3. CÁCH TRỞ NÊN NHÂN BẢN
Chúng ta đề nghị xem xét ý nghĩa của Giáo hội. Tôi đã cố gắng phác thảo nó trong những nét tổng quát. Đối với cá nhân, Giáo hội là tiền đề sống động của sự hoàn thiện cá nhân của họ. Giáo Hội là con đường dẫn đến nhân cách [1]. Tuy nhiên, trước khi đi vào chi tiết, hãy cho phép tôi nhận xét sơ bộ. Khi tôi cố gắng giải thích ý nghĩa của Giáo hội đối với nhân cách cá nhân, có lẽ tâm trí các bạn sẽ phản đối. Cái nhìn vào bên trong của các bạn thấy nhiều khiếm khuyết đang đương đầu với nó. Suy nghĩ của các bạn tới lui nhiều lần với sự vỡ mộng bản thân, và do đó các bạn có thể cảm thấy những gì tôi nói là không đúng sự thật. Các bạn nghĩ rằng điều tôi nói thực sự đúng với lý tưởng, về một giáo hội tâm linh, nhưng Giáo hội thực sự thì không, và không hoàn thành điều mà tôi đang chủ trương. Tôi nợ các bạn một câu trả lời đối với sự phản bác này. Những người có thể nói về ý nghĩa của Giáo hội cũng phải nói về những khiếm khuyết của Giáo hội. Ngay cả Giáo hội cũng không thể thoát khỏi bi kịch vốn có trong mọi sự việc nhân bản, vốn nảy sinh từ sự kiện các giá trị vô hạn bị ràng buộc với những gì là nhân bản và do đó bất toàn. Sự thật gắn liền với sự hiểu biết và giảng dạy của con người; lý tưởng hoàn thiện gắn liền với việc trình bày nhân bản của nó; luật lệ và hình thức cộng đồng gắn liền với nhận thức của con người; ân sủng, và ngay cả chính Thiên Chúa - hãy nghĩ đến Hy tế Thánh lễ - gắn liền với các hành động do con người thực hiện. Sự Hoàn thiện Vô hạn hòa trộn với thể hữu hạn và không hoàn hảo. Chúng ta dám nói, điều này là bi kịch của chính Đấng Vĩnh Hằng, vì chính Người phải phục tùng tất cả những điều này nếu Người muốn bước vào lãnh vực nhân loại. Và đó là bi kịch của con người, vì họ có nghĩa vụ phải chấp nhận những khiếm khuyết nhân bản, nếu họ muốn đạt được Thể Vĩnh cửu. Tất cả những điều này đều đúng đối với cả Giáo hội, lẫn mọi định chế hiện hữu giữa các hữu thể nhân bản. Nhưng trong trường hợp Giáo Hội, nó có thêm nét sắc cạnh của nó.
Vì ở đây, còn có các giá trị cao nhất can dự vào. Có một phẩm trật các giá trị, và giá trị được đề cập càng cao, thì nhân tố bi thảm này càng được cảm nhận một cách đau đớn hơn. Tuy nhiên, ở đây, chúng ta quan tâm đến sự Thánh thiện, đến Ân sủng và sự thật của Thiên Chúa, với chính Thiên Chúa. Và chúng ta quan tâm đến số phận con người vốn phụ thuộc vào Thực tại Thần linh này – tức ơn cứu rỗi của linh hồn họ. Tất nhiên, việc Nhà nước cần được sắp đặt tốt là điều vô cùng quan trọng, và một hệ thống khoa học tự nhiên được xây dựng tốt cũng thế; nhưng ở phương sách cuối cùng, chúng ta có thể miễn chước cả hai. Nhưng các giá trị gắn bó với Giáo hội không thể nào miễn chước được trên bình diện thiêng liêng như thức ăn trong trật tự thể lý. Chính sự sống cũng phụ thuộc vào chúng. Ơn cứu rỗi của tôi tùy thuộc vào Thiên Chúa; và tôi không thể miễn chước điều đó. Tuy nhiên, nếu các giá trị tối cao này, và do đó ơn cứu rỗi của linh hồn tôi, do đó bị ràng buộc mật thiết vào các khiếm khuyết của con người, nó sẽ ảnh hưởng đến tôi một cách rất khác, chẳng hạn, với việc phá hủy một hiến pháp chính trị đúng đắn qua lòng ích kỷ đảng phái.
