1. Nữ tu Đại Tá Quân Đội Mỹ cứu một bác sĩ thoát khỏi Afghanistan
Nữ tu Deirde Byrne, nguyên là Đại Tá Quân Y trong quân đội Hoa Kỳ trước khi bước vào đời sống tu trì. Sơ Deirdre đã có một diễn từ xúc động vào ngày 26 tháng 8, 2020 tại Đại hội Toàn quốc của Đảng Cộng hòa.
Theo tờ Aleteia, nghĩa là Chân Lý Tỏ Tường, những chi tiết về sơ Deirdre Byrne trong tư cách một nữ tu, một người lính, một bác sĩ phẫu thuật gợi nhớ đến cuốn tiểu thuyết Tinker Tailor Soldier Spy của John LeCarré.
Sẽ không quá xa vời nếu so sánh cuộc đời của Sơ Deirdre với cuộc đời của nhân vật chính trong cuốn tiểu thuyết gián điệp này. Đọc tiểu sử của sơ, người ta phải tự hỏi còn quốc gia nào trên thế giới mà sơ chưa đến thăm, và trong hơn 3 thập niên qua, còn sứ mệnh mạo hiểm nào của người Mỹ mà sơ chưa tham gia.
Tờ National Catholic Register, số ra ngày 17 tháng Hai, cho biết khi sơ Byrne nhấc điện thoại vào tháng 12 năm 2021, một người đàn ông trẻ ở đầu dây bên kia nói với sơ điều gì đó đáng lo ngại - và khó tin.
Anh ta nói: “Mẹ tôi là một bác sĩ. Sơ đã làm việc với bà ấy hơn một thập kỷ trước ở Afghanistan, tại một trại của Hoa Kỳ gần Pakistan. Và bây giờ cuộc sống của mẹ tôi đang gặp nguy hiểm nghiêm trọng.”
Một số người có thể cho rằng cuộc gọi này là một trò lừa bịp phức tạp, nhưng các chi tiết đã thu hút sự chú ý của Sơ Byrne. Là một cựu quân nhân, Sơ Byrne thực sự đã đóng quân tại Trại Salerno, cách biên giới Pakistan khoảng sáu dặm, vào khoảng năm 2008. Chính tại đó, sơ đã gặp gỡ bác sĩ M. Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, giữ lại tên đầy đủ của bác sĩ ấy để bảo đảm an toàn cho những ai có liên quan đến bà.
Taliban đã giành quyền kiểm soát Afghanistan sau cuộc tấn công vào ngày 31 tháng 8 năm 2021 và đã áp đặt chế độ độc tài Hồi Giáo kể từ đó.
New York Times gần đây đưa tin rằng có tới 60,000 người Afghanistan từng làm việc với lực lượng Mỹ và đã xin được thị thực nhưng vẫn ở lại Afghanistan. Bác sĩ M và cả gia đình cô đều theo đạo Hồi, nhưng đã trở thành mục tiêu của Taliban sau cuộc tiếp quản năm 2021 vì mối quan hệ của họ với Hoa Kỳ.
Sơ Byrne đã ra tay hành động, cứu giúp người bác sĩ không cùng tôn giáo, đã từng làm việc chung với Sơ.
Vào đầu tháng Hai, Bác sĩ M và toàn bộ gia đình của bà đã được giúp đỡ trốn thoát khỏi bọn Taliban. Sau một cuộc trốn chạy căng thẳng, giờ đây họ đang ở một ngôi nhà an toàn ở một quốc gia không được tiết lộ.
Sơ Byrne nói với CNA: “Đó là một câu chuyện kỳ diệu, thật sự”, và tạ ơn Chúa Thánh Thần vì đã sử dụng sơ để cuộc giải cứu diễn ra.
“Tôi giống như trung vệ đi bóng, và tôi chỉ chuyền nó cho tiền vệ, sau đó để họ chạy theo quả bóng,” sơ nói.
Sơ Deirde Byrne là một thành viên của Cộng Đồng Những Tôi Tớ Khiêm Hạ Của Thánh Tâm Chúa Giêsu Và Mẹ Maria, một tổ chức được thành lập ở Ý và đã có mặt ở Mỹ gần 70 năm. Ngày nay, sơ dành phần lớn thời gian của mình để khám bệnh cho các bệnh nhân tại phòng khám của Tổ chức Từ thiện Công Giáo ở Washington DC hoặc Phòng khám Vật lý trị liệu và Mắt chuyên nghiệp tại tu viện của các nữ tu. Sơ cũng là bề trên của cộng đồng các nữ tu ở đó.
