Tìm Kiếm và Vui Mừng
CN 24 C

Tập 2 của bộ sách “Phúc Âm trong dụ ngôn”, Cha Nguyễn Tầm Thường suy niệm về 3 dụ ngôn “Con chiên bị mất, đồng bạc bị đánh mất và người con hoang đàng”, với 14 đoản khúc xuyên suốt 152 trang sách từ trang 117 đến trang 269. Thật nhiều kiến thức thú vị bổ ích, nhiều ý tưởng mới lạ, nhiều khám phá độc đáo và những suy tư sâu sắc. Xin được trích dẫn và nối kết vài ý tưởng để suy niệm Tin Mừng hôm nay.
- Matthêu viết Phúc Âm như hệ thống sư phạm, như thầy dạy.
- Maccô mệnh danh là Phúc Âm trên đường đi. Những biến cố quan trọng đều xảy ra khi Chúa đi trên đường.
- Luca như thầy thuốc, nhạy cảm với nỗi xót đau của bệnh nhân. Người đọc thấy Phúc Âm này trình bày Chúa bằng văn chương của lòng thương xót.
- Gioan viết Phúc Âm với những điều cao siêu về thiên tính Đức Kitô. Thí dụ, ngay câu mở đầu Gioan đã viết “Lúc khởi đầu đã có Lời”.

Mỗi tác giả Phúc Âm có lối viết riêng. Mỗi tác giả nhằm đến một đối tượng riêng và trình bày theo phương pháp của mình.
Phúc âm Luca mệnh danh là Phúc Âm của Lòng Thương Xót.

1. Tìm kiếm

Sau sự kiện Pharisiêu xầm xì, kết án Chúa về việc đón tiếp những người tội lỗi (x.Lc 15,1-2), Đức Giêsu kể ba dụ ngôn: Con chiên bị mất, đồng bạc bị đánh mất, người con hoang đàng.

Con chiên đi lạc, tự nó có trách nhiệm, nó đánh mất giá trị của nó, có khi chết, có khi nó mang thương tích. Đồng bạc tự nó không mất. Người coi sóc đánh mất nó, tự nó không mất giá trị. Kẻ khác tìm được, nó vẫn giá trị một quan tiền. Nó không trở thành miếng sắt. Ở đây sự tự do bắt đấu xuất hiện. Nơi con chiên, nó có tự do lựa chọn đi lạc. Sự tự do này sẽ là vấn đề sâu sắc hơn, nó dẫn đến trong dụ ngôn “đứa con hoang đàng”. Vì người con hoang đàng sẽ hoàn toàn sử dụng tự do của mình. Ba dụ ngôn “đánh mất” này liên hệ chặt chẽ với nhau. Luca trình bày rõ bối cảnh ra đời của ba dụ ngôn là nói với những người Pharisiêu.

Đặt ba dụ ngôn này trước các Pharisiêu, Luca cho thấy lòng thương xót Chúa nổi lên một cách siêu bạo. Chúa dám lấy lòng thương xót của Ngài chống lại một thế lực rất lớn bấy giờ. Họ đối nghịch với Chúa vì: “Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng”. Vì Pharisiêu mà Chúa kể ba dụ ngôn về thân phận tội lỗi, cần lòng thương xót. Vì biểu lộ lòng xót thương cho chúng ta là chiên lạc, là mất mát được đi tìm, là hoang đàng được bao dung mà Chúa dám đưa ra những dụ ngôn này để Chúa bị kết án cay nghiệt hơn.

Chủ đề cả ba dụ ngôn nói về tìm kiếm. Chúa dám dùng dụ ngôn này ám chỉ các lãnh đạo tôn giáo bấy giờ. Các dụ ngôn đề cao: trách nhiệm tìm kiếm, sự trở về của một người ăn năn, cộng đoàn phải đón nhận bằng mừng vui. Đây là những điều người Pharisiêu đã không làm, họ chống đối. Pharisiêu kết án người tội lỗi. Phúc âm Luca mệnh danh là Phúc Âm của Lòng Thương Xót, thương người tội lỗi, thương kẻ nghèo, thương người bị bệnh tật, nên lời Chúa trách Biệt Phái cũng nặng nề hơn, nhiều hơn. Luca cho nhiều chi tiết về thái độ Biệt phái tìm cách hãm hại Chúa.

