Chúng ta đã thấy trong khóa giảng trước rằng vấn đề chúng ta phải đối đầu không phải là sự chọn lựa "Giáo hội hay cá nhân?" Đúng hơn, nó liên quan đến mối liên hệ giữa hai thực tại này. Về lý thuyết, mục tiêu của chúng ta phải là sự hòa hợp giữa hai thực tại đó, trong đó, tất nhiên, địa vị ưu thế của Giáo hội được bảo vệ hoàn toàn. Nhưng trào lưu trí thức và tâm linh của một thời kỳ luôn chảy theo một hướng đặc thù. Sự tổng hợp hài hòa chỉ đạt được trong những giai đoạn chuyển tiếp ngắn ngủi giữa hai thời đại khác nhau, chẳng hạn khi một thời đại mà cách nhìn của họ vô cùng khách quan và trong đó cảm thức xã hội được phát triển mạnh mẽ đang nhường chỗ cho một thời đại của chủ nghĩa cá nhân. Tuy nhiên, chẳng bao lâu sau, một khuynh hướng lại chiếm ưu thế, và hơn thế nữa, khuynh hướng này đối lập với khuynh hướng trước đây. Thái độ Công Giáo không loại trừ việc nhấn mạnh đến một khía cạnh nào đó, nếu không, nó sẽ bị kết án là đồng điệu và sẽ tước đoạt lịch sử khỏi con người. Nó chỉ yêu cầu rằng khía cạnh khác không bị bác bỏ và sự gắn bó với toàn bộ được duy trì. Có nghĩa là, một khía cạnh đặc thù do hoàn cảnh lịch sử làm nổi bật được nhấn mạnh, nhưng đồng thời cũng được đặt trong mối liên hệ sống còn và hữu cơ với toàn bộ. Một cánh cửa phải được mở rộng cho thiên hướng đặc thù của hiện tại lịch sử, nhưng nó được gắn chặt vào toàn bộ, theo nghĩa vượt qua lịch sử. Toàn bộ này ít hiện thực hơn, nhưng bù lại nó góp phần vào vĩnh cửu. Nó kém tiến bộ hơn, nhưng thay vào đó nó khôn ngoan, và trong các lớp lang sâu thẳm một mình nó phù hợp với thực tại.
Thời đại của chúng ta đang trong diễn trình chuyển từ thể cá nhân chủ nghĩa và chủ quan sang thể xã hội và khách quan. Do đó, Giáo hội sẽ được nhấn mạnh một cách mạnh mẽ hơn. Và những khóa giảng này cũng sẽ nhấn mạnh như vậy. Chúng sẽ tìm hiểu xem nhân cách cá nhân, nhờ đầu phục Giáo hội, đã trở nên điều nó nên là như thế nào. Bài giảng của tôi hôm nay sẽ cho thấy Giáo hội là con đường dẫn đến nhân cách cá nhân như thế nào. Và tôi sẽ bắt đầu từ sự kiện này: Giáo hội là địa bàn tinh thần, nơi cá nhân thấy mình trực diện với Đấng Tuyệt đối; sức mạnh thể hiện và duy trì cuộc đối đầu này.
* * * * *
Chúng ta hãy cố gắng nhận ra việc chúng ta đã chìm sâu vào thuyết tương đối ra sao, tức là thái độ của tâm trí một là phủ nhận hoàn toàn thể Đấng Tuyệt đối, hai là bằng mọi giá cố gắng hạn chế thể này trong những giới hạn hẹp nhất.
Chúng ta đã sống qua sự sụp đổ của một tòa nhà mà chúng ta vốn mong đợi sẽ kéo dài trong một khoảng thời gian khôn lường, sự sụp đổ của cơ cấu chính trị của đất nước chúng ta và quyền lực của nó, của trật tự xã hội và kinh tế hiện hữu cho đến nay, và cùng với nó, nhiều thứ khác nữa. Chúng ta có thể chứng kiến cảm thức xã hội đang thay đổi. Và thái độ tinh thần của chúng ta đối với sự vật và sự sống nói chung cũng thay đổi bằng như vậy. Những thay đổi này sâu xa đến không thể dùng một vài từ ngữ là có thể loại bỏ được. Viễn kiến nghệ thuật đã thay đổi; chủ nghĩa biểu hiện [expressionism], vốn từ từ trở nên quen thuộc, hiện có tính mềm mỏng, và hiện đang nẩy sinh ước muốn có được một chủ nghĩa cổ điển mới. Một quan điểm khoa học và triết học về vũ trụ đang thành hình, nhằm cố gắng đạt được sự hiểu biết cao hơn và tự do hơn về các vật thể phù hợp với bản chất yếu tính của chúng.
