MỘT ĐỜI THỨ THA
“Sao ngươi không chịu thương bạn ngươi như ta đã thương ngươi?”.
C.S. Lewis viết, “Lòng thương xót sẽ chỉ nở hoa khi nó mọc trong những kẽ hở của tảng đá công lý; cấy vào vùng đầm lầy của chủ nghĩa nhân đạo đơn thuần, nó trở thành một loài cỏ dại ăn thịt người, và trở nên nguy hiểm hơn. Lòng thương xót không coi thường công lý nhưng đòi hỏi một mảnh đất có khả năng xót thương vốn có thể thứ tha cho người khác!”.
Kính thưa Anh Chị em,
Ý tưởng của C.S. Lewis được gặp lại trong Lời Chúa hôm nay khi Chúa Giêsu cho biết, dù không có giới hạn trong việc cho và nhận sự tha thứ; nhưng vì chúng ta được Thiên Chúa tha cho món nợ không thể trả nổi, nên chúng ta có bổn phận phải tha thứ cho người khác. Không phải một lần, bảy lần, nhưng bảy mươi lần bảy; nghĩa là, tha cả một đời, hay ‘một đời thứ tha!’.
Khi đặt câu hỏi về sự tha thứ, Phêrô trực tiếp đưa ra câu trả lời mà ông nghĩ là Chúa Giêsu sẽ hài lòng, “Thưa Thầy, có phải bảy lần không?”. Chúa Giêsu tiết lộ, ‘Gấp 70 lần’ số lần Phêrô dạm hỏi! Và Ngài kể dụ ngôn về hai món nợ rất khác nhau. Người đầu tiên nợ một số tiền khổng lồ; thời Chúa Giêsu, số tiền này lớn hơn tổng doanh thu của một tỉnh, nhiều hơn giá chuộc một vị vua! Tuy nhiên, người được tha món nợ đáng kinh ngạc này lại không thể tha cho người hàng xóm một món nợ rất nhỏ, chỉ bằng một phần trăm nghìn món nợ của chính anh ta.
Lòng thương xót không coi thường công lý! Vì thế, Chúa Giêsu nói, “Chủ nổi giận, trao y cho lý hình hành hạ, cho đến khi trả hết nợ”; Ngài nói thêm, “Vậy, Cha Thầy trên trời cũng xử với các con đúng như thế, nếu mỗi người trong các con không hết lòng tha thứ cho anh em mình”. Đó chắc chắn không phải là những gì chúng ta muốn nghe từ Chúa Giêsu! Nhưng tin tốt lành là Ngài rất khao khát tránh được một cuộc đối đầu khủng khiếp như thế. Chúa Giêsu không muốn bất kỳ ai trong chúng ta chịu trách nhiệm về sự xấu xí của tội lỗi mình; mong muốn cháy bỏng của Ngài là ‘một đời thứ tha’ cho chúng ta, và chúng ta, ‘một đời thứ tha’ cho anh chị em mình!
Chúa Giêsu đã trả chính mạng sống Ngài để giải thoát chúng ta khỏi món nợ tội lỗi. Vì thế, không một lỗi lầm nào tha nhân xúc phạm chúng ta lại có thể sánh với khoản nợ cá nhân của chúng ta đối với Chúa. Trong bài đọc thứ nhất hôm nay, trước một dân ngỗ nghịch, Thiên Chúa sai Êzêkiel đi cảnh cáo dân; rằng, họ sẽ phải đi lưu đày nếu tiếp tục ăn ở bất xứng với Ngài. Thông điệp của Êzêkiel cho Israel cũng là thông điệp gửi đến chúng ta, Chúa nhân từ với chúng ta, chúng ta cũng phải nhân từ với tha nhân; Thánh Vịnh đáp ca thật ý nghĩa, “Anh em đừng lãng quên những việc Chúa làm!”.
Anh Chị em,
“Sao ngươi không chịu thương bạn ngươi như Ta đã thương ngươi?”. Đó là công lý của Thiên Chúa! Tha thứ cho người khác là thước đo tình yêu của chúng ta dành cho Chúa. Ai cảm nghiệm được Chúa thương và Chúa tha, người ấy mới có đủ sức thương tha. Như vậy, tha thứ cho người khác là giải thoát bản thân mình. Lòng thương xót là mặt trái của công lý nơi Thiên Chúa; nó “mọc lên từ kẽ hở của công lý”. Không có lòng thương xót, công lý chỉ là sự lạnh lùng, tính toán và thậm chí là tàn nhẫn, vì lúc đó, “nó là loài cỏ dại ăn thịt người”. Thương xót đi theo công lý và hoàn thiện nó. Cầu xin lòng thương xót Chúa mà không thương xót đồng loại là coi thường công lý; bởi lẽ, công lý của Chúa đòi buộc chúng ta ‘một đời thứ tha!’.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, xin cho con biết thứ tha cho anh chị em con như Chúa đã tha thứ cho con; xin giải thoát con khỏi mọi đắng cay và oán hận để con có thể sống ‘một đời thứ tha!”, Amen.
(Tgp. Huế)