21. XỬ PHẠT ĐẬU PHỤ

Tư mã Uông vì sợ nên không nói, mà hể mở miệng thì nhất định ra vẻ khép nép.

Một hôm, đứa con dâu vì ghét chồng sủng ái người phụ nữ khác, nên tức khí cầm dao cắt mất sinh thực khí của chồng, người nhà vội vàng đến báo cáo cho tư mã Uông.

Lúc ấy, khách khứa đang ngồi chật cả phòng khách đều kinh hãi hỏi duyên cớ, tư mã Uông lên tiếng trả lời:

- “Đây là con dâu tôi xử phạt đậu phụ (1) của con trai tôi đó mà !”

(Thanh ngôn)

Suy tư 21:

Ghen và đánh ghen thì thời nào cũng có, có loại ghen khôn và loại ghen ngu: ghen khôn là làm cho chồng (vợ) lương tâm áy náy ăn không ngon ngủ không yên; ghen ngu là sau khi thỏa mãn cơn ghen xong thì bản thân cũng vào nhà tù mà ở, tình mất mà họa thì mang.

Yêu nên mới ghen, đó là lý do để tạt át xít vào tình địch; yêu nên bảo vệ tình yêu, đó là lý do để rạch mặt bồ nhí của chồng; yêu là phải bảo vệ gia đình, đó là lý do để cắt sinh thực khí của chồng.v.v...tất cả kiểu đánh ghen trên đều mang một sự thù hận, là ngọn cuồng phong thổi tắt ngọn lửa tình yêu leo lét giữa chồng vợ...

Con người ta khi yêu thì ai cũng ghen cả, nhưng cách ghen của người Ki-tô hữu thì không như người khác, họ cầu nguyện, nhẫn nại, yêu thương và hết lòng tha thứ lỗi lầm cho chồng (vợ).

Đó là ghen để được chứ không phải ghen để mất, ghen để yêu thêm chứ không phải ghen để thù hận xa cách, ghen để hàn gắn chứ không phải ghen để đổ vỡ...

Đó chính là cái ghen khôn ngoan vậy !

(1) Hình phạt thời xưa, tức là cắt bỏ sinh thực khí của tội phạm.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info