Có người coi Đức Phanxicô là vị Giáo Hoàng đầy những điều bất ngờ ngay từ lúc mới được bầu làm Giáo Hoàng cho tới tận ngày nay. Việc ngài xuất hiện lần đầu trên ban công chính Nhà Thờ Thánh Phêrô trong đêm được bầu với lời chào buena sera bình dân không nghi thức, với cây thánh giá gỗ đeo trước ngực, không khăn áo trọng thể, chỉ một bộ áo dòng trắng đơn giản, và với lời yêu cầu xin mọi người cầu nguyện cho mình trước khi ban phép lành đầu tiên trong ngôi vị đại diện Chúa Kitô đã làm dấy lên cả một thủy triều tươi mát tắm gội cõi lòng hơn một tỷ người Công Giáo hoàn cầu đang rầu rĩ vì mất một người cha họ hằng qúy mến cả hơn một phần tư thế kỷ nay. Rồi ngày hôm sau, ngài đích thân đi trả tiền phòng trọ, tự mang lấy chiếc “cartable” liền thân từ những thuở nào, càng làm người ta khoái trá thấy rõ một phong thái khác hẳn, và gần gũi hẳn.



Sau đó vào buổi sáng hôm sau, tại Nhà nguyện Sistine, các vị Hồng Y hẳn phải hết sức ngạc nhiên, khi ngài, không trích dẫn ai, nhưng đã trích dẫn nhà văn Pháp cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, trong bài giảng lễ đầu tiên rất ngắn của ngài, đó là Léon Bloy.

Bài giảng nói tới ba điều: hành trình, xây dựng và tuyên xưng. Hành trình như Ápraham, trước nhan Thiên Chúa, không tì vết, dưới sự soi sáng của Người, không ngừng, bao lâu ta ngừng, sự vật ra tồi tệ. Xây dựng Giáo Hội bằng những viên đá sống động, được Thánh Thần xức dầu, trên đá tảng là Chúa Kitô. Tuyên xưng dĩ nhiên là tuyên xưng Chúa Giêsu Kitô. Làm hai điều kia, mà không tuyên xưng Chúa Kitô, chúng ta chỉ là một cơ quan phi chính phủ, không phải là Giáo Hội. Nói cho cùng, không tuyên xưng Chúa Kitô là tuyên xưng tính thế gian của ma quỉ như câu bất hủ của Léon Bloy: “ai không cầu nguyện với Chúa là cầu nguyện với ma quỉ”!

Trong một bài giảng hết sức ngắn, không trích dẫn bất cứ vị thánh hay vị tiền nhiệm nào mà chỉ trích dẫn một nhà văn bố đời được chính ông ta và nhiều người coi là anh chàng ăn mày vô ơn (mendiant ingrat). Cả là một chuyện lạ.

Mấy tháng sau, ngày 2 tháng 10 cùng năm, trong buổi yết kiến chung thứ tư hàng tuần tại Quảng trường Nhà thờ Thánh Phêrô, nhân nói đến Giáo Hội “thánh thiện”, ngoài Kinh thánh ra, Đức Phanxicô không quên trích dẫn Léon Bloy một lần nữa, lần này dĩ nhiên về sự thánh thiện. Cái ông ăn mày vô ơn này làm sao có liên hệ đến sự thánh thiện của Giáo Hội?