Đối đầu với những thay đổi sâu xa này, chúng ta trở nên ý thức khá sâu sắc hơn về điều luôn xảy ra trong sự thật – đó là thái độ của linh hồn đối với bản thân, môi trường của nó và các nguyên tắc đầu tiên của hữu thể, liên tục thay đổi. Các hình thức của sự sống con người, kinh tế, xã hội, kỹ thuật, nghệ thuật và tri thức, được xem như đang ở trong một trạng thái biến đổi đều đặn dù rất nhẹ.
Chúng ta đang sống trong một dòng chảy không ngừng. Chừng nào dòng chảy này không được tri nhận quá rõ ràng, chừng nào một niềm xác tín ngây thơ bảo đảm một nguồn dự trữ sinh lực tiềm tàng mạnh mẽ, hoặc các niềm tin tôn giáo sâu xa cân bằng sự gia tăng kiến thức, thì cuộc sống có thể chịu đựng được điều đó.
Nhưng trong những giai đoạn chuyển tiếp, và khi hàng thế kỷ chỉ trích đã làm hao mòn tất cả niềm tin cố định, thì dòng chảy này tự áp đặt lên tâm trí với một bằng chứng không thể thoát ra khỏi. Tình trạng này tìm kiếm điều cách đây mười năm là chủ yếu trên hoàn cầu, và vẫn còn phổ biến cho đến nay; một cảm thức về tính tạm thời [transitoriness] và giới hạn chiếm hữu linh hồn. Nó kinh hoàng nhận ra mọi sự đang trôi đi, đang biến mất như thế nào. Không có gì đứng vững nữa. Mọi sự đều có thể được nhìn từ hàng nghìn góc độ khác nhau. Kiểm tra kỹ hơn, điều có vẻ an toàn sẽ tan thành một loạt các cái nhiên. Với mỗi điều được tạo ra ở đó đều có thể có nhiều lựa chọn thay thế. Mọi định chế đều có thể được sắp xếp tốt như nhau theo cách khác. Mọi đánh giá chỉ là tạm thời.
Do đó, con người trở nên không chắc chắn và chao đảo. Các phán đoán của họ không còn vững chắc nữa, các đánh giá của họ không còn quả quyết nữa. Họ không còn khả năng hành động dựa trên niềm xác tín chắc chắn và mục tiêu nhất định của nó. Họ mặc tình bị lèo lái bởi các thứ thời trang thịnh hành xung quanh họ, những lên xuống thất thường của dư luận và tâm trạng của chính họ. Họ không còn sở hữu bất cứ phẩm giá nào nữa. Cuộc sống của họ trôi dạt. Họ thiếu mọi điều mà chúng ta muốn hiểu về nhân cách. Một người như vậy không còn khả năng chinh phục. Họ không thể vượt qua sai lầm bằng sự thật, cái ác và yếu đuối bằng sức mạnh đạo đức, sự ngu đần và thiếu kiên định của quần chúng bằng những ý tưởng vĩ đại và sự lãnh đạo có trách nhiệm, hay dòng chảy của thời gian bằng những công việc phát sinh từ quyết tâm hiện thân các giá trị vĩnh cửu.
Nhưng sự nghèo nàn về tinh thần và tri thức trên đi kèm với một niềm kiêu hãnh khổng lồ. Con người không chắc chắn và cao ngạo một cách bệnh hoạn. Các quốc gia bối rối vì lòng kiêu hãnh, các đảng phái mù quáng vì vụ lợi, và người giàu cũng như người nghèo đều là con mồi của một lòng tham đê tiện. Mọi tầng lớp xã hội đều tự thần hóa mình. Nghệ thuật, khoa học, kỹ thuật - mọi bộ phận riêng biệt của cuộc sống tự coi mình là tổng thể và bản thể của thực tại. Có một sự yếu đuối gây tuyệt vọng, một sự bất ổn vô vọng, một ý thức hoài nhớ khi chịu sự sai khiến mặc tình của một thế lực phi lý mù quáng - và song song với những điều này là niềm kiêu hãnh, vừa kinh khủng vừa vô lý, về tiền bạc, kiến thức, quyền lực và khả năng.
