1. Đau buồn: Linh mục tạt axit 7 Giám Mục. Đức Thượng Phụ Bácthôlômêô bày tỏ nỗi buồn

Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô của Chính Thống Giáo Contantinople đã bày tỏ nỗi buồn của ngài trước một diễn biến vượt quá trí tưởng tượng của các tín hữu Kitô.

Một linh mục Chính thống giáo Hy Lạp đã bị bắt sau một vụ tấn công bằng axit khiến 7 giám mục và 3 người khác bị thương. Vị linh mục này đang được giám định tâm thần vào hôm thứ Năm 24 tháng Sáu trước khi các cáo buộc được xem xét.

Nghi phạm người Hy Lạp 37 tuổi đã bị cảnh sát bảo vệ bắt giữ vào cuối ngày thứ Tư sau khi anh ta bị cáo buộc tạt axit vào các giám mục sau thông báo của các ngài, tại một phiên điều trần kỷ luật, rằng anh ta đã chính thức bị loại khỏi hàng giáo phẩm vì bị có các hành vi sai trái.

Các nạn nhân của vụ tấn công nhập viện trong tình trạng bị bỏng, trong đó có hai vị trong tình trạng bị bỏng nghiêm trọng. Viên cảnh sát bị bắt cũng phải nhập viện vì anh ta cũng bị bỏng trong khi bắt giữ nghi can.

Các bức ảnh chụp hiện trường vụ tấn công ở trung tâm Athens, được chiếu trên kênh truyền hình ERT, cho thấy những vết máu trên tường của căn phòng nơi diễn ra phiên điều trần và trên những chiếc bàn nhỏ nơi các giám mục ngồi.

Những chiếc áo choàng đen bị vứt bỏ bởi các giám mục và các giáo sĩ tham dự cũng có vết máu và lỗ bỏng.

Thượng Hội đồng Chính thống của Giáo hội Chính thống đã mô tả vụ tấn công là “ghê tởm và chưa từng có”, và xác nhận chính thức rằng nghi phạm đã bị loại khỏi chức tư tế.

Tổng thống Katerina Sakellaropoulou, và các thành viên chính phủ Hy Lạp khác đã mạnh mẽ lên án hành động này. Các nhà lãnh đạo tinh thần của Chính Thống Giáo trên thế giới cũng bày tỏ sự bàng hoàng trước diễn biến tồi tệ này.

Cảnh sát chưa cho biết chất axit nào đã được sử dụng trong vụ tấn công nhưng luật sư của nghi phạm nhìn nhận đó là axit đậm đặcc khi nói chuyện với các phóng viên bên ngoài tòa án nơi phiên tòa đang được chuẩn bị.

“Thân chủ của tôi là một bệnh nhân tâm thần đang dùng thuốc mạnh”, luật sư Andreas Theodoropoulos của anh ta nói. “Anh ta không hoàn toàn hiểu được hậu quả của hành động của mình nhưng đang phản ứng với một vấn đề anh ta cảm nhận là bất công”.

Ba trong số bảy giám mục bị thương đang được điều trị tại khoa phẫu thuật thẩm mỹ của một bệnh viện nhà nước, trong khi bốn người khác cũng đang được kiểm tra tổn thương mắt.
Source:Crux

2. Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 kỷ niệm 70 năm lãnh nhận thiên chức linh mục vào ngày 29 tháng Sáu

Đức Tổng Giám Mục Georg Gänswein cho biết Đức Bênêđíctô thường kể rằng Thánh lễ phong chức linh mục ngày 29/6/1951 diễn ra khá dài. Ngài cũng nhớ phong thái trang nghiêm của Đức Hồng Y Faulhaber, một Hồng Y rất có uy tín và đã lớn tuổi, là người đã truyền chức linh mục cho ngài. Đức Hồng Y Faulhabe đã gây ấn tượng lâu dài với Đức Bênêđíctô.