Nguyên văn đoạn cuối bài Giáo lý như sau: “Câu hỏi cuối cùng: tôi, một kẻ tội lỗi yếu đuối mỏng dòn, tôi có thể làm gì được? Thiên Chúa nói với anh chị em: đừng sợ sự thánh thiện, đừng sợ phải nhắm cao, hãy để Thiên Chúa yêu thương và thanh tẩy, đừng sợ để Chúa Thánh Thần hướng dẫn anh chị em. Chúng ta hãy để mình bị lây nhiễm bởi sự thánh thiện của Thiên Chúa. Mọi Kitô hữu đều được kêu gọi nên thánh (xem Hiến chế Tín lý Lumen Gentium, các số 19-42); và sự thánh thiện không hệ đặc biệt ở việc làm những điều phi thường, nhưng hệ ở việc để Thiên Chúa hành động. Đó là việc gặp gỡ giữa sự yếu đuối của ta và sức mạnh ơn thánh của Người, chính việc có đức tin vào hành động của Người đã cho phép ta sống trong đức ái, làm mọi việc một cách hân hoan và khiêm tốn, vì vinh quang Thiên Chúa và để phục vụ người lân cận của ta. Có một câu nói thời danh của một nhà văn Pháp Léon Bloy, người trong những giờ phút cuối cùng đời ông, đã nói rằng: ‘Ở trên đời, chỉ có một nỗi buồn đích thực là không trở nên một vị thánh’. Ta đừng đánh mất niềm hy vọng thánh thiện, chúng ta hãy theo nẻo đường này. Chúng ta có muốn nên thánh không? Chúa đang chờ đợi chúng ta, luôn với đôi cánh tay rộng mở. Người chờ đồng hành với ta trên con đường thánh thiện. Chúng ta hãy sống trong niềm vui đức tin của chúng ta, chúng ta hãy để mình được Chúa yêu thương...”.

Năm năm sau, không những không quên, Đức Phanxicô còn chép lại đoạn văn trên gần như từng chữ, kể cả câu thời danh của Léon Bloy, trong tông huấn Gaudete et Exultate, Hãy Hân Hoan Vui Mừng, được ngài ký công bố vào ngày Lễ Thánh Cả Giuse, 19 tháng 3 năm 2018.

Thực vậy đoạn 34 của Tông Huấn viết như sau: “Đừng sợ nhìn lên cao hơn, để cho phép mình được Thiên Chúa yêu thương và giải phóng. Đừng sợ để cho mình được Chúa Thánh Thần hướng dẫn. Sự thánh thiện sẽ không khiến bạn trở thành kém chất người đi, vì nó là một cuộc gặp gỡ giữa sự yếu đuối của bạn và quyền năng của ân sủng Thiên Chúa. Cuối cùng, như Léon Bloy đã nói, ‘trên đời chỉ có một bi kịch lớn nhất, ấy là không trở thành một vị thánh’”.



Câu nói trên quả là của Léon Bloy trong cuốn tiểu thuyết thời danh La Femme Pauvre của ông viết năm 1897. Nhưng ngoài hai câu trích dẫn trên đây, Đức Phanxicô chưa bao giờ nói về chính con người của Léon Bloy hay triết lý sống hoặc lối “nên thánh” của ông ta. Thực ra ông ta là ai?

Bách khoa từ điển Công Giáo đầu thế kỷ 20, cùng thời với Léon Bloy, không có một mục nào dành cho ông. Bách Khoa Công Giáo hậu bán thế kỷ 20 dành cho ông chỉ một cột duy nhất với một thư mục vỏn vẹn trên dưới 10 cuốn sách.

Theo đó, ông sinh tại Périgueux, Pháp, ngày 11 tháng 7, năm 1846; qua đời tại Bourg-la-Reine, ngày 3 tháng 11, năm 1917. Cha Bloy người Pháp. Mẹ là người gốc Tây Ban Nha. Thiếu thời chịu ảnh hưởng của bầu khí phản giáo sĩ và Tam điểm do người cha gieo rắc. Nhưng khi tới Paris, Ông chịu ảnh hưởng của tiểu thuyết gia Barbey d’Aurevilly, và không lâu sau đó, tham gia một nhóm nhà văn chung quanh Villiers de l’Isle-Adam và Huysmans. Một trải nhiệm huyền bí đã phục hồi đức tin Công Giáo của ông, một đức tin được ông tuyên bố sẽ bảo vệ đến cùng. Lòng đạo đức của ông vừa khiêm nhường vừa cao ngạo và tính bạo lực trong ngôn ngữ văn chương của ông khiến ông bị cô lập. Năm 1890, ông thành hôn với con gái một giáo sư người Đan Mạch mới trở lại Công Giáo. Cuộc sống bên cạnh gia đình của ông sau đó diễn ra trong cảnh nghèo, vì các tác phẩm của ông được rất ít người đọc. Chỉ sau khi ông qua đời, nhiều người mới biết đến các tác phẩm này.