Bất lực và kiêu ngạo, vô vọng và cao ngạo, yếu đuối và bạo lực - bạn có nhận ra rằng nhân tính đích thực đã bị mất đi ra sao bởi những hành động xấu xa liên tục này? Chúng ta đang mục kích một bức biếm họa về nhân tính. Vậy thì nhân tính theo nghĩa sâu xa nhất của thuật ngữ này bao gồm những gì? Để trở thành một con người đích thực là phải ý thức được điểm yếu của con người, nhưng tin tưởng rằng nó có thể được khắc phục. Đó là phải khiêm tốn, nhưng yên tâm. Đó là nhận ra sự nhất thời của con người, nhưng khao khát điều vĩnh cửu. Đó là một tù nhân của thời gian, nhưng là một người tự do của vĩnh cửu. Đó là ý thức về quyền lực của mình, về giới hạn của mình, nhưng phải quyết tâm hoàn thành những việc làm có giá trị vĩnh viễn.
Một nhân tính hoàn chỉnh là gì? Khi cả hai khía cạnh thiết yếu đều không bị che khuất, nhưng mỗi khía cạnh được khẳng định và phát triển; khi chúng không tiêu diệt lẫn nhau cũng như không đẩy nhau đến cực đoan, nhưng hòa quyện trong một thể thống nhất hiển nhiên đầy căng thẳng nội tâm nhưng vững chắc, gặp nguy cơ, nhưng chắc chắn, bị giới hạn, nhưng lên đường thực hiện chuyến đi vô hạn, đó là một nhân tính hoàn chỉnh, Và con người là nhân bản bao lâu họ sống, một cách có ý thức, một cách sẵn lòng và với sự thúc giục vui tươi như một hữu thể hữu hạn giữa thời gian, sự thay đổi và vô số hình dạng của sự sống - nhưng đồng thời nỗ lực để vượt qua tất cả dòng chảy và giới hạn này trong vĩnh cửu, và vô tận, vốn hiển dung chúng. Con người là nhân bản bao lâu họ phối hợp được một cách đích thực và khiêm tốn hai khía cạnh thiết yếu này. Sự quyến rũ khôn tả của mọi điều nhân bản nằm ở đó - một mầu nhiệm mang trong mình nỗi đau và sức mạnh, khát khao và hy vọng đầy tin tưởng.
Vậy thì - Giáo hội luôn đối chiếu con người với Thực tại, vốn là thể tạo ra nơi họ thái độ đúng đắn của tâm trí: nghĩa là Thể Tuyệt đối.
Giáo Hội đối chiếu họ với Thể Vô Điều Kiện [Unconditioned]. Trong cuộc gặp gỡ này, họ nhận ra rằng bản thân họ phụ thuộc ở mọi điểm, nhưng nơi họ, xuất hiện niềm khao khát một cuộc sống thoát khỏi vô số sự phụ thuộc của cuộc sống trên trái đất, một sự hiện hữu viên mãn bên trong. Giáo Hội đối chiếu họ với Thể Vĩnh Hằng, họ nhận ra rằng họ chỉ nhất thời, nhưng được định cho một cuộc sống không có hồi kết thúc. Giáo Hội đối chiếu họ với Thể Vô Tận, và họ nhận ra rằng họ bị giới hạn trong chính những tầng sâu thẳm của hữu thể họ, nhưng chỉ có Thể Vô Tận mới có thể thỏa mãn họ.
Giáo hội liên tục khơi dậy trong họ sự căng thẳng vốn tạo nên chính nền tảng bản chất của họ: sự căng thẳng giữa hữu thể và ước muốn được hiện hữu, giữa hiện thực [actuality] và một nhiệm vụ phải hoàn thành. Và Giáo Hội giải quyết điều đó cho họ bằng mầu nhiệm họ giống như Thiên Chúa và mầu nhiệm tình yêu của Người, một điều đem lại cho họ sự sung mãn hoàn toàn vượt quá tự nhiên. Họ không phải là Thiên Chúa, mà là một tạo vật, nhưng họ là hình ảnh của Thiên Chúa và do đó có khả năng nắm bắt và sở hữu Thiên Chúa. "Capax Dei" [có khả năng Thiên Chúa] như Thánh Augustinô nói, có thể nắm bắt và nắm giữ Thể tuyệt đối. Và Thiên Chúa chính là tình yêu. Người đã dựng nên tạo vật theo hình ảnh của chính Người. Ý muốn của Người là sự giống nhau này phải được hoàn thiện bằng sự vâng lời, kỷ luật và kết hợp với chính Người. Người đã cứu chuộc con người, và bằng ân sủng đã ban cho họ một sự sinh hạ mới và làm cho họ trở nên giống như Thiên Chúa. Nhưng tất cả điều này có nghĩa là Thiên Chúa đã tạo dựng con người cho vương quốc hằng sống của Người.
