Hãy suy gẫm trong giây lát những tín điều của Giáo Hội đặc biệt quan tâm đến Cộng Đồng.

Khởi thủy, chúng ta thấy một cộng đồng có trách nhiệm và vận mệnh. Tình liên đới của nhân loại sâu sắc đến nỗi việc vâng lời của người đầu tiên đáng lẽ đã bảo toàn được mọi người; và tội lỗi của ông là tội lỗi của mọi người. Đây là mầu nhiệm của tội nguyên tổ. Đó là điều không thể chấp nhận được đối với người theo chủ nghĩa cá nhân, người vốn không nắm được mức độ liên đới của con người. Nhưng người hiểu rằng mọi bản ngã cũng hiện hữu trong người lân cận của mình; mọi người chia sẻ cuộc sống của tất cả những người khác, và hạnh phúc và đau khổ này gắn liền với hạnh phúc và đau khổ của họ, sẽ nhận ra rằng, trong tín điều tội nguyên tổ, Giáo hội đã thực sự chạm đến chính nền tảng của toàn thể xã hội loài người.



Nhưng chính sự liên đới này đã làm cho cộng đồng cứu chuộc trở nên khả hữu. Vì mỗi người trong bản thể sâu sắc nhất của mình đều ràng buộc với đồng loại của mình, đến nỗi tội lỗi của người khác có thể trở thành tội lỗi của mình, việc chuộc tội do một Đấng thực hiện có thể là sự chuộc tội do tất cả những người còn lại thực hiện. Con Thiên Chúa trở thành Con người, và tự mình gánh lấy tội lỗi của toàn thể loài người. Đây không phải là cụm từ trống rỗng, hay trí tưởng tượng cao siêu. Vườn Diệtsimani là bằng chứng đầy đủ cho thấy đó là một thực tại khủng khiếp nhất, một trải nghiệm thực chất nhất. Chúa Giêsu trở thành người đại diện của chúng ta, và những đau khổ của Người do đó trở thành tài sản của chủng loại chúng ta. Người đã cứu chuộc chúng ta, không phải bằng gương sáng, giáo lý hay huấn giáo của Người - tất cả những điều này chỉ có tầm quan trọng thứ yếu - nhưng bằng việc đền tội có tính đại diện và chuộc lỗi trong đó Người đã gánh lấy trách nhiệm đối với tội lỗi của chúng ta trước mặt Thiên Chúa. Cộng đồng chuộc tội khách quan này vươn xa đến nỗi nhờ năng lực của nó, bất cứ đứa trẻ nào, không có bất cứ sự hợp tác nào từ phía em, vẫn được tái sinh vào một cuộc sống và phương thức hiện hữu mới.

Bây giờ chúng ta nói đến tình liên đới giữa những người đã được tái sinh, nghĩa là, cộng đồng hoặc Hiệp thông các Thánh. Ân sủng duy nhất của Chúa Kitô chảy qua họ hết thẩy như một dòng sống duy nhất. Tất cả đều sống theo cùng một khuôn mẫu, điển hình này ảnh hưởng đến tất cả. Một Chúa Thánh Thần duy nhất hoạt động trong tất cả mọi người. Mỗi người sở hữu ân sủng không chỉ cho riêng mình, mà cho tất cả những người còn lại. Họ chuyển giao ân sủng này trong mọi lời nói, mọi cuộc gặp gỡ với người khác, mọi ý nghĩ tốt và mọi việc làm bác ái. Mỗi sự gia tăng ân sủng mà họ sở hữu, bởi lòng trung thành lớn hơn, bởi việc thâm hậu hóa và tăng trưởng đời sống thiêng liêng của họ nhờ tác động của nó, làm tuôn trào dòng ân sủng cho mọi người khác. Bất cứ khi nào một cá nhân tăng trưởng trong nhận thức và yêu thương, thì những người khác cũng được ảnh hưởng, và không chỉ qua lời nói, chữ viết hoặc tấm gương hữu hình, mà còn trực tiếp, qua sự truyền tải tức khắc và đáng kể tình yêu và ánh sáng từ linh hồn này sang linh hồn nọ.

Lời cầu nguyện của các đồng loại của tôi, công việc của họ, sự tăng trưởng trong ân sủng và sự trong trắng của họ cũng là của tôi. Khi chúng ta gặp một tinh thần trong trắng và sâu sắc - một người gần Thiên Chúa hơn chính chúng ta, và trong họ dòng sống tuôn chẩy luôn tươi mới và mạnh mẽ - há chúng ta lại không hình thành ước muốn, "Tôi muốn được chia sẻ với các bạn" ư? Trong Hiệp thông các Thánh, điều này thực sự diễn ra. Có một điều gì đó hết sức tuyệt vời và sâu xa trong ý nghĩ cho rằng tôi sẽ chia sẻ trọn sự trong trắng và viên mãn của sự sống siêu nhiên giấu ẩn trong linh hồn của những người khác, và chúng cũng là của tôi, trong tình liên đới của Nhiệm Thể Chúa Kitô.



Đã bao giờ các bạn nghĩ tới cộng đồng đau khổ chưa? Các bạn có xem xét việc người này truyền cho người khác không chỉ sức mạnh của gương sáng, lời nói và huấn giáo, không chỉ lượng dư đầy ân sủng và hiệu quả của lời cầu nguyện và sự cầu bầu, mà còn là sức mạnh của đau khổ không? Các bạn có bao giờ suy gẫm sự thật đầy linh hứng sâu xa đến kinh ngạc này: bất cứ khi nào một thành viên dâng sự đau khổ của mình lên Thiên Chúa cho những người khác trong cộng đồng Khổ Nạn của Chúa Kitô, thì sự đau khổ đó trở thành sức mạnh ban sự sống và cứu chuộc cho những người mà nó đã được dâng hiến, hiện đang ở tại nơi mà không có gì khác có thể đem trợ giúp đến cho họ từ bất cứ khoảng cách nào trong không gian và bất cứ rào cản nào ngăn cách.