Bách khoa Công Giáo dùng các tĩnh từ sau đây mô tả về ông: lãng mạn, đôi khi huyền nhiệm và đôi lúc ngỗ ngược hung hăng. Đôi khi ông viết về những vùng tinh khôi của tình yêu Thiên Chúa và niềm hy vọng hân hoan. Ông có ngòi bút vững vàng, và mặc dù văn phong của ông thường long trọng, nhưng đôi khi giễu cượt, và luôn độc đáo. Tính tình ông đưa ông tới các lập trường cực đoan. Ông không mấy thích các vấn đề chính trị và xã hội, nhưng ông không ngần ngại khiển trách những người bị ông coi là dưới mức trách nhiệm của họ bất kể đó là người giầu, nhà văn hay giáo sĩ. Ông được kể vào số các nhân vật phục hưng nền văn chương Công Giáo đầu thế kỷ 20 cùng với Charles Péguy và Paul Claudel.

Viết thế quả mới phần nào về con người của Léon Bloy. David Bentley Hart, trong lần tái bản năm 2017 cuốn The Pilgrim of the Absolute do vợ chồng Jacques và Raissa Maritain thu thập một số bài tiêu biểu của Léon Bloy, cho hay: “đối với đại đa số những người quen biết với ông, biết ông là không ưa ông..., và ngay cả những người chỉ biết ông qua các trước tác của ông, cũng thấy ông thường xuyên không thể chịu đựng được... Ông là người của các cực đoan, tu từ, khái niệm, nghệ thuật, tôn giáo, xúc cảm, một con người không có khả năng đứng trung dung một cách an toàn thoải mái như phần lớn chúng ta quen sống cuộc sống mình và tạo ra các thích ứng chung quanh mình. Quả là mất thì giờ vô ích đi tìm những giây phút ôn hòa hay giao động, cả trong ông lẫn trong công trình của ông; ở đấy không có gì thuộc loại này... ông là cỗ máy nổi giận đầy kịch tính không biết mệt mỏi - những cơn thác phẫn nộ, phỉ báng, mắng nhiếc, cay đắng, thù hận – và ông buông những lời thù nghịch này một cách quá đáng không biết hối hận đến trở thành tâm bệnh”.

Alan Morris, O.P. (1) nhận xét: “Ông chịu rất nhiều nghèo túng và bất công. Các cố gắng văn chương của ông mang lại cho ông rất ít tiền bạc, rất ít ca ngợi, và rất nhiều thóa mạ. Dễ hiểu lý do tại sao sách vở của ông không nổi tiếng với người đương thời. Với người Công Giáo, chúng gây bối rối, ngỡ ngàng và tác giả của chúng dường như là một người bênh vực Đức Tin đáng sợ hơn người tấn kích nó. Ngạo mạn và thiếu bác ái, đầy mùi phản giáo sĩ, Bloy quật các tín hữu túi bụi vì tính tẻ nhạt, tầm thường của họ. Đối với những người ở bên ngoài cộng đồng tín hữu, ông là kẻ thù không đợi trời chung. Ngòi bút cay độc của ông mắng mỏ họ đủ kiểu. Ông gọi Guy de Maupassant là côn trùng; Daudet là đạo văn Dickens; Ernest Renan là bình rượu khoa học. Từ điển mở Wikipedia thì cho hay ông chỉ trích tính “già nua”, “bần tiện” và “giả hình” của Victor Hugo, coi ông như một trong những nhà “chiêm niệm cặn bã sinh học”. Ông gọi Emile Zola là một kẻ “không đầu” (acéphal), vì không thừa nhận bất cứ giá trị siêu nhiên nào.