Nhưng hãy quan sát cuộc gặp gỡ này với Thể Tuyệt đối, trong đó con người đối diện với Thể Vô hạn và thấy rõ mình là gì, và Thể Tuyệt đối là gì; nhưng đồng thời đánh thức sự khao khát đối với Thiên Chúa Tuyệt đối này và sự tin tưởng mong đợi sự thành toàn cho mình nhờ tình yêu của Người – trải nghiệm căn bản này của Kitô giáo, sự thật, lòng khiêm tốn, việc khao khát tình yêu và niềm hy vọng tin tưởng vào Đấng Duy nhất, là khoảnh khắc trong đó lần đầu tiên, con người trở nên nhân bản thực sự theo nghĩa tâm linh.
Việc biến đổi này của một tạo vật thành con người trước thánh nhan của Thể Tuyệt đối là công việc của Giáo hội.
* * * * *
Giáo Hội hoàn thành nó bằng nhiều cách khác nhau. Trước hết, qua chính sự hiện hữu của Giáo Hội, qua đặc tính mà Chúa Giêsu từng so sánh với một tảng đá, sự tự mặc khải sống động của Thiên Chúa vĩnh cửu trong Giáo Hội.
Nhưng đặc biệt có ba cách diễn tả thiết yếu về Thể Tuyệt đối trong Giáo hội - tín điều, hệ thống luân lý và xã hội, và phụng vụ của Giáo hội.
Tư tưởng của con người hiện đại có tính tương đối chủ nghĩa. Họ thấy rằng ở mọi điểm, sự kiện lịch sử đều bị điều kiện hóa bởi một điều gì đó khác với chính nó, và mọi điều, do đó, có thể thay đổi. Nghiên cứu thực nghiệm làm họ cực kỳ thận trọng, và họ cảnh giác đối với việc đưa ra các kết luận. Họ trở nên quen thuộc với tư duy phê phán và không sẵn sàng mạo hiểm vượt ra ngoài các giả thuyết và tuyên bố có thẩm quyền. Các số liệu thống kê đã dạy họ lưu tâm về độ chính xác, và họ có khuynh hướng yêu cầu bất cứ kết luận nào cũng phải có bằng chứng thực nghiệm đầy đủ, một điều không thể nào đạt được. Do đó, họ trở nên không chắc chắn và do dự khi đụng đến sự thật.
Tại thời điểm này, Giáo hội khuyên giải họ bằng tín điều. Chúng ta sẽ không thảo luận nội dung chi tiết của nó. Chúng ta chỉ quan tâm đến sự kiện này là ở đây chúng ta được trình bày và lĩnh hội những sự thật có giá trị vô điều kiện, không phụ thuộc vào những điều kiện lịch sử đang thay đổi, tính chính xác của nghiên cứu thực nghiệm, và những đắn đo của khoa phê bình có phương pháp. Chúng ta cũng không xem xét nhân tố học thuyết Công Giáo, vốn tự nó bị điều kiện hóa tạm thời và do đó có thể thay đổi. Chúng ta chỉ xử lý nội dung không thay đổi của nó, với tín điều theo nghĩa chặt chẽ. Ai tiếp cận tín điều bằng thái độ đức tin, sẽ tìm thấy Thể Tuyệt đối ở trong nó. Nhờ đó, họ nhận ra rằng nhận thức của chính mình không đáng tin cậy chút nào. Nhưng họ được diện kiến với Sự thật được Thiên Chúa bảo đảm một cách thiêng liêng và vô điều kiện. Nếu họ thành thật thuận ý với Sự thật này, họ sẽ trở nên "nhân bản".