Không ai trong chúng ta biết mình đang sống đến mức nào nhờ sức mạnh của ân sủng chảy tràn vào mình qua những người khác - bởi lời cầu nguyện kín đáo của trái tim thanh thản, các hy sinh chuộc tội do những người không quen biết dâng lên và việc đền tội được thực hiện cho họ bởi những người, trong im lặng, hiến thân cho anh chị em mình. Đó là một cộng đồng của những lực lượng sâu sắc và thân thiết nhất. Họ im lặng, vì không có gì ồn ào mà lại có thể tạo ra những hiệu quả đáng kể này. Nhưng nó không thể chống lại chúng vì nguồn của chúng là Thiên Chúa.

Cộng đồng này vượt trên mọi ranh giới. Nó không biết gì tới khoảng cách. Nó bao trùm tất cả các quốc gia và dân tộc. Nó vượt quá các giới hạn của thời gian, vì trong nó, quá khứ cũng hoạt động như hiện tại. Từ điểm này, truyền thống, vốn thường bị coi như một khía cạnh thuần túy ở bên ngoài, trở thành một thể hiện sống động. Và cộng đồng này vượt quá các ranh giới của đời này, vì nó vượt quá nấm mồ, bao trùm cả các Thánh trên Thiên đàng, và các linh hồn trong Luyện ngục.

“Để tất cả chúng nên một”: Đức Kitô đã cầu nguyện như thế trong giờ phút trước cuộc Khổ nạn của Người: nên một trong Thiên Chúa, và nên một với nhau. Lời cầu nguyện đó đang được tiếp tục ứng nghiệm trong Giáo Hội.

Giáo hội là "sự thật trong tình yêu", như Thánh Phaolô đã mô tả một cách tuyệt vời về điều đó. Giáo hội là chân lý, theo nghĩa sâu xa nhất của chân lý sống động, chân lý thiết yếu; một sự hài hòa hoàn mỹ trong việc trở thành sự viên mãn của sự sống thần linh, một tạo thế sống động. Nhưng đó là một sự viên mãn của sự thật vốn là tình yêu, và không ngừng phấn đấu để trở thành một tình yêu lớn hơn. Nó là ánh sáng, vốn đồng thời là sức nóng rực rỡ, là báu vật không thể bị giam hãm trong chính mình mà phải tự thông truyền cho người khác, một dòng suối cần phải chảy, một sở hữu phải là của chung mọi người, phải tự hiến cho mọi người một cách tự do. Giáo hội là tình yêu. Giáo hội là sự thật, một sự thật tự thông truyền. Giáo hội là kho báu vốn phải là tài sản chung của mọi người. Giáo hội là sự sống, một sự sống tự nhân thừa, nắm lấy tất cả và từ chính bản chất phải là một cuộc sống chung, một cuộc sống hiến tặng lẫn nhau vô bờ bến, trong đó tất cả thuộc về tất cả.

* * * * *

Sự suy gẫm của chúng ta ở đây phải vươn tới sự hoàn thiện và gương mẫu của xã hội, Thiên Chúa Ba Ngôi. Phát biểu hay nhất của tôi ở đây chỉ là nói lắp bắp. Nhưng hãy cho phép tôi nói hết sức có thể.

Thiên Chúa là sự sống thuần khiết của sự thật. Tuy nhiên, sự viên mãn của sự sống này quá rộng lớn đến mức trở thành sinh sản, và Thiên Chúa sở hữu nó trong tư cách là Cha - có nghĩa là, trong tư cách Đấng sinh thành - và truyền sự sống ấy cho Con. Và đến lượt mình - tôi nói theo cách nói của con người chúng ta, theo nghĩa trước và sau, mặc dù trên thực tế, toàn bộ diễn trình là vĩnh cửu – khi Con đứng trước Cha trong tư cách Viên Mãn được hạ sinh của Chân lý thần linh, sự nhận thức lẫn nhau của các vị làm rực lên tình yêu lẫn nhau và vĩnh cửu, và tình yêu Cha và Con này bừng cháy lên như Chúa Thánh Thần.

Cộng đồng trên là vô hạn. Đó là sự sống vô hạn, sự sở hữu vô hạn, trong đó tất cả mọi sự đều phục tùng lẫn nhau trong một cộng đồng hoàn hảo. Tất cả mọi sự đều là của chung – sự sống, năng lực, sự thật, hạnh phúc – một cách thực sự hoàn hảo đến mức không còn đơn giản là sở hữu cùng một đối tượng, mà là sự hiện hữu của sự sống y hệt như nhau, và cộng đồng này là một đồng nhất của cùng một bản thể và cùng một bản tính.

Cộng đồng thần linh này được thể hiện ra bên ngoài trong Giáo hội. Vì thử hỏi điều chúng ta sở hữu chung là chi? Tất cả những gì chúng ta tiếp nhận và cho đi là chi? Nó không là gì khác ngoài sự sống đời đời của Thiên Chúa, trong đó chúng ta được “ban cho một phần” qua mầu nhiệm tái sinh, và sự sống này luôn chảy vào chúng ta hết lần này qua lần nọ trong mầu nhiệm Rước Lễ. Chúa ở trong tôi, và ở trong các bạn, và trong tất cả chúng ta. Tất cả chúng ta đều được sinh lại từ Chúa Cha, trong Chúa Kitô, qua Chúa Thánh Thần. Người ở trong chúng ta, và chúng ta ở trong Người. Các bạn chỉ cần đọc các chương tuyệt vời của Thánh Gioan nói về mầu nhiệm này, bài diễn văn biệt ly của Chúa chúng ta cho các môn đệ của Người.