Về mùi phản giáo sĩ, theo Benjamin Ivry (2), Bloy có lần ví von “các linh mục là những nhà cầu. Họ ở đó để nhân loại đổ các chất dơ của chúng ta xuống”. Còn Joe Heschmeyer (3) nhận định rằng Bloy cực lực lên án các linh mục và giám mục thờ ơ với người nghèo, và nịnh bợ người giầu, coi họ tệ hơn Giuđa vì dù sao tên này còn biết xấu hổ trả lại 30 đồng bạc và đi tự tử. Còn trong bài Léon Bloy: Lost in the Modern World (4), tác giả bài viết cho rằng “bạo lực trong các lời công kích và các thoá mạ của ông, đôi khi chống cả Giáo Hoàng làm công chúng ngỡ ngàng và tạo cho ông một số kẻ thù dứt khoát... Một trong các bài viết cuối cùng của ông tựa là Pilate XV chính là một bài viết chống Đức Bênêđíctô XV vì thân Đức trong chiến tranh”.

Thành thử không lạ gì, sau khi ông qua đời, có yêu cầu đặt ông vào số các tác giả có sách cấm (Index). Lời tố cáo phát xuất từ một luật sư ở Nice, Raymond Hubert, người vào năm 1915 cho công bố một cuốn sách tựa là Léon Bloy, sa doctrine, son paraclétisme, ses blasphemes, ses outrages envers la Papauté, ses insultes à son Eminence le cardinal Amette, archévêque de Paris, etc (Léon Bloy: Học thuyết, chủ nghĩa Chúa Thánh Thần, các mạo phạm, các giận dữ chống Ngôi vị Giáo Hoàng, các nhục mạ chống Đức Hồng Y Amette, Tổng Giám Mục Paris, etc.).

Văn phòng Thánh, tiền thân của Bộ Giáo Lý Đức Tin, lúc đó chỉ điều tra chủ nghĩa Chúa Thánh Thần trong công trình của Bloy. Vì trong một số tác phẩm của mình, Bloy dường như muốn cho rằng công trình Cứu Chuộc của Chúa Giêsu không hoàn tất, cần được củng cố hay đúng hơn được làm lại bởi Chúa Thánh Thần.

Một số nhà tư vấn khảo sát các tác phẩm của Bloy nhưng cuối cùng một huấn dụ lên án thứ văn chương “huyền nhiệm gợi dục” (mystical-sensual) được gửi tới đấng bản quyền ngày 3 tháng 5 năm 1927 nhưng không nêu tên ai. Công lớn trong vụ này là nhờ Jacques Maritain, người con đỡ đầu rất thân thương của nhà văn.

Ấy thế mà ông lại trở thành nhà văn được vị đương kim Giáo Hoàng trân trọng trích dẫn. Hẳn con người thực của Léon Bloy không hẳn như thế, người từng là cha đỡ đầu của cặp vợ chồng tân tòng nổi tiếng thế kỷ 20, Jacques và Raissa Maritain, của họa sĩ Georges Rouault. Ông gây ảnh ưởng tới các văn sĩ nổi tiếng như Georges Bernanos, Grahame Greene, Jorge Luis Borges, và Franz Kafka. Cả Thomas Merton hậu sinh dù đích thân không bao giờ gặp cũng muốn làm con đỡ đầu của Léon Bloy.

Đúng như thế, con người của Léon Bloy không đơn giản. Ít nhất thì không chỉ có thế. Nói về các giáo sĩ, ông chỉ trích là chỉ trích các giáo sĩ về hùa với người giầu, khinh bạc người nghèo, chứ về chức linh mục, Joe Heschmeyer (5) cho rằng chưa có ai viết về linh mục hay bằng Léon Bloy. Trích tuyển tập The Pilgrim of the Absolute (các trang 221-23), tác giả này kể rằng trong một bức thư gửi cho một nhà toán học chống giáo sĩ, Léon Bloy viết như sau: “Bạn nói rằng bạn không biết ‘bất cứ linh mục nào có thể giành được sự vâng lời của bạn’. Tại sao lại nói điều đó với tôi về mọi người [linh mục], bạn thân mến của tôi? […] Tôi nghĩ bạn không thể viết những lời đó mà không có một chút xấu hổ. Tôi từng biết nhiều linh mục là những người đáng ngưỡng mộ, tôi vẫn còn đang biết một số vị, và tôi sẽ còn biết nhiều vị khác không nghĩ gì trong đầu ngoài Vinh quang của Thiên Chúa, Sự cứu rỗi các linh hồn, việc Truyền bá Tin Mừng cho Người nghèo. Chúng ta đã sa sút đến mức những chữ này trở nên thô tục; nhưng tôi không ngại viết chúng…