Cuộc đời làm linh mục của Đức Bênêđíctô được ghi đậm với các ấn tượng của ngày 29/6/ 1951. Từ ngày đó, đối với cha Joseph Ratzinger, và sau này là Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16, Thánh lễ luôn là điều thiết yếu. Ngay cả ngày nay, khi ngài gặp khó khăn trong việc đi lại. Đức Tổng Giám Mục Gänswein nhấn mạnh rằng “Kể từ ngày thụ phong linh mục, không một ngày nào Đức Bênêđíctô không cử hành hoặc đồng tế Thánh lễ.”

Hiện nay, Đức Giáo Hoàng danh dự không thể đứng cử hành Thánh lễ trong nửa giờ, vì vậy ngài ngồi trên một xe lăn cạnh bàn thờ, còn Đức Cha Gänswein chủ tế. Các vị làm như thế mỗi ngày.

Vào dịp kỷ niệm 70 năm Đức Bênêđíctô thụ phong linh mục, những người sống chung với ngài tại đan viện Mẹ Giáo hội ở nội thành Vatican, nơi ngài cư ngụ từ sau khi thoái vị vào năm 2013, sẽ chuẩn bị một điều ngạc nhiên cho ngài.

Theo Đức Cha Thư ký riêng của Đức Bênêđíctô, Đức Giáo Hoàng danh dự chưa biết về điều ngạc nhiên dành cho ngài. Nhưng những điều bất ngờ luôn liên quan đến phụng vụ. Đức Cha Gänswein tiết lộ: “Chúng tôi đã mời một nhóm các thành viên cũ của dàn hợp xướng từ Regensburg, những người đã học hát cùng với anh trai của ngài, Đức ông Georg Ratzinger, là người đã qua đời ngày 1/7 năm ngoái 2020. Bây giờ các thành viên này đã từ 40 đến 60 tuổi. Một số sẽ hát trong Thánh lễ tại nhà nguyện”.

Đức Tổng Giám Mục Gänswein cho biết thêm về sức khoẻ của Đức Bênêđíctô: “Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 đã 94 tuổi và thể chất rất yếu, rất mỏng manh. Nhưng cảm ơn Chúa, tâm trí của ngài vẫn tiếp tục hoạt động rất tốt. Thật không may, giọng nói của ngài cũng rất yếu. Ngài nói rất khó khăn. Nhưng tinh thần của ngài rất tốt và ngài nói: 'Mỗi ngày tôi bắt đầu với Chúa và kết thúc với Chúa. Chúng ta chờ xem nó sẽ kéo dài bao lâu’”.
Source:KathPress

3. George Weigel: Tình đồng đoàn và sự toàn vẹn Thánh Thể

Từ điển Oxford định nghĩa “collegiality”, chúng tôi tạm dịch là ‘tính đồng đoàn’, là “companionship and cooperation between colleagues who share responsibility”, nghĩa là “sự đồng hành và hợp tác giữa các đồng nghiệp cùng chia sẻ trách nhiệm”.

Wiki cho rằng: “Trong Giáo Hội Công Giáo, tính đồng đoàn chủ yếu đề cập đến ‘Đức Giáo Hoàng điều hành Giáo hội với sự cộng tác của các giám mục từ các Giáo hội địa phương, tôn trọng quyền tự trị thích hợp của các ngài.’ Đây là truyền thống từ Giáo hội sơ khai và đã được Công đồng Vatican II hồi sinh. Một trong những thay đổi lớn trong Công đồng Vatican II là việc Công đồng khuyến khích thành lập các Hội Đồng Giám Mục và việc Đức Giáo Hoàng thành lập Thượng hội đồng Giám mục. Ngay từ đầu triều giáo hoàng của mình, Đức Giáo Hoàng Phanxicô, người đã hai lần được bầu làm người đứng đầu Hội đồng Giám mục Á Căn Đình, đã chủ trương gia tăng vai trò của tính đồng đoàn – collegiality – và tính đồng nghị –synodality – trong việc phát triển các giáo huấn của Giáo hội”.