Tuy nhiên, tất cả những chữ này chỉ là những chữ yếu ớt. Không có lời nói nào của con người có thể đi xa hơn. Ở điểm này, chúng ta có thể trích dẫn những lời cuối cùng trong chuyên luận của Thánh Bonaventura về Sự Lên tới Thiên Chúa của Tinh thần ("Itinerarium Mentis in Deum"), khi ngài nói với các độc giả của ngài: "Nếu các bạn muốn có thêm kiến thức, hãy hỏi sự im lặng, chứ không phải ngôn từ; các bạn đừng mong muốn sự hiểu biết; lời cầu nguyện từ tận trái tim, chứ không phải đọc và học; chàng rể, chứ không phải thầy giáo; Thiên Chúa, chứ không phải con người; bóng tối, chứ không phải ánh sáng ban ngày. Đừng tra hỏi ánh sáng, nhưng tra hỏi lửa, ngọn lửa đốt cháy mọi trái tim nó chạm đến thành ngọn lửa dâng lên Thiên Chúa trong sự ngây ngất của một trái tim tràn đầy và Tình yêu bừng cháy".

Mầu nhiệm chân lý vô tận này, một mầu nhiệm đã trở thành tình yêu, về việc sở hữu vốn thuộc về mọi người, về cộng đồng không giới hạn hay kết thúc này, về sự cho đi không do dự này - chính là Giáo hội, việc nối dài trên trần thế của cộng đồng thần linh, sự phản chiếu việc hiến mình lẫn nhau của Thiên Chúa. Trong tác phẩm cuối cùng của mình, mà cái chết không cho phép ngài hoàn thành, Những bài giảng về Lục nhật Trình thuật ["Collationes trong Hexameron"] Thánh Bonaventura đã nói một cách hết sức soi sáng về mầu nhiệm này. Và các bạn có thể thu thập thêm ánh sáng từ cuốn Mầu nhiệm Đức tin Kitô giáo ["Mysterien des Christentums"] của Scheeben.

Chúng ta đã theo mầu nhiệm của xã hội đến tận nguồn suối của nó là Thiên Chúa. Tuy nhiên, ở đó, chúng ta cũng tìm thấy một đối tác đối với xã hội này, đó là, việc sự tự bảo toàn.

Chúa Cha ban mọi sự cho Chúa Con, Chúa Cha và Chúa Con ban mọi sự cho Chúa Thánh Thần. Tất cả, trừ một điều – bản ngã bản vị. Điều đó vẫn mãi mãi tự lập trong chính mình một cách bất biến. Tính đơn nhất bản vị (personal unity), phẩm giá và sự cao cả của bản ngã, không bao giờ có thể bị cho đi. Trong quá trình hiến tặng lẫn nhau, trong những điều vượt quá tính đơn nhất, chúng ta nhìn thấy một điểm ngừng nghỉ, một điều gì đó tồn tại mãi mãi, được bao quanh bởi một vòng tròn thánh thiêng và bất khả xâm phạm. Đó là tính ngôi vị (personality). Nó không thể được ban cho cũng không được tiếp nhận. Nó nằm trong chính nó. Trong chính trung tâm của xã hội hoàn hảo, nó đứng một mình, cố định trong chính nó. Điều này tạo thành tính bất khả xâm phạm thiết yếu của nó. Sự bất khả xâm phạm này có đối tác của nó trong mối liên hệ của Thiên Chúa với con người. Chắc chắn, tất cả chúng ta đều sở hữu cùng một Thiên Chúa. Người ban chính mình Người và toàn bộ bản ngã Người cho mọi người. Nhưng Người ban chính Người cho mỗi người một cách độc đáo, tương ứng với nhân cách độc đáo của họ. Trong Thiên Chúa, tất cả chúng ta là một, là thành viên của một cộng đồng thân thiết không thể tả nổi. Nhưng đồng thời mỗi người có thể biết chắc Thiên Chúa thuộc về mình một cách khác với cách Người thuộc về bất cứ ai khác, và trong mối liên hệ này, người ấy chỉ có một mình với Thiên Chúa. Giá trị của tình bạn sẽ giảm đi khi nó được chia sẻ với nhiều người. Nhưng tôi biết Thiên Chúa - và đây là điều kỳ diệu trong sự sống vô hạn của Người - thuộc về mọi người, nhưng thuộc mỗi người một cách độc đáo. Vòng tròn thánh cô lập thuần túy bao quanh sự bình an, trong đó bản ngã nội thẳm nhất của con người ở một mình với Thiên Chúa của họ.

Và luật trên được lặp lại trong mọi cộng đồng xứng đáng với tên gọi. Đây là một sự thật có tầm quan trọng hàng đầu. Một tình liên đới cộng đồng sâu sắc hợp nhất tất cả các thành viên của Giáo hội, nhưng trong đó cá nhân không bao giờ bị nuốt chửng trong một bản sắc không có đặc điểm. Người ta thường nói rằng đời sống cộng đồng của Giáo hội là lạnh lùng. Chính chúng ta mới là người lạnh lùng, vì chúng ta vẫn là những người theo chủ nghĩa cá nhân. Tất cả chúng ta tiếp tục sự cô lập lạnh lùng kiểu khế ước xã hội và máy móc. Nhưng chúng ta mong muốn trở thành Công Giáo toàn bộ. Lúc đó, chúng ta mới thực sự cảm nghiệm được ý nghĩa của cộng đồng. Lúc đó, chúng ta mới ý thức được dòng sống truyền từ người này sang người nọ, mới ý thức được nhịp đập rộn ràng từ trái tim của Chúa Kitô qua mọi chi thể của Người. Tuy nhiên, vòng tròn linh thiêng đó sẽ luôn bao quanh khu thánh thiêng thâm sâu nhất và giữ cho nó bất khả xâm phạm. Không ai được phép đến gần một người khác quá gần, dùng áp lực xâm nhập linh hồn người khác, lung lạc sự độc lập bên trong của họ, hoặc thống trị nó. Sự tôn kính sâu sắc đối với nhân cách con người phải cầm cân nẩy mực mọi điều. Vì đó là nền tảng của phong cách Công Giáo, bất chấp là trang trọng hay vui tươi, trong cách thức Công Giáo đưa yêu cầu hoặc tặng quà, cách Công Giáo nhìn sự việc, thái độ Công Giáo: nói tóm lại, mọi sự một cách thực sự Công Giáo [2].