"Phản đối tình cảm không có giá trị gì. Người ta có hay không có bổn phận vâng phục Thiên Chúa và Giáo Hội? Toàn bộ câu hỏi nằm ở đó. Từ quan điểm rất đơn giản này, linh mục không hơn gì một công cụ siêu nhiên, một máy phát điện của Đấng Vô hạn; và người ta phải [là một kẻ ngốc] mới thấy bất cứ điều gì khác, vì tất cả những điều này diễn ra và phải diễn ra trong Đấng Tuyệt đối. Trong hơn ba mươi năm nay, tôi đã tham dự các thánh lễ do các linh mục không quen biết với tôi cử hành; và tôi đi xưng tội với những vị khác, theo như tôi biết, có thể là thánh hoặc kẻ giết người. Vậy tôi có phải là thẩm phán của họ không? và tôi sẽ là một thằng ngốc nếu tôi đề nghị tìm hiểu tình trạng của họ! Tôi chỉ cần biết rằng Giáo hội là thần linh, Giáo hội không thể là gì khác ngoài là thần linh, và các Bí tích do một linh mục tồi ban phát cũng có hiệu quả y như các Bí tích do một vị linh mục thánh ban phát.

"Điều đó há không đủ làm một người bật khóc sao, thưa ông bạn thân mến của tôi? Tôi ở đây giữa những tên vũ phu, chịu tra tấn đau khổ, và tôi phải viết cho bạn, bạn, một người Công Giáo, những điều sơ đẳng này mà một kẻ dị giáo hiểu biết không có quyền không biết. Thật kinh khủng.

“Đây là một nhận xét rất đơn giản mà, theo tôi, phải tạo ấn tượng với bạn, vì nó có một cái gì đó mang tính toán học. Thế giới Thệ phản xung quanh tôi, không thể chối cãi, đều là xấu xí, tầm thường, hoàn toàn thiếu thể tuyệt đối. Đâu là đặc điểm đối với thế giới đó? Đó là điều này: Siêu nhiên bị loại trừ khỏi nó: Siêu nhiên bị loại trừ khỏi Kitô giáo, điều này tương đương với ý tưởng phi luận lý và phi lý nhất từng có thể đi vào đầu con người. Hậu quả là: khinh miệt Chức Linh Mục, hạ giá chức năng linh mục, mà ngoài nó ra, siêu nhiên không thể nào được tỏ hiện. Không có quyền năng truyền phép, ràng buộc và cởi tha, Kitô giáo sẽ biến mất, đầu hàng, trong các chuồng ngựa của Luther và Calvin, chủ nghĩa duy lý tồi tệ, chắc chắn kém hơn chủ nghĩa vô thần. Một linh mục Công Giáo sở hữu một sự trao quyền đến mức, nếu ngài không xứng đáng, thì tính siêu phàm của Bậc Sống của ngài càng tỏa sáng rực rỡ hơn nữa. Ở đây, chẳng hạn, một linh mục có tội phải chịu, nếu bạn muốn, sự trầm luân trọn vẹn, nhưng ngài vẫn có quyền năng biến đổi bản thể! … Làm sao bạn lại không thể tri nhận được Vẻ đẹp vô tận này?”