Tiến sĩ George Weigel là thành viên cao cấp của Trung tâm Đạo đức và Chính sách Công cộng Washington, và là người viết tiểu sử Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Ông đã có một bài nhận định sau đăng trên tờ First Things ngày 23 tháng 6, 2021.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.



Collegiality and Eucharistic Integrity
George Weigel
Tình đồng đoàn và sự Toàn Vẹn Thánh Thể


Khái niệm “tính đồng đoàn” của các giám mục đã bị tranh cãi gay gắt kể từ khi Công đồng Vatican II tranh luận về điều này vào những năm 1962, 1963 và 1964. Cuộc thảo luận đó gây tranh cãi đến mức cần có sự can thiệp cá nhân của Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục để đưa khái niệm tính đồng đoàn giám mục vào trong Hiến Chế Tín Lý Về Giáo Hội nhằm bảo vệ quyền tối thượng và quyền tài phán phổ quát của Đức Giáo Hoàng. Cuộc tranh luận về tính đồng đoàn vẫn tiếp tục kể từ đó. Tuy nhiên, giờ đây, nó tập trung nhiều hơn vào hình thái của tính đồng đoàn tồn tại trong các Hội Đồng Giám Mục quốc gia. Hình thái thứ nhất là “tính đồng đoàn cảm tình” trong đó các Giám Mục ủng hộ và khuyến khích lẫn nhau. Hình thái thứ hai là “tính đồng đoàn hiệu quả”. Hình thái nào trong hai hình thái này là thích hợp để một Hội Đồng Giám Mục có quyền giảng dạy và lập pháp thực sự?

Cho dù tính đồng đoàn là “cảm tình” hay “hiệu quả”, hoặc là một sự kết hợp cả hai, cần phải làm rõ những gì không phải là hành vi “đồng đoàn”.

Tính đồng đoàn không phải là cá nhân các giám mục cố gắng chạy ngược chạy xuôi vận động các Giám Mục trong Hội Đồng Giám Mục quốc gia của mình, rồi kêu gọi cả sự can thiệp của Rôma để ngăn cản các cuộc tranh luận mà các giám mục anh em của họ muốn tham gia. Tính đồng đoàn không phải là các giám mục đang cố gắng đánh lừa chủ tịch Hội Đồng về việc thay đổi chương trình nghị sự để phù hợp với thị hiếu của một nhóm thiểu số riêng biệt — và đánh lừa các giám mục anh em của họ về những gì họ đang làm khi kêu gọi sự ủng hộ cho một trò cờ gian bạc lận như vậy. Tính đồng đoàn không phải là cố gắng làm lung lay một cuộc họp Hội Đồng để không một hành động nào có thể xảy ra đối với một mục trong chương trình nghị sự mà tuyệt đại đa số các giám mục muốn xem xét và hành động.

Nếu bất kỳ thao tác nào trong số ba thao tác đó lại được coi là mang tính đồng đoàn, thì “tính đồng đoàn” không có ý nghĩa gì hơn là tuyên bố rằng đội bóng chày Baltimore Orioles tội nghiệp của tôi đang bắt đầu một chu kỳ quật khởi [Baltimore Orioles từng là một đội lừng danh trong khoảng thời gian từ 1966 đến 1983 nhưng sau đó thua liên tiếp cho đến nay – chú thích của người dịch]

