Theo tin Tòa Thánh, Thứ tư, ngày 23 tháng 3 năm 2022, tại Hội trường Phaolô VI, Đức Phanxicô đã tiếp tục loạt bài giáo lý hàng tuần của ngài về tuổi già. Sau đây là nguyên văn bài giáo lý của ngài, dựa vào Bản Tiếng Anh của Tòa Thánh.



Anh chị em thân mến, chào anh chị em buổi sáng!

Trong Kinh thánh, trước bài tường thuật về cái chết của ông già Môsê là di chúc tinh thần của ông, được gọi là "Bài ca Môsê". Ca khúc này trước hết là một lời tuyên xưng đức tin đẹp đẽ, và nó được diễn tả như sau: “Này tôi xưng tụng thánh danh Đức Chúa, trời đất hãy suy tôn Thiên Chúa ta thờ ! Người là Núi Đá: sự nghiệp Người hoàn hảo, vì mọi đường lối Người đều thẳng ngay. Chúa tín thành, không mảy may gian dối, Người quả là chính trực công minh” (Đnl 32: 3-4). Nhưng đó cũng là ký ức về lịch sử sống với Thiên Chúa, về những cuộc phiêu lưu của dân tộc được hình thành từ niềm tin vào Thiên Chúa của Ápraham, Ysaác và Giacóp. Và sau đó, Môsê cũng nhớ lại sự cay đắng và thất vọng của chính Thiên Chúa, và nói như vậy với điều này: Lòng trung tín của Người liên tục bị thử thách bởi sự bất trung của dân Người. Thiên Chúa trung thành và sự đáp trả của những kẻ không chung thủy: vì Dân muốn thử lòng trung thành của Thiên Chúa. Và Người vẫn luôn trung thành, gần gũi với dân Người. Đây chính là cốt lõi của Bài ca Môsê: Lòng trung thành của Thiên Chúa, một lòng trung thành luôn đồng hành với chúng ta trong suốt cuộc đời.

Khi Môsê nói lên lời tuyên xưng đức tin này, ông đang ở ngưỡng cửa đất hứa, và cũng là lúc ông từ giã cõi đời. Theo tường thuật, ông đã một trăm hai mươi tuổi, “nhưng mắt ông không mờ” (Đnl 34: 7). Khả năng nhìn đó, nhìn thấy thực sự, nhưng cũng nhìn thấy một cách tượng trưng, như những người cao niên vẫn nhìn, những người có khả năng nhìn thấy mọi điều, [thấy] ý nghĩa gốc rễ nhất của sự vật. Sức sống của cái nhìn của ông là một hồng ân quý giá: nó giúp ông có thể truyền lại di sản kinh nghiệm sống và đức tin lâu đời của ông, với sự rõ ràng cần thiết. Môsê nhìn thấy lịch sử và truyền lại lịch sử; người già thấy lịch sử và truyền lại lịch sử.

Một tuổi già được ban tặng cho sự rõ ràng này là một hồng ân quý giá cho thế hệ đến sau. Đích thân và trực tiếp lắng nghe câu chuyện về đức tin từng mang ra sống, với tất cả những điểm cao và điểm thấp của nó, là điều không thể thay thế được. Đọc về nó trong sách vở, xem nó trong phim ảnh, tham khảo nó trên liên mạng, dù có thể hữu ích đến đâu, sẽ không bao giờ y hệt như nhau. Việc lưu truyền này – vốn là truyền thống đích thực và đúng đắn, sự lưu truyền cụ thể từ người già đến người trẻ! - sự lưu truyền này ngày nay rất thiếu đối với các thế hệ mới, một sự thiếu vắng đang tiếp tục lớn dần. Tại sao? Bởi vì nền văn minh mới này quan niệm rằng cái cũ là phế liệu, cái cũ phải được bỏ đi. Điều này thật là tàn bạo! Không, không, không được như vậy. Có một âm điệu và phong cách truyền thông để kể chuyện trực tiếp, giữa người với người mà không phương tiện nào khác có thể thay thế được. Một người lớn tuổi, người từng sống lâu, và nhận được hồng ân làm chứng một cách sáng suốt và say mê cho lịch sử của mình, là một phúc lành không gì thay thế được. Chúng ta có khả năng nhận ra và tôn vinh hồng ân này của người cao niên không? Liệu việc lưu truyền đức tin - và ý nghĩa cuộc sống - có đi theo con đường này ngày nay, tức lắng nghe người già không? Tôi có thể đưa ra một chứng từ bản thân. Tôi học được lòng căm thù và giận dữ đối với chiến tranh từ ông tôi, người đã chiến đấu tại Piave năm 1914, và ông đã truyền lại cho tôi cơn thịnh nộ đối với chiến tranh này. Bởi vì ông đã kể cho tôi nghe về sự đau khổ của một cuộc chiến tranh. Và điều này không được học trong sách vở hay theo những cách khác… nó được học theo cách này, được truyền từ ông bà sang con cháu. Và điều này là không thể thay thế được. Ngày nay, thật không may, điều này không xảy ra, và chúng ta nghĩ rằng ông bà là đồ bỏ đi: Không! Đó là ký ức sống của một dân tộc, và những người trẻ tuổi và trẻ em phải nghe lời ông bà của họ.

Trong nền văn hóa của chúng ta, một nền văn hóa hết sức “đúng về mặt chính trị”, con đường này dường như bị cản trở nhiều cách: trong gia đình, ngoài xã hội, trong chính cộng đồng Kitô hữu. Một số người thậm chí còn đề nghị bãi bỏ việc giảng dạy lịch sử, coi như một thứ thông tri thừa thãi về các thế giới không còn liên quan nữa, điều này sẽ lấy đi nguồn tài nguyên cho kiến thức về hiện tại. Như thể chúng ta mới sinh ra ngày hôm qua, phải không?