Các mệnh lệnh Công Giáo luôn được linh hứng bởi việc tôn kính đối với chủ thể của chúng. Chúng được đặt căn bản trên nhận thức rằng nhân cách là điều thánh thiêng. Phong cách ra lệnh theo Công Giáo đòi hỏi sự khiêm tốn, không những từ người vâng theo, mà cả từ người ra lệnh. Nó bác bỏ bạo lực, và càng phải hoàn toàn bác bỏ hơn, khi cấp dưới càng không có khả năng tự vệ hơn. Cấp trên Công Giáo biết rằng mình là người đầy tớ của thẩm quyền Thiên Chúa, và nhiệm vụ của mình là phải tăng cường từ từ sự độc lập của cấp dưới, và do đó làm cho họ được tự do như chính mình.

Sự vâng lời Công Giáo luôn luôn có phẩm cách. Nó không phải là sự khúm núm, hay yếu đuối dựa vào sự nâng đỡ của người khác, mà là sự phục tùng tự do và đáng kính trước sự vâng lời hợp lý đó, trong đó chủ thể biết các giới hạn của mình và duy trì tính độc lập của mình.

Cách người Công Giáo chia sẻ với người khác, cho và nhận, là trong sạch. Nó không bao giờ từ bỏ sự độc lập cuối cùng của con người, không bao giờ phá vỡ sự bình an thánh thiện trong đó linh hồn tận hưởng cuộc sống cộng đồng sâu sắc nhất của mình, một mình với Thiên Chúa.



Đức bác ái Công Giáo giúp đỡ nhưng không làm tổn thương phẩm giá của người nhận.

Tình bạn Công Giáo nhìn nhận mầu nhiệm này, và đảm bảo rằng các bên tham gia vào nó luôn luôn mới đối với nhau.

Hôn nhân Công Giáo là sự cô lập hoàn hảo của hai hữu thể nhân bản, và đây là nguồn gốc của tuổi trẻ muôn thuở của nó.

Tất cả điều này là một lý tưởng cao siêu. Nhưng đó chính là linh hồn của đời sống cộng đồng Công Giáo.

Tại Rothenfels, một trong những người có mặt nhận xét: "Mối thông hiệp của chúng ta phải sao đó để các thành viên của nó sẵn sàng, nếu cần, biết cống hiến và hy sinh mọi sự cho nhau. Tuy nhiên, mối thông hiệp đó không diễn ra trực tiếp từ người này sang người nọ - vốn là bản chất của mối thông hiệp trong đó các cá nhân tự do ràng buộc mình với đồng loại của họ bằng mối quan hệ của tình bạn hoặc tình yêu - nhưng từ tôi đến Thiên Chúa, và từ Thiên Chúa đến các bạn". Những lời này có ý nói tới một hiệp hội đặc thù. Nhưng họ nêu ra một qui luật áp dụng ở một mức độ nào đó cho mọi cộng đồng đích thực - dù hoàn chỉnh đến đâu, là nhân cách phải luôn bất khả xâm phạm. Tất cả cuộc sống cộng đồng đều giả định sự cô lập nội tâm này.

Và nó cũng là sự khởi đầu và kết thúc của mô thức. Vì mô thức có nghĩa là có một cộng đồng đích thực, nhưng nó bị giới hạn ở mọi hướng bởi ý thức về sự khác biệt bên trong giữa con người và con người. Các mô thức chỉ là những cách mà thái độ nền tảng này được thể hiện một cách thích đáng trong các biểu hiện khác nhau của đời sống cộng đồng, và trở thành quy luật để giữ cho cuộc sống đó khỏi bị băng hoại.

Tuy nhiên, con đường hướng tới mục tiêu này, và không chỉ dành riêng cho giới ưu tú, mà cho mọi người thiện chí, chính là Giáo hội. Giáo hội làm cho "tất cả" có thể “trở thành một ", và "có mọi sự làm của chung". Và Giáo hội cũng làm cho chúng ta hiểu rõ hơn như một niềm tin sống động sự kiện này: không có lợi gì cho một người "nếu họ giành được cả thế giới mà lại để mất linh hồn của chính mình."

Ghi chú

1. Hiệp hội Thanh niên Công Giáo Quickborn được thành lập vào năm 1910 với Burg Rothenfels a. Main là trụ sở chính của nó. Mục đích của nó lấy tinh thần Công Giáo thấm nhiễm toàn bộ đời sống, văn chương và nghệ thuật. Năm 1921, nó có khoảng 6,000 thành viên (Ghi chú của người dịch.)