Trong nhiều năm qua, khi nói “nhiều năm” ý tôi muốn nói là từ rất lâu trước khi ý tưởng về một “Tổng thống Biden” bước vào dòng nhận thức của cả nước, các giám mục Hoa Kỳ đã lo ngại rằng đất nước chúng ta đang trở thành một Giáo Hội thiếu ý thức về Thánh Thể hơn Vatican II đã kêu gọi chúng ta trở thành, khi Tòa Thánh dạy rằng Bí tích Thánh Thể là “nguồn mạch và đỉnh cao” của đời sống Giáo hội. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã tái xác nhận lời triệu tập công đồng đó khi ngài dạy trong thông điệp cuối cùng của mình rằng “Giáo hội kín múc sự sống của mình từ Bí tích Thánh Thể”, là điều “tóm lược trọng tâm và mầu nhiệm của Giáo hội”. Tuy nhiên, xung quanh chúng ta, chúng ta thấy việc tham dự Thánh lễ Chúa Nhật giảm sút: đó là một nỗi buồn có trước đại dịch nhưng đã trở nên trầm trọng hơn bởi đại dịch này. Hơn nữa, các cuộc khảo sát cho thấy rằng quá nhiều người Công Giáo nghĩ về Thánh lễ Chúa nhật về cơ bản chỉ là một dịp xã giao, hơn là một cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa hằng sống, trong đó Chúa Kitô được hiến dâng cho Chúa Cha và được trao lại cho dân tộc của Người trong sự hiệp thông thánh thiện - một sự hiệp thông trong và qua Mình và Máu, linh hồn và thần tính của Chúa Kitô, được nhận dưới hình thức bánh và rượu.

Nếu Giáo hội sống từ Bí tích Thánh Thể mà những người trong Giáo hội không tham dự Bí tích Thánh Thể thường xuyên như họ nên làm, hoặc không hiểu những gì họ đang cử hành và nhận lãnh, thì Giáo hội sẽ mắc phải một tình trạng thâm hụt thánh thể nghiêm trọng. Những người được phong làm lãnh đạo trong Giáo hội có nghĩa vụ phải làm điều gì đó về điều này.

Đó là lý do tại sao các giám mục Hoa Kỳ trong một thời gian đã quyết tâm thực hiện một chương trình giáo dục Thánh Thể toàn diện trong toàn Giáo Hội. Đối với đại đa số các giám mục, quyết tâm đó càng được tăng cường bởi thực tế là sự thiếu hụt thánh thể của chúng ta đang được cộng thêm bởi sự không nhất quán trong đời sống của các quan chức công quyền, là những người bác bỏ các giáo huấn Công Giáo đầy thẩm quyền dựa trên cả mặc khải và lý trí, nhưng lại lên rước lễ như thể họ đang hiệp thông trọn vẹn với Giáo hội. Việc các giám mục lâu nay không giải quyết được sự bất nhất này làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu thánh thể trong người Công Giáo Hoa Kỳ bằng cách hàm ý rằng những gì Giáo hội dạy về bản chất thiêng liêng của Bí tích Thánh Thể thực ra không phải là như thế.

Những người cho rằng tất cả chuyện này chỉ là vấn đề “chính trị” đều là những người thiếu thông tin hoặc cố tình gây hiểu lầm cho Giáo hội và cho những bộ phận dễ tin của các phương tiện truyền thông. Mối quan tâm đến sự toàn vẹn Thánh thể của Giáo hội bao gồm, và sâu sắc hơn nhiều, so với mối quan tâm về sự thiếu nhất quán Thánh thể của các quan chức Công Giáo, những người hành động như thể không hề tồn tại những xác tín đã được thiết định của Giáo hội về các vấn đề liên quan đến sự sống và sự xứng đáng để rước lễ. Đó là lý do tại sao các giám mục Hoa Kỳ đang đi trước trong việc phát triển một tài liệu giảng dạy để làm sáng tỏ cho toàn thể Giáo hội tại sao chúng ta là một cộng đồng Thánh Thể, bí tích Thánh Thể thực sự là gì, việc tiếp nhận Thánh Thể có ý nghĩa gì, và tại sao mọi người trong Giáo hội nên kiểm tra lương tâm trước khi tiếp nhận Chúa Kitô nơi Bàn Tiệc Thánh.

Các bánh xe của tính đồng đoàn có thể đang nghiền nát một cách chậm chạp. Tuy nhiên, trong trường hợp này, các bánh xe ấy đang nghiền nát thật sự, và vì lợi ích của Tin Mừng.
Source:First Things