Nhưng có một sự xem xét thêm. Tôn giáo có mối liên hệ độc đáo với sự sống. Nhìn kỹ hơn, chúng ta sẽ thấy nó chính là sự sống; quả thật, trong căn bản nó không là gì khác ngoài là sự sống dồi dào do Thiên Chúa ban tặng. Do đó, tác dụng của nó là khơi dậy mọi lực lượng và biểu hiện sự sống. Như mặt trời làm cho cây cối đâm chồi nảy lộc, tôn giáo cũng đánh thức sự sống như vậy. Trong phạm vi của nó, mọi sự, dù tốt hay xấu, đều ở mức căng thẳng cao nhất. Sự thiện được tôn vinh, nhưng cái ác cũng tăng cường, nếu ý chí không vượt qua nó. Tình yêu quyền lực có tính áp bức trong mọi lĩnh vực, nhưng trên hết trong lãnh vực tôn giáo. Sự tham lam luôn có tính hủy diệt, nhưng khi nó hiện diện cùng với các giá trị tôn giáo hoặc trong bối cảnh tôn giáo, tác động của nó quả tai hại đặc biệt. Và khi tính ưa nhục dục xâm nhập vào tôn giáo, nó gây ngột ngạt hơn bất cứ nơi nào khác. Nếu đúng như thế, thì bi kịch của con người càng gia tăng trong tôn giáo, vì ở đây, bất cứ thiếu sót nào đều là gánh nặng nặng nề hơn và cảm thấy đau đớn nhiều hơn.
Tuy nhiên, còn một điểm nữa. Trong các định chế khác của con người, việc thể hiện các giá trị tinh thần ít cứng ngắc hơn. Họ để cho người ta tự do chấp nhận hoặc bác bỏ một hiện thân đặc thù. Thí dụ, giá trị được một hệ thống chính trị có trật tự tốt đại diện, thực sự bị ràng buộc với các nhà nước cụ thể đặc thù. Nhưng mọi người được tự do từ bỏ bất cứ nhà nước nào đó và gắn bó với một nhà nước khác, bất cứ khi nào họ có lý do nghiêm túc để chọn bước này. Tuy nhiên, trong Giáo hội, chúng ta phải thừa nhận không những các giá trị tôn giáo theo nghĩa trừu tượng, không những sự kiện giá trị tôn giáo này đan kết chặt chẽ với yếu tố nhân bản, nhưng nó còn gắn bó với yếu tố này, và chỉ với cộng đồng lịch sử đặc thù này. Giáo hội cụ thể, như hiện thân của giá trị tôn giáo. yêu cầu lòng trung thành của chúng ta. Và ngay cả như vậy, chúng ta vẫn chưa nói đủ. Chân lý của Kitô giáo không hệ ở các chủ trương và giá trị trừu tượng, “gắn liền với Giáo hội”. Sự thật mà ơn cứu rỗi của tôi phụ thuộc vào đó là một Sự kiện, một thực tại cụ thể. Chúa Kitô và Giáo hội là sự thật đó. Người nói: "Ta là sự thật". Tuy nhiên, Giáo hội là Thân thể của Người. Nhưng nếu Giáo hội là Chúa Kitô, sống động một cách mầu nhiệm; thì Giáo Hội là sự sống cụ thể của sự thật và sự viên mãn ơn cứu rỗi do Đấng Thiên Chúa làm người thực hiện; và nếu các giá trị của ơn cứu rỗi không thể bị tách rời khỏi Giáo Hội và phải được tìm ở nơi khác, nhưng được hiện thân một lần và mãi mãi trong Giáo Hội như một thực tại lịch sử, thì bi kịch sẽ đau đớn tương ứng, để người phân phối ơn cứu độ này liên kết mật thiết với những thiếu sót của con người.