Câu chuyện Chúa kể hai nghìn năm trước trong bối cảnh là trả lời Biệt Phái về giá trị cái phải tìm. Trong đời sống, ai mà không có kinh nghiệm một lần đánh mất. Đánh mất của cải, đánh mất tình bạn, đánh mất gia đình. Có nhiều thứ đánh mất lắm. Cay nghiệt nhất là đánh mất loại nào? Có bốn loại đánh mất:

- Mất vật chất như của cải
- Mất giá trị tinh thần như tình yêu, tình bạn
- Mất chính mình
- Mất ơn cứu độ

Đánh mất nào mà muốn có lại cũng phải đi tìm. Có tìm kiếm vất vả. Có tìm kiếm dễ dàng. Có tìm kiếm mà không thấy. Có tìm trong hy vọng. Có tìm trong nỗi lo.

Trong những thứ mất mát này, mất chính mình là điều sợ hãi. Người con thứ đi tìm một chân trời rất xa. Xa gia đình, xa tháp chuông, xa làng mạc, xa thềm nhà ngày xưa. Chiều sâu Luca cho thấy bước chân đi xa của anh ta ở đây là chiều kích tâm linh bắt đầu xuất hiện. Đi xa là muốn xoá nhoà căn tính, gốc gác. Mọi cuộc đỗ vỡ đều như vậy. Tội lỗi làm mờ căn tính là con Thiên Chúa. Bỏ nhà đi là làm mờ căn tính của mẹ cha. Trẩy đi phương xa thì phải có tính toán. Đi đâu? Có lẽ người con thứ đã dự tính. Không ai bỏ nhà đi mà không biết đi đâu. Vùng xa người con này đến phải là vùng người ngoại giáo. Người Do thái giữ Luật không bao giờ đụng đến heo. Sự kiện đi xa này không phải chỉ là địa lý làng mạc xa, mà xa trong tâm linh. Có thể đây mới là điều Luca nhắm tới. Nói cách khác là người con thứ đã bỏ đạo. Sống bên bầy heo. Ao ước được ăn đồ của heo. Chống lại tôn giáo của cha ông. Không đơn giản là bỏ nhà đi, người con thứ đã chích vào tâm linh mình một thứ ma quái đó là heo theo Luật Cựu ước. Đi xa rồi phóng đãng phung phí. Chia gia tài để nuôi một thần linh tối tăm. Bỏ tôn giáo của mình chưa hết, người con thứ thà ăn đồ ăn của heo chứ nhất định không về. Luca cho thấy rõ thêm, nếu được ăn đồ của heo, người con thứ sẽ không về. Tội kinh hoàng của người con thứ nằm ở đấy chứ không hẳn đơn giản là bỏ nhà đi.Thà ăn đồ ăn của heo là thà ăn đồ ăn ô uế của tà thần chứ không về. Không phải chỉ bỏ cha mà bỏ tôn giáo của cha mình, anh ta phạm đến Trời. Thật sự đã phạm đến trời cao bằng dày đạp lên Lề Luật tổ tiên.

Luca cho người cha tìm lại được con, với bước chân con không về trong hân hoan, nhưng như đống củi mục cháy không thành lửa, toả khói mù âm ỉ ray rứt. Trong văn chương Luca luôn là tương phản giữa tình yêu thật đẹp của người cha và dang dở của người con trên đường về. Nắng lên đó mà tê lòng. Gió có thổi mà hồn không mát. Luca vẽ chân dung người con thứ bỏ nhà đi bằng nhiều bóng màu kỳ diệu. Lúc ẩn, lúc hiện. Trong ánh nắng chiều tà có dáng bình minh. Trong niềm vui có ngại ngùng. Trong tiếng đàn ca bữa tiệc có lo âu bấp bênh của người cha không biết người con cả có vào nhà chung vui hay không. Lối về của người con thứ đem nỗi vui cho cha, nhưng Luca lại pha gam màu nỗi vui bằng dang dở của người anh, bằng thái độ không tha thiết trên đường về của đứa con đi hoang. Luca cho nhân vật trở về bằng cái đói. Một động lực trong mầu sắc đó không có gì cao sang. Một gam màu khá ảm đạm. Tại sao người con thứ không về bằng gam màu rực rỡ như tiếng khóc thảm thiết sám hối của Phêrô? Tại sao Luca không viết rằng người con cả ùa chạy vào nhà ôm em? Những cái kết có hậu như thế thì câu chuyện có đẹp hơn không? Lối về vì đói của người con thứ không lý tưởng trong ánh mắt của những nhà đạo đức. Nhưng trong con mắt các tội nhân, thì cách về của anh ta thật dễ. Nó thành đẹp và hy vọng cho một người tội lỗi yếu đuối. Cái về vì hồi tâm chỉ vì thấy mình đói mà nhà cha thì cơm dư, gạo thừa. Trong anh, ít nhiều vẫn có hình bóng cha. Anh tự đánh mất quyền làm con, nay anh không tự xin lại. Anh chỉ xin làm công, dựa vào ân huệ của cha. Nếu không hy vọng cho cho mình làm công thì anh về làm chi. Anh tìm về vì vẫn còn chút lòng cậy trông. Ai ngờ cha đã chuẩn bị nuôi bê từ lâu rồi. Không cần nói, đừng toan tính, đừng nghĩ công mình làm. Trong một chút cậy trông, áng màu nhẹ thôi mà Luca đưa người đọc vào thế giới bao la tình thương của Chúa “Con Người đến để tìm kiếm và cứu chữa những gì đã hư mất” (Lc 19,10).