2. Ở đây, tôi muốn phác thảo một dòng suy nghĩ khác. Đạo Công Giáo coi mỗi con người như con Thiên Chúa. Về mặt này, tất cả đều bình đẳng về căn bản. Chỉ riêng con người mới đáng kể trong mọi mối tương quan tôn giáo thiết yếu, chẳng hạn như trong Thánh lễ và trong các Bí tích, trong cách tiếp cận các hoạt động và trách nhiệm tôn giáo khác nhau. Tôi không biết liệu ngoài Giáo hội ra, có tổ chức xã hội nào khác, trong đó người ta gặp gỡ nhau tự nhiên như giữa người với người, ngay cả khi một trong hai bên là viên chức của xã hội. Chẳng hạn, trong Tòa Giải tội, cả linh mục và hối nhân đều bỏ ngoài các chức vụ xã hội liên hệ của họ và đối diện với nhau trong các cá tính chính yếu của họ. Trong lãnh vực thiêng liêng của Giáo hội, "linh hồn", "con người", "linh mục", "tội nhân", "đàn ông", "đàn bà", nói tóm lại là toàn bộ sưu tập các kiểu và khía cạnh nhân bản chủ yếu tách biệt khỏi môi trường xã hội của họ. Và điều này như một lẽ tất nhiên. Một khi bước qua ngưỡng cửa của Giáo hội, các phạm trù căn bản của nhân tính trở nên những điểm chính. Việc đơn giản hóa nhân cách được thực hiện. Nó được giản lược để chỉ còn lại các yếu tố nhân bản thiết yếu, xóa bỏ hết các yếu tố làm lu mờ chúng do các bất toàn của con người hoặc ảnh hưởng của một thời đại cụ thể đưa vào. Nằm ở điều này chính là cảm thức bình đẳng độc đáo trong Giáo hội, một điều càng hoàn hảo hơn, vì nó diễn ra không cần lưu ý đặc biệt.

Mặt khác, Giáo hội là kẻ thù không khoan nhượng của tinh thần "dân chủ", là tinh thần chủ trương xóa bỏ mọi sự phân biệt về cấp bậc và năng lực tự nhiên. Theo nghĩa này, Giáo hội có tính quý tộc hết lòng. Điều này quả thực có liên hệ đến sức mạnh to lớn của truyền thống. "Chủ nghĩa dân chủ" – chứ không phải nền dân chủ - là một quan niệm hoàn toàn hiện đại và là một điều mới lạ. Nó làm cho sự lựa chọn, đánh giá và thử nghiệm chân chính thành bất khả. Ngược lại, sức mạnh của truyền thống buộc hiện tại phải chịu thử nghiệm và bác bỏ các yếu tố nào không đủ sức chịu đựng thử nghiệm này. Cuốn "Buch uber Adler" [Sách về Đại bàng] của Kierkegaard đã trình bầy một cách rất đáng lưu ý sức mạnh chọn lọc và thử nghiệm này của truyền thống. Thẩm quyền cũng có tính quý tộc, nếu nó thực sự sở hữu lòng dũng cảm và sức mạnh để cai trị, chứ không là sự yếu kém chỉ có tính ngụy trang. Thái độ "duy dân chủ " của tâm trí không thể ra lệnh, cũng không thể tuân theo.

Hơn nữa, Giáo Hội, bằng giáo huấn và hiện thân các lời khuyên Phúc Âm bằng định chế, đã đặt ra trước mỗi người chúng ta khả thể một ơn gọi phi thường. Giáo hội dược trao trách nhiệm thiết lập một luân lý kép, một thứ dễ dãi hơn cho thế giới, và thứ kia là quy tắc cao cả hơn cho tu viện. Nếu những định kiến lịch sử cũ và sự thù hận lộ liễu không cản đường, thì người ta sẽ sớm nhận ra rằng chỉ có nhiệm cục này mới phù hợp với bản chất của con người mà thôi. Từ mỗi con người, Giáo hội đòi hỏi sự hoàn thiện- nghĩa là, họ phải dùng hết sức mình mà yêu mến Thiên Chúa, làm theo Thánh ý Người và làm việc cho Vương quốc của Người trong lãnh vực đặc thù của mình. Giáo Hội khuyến khích mọi người ngày càng mọc sâu hơn vào Thiên Chúa, và nhờ thế từ từ làm cho cả cuộc đời mình phục vụ Thiên Chúa, cho đến khi họ thực sự có thể nói, "Tôi sống, nhưng không phải là tôi: mà là Chúa Kitô sống trong tôi".

Đây là thái độ của Kitô hữu đối với đời sống. Tuy nhiên, nó thừa nhận một sự khác biệt thiết yếu trong quy luật cuộc sống, mang lại cho nó sự hiện thân thực tế. Thái độ của Kitô hữu là sự sẵn sàng đi theo con đường mà Thiên Chúa kêu gọi họ đi. Nhưng Người không gọi mọi người đi cùng một con đường. Đa số được Người kêu gọi đi theo con đường bình thường, một số ít đi theo con đường phi thường. Quy luật thông thường của cuộc sống là quy luật trong đó các giá trị và đòi hỏi tự nhiên và siêu nhiên được đưa vào một sự cân bằng hài hòa. Quy luật phi thường của cuộc sống là quy luật trong đó, ngay trong tác phong bên ngoài của cuộc sống, mọi sự đều hướng trực tiếp tới siêu nhiên. Quy luật đầu ra lệnh; quy luật sau bảo ban. Quy luật đầu dành cho mọi người, Quy luật sau chỉ dành cho những người "có thể tiếp nhận nó". Phủ nhận bất cứ sự khác biệt nào giữa hai quy luật của cuộc sống là phủ nhận những điều kiện thực sự của hiện hữu con người. Và quả không đúng khi nói rằng mọi người đều thích hợp với con đường phi thường. Điều này không đúng ngay trong phạm vi tự nhiên; cho nên, trong phạm vi tôn giáo, nó còn không đúng hơn xiết bao. Chủ nghĩa vật chất [philistinism] và chủ nghĩa dân chủ đòi bãi bỏ quy tắc sống phi thường, để người theo con đường bình thường không bị mặc cảm tự ty. Mặt khác, thật là quái dị - và cũng là một ý nghĩ tưởng tượng cực kỳ ngu ngốc và nguy hiểm – khi chủ trương rằng mọi người đều được kêu gọi đi theo con đường phi thường. Tất cả những ai từng xem xét điều này ngụ ý gì đều đồng ý. Giáo hội phân biệt hai quy tắc. Điều này nói lên thái độ quý tộc của Giáo Hội, không chịu khuất phục trước bất cứ khao khát bình đẳng nào.