Họ đã đánh giá đúng về bản thân mình. Các phán đoán của họ rất rõ ràng, tự do và khiêm tốn. Nhưng đồng thời họ cũng ý thức rằng có một thể Tuyệt đối, và thể này thách thức họ ở đây và bây giờ trong sự viên mãn của nó. Bằng đức tin của mình, họ tiếp nhận thể Tuyệt đối vào linh hồn mình. Khiêm tốn và tự tin, chân thành và tín thác kết hợp để tạo nên tư thế nền tảng cho một suy nghĩ thoả đáng về bản chất của sự vật. Từ nay về sau, thể Vô điều kiện tổ chức tư duy của tín hữu và toàn bộ đời sống tâm linh của họ. Con người nhận thức được điều gì đó hoàn toàn cố định. Điều này trở thành chiếc trục quanh đó toàn bộ thế giới tâm trí của họ xoay vần, một cốt lõi vững chắc của sự thật mang lại sự nhất quán và trật tự cho toàn bộ trải nghiệm của họ. Vì nó trở thành thước đo có tính bản năng cho mọi suy nghĩ của họ ngay cả trong lĩnh vực thế tục, điểm khởi hành cho mọi hoạt động trí tuệ của họ. Trật tự được thiết lập trong đời sống nội tâm của họ. Những sự phân biệt đó cần được nắm vững vì không có chúng không cuộc sống tri thức nào có thể có được - sự phân biệt giữa chắc chắn và không chắc chắn, giữa sự thật và sai lầm, giữa cao cả và ti tiện. Linh hồn trở nên thanh thản và vui tươi, có khả năng thừa nhận các hạn chế của mình nhưng vẫn phấn đấu bước theo vô hạn, thấy được sự phụ thuộc của mình, nhưng vẫn vượt qua nó.
Đó là ý nghĩa của việc trở nên nhân bản.
Mục đích luân lý có tính tương đối; các lý tưởng của sự hoàn thiện, các tiêu chuẩn tốt lành, các quy tắc của tác phong cá nhân và xã hội luôn dao động và không ổn định. Do đó, nỗ lực bị lụn bại, và ý chí, bất lực khi phải đưa ra các quyết định quan trọng, bù lại sẽ uyển chuyển kiềm chế sự bốc đồng tùy tiện trong một số lĩnh vực đặc thù.
Giáo hội thách thức con người với một thế giới các giá trị tuyệt đối, một khuôn mẫu thiết yếu của sự hoàn hảo vô điều kiện, một trật tự của sự sống trong đó, nhiều phương diện của nó mang dấu ấn sự thật. Đó là Con người của Chúa Kitô. Đó là cơ cấu các giá trị và tiêu chuẩn mà Người đã bản vị hóa và giảng dạy, và tiếp tục sống trong trật tự luân lý và phẩm trật của Giáo hội.
Hiệu quả do đó mà ra cũng y như thế, như trước đây, mặc dù bây giờ trong lĩnh vực đánh giá và phán đoán luân lý, trong đời sống thực hành và sản xuất; con người bị thách thức bởi những gì có giá trị vô điều kiện. Họ đối đầu và thừa nhận sự hạn chế có tính yếu tính của bản thân. Nhưng đồng thời họ cũng thấy họ có thể gắn cuộc sống hữu hạn của họ ở mọi phương diện liền với Cuộc sống vô hạn của Thiên Chúa, và lấp đầy nó bằng một nội dung vô giới hạn. Họ tìm thấy sự yên nghỉ ở đó. Họ vui mừng vì sự kiện này: họ là một tạo vật, nhưng hơn thế, họ được kêu gọi trở thành một "người dự phần vào bản tính Thiên Chúa". Cuộc sống nội tâm của họ trở thành có thực chất, tập trung xung quanh một trung tâm cố định, được hỗ trợ bởi các quy luật vĩnh cửu. Mục tiêu của họ trở nên rõ ràng, hành động của họ kiên quyết, toàn bộ cuộc sống của họ có trật tự và mạch lạc – họ trở nên nhân bản.
