. Nhưng chúng ta phải từ bỏ những sự lệ thuộc, những dính bén của chúng ta với những gì mà chúng ngăn cản chúng ta đến với ánh sáng Chúa Kitô.

3. Để nên ánh sáng cho đời

Có một cách thế khác để ánh sáng của Nước Thiên Chúa đến với dân chúng ở Galilê: Chúa Giêsu gọi 4 môn đệ đầu tiên của mình không ở Giêrusalem, thành thánh, nhưng ở miền quê Galilê. Phêrô, Anrê, Gioan và Giacôbê. Người mời gọi họ:

“Hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh trở thành những kẻ lưới người như lưới cá” (Mt 4,19).

Đây là lời mời gọi khác: Nước Thiên Chúa đã đến gần. Nào hãy đến và theo tôi. Tôi sẽ tôn trọng các anh, những ngư phủ. Tôi biết khả năng của các anh. Tôi biết các anh giỏi về mặt gì. Nào, hãy đến và theo tôi, tôi sẽ biến đổi các anh trở thành những kẻ lưới người. Cũng là một nghề, nhưng có gì đó khác biệt bởi vì từ đây, họ trở thành những người phục vụ Nước Trời. Họ sẽ trở thành những kẻ đánh bắt cá người như là ánh sáng đến chiếu soi và hướng dẫn họ đến với ánh sáng Chúa Kitô. Ngày hôm nay, Giáo Hội mời gọi tất cả chúng ta tham gia vào sứ vụ loan báo Tin Mừng cho thế giới. Đây là sứ vụ cao cả, đòi hỏi chúng ta phải từ bỏ như các môn đệ đầu tiên để có thể lên đường theo Chúa và loan báo Nước Trời. Tất cả chúng ta đều được mời gọi: Hãy theo tôi. Tôi sẽ làm cho các anh trở thành những kẻ loan báo Tin Mừng cho con người hôm nay.

Như thế, lời mời gọi của Chúa Giêsu không chỉ dừng lại ở việc là xa lánh các tội lỗi, nhưng còn làm cho mình sẵn sàng trở thành người phục vụ Nước Thiên Chúa, nhờ đó qua tôi, trong mọi sự, tôi trở thành một ngư phủ, một cảnh sát, một thầy, cô giáo, một doanh nhân, một thương gia…, tôi có thể đưa những người khác tới ánh sáng Nước Trời trong Chúa Kitô. Nhờ ánh sáng đó soi sáng, chúng ta đã được thoát cảnh tối tăm của u mê, tội lỗi, và giúp chúng ta sẵn sàng phục vụ Người. Amen!

ĐCV Thánh Phanxicô Xaviê - Nghệ An

http://nguoinguphu.blogspot.com/