Tuy nhiên, chúng ta có thể chứng minh rằng chính nhờ sự khác biệt này mà mỗi quy luật sống có thể làm cho sự phát triển trọn vẹn của quy luật kia thành khả hữu, để có thể xây dựng nên cơ cấu hoàn chỉnh của cuộc sống con người. Quy tắc sống, trong đó nguyên tắc phi thường tìm được biểu thức khách quan, chính là các lời khuyên Phúc âm - khó nghèo, khiết tịnh và vâng lời. Đây là những phương tiện nhờ đó, con người, trong điều kiện cụ thể, hoàn toàn chuyển động lực đời mình hướng về Thiên Chúa, đặt việc phó thác, ở mọi điểm, lên trên việc tự bảo tồn, đặt điều siêu nhiên lên trên điều tự nhiên. Thực sự, lối sống phát sinh từ những lời khuyên này có thể hoặc được sống theo một cách tự do "nơi thế gian", hoặc bằng các hình thức sống có quy định bởi các dòng tu. Vậy, đâu là ý nghĩa của hình thức sau đối với cộng đồng? Ở đây, tôi không bàn đến các dịch vụ thực tế do chúng thực hiện, thí dụ như chăm sóc người nghèo và người bệnh, cầu thay cho cộng đồng, thực hiện do qui luật dòng tu, những dòng, trong lúc chiêm niệm của họ, luôn dâng toàn bộ nhân loại lên Thiên Chúa. Tôi chỉ quan tâm đến việc xem xét hiệu quả xã hội học của chúng. Sự kiện phi thường tự từ bỏ mình một cách hoàn toàn tự nguyện - và không phải như một ngoại lệ phù phiếm, mà như một hiện tượng vĩnh viễn - mang lại cho phần lớn những người đi theo con đường bình thường, một sự độc lập đối với của cải có liên quan, một điều càng cần thiết hơn trong việc sử dụng chúng cho đúng. Đơn cử một thí dụ; hôn nhân, là sự cô lập của hai con người trong Thiên Chúa, và như một hình thức cộng đồng, không những là sự tổng hợp đơn thuần của hai người bạn đời mà còn là một điều gì đó cao cả hơn, tức hình ảnh của Nước Thiên Chúa, vốn là Giáo hội; và trong mọi khía cạnh như một khả năng sinh sản được sắp đặt thích đáng. Vì vậy, nó không thể được thiết lập chỉ dựa trên cơ sở các lực lượng tự nhiên có xu hướng hướng tới hôn nhân (Đối với nhiều người, điều này có vẻ là một nghịch lý; và đúng như vậy. Nhưng khi chúng ta đã cân nhắc đi cân nhắc lại các hình thức của sự sống con người; mối tương quan giữa các mục tiêu phát sinh từ chính bản chất của chúng và các lực lượng chúng thực sự sử dụng, mối tương quan giữa hình thức này và hình thức nọ; và nhiệm cục nội tại của sự sống, chúng ta sẽ hiểu rằng những gì bề ngoài có vẻ là một nghịch lý thường là điều duy nhất thực sự tự nhiên. Nghịch lý được gắn liền trong chính tâm điểm của sự bình thường. Ở đây, cũng thế). Các lực lượng thường tạo ra hôn nhân không đủ làm cho một cuộc hôn nhân hoàn tất bản chất bên trong của chính nó. Một cuộc hôn nhân như vậy đòi hỏi một khả năng đồng thuận và phó thác hoàn toàn, nhưng cũng đòi hỏi một sự độc lập lớn lao đối với nhân tố tình dục. Không có khả năng đầu, sự kết hợp sẽ quá hời hợt; không có khả năng sau, nó thiếu phẩm giá bên trong và khả năng chung thủy. Tuy nhiên, bản nhiên không thể tự nó tạo ra điều này. Chỉ có việc phó thác [surrender] hoàn toàn trong tác phong sống, tức "chỉ nghĩ đến những điều thuộc về Thiên Chúa", một điều, nhờ ảnh hưởng liên tục nó gây ra cho người khác qua nhiều thế kỷ, cũng sẽ đánh thức nơi người kết hôn sức mạnh cần thiết để phó thác hoàn toàn, với mọi hy sinh mà nó đòi hỏi. Và việc họ hoàn toàn từ bỏ tình dục tạo ra sự tự do đối với sức mạnh thái quá của tình dục, một điều, ngược lại, gây phản ứng nơi số đông nam giới và nữ giới và một mình nó có thể làm cho hôn nhân trở thành chung thủy và khiết tịnh. Bác bỏ khả thể từ bỏ và phó thác cho Thiên Chúa này cũng là bác bỏ các khả năng cao quý nhất của con người và làm lung lay nền tảng của hôn nhân đích thực. Mặt khác, nếu một cuộc từ bỏ được coi là thực sự anh hùng, thì điều được từ bỏ đương nhiên phải có giá trị. Thời đại nào cũng phải nhận thức đầy đủ giá trị của hôn nhân, của các châu báu nó chứa đựng, nếu sự hy sinh của những người độc thân được coi là một điều gì đó thực sự phi thường. Hôn nhân phải chứng tỏ sự phong phú sâu xa bên trong đó, phải sở hữu sự cao quý đó, phải là sản phẩm lạ lùng được tạo hình bởi sự hợp tác của các lực lượng tự nhiên và siêu nhiên, một điều, theo gợi ý của Thánh Phaolô, được Chúa Kitô mong muốn, và được Giáo hội luôn trân qúy. Vì sự hy sinh khác biệt trong đức đồng trinh là việc nó từ bỏ sự cộng hợp hoàn hảo và năng lực sáng tạo mà chỉ hôn nhân mới có thể phát sinh được. Như thế, chỉ một mình sự cô đơn của con đường phi thường mới có thể bảo đảm để quy tắc, tức hôn nhân, trở nên cao quý và sâu sắc. Nhưng ngược lại, chỉ có hôn nhân mới làm cho sự hy sinh đó trở thành điều nó phải trở nên, nếu nó muốn thể hiện các giá trị vốn có trong bản chất của nó. Hôn nhân cũng cần phải có tính anh hùng, nếu đời sống đồng trinh phải thoát khỏi nguy cơ trở thành chuyện thông thường [commonplace]. Điều phi thường không anh hùng chỉ đơn giản là như vậy. Ngược lại, nó hệ ở sự trong sạch, lòng quảng đại và sự trung thành hoàn toàn mà với nó, ơn gọi phi thường được hoàn thành. Tương tự như vậy, hình thức bình thường, tự bản chất của nó, không hề thông thường [commonplace]. Nó cũng trở nên anh hùng khi nó được thể hiện một cách trong sạch hoàn toàn, một cách dũng cảm và trung thành. Chúng ta không nên nhầm lẫn các phân biệt đặc trưng giữa hai cách thức với các phân biệt trong thiên hướng luân lý. Ở đấy, "phi thường" cũng có thể là rất "thông thường", bình thường cũng có thể là rất anh hùng. Hôn nhân và đồng trinh hay nói chung - quy tắc và ngoại lệ - bổn phận và lời khuyên - là các hình thức của đời sống Kitô hữu. Trái lại “tầm thường” [mediocre] và “anh hùng” là các thái độ đối với đời sống. Mọi hình thức sống đều có thể sống bằng một tinh thần anh hùng hoặc bằng một tinh thần tầm thường. Và quyết tâm sống một cuộc sống anh hùng và không dè dặt cống hiến bản thân không tự nó xác định ra hình thức sống trong đó nó sẽ được hoàn thành. "Thiện chí" quyết định lựa chọn trước, "ơn gọi" quyết định chọn lựa sau. Chúng ta cần những người đàn ông và đàn bà sống theo hình thức phi thường của cuộc sống một cách anh hùng. Nhưng chúng ta cũng rất cần những người khác chịu sống theo hình thức bình thường của cuộc sống một cách anh hùng. Tính cách anh hùng trong hôn nhân cũng không cần thiết như tính cách anh hùng trong đức đồng trinh. Và, nhìn từ quan điểm xã hội học, chắc chắn cả hai kiểu anh hùng này đều hỗ trợ cho nhau.