Con người dự kiến mối liên hệ của họ với Thiên Chúa theo nhiều cách khác nhau và thay đổi. Người thì thấy Thiên Chúa trong mọi vật thể, trong cây cối, trong đá và trong biển. Với người khác, Người nói từ những quy luật nghiêm khắc và cao siêu điều khiển tư tưởng và bổn phận. Người thứ ba coi Người như Nhà tổ chức và Kiến trúc sư vĩ đại. Tuy nhiên, người khác thấy Người trong cuộc sống của cộng đồng, trong tình yêu và trong sự trợ giúp người lân cận. Người thì có quan niệm rõ ràng về Thiên Chúa; với người khác, Người là một thực thể mơ hồ, Đấng Vĩ đại Không thể hiểu nổi; với người thứ ba, Người là một sự trừu tượng. Thật vậy, cùng một người có thể có những quan niệm khác nhau về Thiên Chúa tùy theo tuổi tác, kinh nghiệm hoặc tâm trạng [moods] của họ. Do đó, nẩy sinh nguy cơ này là con người có thể tạo ra Thiên Chúa theo hình ảnh của họ, và do đó tạo nên một quan niệm hữu hạn và ti tiện về Người; lòng khao khát và lời cầu nguyện của họ có thể không thoải mái vươn ra ngoài chính họ nữa, nhưng có thể biến thái thành một cuộc đối thoại với bức chân dung phóng to của chính họ.
Trong phụng vụ, Giáo Hội trình bày Thiên Chúa như Người thực sự là, một cách rõ ràng và không thể nhầm lẫn, trong mọi nét vĩ đại của Người, và đặt chúng ta trước thánh nhan của Người như những tạo vật của Người. Giáo Hội dạy chúng ta các phương pháp hiệp thông nguyên thủy với Thiên Chúa, được điều chỉnh cho phù hợp với bản chất của Người và của chúng ta - Cầu nguyện, Hy tế, Bí tích. Qua những hành động và những bài đọc thánh thiêng, Giáo Hội đánh thức trong chúng ta những cảm xúc căn bản tuyệt vời đó là tôn thờ, biết ơn, sám hối và cầu xin.
Trong phụng vụ, con người đứng trước Thiên Chúa như Người thực sự là, trong một thái độ cầu nguyện biết thừa nhận rằng con người là một thụ tạo và phải tôn vinh Thiên Chúa. Điều này đưa toàn bộ thế giới tâm linh vào quan điểm đúng đắn. Mọi sự đều được gọi đúng tên và mặc lấy một hình thức có thực của nó - mặt đối mặt với Thiên Chúa thật, con người trở nên con người thực sự.
* * * * *
Con người đó nên thấy một cách hết sức rõ ràng rằng họ là một tạo vật; nhưng họ nên vui mừng về sự kiện này, và coi đó như điểm khởi hành của việc họ đi lên với Đấng Thần Linh, họ nên khiêm tốn, nhưng cố gắng vươn tới chỗ cao nhất; chân thành, nhưng đầy tự tin, và vì vậy, lần đầu tiên là nhân bản thực sự; là công trình của Giáo hội. Giáo Hội nói với con người ở khắp mọi nơi, "Ngươi chỉ là một tạo vật, nhưng được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa, và Thiên Chúa là Tình yêu. Vì vậy, Người sẽ là của ngươi, chỉ cần ngươi mong muốn điều này".
Ghi chú
1. Cách thế này, tuy cần thiết, nhưng không duy nhất. Một cá nhân càng kiên quyết thừa nhận bản chất đúng nghĩa của mình, và đồng thời nỗ lực trở nên và hoàn thành điều Thiên Chúa đã định cho họ theo bản chất cá nhân của họ, thì Giáo hội càng có thể ảnh hưởng đến họ một cách mạnh mẽ hơn và hoàn thiện nhân cách mà Giáo Hội có thể dìu dắt họ tới. Một lần nữa cần phải nhắc lại rằng, trong vấn đề này, những người theo chủ nghĩa cá nhân tưởng tượng ra một sự mâu thuẫn, một "thay thế" trong đó thực ra có điều kiện tất yếu để có sự thay đổi hữu cơ. Tôi càng sống một cách không dè dặt trong Giáo Hội, tôi càng trở nên một cách trọn vẹn hơn điều tôi phải trở nên. Tuy nhiên, tôi có thể sống trong Giáo hội như Thiên Chúa, và chính Giáo hội yêu cầu, chỉ tới mức độ trong đó tôi trưởng thành, ý thức được ơn gọi tự nhiên của mình, và trở nên một nhân cách tự thể hiện mình. Có một sự có đi có lại hỗ tương giữa nguyên nhân và hậu quả.
Kỳ tới: 4. CON ĐƯỜNG DẪN ĐẾN TỰ DO