Theo Allan Morris, Léon Bloy “không chống đối mọi người, mọi việc. Có lòng mến yêu Thiên Chúa vô bờ, lòng cảm thương vô đáy đối với người nghèo và người bị áp bức, hiểu sâu sắc chiêm niệm và đau khổ, tôn kính Đức Mẹ tha thiết, và say mê Công Lý Thiên Chúa không thôi. Trái tim ông là trái tim lửa dành cho Thiên Chúa, một trái tim thịt dành cho người bị chà đạp, nhưng một trái tim thép đối với những kẻ thù”.

Ông có thể là người của thái cực, nhưng chính nhờ vậy mà theo Morris, Léon Bloy đi từ vực thẳm lên đến đỉnh cao, mô tả tuyệt vời cả thói hư, nghèo đói, đau khổ, nhớp nhúa lẫn thánh thiện. Trong La Femme Pauvre, tác giả lần giở đường đi lên của một cô gái cao qúi từ hố thẳm cùng cực leo tới tuyệt đỉnh thánh thiện. Trong cuộc đi lên này, cô mất cả nhà cửa, chồng con, bạn hữu, đồ đoàn, nghĩa là tất cả, ngoại trừ Thiên Chúa và câu kết luận của cô không gì khác chính là câu trích dẫn của Đức Phanxicô trong Gaudete et Exultate!

David Bentley Hart đúng khi nhận xét thêm về Léon Bloy: “Mặt khác, ông là suối nguồn bất tận lòng cảm thương nồng nàn và thực sự dịu dàng trước các đau khổ của người nghèo và người bị bỏ quên và có một sự ngây thơ vô tội không thể chối cãi trong sự giận dữ khôn nguôi của ông đối với người giầu và người quyền thế để mặc kẻ bần cùng cho cảnh khốn khổ của họ. Nhưng người ta không có cái xa xỉ được chọn một bên trong tính tình của ông và chống bên kia. Chúng không những không thể tách biệt nhau; chúng còn là các biểu thức nghịch đảo nhau nhưng chủ yếu như nhau của một tính tình đơn nhất bất khả phân chia. Ông phong phú cả trong yêu thương lẫn giận ghét và chỉ có thể có điều này tới mức cũng có thể có điều kia. Chỉ có một Bloy đơn nhất, và ông là con quái vật thiên thần (angelic monster)”.

Hart cho rằng ngay dưới sự dữ dằn và ác ý khôn nguôi được ông diễn tả một cách áp đảo, vẫn có cả kho dự trữ không đáy của lòng từ tâm thành thực và tính liêm chính nguyên tuyền... Ngay dưới cái tàn bạo tu từ vẫn lưu chẩy cả một triều tinh trong tâm linh sâu sắc và không thỏa hiệp. Trong những khoảnh khắc như thế, điều xem ra rõ ràng là giọng bút chiến của ông phát xuất từ một thời đại khác, có lẽ thời cổ đại xa xăm hay có khi từ những ngày tháng có các tiên tri ở Israel, nguyền rủa để chúc phúc, kêu gọi Thiên Chúa gửi trừng phạt đến để cứu chuộc. Ngay trong những cung giọng cực đoan nhất, vẫn có âm vang khẩn khoản vô vọng, có tính khải huyền, nghe rõ mồn một, một ước vọng gần như điên cuồng muốn đánh thức người đồng thời của Bloy ra khỏi giấc ngủ mê man thoải mái của họ. Chắc chắn Bloy xem ra hay lớn tiếng nói về cảm thức Thiên Chúa như vị Chúa Tể quấn mình trong mây và lửa ở Sinai, Đấng chỉ ở giữa dân Người trong cái tối tăm dầy đặc của nhà tạm hay cung thánh, hay trong sự thánh thiện không ai giám tới và đầy chết chóc của Hòm Bia Giao Ước. Đàng khác, Đấng Kitô của Ông còn là Đấng Kitô của Gioan Tẩy Giả, mà sự hiện diện trong lịch sử đã là một phán xét sau cùng, tách ánh sáng khỏi bóng tối, sự sống khỏi sự chết. Và ông cảm thấy khinh miệt bất cứ độc giả nào của ông không chịu hiểu rằng đức ái Kitô giáo đôi khi cũng đòi nó phải tự phát biểu trong cay đắng, bất bình, châm biếm, cả thù nghịch nữa. Hay đúng hơn, nói cách khác, tình yêu chân chính cũng thường bao hàm một hận thù kèm theo. Người ta khó có thể hiểu được cơn giận của Bloy trừ khi biết cảm cái cảm của những người nghèo đói nhất, bị ngược đãi nhiều nhất trong khi thế giới vô tâm vẫn cứ nhởn nhơ. Ông mong cho cái thế giới nhà giầu ấy chết hết cho hả giận. Cái lòng giận này phát xuất từ một trái tim tràn đầy yêu thương. Làm một con người như thế đòi phải có một tính tình hết sức hiếm hoi, tế nhị và thất thường (volatile), và đó là con người của Bloy.