Tính quý tộc [aristocracy] –thuật ngữ này không đúng lắm – và tính dân chủ đan xen nhau rất sâu xa trong trật tự tâm linh Công Giáo.

Những ai có quan điểm đúng đắn sẽ vừa thích thú vừa thán phục thấy rằng Giáo hội, ở mọi khúc quanh, đúng một cách kỳ diệu và thậm chí huyền bí xiết bao trong tất cả các giá trị và sự sắp đặt của mình; và thái độ thường bị tố cáo là thù địch đối với cuộc sống của Giáo hội hoàn toàn phù hợp với các đòi hỏi sâu sắc nhất của cuộc sống. Quả thật, chúng ta có lý do chính đáng để tín thác Giáo hội! Nhưng chúng ta vẫn phải gặp được kiệt tác Thiên Chúa xâm nhập và tạo hình cuộc sống con người, thì mọi phản bác mới tan biến vào không khí....

Lời bạt

Những bài giảng này không cố ý xác minh bằng lý luận khoa học, nhưng khẳng định như xác tín của tôi, rằng lãnh vực đức tin Công Giáo – tức Giáo hội - không chỉ là một phương thức thay thế trong số rất nhiều phương thức, mà là chân lý tôn giáo, tinh ròng và đơn giản, là Vương quốc Thiên Chúa. Giáo hội không phải là một điều thuộc quá khứ, mà là thực tại tuyệt đối, và do đó là câu trả lời cho mọi thời đại, kể cả thời đại của chúng ta, và sự thành toàn của nó. Và sự thành toàn này sẽ càng hoàn hảo hơn, khi sự chấp nhận của chúng ta đối với thực tại do đức tin Công Giáo trình bầy càng có thực chất và trọn vẹn hơn, và cố gắng của chúng ta càng nghiêm túc hơn để biến thành của chúng ta thiên hướng thiêng liêng được nó hàm chứa. Tính Công Giáo chân chính này, một điều vốn bị người ta trầm trọng tin chỉ có tính cách siêu nhiên và giáo điều của đạo Công Giáo, thực sự là một thái độ cởi mở và toàn diện nhất, hay đúng hơn là một thái độ toàn diện cởi mở duy nhất, đang hiện hữu. Nếu chúng ta hiểu chữ cởi mở là cái nhìn tri thức biết nhìn và đánh giá mọi đối tượng như chúng thực sự là, thì Giáo hội có thể tự nhận cho mình mô tả này, vì đối diện với muôn vàn kinh nghiệm phong phú của con người, Giáo hội chiếm vị trí duy nhất hoàn toàn ổn định, rõ ràng và xác định. Cả sự phong phú lẫn sự cố định đi vào tâm trí Công Giáo. Vì người có quan điểm hẹp hòi, nhút nhát và kinh nghiệm thực tại nghèo nàn đi, thì xa vời đối với quan điểm Công Giáo y như người không có khả năng khẳng định hoặc phủ định vô điều kiện, hoặc người làm suy giảm giáo huấn hoàn toàn siêu nhiên của Giáo hội, hoặc giải thích để bác bỏ các sự kiện lịch sử rõ ràng được giáo huấn này dựa vào.