Do đó, chỉ vì Giáo hội quan tâm đến những giá trị tối cao, đến ơn cứu rỗi của linh hồn, vì tôn giáo tập chú các sức mạnh của sự sống và do đó phát huy mọi điều nhân bản, cả tốt lẫn xấu, vì, ở đây, chúng ta đang đối đầu với một thực tại lịch sử vốn trong tư cách ấy ràng buộc chúng ta và đòi lòng trung thành của chúng ta, nên bi kịch của Giáo hội quả nặng nề xiết bao. Nặng nề đến mức chúng ta hiểu được nỗi buồn sâu xa ấy hằng trùm phủ lên các tinh thần vĩ đại. Nó là "tristezza cosi perenne" [nỗi buồn gần như vĩnh hằng], không bao giờ bị xua tan trên trái đất, vì nguồn của nó không bao giờ khô cạn. Thật vậy, tâm hồn càng thanh khiết, tầm nhìn của nó càng rõ ràng, và lòng yêu mến Giáo hội của nó càng lớn, thì nỗi buồn ấy càng sâu xa hơn nữa.
Thảm kịch này là một phần tạo ra bản chất của Giáo hội, bắt nguồn từ chính yếu tính của Giáo Hội, vì “Giáo hội” có nghĩa là Thiên Chúa đã đi vào lịch sử nhân loại; Chúa Kitô, trong bản tính, quyền năng và sự thật của Người, tiếp tục sống trong Giáo Hội bằng một sự sống huyền nhiệm. Nó sẽ chỉ chấm dứt trên Thiên đàng, khi Giáo hội chiến thắng đã trở thành Giáo hội vinh quang. Và thậm chí ở đó? Chúng ta phải nói gì về sự kiện một con người đặc thù đáng lẽ đã trở thành một vị thánh và có thể đạt được sự sở hữu Thiên Chúa hoàn toàn, nhưng đã không làm như vậy? Và ai dám nói rằng người này đã hoàn toàn thể hiện tất cả những gì họ có thể thể hiện? Ở đây, chúng ta đang đối đầu với một trong những bí ẩn tối hậu mà đứng trước nó, tư tưởng của con người hoàn toàn bất lực. Không có gì còn lại ngoài việc hướng tới một Quyền năng không bị ràng buộc bởi giới hạn nào, và sức mạnh sáng tạo của Đấng này có thể "kêu gọi những gì đang không có, lẫn những gì đang có" – tức Tình yêu Thần linh. Có lẽ bi kịch của nhân loại sẽ tự chứng tỏ là cơ hội để tình yêu đó tạo nên một chiến thắng không thể nghĩ tưởng, trong đó mọi khuyết điểm của con người sẽ bị nuốt chửng. Chúng ta từng có thể gọi lỗi lầm của Adam là "có diễm phúc". Việc tình yêu của Thiên Chúa vượt quá mọi giới hạn và vượt quá mọi công lý vốn là bản thể của niềm hy vọng Kitô giáo của chúng ta. Nhưng vì chính lý do này, mà những gì chúng ta đã nói vẫn đúng.
Tuy nhiên, trở thành một người Công Giáo là chấp nhận Giáo hội như Giáo Hội hiện là, cùng với bi kịch của Giáo hội. Đối với Kitô hữu Công Giáo, việc chấp nhận này phát xuất từ việc đồng thuận nền tảng của họ đối với toàn bộ thực tại. Họ không thể rút lui vào phạm vi các ý tưởng, cảm xúc và kinh nghiệm cá nhân thuần túy. Như thế, quả tình, sẽ không còn một "thỏa hiệp" nào nữa để yêu cầu. Nhưng thế giới thực sẽ được để mặc cho chính nó, tức lìa xa Thiên Chúa. Người có thể sẽ phải chịu sự trách cứ đã ràng buộc Kitô giáo tinh ròng của Tin Mừng vào quyền lực con người và tổ chức thế tục, đã biến nó thành một tôn giáo hợp pháp theo mô hình Rôma, một tôn giáo của những tham vọng trần thế, đã hạ thấp các tiêu chuẩn cao nhất của nó từng ngỏ với tầng lớp ưu tú tinh thần để phù hợp với khả năng của một con người trung bình, hoặc bất cứ cách nào cùng một tố giác được phát biểu. Quả thực, Người chỉ trung thành với nghĩa vụ nghiêm khắc do thế giới thực áp đặt. Người thích từ bỏ thứ chủ nghĩa lãng mạn đẹp đẽ của các lý tưởng, những nguyên tắc cao thượng và những kinh nghiệm đẹp đẽ hơn là quên đi mục đích của Chúa Kitô – là chiến thắng thực tại, với tất cả những gì mà từ ngữ này ngụ ý, vì Nước Thiên Chúa.