Thực ra, Bloy làm thế chỉ vì Thiên Chúa mà thôi. Trong lời dẫn nhập cho lần xuất bản năm 1947 của cuốn The Pilgrim of the Absolute, Jacques Maritain cho hay, Bloy từng viết “tôi chỉ là một con người đớn hèn tìm kiếm Thiên Chúa của mình, vừa đi vừa khóc thút thít vừa gào kêu Người dọc đường...”. Ở một chỗ khác, Bloy viết: “Hiển hiện từ mọi cuốn sách của tôi, sự thật rõ ràng là tôi chỉ viết cho một mình Thiên Chúa mà thôi”.

Theo Maritain, Bloy là một Kitô hữu ghét giai cấp trưởng giả (bourgeois) mà theo ông là tên mới của Kẻ Thù xưa. Ông khiếp đảm cảnh mất trật tự, thiếu cân bằng, duy cảm xúc, tinh thần tiêu cực ưa làm cách mạng. “Tôi viết những điều dữ dội nhất với một lòng thanh thản lớn lao. Giận dữ bất lực và chỉ đặc biệt phù hợp với những người nổi loạn. Hóa ra tôi chỉ là một người phân phát công lý một cách đầy vâng lời”.

Maritain cho rằng “Cảm thức mầu nhiệm, hết sức tinh ròng trong chính nó, hết sức cao cả nơi Bloy, đôi khi được diễn dịch bằng những cú sấm sét và một bóng đen hết sức vật chất... Những thiếu sót có thể tha thứ được này là giá chuộc sự hiệu năng khôn sánh của công trình xoay chuyển cõi lòng con người của ông hướng về Thiên Chúa, những con người phần lớn sống vì các giác quan, và do đó cần được dẫn vào thế giới khả niệm bằng phương tiện khả giác”.

Theo Maritain, Bloy thích nhắc đi nhắc lại rằng ông không viết cho người công chính, cũng không viết cho người hoàn thiện cũng như người đang tiến bộ hay mới bắt đầu, mà là viết cho người đang ngủ cần đau khổ và các cơn bừng giận của ông, cho những người thu thuế, “những đồ vô lại”, một loại người mà các bạn chắc chắn không thuộc về, “hỡi độc giả giả hình, đồng bào của tôi, anh em tôi” nhưng thuộc loại này là vô số đám đông đáng thương, vốn đã được cứu chuộc bằng giá máu Chúa chúng ta. Ông bảo họ: “Tất cả những gì đang xẩy ra đều là thần linh...”; “Có duy nhất một nỗi buồn và đó là chúng ta không là các vị thánh...”; “Bạn không vào thiên đàng ngày mai, hay ngày mốt, hay trong 10 năm, bạn vào đó hôm nay khi bạn nghèo và chịu đóng đinh”.