2. Lòng Xót Thương.

Ba dụ ngôn đều đề cao hình ảnh một Thiên Chúa giàu lòng thương xót. Ngài xót xa khi một người lầm đường rơi vào tội lỗi. Do đó Ngài tha thiết tìm cứu người tội lỗi. Khi cứu được một người tội lỗi, Ngài rất vui mừng.

Chúa Giêsu bày tỏ niềm vui của Thiên Chúa khi người tội lỗi hối cải. Ở dụ ngôn thứ nhất, "trên trời sẽ vui mừng vì một người tội lỗi hối cải"; ở dụ ngôn thứ hai "các thiên thần của Thiên Chúa sẽ vui mừng vì một người tội lỗi hối cải"; và ở dụ ngôn thứ ba "phải ăn mừng, vì em con đây đã chết, mà nay lại sống, đã thất lạc mà nay lại tìm thấy".

Tội nhân hối cải, không những được tha thứ, nhưng còn được chờ đợi, được đón tiếp. Niềm vui của Thiên Chúa thật lớn lao khi người tội lỗi biết từ bỏ con đường xấu xa, trở về sống trong tình thương của Thiên Chúa.

“Người cha nhân hậu” là dung mạo Thiên Chúa giàu lòng thương xót. Khi chia gia tài cho con lòng cha đau đớn. Vì tôn trọng tự do của con chứ không phải cha nhu nhược. Ngày nhìn con ra đi, bóng nó nhạt dần cuối chân trời như cánh chim bay, lòng cha thấy trống trải, muộn phiền vì thiếu vắng hình bóng con. Ngày ngày cha ngóng trông đợi con trở về. Thế rồi một ngày kia, đứa con trở về thật. Nó về trong dáng vẻ thất bại thảm hại, thất thểu rách nát. Thua cuộc đời nó về làm dấy lên những lời bình phẩm của làng xóm. Giả như nó không về, người ta sẽ lãng quên. Nay nó trở về nhắc cho bà con làng xóm thấy sự thất bại của gia đình ông. Con ông về trong thất bại chua cay là câu chuyện đám tiếu đầu làng cuối xóm. Vậy mà ông mở tiệc ăn mừng. Thật lạ lùng!

Ở đời, khi con thi đậu đại học, khi con công thành danh toại vinh quy bái tổ, khi con là Việt kiều về thăm, cha mẹ mở tiệc ăn mừng, mời bà con làng xóm đến chia vui. Người ta thường dấu kín chuyện thất bại của con cái, người ta mắc cở không dám kể về đứa con bất hiếu, ngổ nghịch, ăn chơi đàng điếm. Người ta chỉ khoe đứa con ngoan, tự hào đứa con học hành thành đạt, vui mừng khi con có việc làm có sự nghiệp. Thế mà, người cha lại mở tiệc lớn. Mừng đứa con trở về thất bại tả tơi. Khách mời ngỡ ngàng khi chủ nhà giới thiệu con ông về nhà sau những ngày chăn heo đói khổ. Thế nhưng, người hiểu tình yêu là gì, tình phụ tử là gì thì thông cảm và chia vui với người cha. Cha đã tha thứ cho con trước khi con tự thú. Cha vui vì đứa con đã chết nay sống lại, đã mất nay tìm thấy.

Dung mạo người cha đó, chính là Thiên Chúa, Đấng giàu lòng xót thương. Thái độ người cha đối với hai đứa con là thái độ của Thiên Chúa đối với con người. Trong trái tim Thiên Chúa chỉ có tình thương. Người không có trí nhớ về tội lỗi con người.

Cha yêu con dù con hư hỏng, bất trung. Cha yêu con không vì con ngoan được việc, cha yêu con chỉ vì con là con. Cha không muốn mất một đứa con nào. Thiên Chúa của Đức Giêsu mạc khải là người cha nhân hậu, hiền từ, bao dung, hay tha thứ.

Hành trình thiêng liêng của cuộc đời, cả hai người con trong dụ ngôn đều có mặt trong mỗi con người chúng ta. Nhiều lần ta nghe theo cơn cám dỗ của thế gian xác thịt mà nên hoang đàng, hoang phí, gặp thất bại đau khổ mới hối hận trở về với Chúa. Nhiều lần ta là con cả tưởng mình đạo đức mà lên án tẩy chay người khác. Cần trở về với Cha, về với Thiên Chúa, Đấng giàu lòng xót thương.