Nghịch lý như nó có vẻ, sự bất toàn thuộc về chính yếu tính của Giáo hội trên mặt đất, Giáo hội như một sự kiện lịch sử. Và chúng ta không thể kêu gọi Giáo hội hữu hình vươn tới lý tưởng của Giáo hội. Chắc chắn chúng ta có thể đo lường trạng thái hiện thực của Giáo Hội bằng những gì Giáo Hội nên trở thành, và có thể làm hết sức để loại bỏ các điểm không hoàn hảo của Giáo Hội. Linh mục thực sự bị ràng buộc vào nhiệm vụ này qua việc được truyền chức, giáo dân qua Bí tích Thêm sức. Nhưng chúng ta phải luôn chấp nhận Giáo hội thực chất như Giáo hội hiện là, đặt mình vào trong Giáo hội và biến Giáo hội trở thành điểm xuất phát của chúng ta.
Tất nhiên, điều này giả thiết chúng ta phải có đủ can đảm để chịu đựng trạng thái luôn không hài lòng. Con người càng nhận thức sâu sắc Thiên Chúa là gì, tầm nhìn của họ về Chúa Kitô và Vương quốc của Người càng cao thượng, thì họ càng chịu đau khổ sắc nét hơn vì sự bất toàn của Giáo hội. Đó là nỗi buồn sâu xa luôn sống trong linh hồn của tất cả các Kitô hữu vĩ đại, bên dưới tất cả niềm vui của con cái Thiên Chúa. Nhưng người Công Giáo không được trốn tránh nó. Không có chỗ cho một Giáo hội của các nhà thẩm mỹ, một công trình nhân tạo của các nhà triết học, hay cộng đoàn của thiên niên kỷ. Giáo hội mà con người cần là một giáo hội của những hữu thể nhân bản; thần linh, chắc chắn, nhưng bao gồm mọi sự sẽ tạo thành nhân loại, Tinh thần và xác thịt, thực sự là trái đất. Vì "Ngôi Lời đã thành Xác thịt", và Giáo Hội đơn thuần là Chúa Kitô, đang sống, như nội dung và hình thức của xã hội mà Người đã thiết lập. Tuy nhiên, chúng ta có lời hứa rằng lúa mì sẽ không bao giờ bị chết ngộp vì cỏ lùng.
Chúa Kitô tiếp tục sống trong Giáo hội, nhưng là Chúa Kitô bị đóng đinh. Người ta gần như mạo hiểm khi cho rằng những khiếm khuyết của Giáo hội là Thập giá của Người. Toàn bộ Hữu thể của Chúa Kitô huyền nhiệm – sự thật, sự thánh thiện, ân sủng, và con người đáng thờ lạy của Người, - đã được đóng đinh vào chúng, như Thân thể thể lý của Người ngày xưa bị đóng đinh vào cây gỗ Thập giá. Và ai muốn có Chúa Kitô, cũng phải vác Thập giá của Người. Chúng ta không thể tách Người ra khỏi nó.