Nói đến quan điểm của Léon Bloy về việc nên thánh, Joe Heschmeyer thuật lại câu truyện cũng lấy từ The Pilgrim of the Absolute (tr.223): một linh mục viết cho ông hay: “tôi không có linh hồn của các vị thánh” liền được ông góp ý: “Rồi, tôi xin trả lời cha một cách chắc chắn tôi có linh hồn của một vị thánh; cái ông trưởng giả chủ đất đáng sợ của tôi, ông chủ tiệm bánh của tôi, ông hàng thịt của tôi, ông tạp hóa của tôi, tất cả những con người này có thể đều là những tên vô lại khủng khiếp, nhưng tất cả đều có linh hồn của các vị thánh, tất cả đều được kêu gọi, trọn vẹn như cha và tôi, trọn vẹn như Thánh Phanxicô và Thánh Phaolô, vào Sự Sống đời đời, và tất cả cùng được mua bằng cùng một giá; Cha đã được mua bằng một giá rất đắt. Không có ai không là một ông thánh trong tiềm năng, và tội hay các tội, kể cả tội đen nhất, cũng chỉ là tùy thể (accident) không hề thay đổi được bản thể (substance)”.

Giáo huấn nên thánh của Đức Phanxicô trên thực tế đã quảng diễn tư duy của Léon Bloy. Ngày 1 tháng 11, 2013, Lễ Các Thánh đầu tiên trong ngôi vị Giáo Hoàng, Đức Phanxicô lớn tiếng cho hay: Thánh thiện dành cho mọi người, các vị thánh không phải là “các siêu nhân”. Các vị không sinh ra là người hoàn thiện, nhưng thẩy đều là những con người bình thường. “Các ngài giống như chúng ta, giống như mỗi người chúng ta, những vị, trước khi đạt tới vinh quang thiên đàng thẩy đều sống cuộc sống bình thường với các niềm vui và sầu khổ, chiến đấu và hy vọng”. Ngài nói thêm, “Nên thánh không phải là đặc quyền của một thiểu số...tất cả chúng ta trong phép rửa đều thừa hưởng khả năng nên thánh. Nên thánh là ơn gọi của mọi người”.

Chính ý niệm phổ quát trên, theo Massimo Faggioli (6), đã khiến Đức Phanxicô, trong Tông huấn Gaudete et Exultate, tức tông huấn về ơn gọi nên thánh của mọi tín hữu Kitô, tránh dùng chữ khổ hạnh. Vì nó là một suy niệm về sự thánh thiện thông thường, hàng xóm (next-door). Đức Phanxicô mượn cụm từ “sự thánh thiện của giai cấp trung lưu” (đoạn số 7) của tiểu thuyết gia Pháp Joseph Malegue (1876-1940) không theo nghĩa tầm thường mà theo nghĩa của mọi người. Ở đoạn 22, ngài nói rõ: “không phải mọi điều vị thánh nói đều hoàn toàn trung thành với Tin Mừng; không phải mọi điều vị thánh làm đều chân chính hay hoàn thiện. Điều chúng ta cần chiêm niệm là tính tổng thể của đời sống các ngài, trọn bộ cuộc hành trình lớn lên trong thánh thiện của các ngài, việc phản ảnh Chúa Giêsu Kitô tỏ hiện khi ta nắm được ý nghĩa toàn diện của các ngài như một con người”.

Ghi Chú

(1).Leon Bloy: A Man for the Modern World at https://www.dominicanajournal.org/wp-content/files/old-journal-archive/vol33/no2/dominicanav33n2leonbloymanthemodernworld.pdf

(2). https://catholicherald.co.uk/the-catholic-writer-who-rivalled-dostoyevky/

(3). The Gospel and the Poor: Léon Bloy and Pope Francis at https://shamelesspopery.com/the-gospel-and-the-poor-leon-bloy-and-pope-francis/

(4). https://fsspx.news/en/news-events/news/leon-bloy-“lost-modern-world”-33446

(5) https://shamelesspopery.com/the-gospel-and-the-poor-leon-bloy-and-pope-francis/

(6). https://www.commonwealmagazine.org/pope-franciss-gaudete-et-exsultate-0

Kỳ sau: Vai trò của Léon Bloy trong đạo Công Giáo của Jacques và Raissa Maritain