1. Tổng giáo phận Warsaw mở án phong chân phước cho nữ tu được mang dấu thánh, bị hành hạ trong các nhà tù Liên sô.
Hôm 9 tháng 11, tại nhà nguyện của tòa tổng giám mục Warsaw, Ðức Hồng Y Kazimierz Nycz đã khai mạc án phong chân phước cấp giáo phận cho sơ Wanda Boniszewska, người Ba Lan, là người được mang dấu thánh trong thời gian bị mật vụ của Stalin tra tấn và cầm tù.
Sơ Boniszewska sinh năm 1907 tại Kamionka, gần thành phố Novogrudok, ngày nay thuộc Belarus. Năm 16 tuổi, chị gia nhập dòng các Nữ tu Thiên thần ở Vilnius, ngày nay là thủ đô của Lithuania. Sau khi khấn lần đầu, sơ nói rằng Chúa Giê-su đã yêu cầu sơ dâng những đau khổ để đền tội của “các linh hồn đã thánh hiến cho Chúa”. Sơ khấn trọn đời năm 1933 và sau đó được nhận các dấu thánh - các vết thương giống như các vết thương của Chúa Giê-su bị đóng đinh.
Ngày 11 tháng 4 năm 1950, sơ Boniszewska bị bắt và bị mật vụ cộng sản tra tấn. Một năm sau sơ bị đày đi Siberia. Bọn cầm quyền cộng sản trả tự do cho sơ vào năm 1956 và sơ được trở về Ba Lan. Sơ qua đời ngày 2 tháng 3 năm 2003 tại một thị trấn ở miền nam Warsaw, hưởng thọ 96 tuổi và khấn dòng 76 năm.
“Nhật ký Tâm linh” của sơ Boniszewska được xuất bản năm 2016, ghi lại những trải nghiệm thần bí của sơ từ năm 1921 đến năm 1980. Các nhà bình luận đã rút ra những điểm tương đồng giữa tác phẩm của sơ và “Nhật ký” của thánh Faustina Kowalska. Linh đạo của sơ Boniszewska tập trung vào việc dâng những đau khổ để đền bù tội lỗi, đặc biệt là cầu nguyện cho các linh mục.
Phát biểu trong lễ khai mạc án phong chân phước cho sơ Boniszewska, cha Michal Siennick, thỉnh nguyện viên án phong chân phước, nói rằng “Tiến trình mà chúng ta đang bắt đầu hôm nay nhằm mục đích chứng tỏ rằng lòng can đảm anh hùng có thể thực hiện được ngay cả trong những hoàn cảnh khó khăn nhất của cuộc sống. Sơ Wanda Boniszewska, mặc dù bị kết án oan uổng, chịu tù đày nhiều năm dưới chế độ cộng sản, vẫn anh dũng trước Chúa Kitô, làm chứng cho Người, mang những vết thương của Chúa Kitô trên cơ thể, và dâng những đau khổ của mình cầu nguyện cho các linh mục.”
Source:Catholic News Agency
2. Dự án Vatican của Chính Thống Giáo đã sụp đổ hoàn toàn
Hôm 11 tháng 11, dự án xây dựng trụ sở mới của tòa thượng phụ Mạc Tư Khoa tại Lavra bên cạnh nhà thờ Chúa Ba Ngôi ở quận Thánh Sergius thuộc thành phố Sergiev Posad đã bị từ chối dứt khoát. Trong vài năm nay, người ta đã nói về dự án này, thường được gọi là “Vatican Chính thống giáo”. Tin tức này đã được báo chí Nga giấu kín một cách cẩn thận và việc bác bỏ nó được cho là do những khó khăn do đại dịch Covid-19 tạo ra, nhưng hầu chắc là quyết định này xảy ra vì có sự hiểu lầm giữa tổng thống Nga Vladimir Putin và Đức Thượng Phụ Kirill.
Kế hoạch chuyển các cơ quan hành chính của Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa về thành phố Sergiev Posad, cách đó 70km, bao gồm việc rút khỏi Mạc Tư Khoa và xây dựng lại toàn bộ Tòa Thượng Phụ mới trong một trung tâm đồ sộ lớn như Vatican hay hơn nữa, đã được thảo luận công khai từ năm 2019. Trong dự án cải tạo đô thị, dự kiến bắt đầu vào năm 2025, Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa sẽ chiếm khoảng một phần ba thành phố, bao gồm cả các tòa nhà hành chính dân sự. Tổng chi phí của hoạt động ước tính khoảng 140 tỷ rúp, tức là khoảng 1 tỷ rưỡi euro. Protoierej Leonid Kalinin, người đề xuất dự án thay mặt cho Đức Thượng Phụ, đã đề cập đến trung tâm tâm linh mới với danh hiệu “thủ đô của Chính thống giáo”.