Mặt khác, việc lưu truyền đức tin thường thiếu niềm đam mê của một “lịch sử sống động”. Lưu truyền đức tin không phải chỉ là nói những điều, “bla, bla, bla”. Không! Nó là việc nói tới kinh nghiệm đức tin. Và như vậy, làm sao nó có thể lôi kéo người ta đến chỗ lựa chọn tình yêu mãi mãi, trung thành với lời đã trao ban, kiên trì cống hiến, lòng cảm thương đối với những khuôn mặt bị thương và ngã lòng? Tất nhiên, những câu chuyện đời sống thường phải được biến đổi thành chứng từ, và chứng từ phải trung thành. Một ý thức hệ luôn bẻ cong lịch sử theo những kế hoạch của chính nó chắc chắn không trung thành; tuyên truyền sửa đổi lịch sử để quảng bá cho nhóm của mình là không trung thành; thật không trung thành khi biến lịch sử thành một tòa án, trong đó quá khứ bị lên án và bất cứ tương lai nào cũng bị đả kích. Không. Trung thành là kể lại lịch sử như nó vốn có; và chỉ những người đã sống nó mới có thể kể nó một cách trung thành được. Vì lý do này, lắng nghe người già, lắng nghe ông bà: để con cháu trò chuyện với các ngài là điều rất quan trọng.

Chính các sách Tin Mừng đã trung thực kể lại câu chuyện hồng phúc của Chúa Giêsu mà không che giấu những sai lầm, hiểu lầm, và thậm chí cả các phản bội của các môn đệ. Đấy là lịch sử, là sự thật, đấy là nhân chứng. Đấy là hồng phúc ký ức mà các “vị trưởng lão” của Giáo Hội truyền lại, ngay từ những ngày đầu, truyền lại “từ tay này sang tay khác” cho thế hệ đến sau. Quả là điều tốt khi ta biết tự hỏi: Chúng ta đánh giá được bao nhiêu cách lưu truyền đức tin này, truyền cây gậy từ những người lớn tuổi trong cộng đồng qua những người trẻ biết mở lòng ra đó nhận tương lai? Và đến đây, tôi bỗng nghĩ đến điều tôi từng nói nhiều lần, nhưng tôi muốn nhắc lại: Niềm tin được lưu truyền như thế nào? “À, đây là một cuốn sách, hãy nghiên cứu nó”. Không. Đức tin không thể được lưu truyền như vậy. Đức tin được truyền lại bằng phương ngữ, nghĩa là, trong cách nói quen thuộc, giữa ông bà và các cháu, giữa cha mẹ và con cái của họ. Đức tin luôn được lưu truyền bằng phương ngữ, phương ngữ và kinh nghiệm của nhiều năm tháng quen thuộc đó. Đây là lý do tại sao cuộc đối thoại trong gia đình là điều rất quan trọng, cuộc đối thoại của con cái với ông bà của chúng, là những người có sự khôn ngoan của đức tin.

Đôi khi tôi ngẫm nghĩ về sự bất thường kỳ lạ này. Ngày nay, sách giáo lý khai tâm Kitô giáo đã dựa nhiều vào Lời Chúa và truyền đạt các thông tri chính xác về các tín điều, luân lý của đức tin, và các bí tích. Tuy nhiên, điều thường thiếu là sự hiểu biết về Giáo Hội, một hiểu biết phát xuất từ việc lắng nghe và làm chứng cho lịch sử đức tin và đời sống thực sự của cộng đồng Giáo Hội, từ những ngày khởi đầu cho đến ngày nay. Khi còn nhỏ, chúng ta học Lời Chúa trong các lớp giáo lý; nhưng Giáo hội - Giáo hội - Các người trẻ “biết” Giáo Hội trong các lớp học và trên các phương tiện thông tin hoàn cầu.

Sự tường thuật về lịch sử đức tin nên giống như Bài ca Môsê, giống như chứng từ của các sách Tin mừng và sách Tông đồ Công vụ. Nói cách khác, một câu chuyện có khả năng nhắc lại các phước lành của Thiên Chúa một cách xúc động và các thất bại của chúng ta một cách thành thực. Quả là một điều tốt nếu ngay từ ban đầu, việc dạy giáo lý đã bao gồm thói quen lắng nghe kinh nghiệm sống của người cao niên; thói quen thẳng thắn tuyên xưng các ân phúc nhận được từ Thiên Chúa, mà chúng ta phải trân trọng; và lắng nghe chứng từ về chính các thất bại của chúng ta về lòng trung thành, mà chúng ta phải sửa chữa và chỉnh sửa. Người già bước vào miền đất hứa, điều mà Thiên Chúa mong muốn cho mọi thế hệ, khi các ngài hiến cho người trẻ sự khai tâm tốt đẹp về chứng tá của họ và truyền lại câu chuyện về đức tin, đức tin, bằng phương ngữ, phương ngữ quen thuộc đó, phương ngữ của người xưa gửi giới trẻ. Rồi, được Chúa Giêsu hướng dẫn, người già và người trẻ cùng nhau bước vào Vương quốc sự sống và tình yêu của Người. Nhưng tất cả cùng nhau. Mọi người trong gia đình, với kho tàng lớn lao này là đức tin được truyền lại bằng phương ngữ. Cảm ơn anh chị em.