Sơ Deirde Byrne nói rằng cuộc đời phục vụ của mình bắt đầu từ khi còn trong bụng mẹ, noi theo tấm gương của cha mẹ. Cha của sơ là một bác sĩ phẫu thuật lồng ngực, và sơ có hai anh trai trong ngành y và một anh trai là linh mục của Tổng giáo phận Washington. Giống như cha và các anh trai của mình, Sơ Deirde học y khoa tại Georgetown. Sơ gia nhập quân đội vào năm 1978 để giúp trang trải tiền học Đại Học. Trong ba thập kỷ tiếp theo, sơ Deirde phục vụ ở Bán đảo Sinai, ở Hàn Quốc và ở Afghanistan.
Năm 1989, sơ dành thời gian nghỉ phép để truyền giáo bằng nghề y. Tại Ấn Độ, sơ hợp tác với một bác sĩ phẫu thuật là sơ Frederick, người cũng đã được giáo dục ở Georgetown. Trong thời gian này, Sơ Deirde đã nghĩ đến đời sống tu trì một thời gian, nhưng thời điểm đó không hoàn toàn phù hợp.
Tuy nhiên, khi trở lại Washington, để được đào tạo thành một bác sĩ phẫu thuật, một trong những bệnh nhân của sơ là Đức Hồng Y James Hickey, tổng giám mục lúc đó của Washington. Vị Hồng Y đã đưa ra các hướng dẫn tinh thần cho sơ. Sơ cũng được Cha John Hardon, một nhà văn và nhà thần học của Dòng Tên, giúp đỡ phân định ơn gọi của mình. Ngài đã khuyến khích sơ tìm một cộng đồng tôn giáo, nơi sơ có thể tiếp tục hành nghề y. Ngài nói, thế giới “cần các bác sĩ Công Giáo”.
Cộng Đồng Những Tôi Tớ Khiêm Hạ Của Thánh Tâm Chúa Giêsu Và Mẹ Maria, hoạt động trong cả lĩnh vực giáo dục và chăm sóc sức khỏe, dường như rất phù hợp.
Một năm sau khi giúp đỡ cho các nạn nhân trong vụ tấn công khủng bố tại Ground Zero ở New York vào ngày 11/9, sơ đã quyết định gia nhập cộng đồng này.
Nhưng lúc ấy sơ vẫn ở trong lực lượng Dự bị của Quân đội Hoa Kỳ, và sơ đã được gọi trở lại quân ngũ ba lần nữa - ở cả Afghanistan và Hoa Kỳ - trước khi sơ có thể giải ngũ và hoàn toàn hòa nhập với cộng đồng các nữ tu.
Source:National Catholic Register
2. Người đàn ông Tennessee bị kết án 7 năm vì hàng loạt vụ đốt phá nhà thờ
Một người đàn ông ở Tennessee đã bị kết án hôm 16 tháng Hai vì tội đốt phá bốn nhà thờ ở khu vực Nashville.
Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ cho biết Alan Douglas Fox, 29 tuổi, ở Nashville, đã bị kết án bảy năm tù liên bang và ba năm quản chế. Anh ta trước đó đã bị buộc tội vào ngày 25 tháng 8 năm 2021 và đã thành khẩn nhận tất cả các tội danh vào ngày 20 tháng 10 năm 2021.
Theo các tài liệu của tòa án và các tuyên bố được đưa ra trong phiên xét xử nhận tội và tuyên án, Fox đã cố ý phóng hỏa Nhà thờ Giám lý Thống nhất Crievewood vào ngày 17 tháng 6 năm 2019; Nhà thờ Baptist Crievewood vào ngày 25 tháng 6 năm 2019; Nhà thờ Thánh Ignatiô thành Antiôkia của Công Giáo vào ngày 25 tháng 6 năm 2019; và Nhà thờ Baptist Cộng đồng Priest Lake vào ngày 26 tháng 6 năm 2019, tất cả vì niềm tin tôn giáo của họ. Fox cũng mang theo và sử dụng một khẩu súng ngắn để đột nhập vào nhà thờ Crievewood Baptist, tạo điều kiện cho việc đốt phá. Các vụ cháy đã dẫn đến thiệt hại đáng kể cho cả bốn nhà thờ.
“Bị cáo này hiện đã phải chịu trách nhiệm về vụ đốt phá nguy hiểm của mình gây ra thiệt hại cho một nhà thờ Công Giáo, một nhà thờ Giám lý và hai nhà thờ Baptist, tất cả là các trụ cột của cộng đồng Nashville,” Trợ lý Bộ trưởng Tư pháp Kristen Clarke của Bộ phận Dân quyền Bộ Tư pháp Hoa Kỳ cho biết. “Các cuộc tấn công vào các ngôi thánh đường là các cuộc tấn công vào những người có đức tin làm suy yếu quyền cơ bản là quyền được thực hành niềm tin tôn giáo mà không phải sợ hãi hoặc gánh chịu bạo lực. Bộ phận Dân quyền sẽ tiếp tục thực thi mạnh mẽ các luật liên bang nhằm bảo vệ tất cả các ngôi thánh đường, bất kể thuộc giáo phái nào”.