Nhưng vẫn còn nhiều điều phải nói. Ngay trong bài giảng thứ hai của tôi, tôi đã nhấn mạnh rằng chúng ta quan tâm đến Giáo hội thực tế, không phải Giáo Hội lý tưởng, không phải với một Giáo Hội thiêng liêng, mà là Giáo hội lịch sử như Giáo hội hiện hữu ngày nay. Giáo hội không phải là một lý tưởng, có thể được xây dựng một cách tiên thiên, và trên đó chúng ta có thể lui về khi thực tại không đáp ứng yêu cầu của chúng ta, chẳng hạn, khi chúng ta dựng lên một trạng thái lý tưởng. Về căn bản không có điều gọi là triết lý Giáo hội. Ngược lại, Giáo hội là một thực tại độc đáo. Vị trí của Giáo hội về mặt này giống với vị trí một con người. Nếu ai đó nói rằng một phán đoán đặc thù không thể áp dụng vào người bạn của họ một cách cụ thể, mà chỉ áp dụng vào lý tưởng của họ mà thôi, và do đó, phải chuyển hướng sự chấp thuận của họ từ người sang lý tưởng, thì người đó sẽ phạm tội bất công đối với nhân cách của bạn mình. Điều này thực sự còn tồi tệ hơn sự bất công; nó là sự phản bội. Vì nó là sự mù quáng hoàn toàn đối với quyết định thiết yếu mà với nó, nhân cách con người thách thức chúng ta chấp nhận hay bác bỏ nó như thực sự là. Nó đòi hỏi có hoặc không, thù địch hay trung thành, nhưng không thể thừa nhận việc rút lui vào trừu tượng và phủ nhận thực tại nhân danh lý tưởng. Một gán ghép như vậy sẽ sai lầm về mặt siêu hình, vì nó không xét đến bản chất thiết yếu của nhân cách cá nhân vì đã coi nó chỉ là trường hợp đặc thù của thể phổ quát, và về mặt đạo đức không thể chấp nhận được, vì nó đã thay thế thái độ phải chấp nhận đối với một con người bằng thái độ chỉ thích hợp với một sự vật đơn thuần. Việc phân biệt giữa thực tại và lý tưởng của Giáo hội cũng phi lý không kém. Tuy nhiên, điều này làm cho sự phân biệt nhiều hơn càng cần thiết hơn nữa. Chúng ta phải tìm hiểu xem liệu hình thức thực sự bên trong của Giáo hội, sự hoàn thiện bên trong của Giáo hội được Thiên Chúa sắp đặt, có được mạc khải bởi bất cứ biểu hiện bên ngoài nào hay không. Các sức mạnh bắt nguồn từ yếu tính của Giáo hội có hoạt động trọn vẹn trong những biểu thức hữu hình của đời sống Giáo hội không? Bản chất bên trong của Giáo hội có hiển hiện nơi các chi thể của Giáo hội không? Không ai có thể né tránh câu hỏi này, vì nó liên quan đến bản thân mỗi người chúng ta. Khi một người đạt tới xác tín, tin rằng Giáo Hội là tuyệt đối về bản chất thực sự của mình và trong mọi thời đại giảng dạy đường tới hoàn thiện và sức mạnh để đạt được điều này, phản ứng tức thì của họ sẽ là một lòng biết ơn mãnh liệt. Nhưng lòng biết ơn này không được xui khiến họ ngủ yên trong sự thoải mái thiêng liêng, mà phải được cảm nhận như một yêu cầu. Dụ ngôn về các nén bạc cũng có thể áp dụng cho mối liên hệ của chúng ta với Giáo hội. Tất cả chúng ta đều có trách nhiệm đối với Giáo hội, mỗi người theo cách riêng của mình, linh mục do Bí tích Truyền chức, giáo dân do Bí tích Thêm sức. Mức độ hòa hợp đạt được giữa bản chất của Giáo hội và vẻ bề ngoài của Giáo hội, giữa các khía cạnh bên trong và bên ngoài của Giáo hội phụ thuộc vào mỗi người chúng ta. Cả ở đây, chúng ta cũng phải gánh một trách nhiệm nặng nề đối với những người ở bên ngoài Giáo hội. Nó đòi chúng ta phải có viễn kiến tình yêu và đức tin để nhìn thấy bản chất bên trong của Giáo hội dưới những biểu thức thường rất khiếm khuyết. Ngay cả các chi thể của Giáo hội đôi khi cũng thiếu tầm nhìn này. Vậy thì càng phải mong đợi ít ỏi hơn xiết bao nơi những người coi Giáo hội một cách không tin tưởng như những người xa lạ, mù quáng bởi các định kiến và các giá trị sai lầm trong nền giáo dục của họ! Chúng ta không thể đổ lỗi cho họ nếu họ coi những khẳng định đưa ra trong các bài giảng này là nói lý thuyết xuông. Vì quả thật, một lập luận xác đáng trong lĩnh vực này nên được tiến hành bởi những người Công Giáo có cuộc sống có thể gây cảm hứng cho cho người ta tin. Các bằng chứng của họ, quả thế, không phải là không có giá trị nội tại của chúng. Nhưng sức mạnh mang lại xác tín của họ mạnh nhất khi họ được hỗ trợ bằng một "bằng chứng của sức mạnh" sống động.