Vào cuối tháng 8 năm 2020, Bộ Môi trường Nga đã tuyên bố rằng họ ủng hộ dự án, một dấu hiệu cho thấy mọi người đã tiếp tục tin tưởng vào dự án ngay cả trong năm đầy khó khăn vì đại dịch. Nhưng vào ngày 5 tháng 11, dự án mới “Quy hoạch chung cho thành phố Sergiev Posad” đã được phê duyệt, trong đó không nhắc gì đến Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa. Quy hoạch chung này có giá trị từ năm 2025 cho đến ít nhất là năm 2040. Nói cách khác, Vatican của Chính Thống Giáo sẽ không trở thành hiện thực cho đến ít nhất là năm 2040.
Lý do chính thức của việc hủy bỏ dự án vẫn chưa được tiết lộ. Chắc chắn mức giá cao của dự án không phù hợp với tình hình tài chính công cộng do đại dịch gây ra. Một số nhà bình luận suy đoán rằng Tổng thống Putin đã quá mệt mỏi với việc che đậy những thất bại trong chính sách đối ngoại của Đức Thượng Phụ Kirill bằng tiền nhà nước. Trong hai năm qua, những thất bại này bao gồm sự rạn nứt quan hệ với Tòa Thượng phụ Đại kết Constantinople, do việc Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô công nhận Giáo hội tại Ukraine.
Nếu không có đại diện của các Nhà thờ Chính thống giáo khác, “giáo hoàng Mạc Tư Khoa” không thể có bất kỳ sự tín nhiệm nào, và Đức Thượng Phụ Kirill sẽ phải đợi những hoàn cảnh thuận lợi hơn để tuyên bố quyền tối thượng của mình trong thế giới Chính thống giáo, có lẽ với sự trợ giúp của vắc-xin chống Covid của Nga, được tung ra thị trường quốc tế, khi Putin cho phép.
Source:Asia News
3. Quan hệ ngoại giao giữa Úc và Trung Quốc và đại dịch coronavirus
Quan hệ ngoại giao giữa Úc và Trung Quốc đã hết sức căng thẳng vì đại dịch coronavirus kinh hoàng. Úc đòi mở cuộc điều tra quốc tế về nguyên nhân gây ra đại dịch coronavirus, và cách hành xử mờ ám của Trung Quốc; trong khi Bắc Kinh đáp lại bằng cách công khai chế giễu tính cách cá nhân của các Bộ Trưởng Úc Đại Lợi và cấm nhập khẩu hàng loạt các mặt hàng từ Úc. Một số mặt hàng như lúa mạch bị tăng thuế đến 80%.
Tưởng cũng nên nhắc lại: Trong phiên họp Quốc Hội sáng thứ Ba 21 tháng Tư, Thủ tướng Scott Morrison khẳng định rằng bất kể các luận điệu chỉ trích của Bắc Kinh, Úc vẫn quyết liệt muốn có một cuộc điều tra độc lập về sự lây lan và nguồn gốc của đại dịch coronavirus, mặc cho Trung Quốc bác bỏ viễn cảnh này.
Bắc Kinh đã bác bỏ các đề nghị nghiêm chỉnh của Bộ trưởng Ngoại giao Marise Payne yêu cầu mở cuộc điều tra nói trên, và chỉ trích bà Payne “nói năng không có cơ sở”.
Thượng nghị sĩ Payne tuyên bố thúc đẩy cuộc điều tra vào hôm Chúa Nhật 19 tháng Tư, và bày tỏ quan tâm của bà đối với tính minh bạch của Trung Quốc là rất cao.
Đáp lại, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Bắc Kinh là Cảnh Sảng nói rằng bà Payne “nói năng không có cơ sở”.
Tuy nhiên, Thủ tướng Morrison cho biết quan điểm của Australia là không thay đổi, ông mô tả, một cách ngoại giao, rằng phản ứng của Trung Quốc cho thấy có “sự khác biệt quan điểm” với Úc.
“Chúng tôi không theo đuổi vấn đề như những lời chỉ trích, chúng tôi theo đuổi như một vấn đề có tầm quan trọng đối với sức khỏe cộng đồng,” ông nói.
“Đây là điều rất quan trọng bất kể một loại virus có thể bùng phát ở đâu – dù nó xảy ra ở Úc, hay ở Trung Quốc, hay ở miền nào đó của Phi châu hay Thái Bình Dương hay Trung Đông hoặc bất cứ nơi nào.”