Tôi đã nhấn mạnh rằng chúng ta sẽ chỉ có thái độ đúng đắn đối với những khiếm khuyết của Giáo hội khi chúng ta nắm được mục đích của chúng. Có lẽ là điều này - chúng được phép đóng đinh đức tin của chúng ta, để chúng ta có thể chân thành tìm kiếm Thiên Chúa và ơn cứu rỗi của chúng ta, chứ không phải chính chúng ta. Và đó là lý do tại sao chúng có mặt ở mọi thời đại. Có những người thực sự nói với chúng ta rằng Giáo hội Sơ khai là Giáo Hội lý tưởng. Hãy đọc chương thứ sáu của sách Tông đồ Công vụ. Chúa chúng ta vừa lên Thiên đàng thì sự bất hòa đã nổ ra trong cộng đồng nguyên thủy. Và tại sao? Các tân tòng từ chủ nghĩa ngoại giáo nghĩ rằng các Kitô hữu gốc Do Thái nhận được một phần lớn hơn họ trong việc phân phối thực phẩm và tiền bạc. Đây chắc chắn là một trạng thái sự việc gây sốc? Trong cộng đồng qua đó, sự tràn đổ Chúa Thánh Thần vẫn còn tuôn trào từ sự tràn đổ của ngày Ngũ Tuần? Nhưng mọi điều được ghi trong Thánh Kinh đều được ghi lại vì một mục đích. Chúng ta sẽ ra sao nếu các yếu đuối của con người thực sự biến mất khỏi Giáo hội? Có lẽ chúng ta sẽ trở nên kiêu căng, ích kỷ và cao ngạo; những nhà thẩm mỹ và nhà cải cách của thế giới. Niềm tin của chúng ta không còn bắt nguồn từ những động cơ đúng đắn mà thôi, tức là tìm Thiên Chúa và hạnh phúc vĩnh cửu chắc chắn cho linh hồn chúng ta. Thay vào đó, chúng ta là những người Công Giáo nhằm xây dựng một nền văn hóa, tận hưởng một nền linh đạo cao siêu, có một cuộc sống đầy vẻ đẹp trí thức. Những khiếm khuyết của Giáo hội khiến bất cứ điều gì như vậy đều không thể có. Chúng là Thập giá. Chúng thanh tẩy đức tin của chúng ta.
Hơn nữa, thái độ như vậy, xét cho cùng, là kiểu chỉ trích mang tính xây dựng duy nhất, vì nó dựa trên một khẳng định. Người nào muốn cải thiện một hữu thể nhân bản phải bắt đầu bằng cách đánh giá cao họ. Sự thừa nhận sơ khởi này sẽ khơi dậy mọi khả năng làm điều tốt của họ và hoạt động của chúng sẽ biến đổi các lỗi lầm của họ từ bên trong. Ngược lại, việc phê bình tiêu cực là hài lòng với việc chỉ ra các khuyết điểm. Như thế, nhất thiết nó trở nên bất công và đặt người bị đổ lỗi vào thế phòng thủ. Lòng tự trọng và sự tự vệ chính đáng của họ tự liên minh với những lỗi lầm của họ và phủ áo choàng chấp nhận lên chúng. Tuy nhiên, nếu chúng ta bắt đầu bằng cách chấp nhận con người như một toàn bộ và nhấn mạnh điều tốt nơi họ, thì mọi khả năng làm điều tốt của họ, được tình yêu gợi lên, sẽ được khơi dậy và họ sẽ cố gắng trở nên xứng đáng với sự chấp nhận của chúng ta. Hạt giống đã được gieo, và sự phát triển sống động bắt đầu không thể dừng lại.
Do đó, chúng ta phải yêu mến Giáo hội như Giáo Hội hiện là. Chỉ có như vậy chúng ta mới thực sự yêu Giáo Hội. Người ta chỉ thật lòng yêu người bạn của mình khi yêu họ y như họ hiện là, ngay cả khi lên án các lỗi lầm của họ và cố gắng cải tạo chúng. Cũng vậy, chúng ta phải chấp nhận Giáo hội như Giáo Hội hiện là, và duy trì thái độ này trong cuộc sống hàng ngày. Để chắc chắn, chúng ta không được để cái nhìn của mình về những thất bại của Giáo Hội bị che khuất, nhất là do sự nhiệt tình giả tạo được khơi dậy bởi các cuộc biểu tình công khai hoặc các bài báo. Nhưng, qua và vượt quá những khiếm khuyết này, chúng ta phải luôn nhìn thấy bản chất yếu tính của Giáo Hội. Chúng ta phải xác tín được tính không thể bị phá hủy của Giáo Hội, đồng thời quyết tâm làm mọi việc trong khả năng của mình, mỗi người theo cách riêng của mình và trong phạm vi trách nhiệm của mình, để đưa Giáo Hội đến gần hơn với lý tưởng của Giáo Hội. Đây là thái độ Công Giáo đối với Giáo hội.
Phần giới thiệu của tôi đã dài. Nhưng nó rất quan trọng; thực sự quan trọng đến mức tôi tin rằng những gì sau đây xem ra đúng với các bạn, chỉ theo tỷ lệ với việc các bạn đồng ý với những gì đã nói cho đến nay.
Còn tiếp