3. Vui Mừng

- Niềm vui trong dụ ngôn con chiên lạc và đồng bạc tìm thấy là niềm vui trọn vẹn. Không ai chống đối.
- Niềm vui người con thứ trở về là niềm vui dang dở. Người con cả chống đối.
- Cả hai niềm vui trong “con chiên bị mất và đồng bạc bị đánh mất” dẫn đến một kết luận là nếu “một người tội lỗi ăn năm sám sối thì cả thiên đàng vui mừng”. Chữ “nếu” này nằm trong dụ ngôn thứ ba là “nếu” người con cả vào dự tiệc, “nếu” người con cả ăn năn sám hối thì cả bữa tiệc đều vui. Cả ba dụ ngôn sẽ thành trọn vẹn là những dụ ngôn của niềm vui.
- Dụ ngôn thứ ba là niềm vui ngay dưới đất. Ta thấy rõ trong gia đình, trong giáo xứ, một cộng đoàn, niềm vui hay bất hạnh xảy ra đều có liên hệ chung. Con người có khả năng tạo niềm vui hay bất hạnh. Tuỳ con người sử dụng tự do và ơn thánh. Niềm vui dưới đất này dẫn đến niềm vui thiên đàng mai sau.
- Người con thứ bỏ nhà đi sống với dân ngoại, giống như hình ảnh những người thu thuế đi với ngoại bang Roma, giống như những người tội lỗi mà Tin Mừng kêu gọi sám hối. Dọc theo Phúc Âm, hình ảnh người con cả dấp dáng trong cách đi, cách đứng của các Biêt phái, Kinh dư, Thông luật. Người con cả ở trong nhà mà xa cha. Như Biệt phái trong đền thờ mà xa Thiên Chúa. Họ kết án người khác. Họ xa lánh người có tội. Người con cả ở đây cũng kết án người em. Biệt phái dựa vào nhân đức của mình, như người con cả cậy vào công việc của nó. Giống người con cả là luôn nghĩ đến mình, anh ta không có niềm vui, những Biệt phái cũng vậy. Chủ đề sống thực của dụ ngôn là lời mời gọi trước niềm vui hay đổ vỡ là ta quyết định trong gia đình của ta hôm nay.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng, niềm vui chính là vẻ đẹp của Tin Mừng: “Niềm vui Tin Mừng tràn ngập tâm hồn và đời sống tất cả những ai gặp gỡ Chúa Giêsu. Những ai tiếp nhận đề xuất cứu rỗi của Người đều được giải thoát khỏi tội lỗi, buồn sầu, trống rỗng và cô đơn nội tâm. Với Chúa Kitô, niềm vui luôn luôn trổ sinh như mới”. (x.Tông Huấn Niềm Vui Tin Mừng).

Hạnh phúc là niềm vui, khi người ta vui thì hạnh phúc, khi người ta hạnh phúc thì người ta vui. Rất đơn sơ và rất dễ hiểu. Niềm vui là hoa trái của Chúa Thánh Thần. Những niềm vui làm thành cuộc đời. Niềm vui làm cho mỗi tâm hồn trở nên ấm cúng. Niềm vui chỉ thực sự có khi yêu thương. Khi không có tình yêu thì không có niềm vui thực sự.

Niềm vui là nét tiêu biểu của người Kitô hữu. Sống ở đời ai cũng mong mình có được niềm vui sống và nỗ lực đi tìm niềm vui. Người Kitô hữu xác tín rằng, niềm vui đích thực chỉ có nơi Thiên Chúa. Một khi biết mình đã có Chúa thì mọi âu lo buồn phiền sẽ không còn. Càng khám phá ra sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc đời, càng gia tăng niềm vui sống. Càng gặp gỡ Chúa trong cuộc sống, niềm vui sống càng sâu sắc bền vững. Niềm vui trong Chúa luôn là một niềm vui gia tăng sức mạnh cho tâm hồn trước những nghịch cảnh, đau khổ của kiếp người. Niềm vui trong Chúa cũng là niềm vui biến đổi đau thương thành hạnh phúc. Niềm vui trong Chúa giúp cho mỗi người có nghị lực vươn lên vượt qua nghịch cảnh.

“Hãy chia vui với tôi”, Thiên Chúa vui mừng khi con người sống thân mật với Ngài trong tình cha con.

“Hãy chia vui với tôi”, đó cũng là lời mời gọi mỗi kitô hữu chia sẻ niềm vui đức tin với anh em mình trong cuộc sống hàng ngày.