Vụ việc này đã được điều tra bởi FBI, Cục Điều tra Tennessee, Sở Cảnh sát thành phố Nashville và Sở Cứu hỏa Nashville. Can phạm đã bị Luật sư Kyle Boynton thuộc Bộ phận Dân quyền của Bộ Tư pháp và Trợ lý Luật sư Hoa Kỳ Brooke Schiferle truy tố.
Source:U.S. Justice Department
3. Nhà thờ Công Giáo ở Salt Lake bị hư hại trong một vụ trộm được tính toán trước
Cha Martin Diaz của nhà thờ chính tòa Thánh Nữ Mađalêna cho biết vụ trộm xảy ra vào khoảng 9:15 tối thứ Ba 15 tháng Hai.
Ngài công bố các hộp quyên tiền đã bị hư hại, nhưng các két sắt gần đó không bị xâm phạm. Các thiệt hại được báo cáo khác bao gồm nhiều thứ bị xáo trộn và lật tung.
Không có số tiền nào bị đánh cắp, nhưng Cha Diaz tin rằng nghi phạm đã quen thuộc với nhà thờ vì có vẻ như anh ta biết phải tìm những gì ở đâu.
Hiện nhà thờ đang làm việc với cảnh sát địa phương về vụ việc. Âu lo lớn nhất là ngôi thánh đường bị phóng hỏa, vì đây là ngôi nhà thờ được kể là đẹp nhất và tốn nhiều tiền nhất trong việc xây dựng tại một khu vực mà đời sống người Công Giáo khó khăn hơn những nơi khác.
Dưới sự lãnh đạo của Đức Cha Lawrence Scanlan sinh năm 1843 và qua đời năm 1915, là giám mục đầu tiên của Salt Lake, việc xây dựng nhà thờ chính Thánh Nữ Mađalêna đã được bắt đầu vào năm 1900 và hoàn thành vào năm 1909. Vào ngày 15 tháng 8 năm đó, nhà thờ chính tòa được thánh hiến bởi Đức Hồng Y James Gibbons của Baltimore.[1]
Công việc tân trang lại bên ngoài diễn ra từ năm 1975 đến năm 1980 dưới sự lãnh đạo của Đức Cha Joseph Lennox Federal, giám mục thứ sáu của Thành phố Salt Lake. Tuy nhiên, ngày nay, bề ngoài của Nhà thờ về cơ bản vẫn giữ nguyên so với năm 1909.
Nội thất của Nhà thờ phần lớn được tạo ra dưới sự lãnh đạo của Đức Cha Joseph S. Glass, người trở thành Giám mục của Salt Lake vào năm 1915. Là một người có óc thẩm mỹ tinh tế và khả năng cảm thụ nghệ thuật mạnh mẽ, Đức Cha Glass đã được sự trợ giúp của John Theodore Comes, một trong các kiến trúc sư hàng đầu của Mỹ vào thời điểm đó. Nội thất của nhà thờ chính tòa một phần lớn được lấy cảm hứng từ kiến trúc Gothic của Tây Ban Nha vào cuối thời Trung Cổ với những bức tranh tường đầy màu sắc đã được thêm vào vào thời điểm đó.
Dưới sự lãnh đạo của Đức Cha William K. Weigand, người được bổ nhiệm làm giám mục của Thành phố Salt Lake vào năm 1980, việc trùng tu nội thất đã được thực hiện một lần nữa từ năm 1991 đến năm 1993 với chi phí 9.7 triệu đô la và liên quan đến mọi khía cạnh của nội thất.
Điều này bao gồm việc cải tạo các yếu tố phụng vụ của Nhà thờ để phù hợp với các cải cách phụng vụ theo sau Công đồng Vatican II, chủ yếu là xây dựng một bàn thờ mới ở một vị trí nổi bật hơn ở giữa nhà thờ; trao một vị trí trung tâm mới cho ghế giám mục; cung cấp một nhà nguyện Mình Thánh Chúa riêng biệt; và thêm một giếng rửa tội rất đẹp.
Tòa nhà mới được chính thức hoàn thành vào ngày 21 tháng 2 năm 1993. Nhà thờ được liệt kê trong danh mục các Địa điểm Lịch sử của Utah và các Địa điểm Lịch sử của cả Hoa Kỳ.
Source:ABC News
[1] https://utcotm.org/about/history