Ông nói rằng điều quan trọng là tất cả các nước phải hợp tác trong một cuộc điều tra độc lập như vậy.
“Điều quan trọng đối với sức khỏe cộng đồng trên toàn cầu là phải có một sự minh bạch trong cách thức chúng ta được quyền truy cập vào thông tin này sớm,” ông nói.
Trung Quốc đã bị buộc tội thiếu minh bạch và phải đối mặt với sự hoài nghi ngày càng tăng đối với số những con số thương vong chính thức, đầy tính khôi hài của họ, kể từ khi coronavirus được tìm thấy vào cuối năm ngoái tại thành phố Vũ Hán.
Trong khi các quan chức Úc ăn nói lịch sự và điềm đạm, các cán bộ ngoại giao của Trung Quốc như Trình Tĩnh Nghiệp (Cheng Jingye, 程静业) Đại Sứ Trung Quốc tại Úc, và Cảnh Sảng (Geng Shuang - 耿爽) phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc lại tỏ ra nóng nảy, đanh thép bác bỏ mạnh mẽ những lo ngại về tính minh bạch khi được hỏi về các nỗ lực của Úc đòi mở một cuộc điều tra độc lập.
Cảnh Sảng nói với các phóng viên trong cuộc họp báo hôm thứ Hai 20 tháng Tư “Nhận xét của Ngoại trưởng Úc Payne không dựa trên các sự kiện, nói năng không có cơ sở. Trung Quốc nghiêm túc và kiên quyết phản đối việc này.”
Ông còn nói thêm rằng việc đặt câu hỏi về tính minh bạch của Trung Quốc “vừa không có cơ sở vừa cho thấy sự thiếu tôn trọng đối với sự hy sinh của người dân Trung Quốc.”
“Kể từ khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát, Trung Quốc đã luôn luôn hành động một cách công khai, minh bạch và có trách nhiệm và thực hiện một loạt các biện pháp kiên quyết, kịp thời và mạnh mẽ,” ông ta nói.
Thượng nghị sĩ Payne nhấn mạnh rằng tính minh bạch phải là trọng tâm của một đánh giá độc lập về vụ dịch COVID-19.
“Trước hết, chắc chắn chúng ta phải đặt vấn đề về tính minh bạch của Trung Quốc. Sau đó, tính minh bạch của tất cả các nước trọng điểm trên toàn thế giới cũng phải được rà soát loại,” bà Payne tuyên bố hôm Chúa Nhật 19 tháng Tư.
Đáp lại đề nghị của Ngoại trưởng Úc Payne, tờ Hoàn Cầu Thời Báo (Gobal Times - 环球时报) chạy ngay hàng tít lớn “Úc gia nhập băng đảng Hoa Kỳ về chính sách virus”.
Trong một bài xã luận, tác giả Vương Văn Văn (Wang Wenwen - 王文文) cáo buộc Úc đang trở thành một “chư hầu” của Hoa Kỳ và gia nhập vào “băng đảng Hoa Kỳ về chính sách virus”.
Kinh tế Úc phần nào chịu ảnh hưởng trong việc xuất nhập khẩu với Trung Quốc. Biết vậy, Vương Văn Văn cảnh cáo người dân Úc rằng kinh tế Úc Đại Lợi sẽ đi xuống vì “Các chính trị gia Úc đang thúc đẩy việc ly hôn với Trung Quốc nhằm theo đuổi các mục tiêu do chính sách của Mỹ đề ra.”
Alex Joske, phân tích gia của Viện Chính sách Chiến lược của Úc cho biết những lo ngại về sự thiếu minh bạch của Trung Quốc trong việc xử lý virus và sự cần thiết của một cuộc điều tra độc lập về hành động của Bắc Kinh là “hoàn toàn hợp lý”.
Ông nói điều này bao gồm các vấn đề như khi nào nhà cầm quyền Trung Quốc phát hiện ra virus và liệu họ có bỏ mất quá nhiều thời gian để hành động kịp thời hay không.
“Có rất nhiều lý do để nghi ngờ về các tuyên bố của nhà cầm quyền Trung Quốc liên quan đến virus này. Do đó, sự thiếu tin tưởng, những căng thẳng sẽ không thể tiêu tan một cách tự nhiên,” ông nói.
Tổng thống Mỹ Donald Trump là một nhà phê bình mạnh mẽ Trung Quốc từ sau khi dịch bệnh bùng phát và cảnh cáo rằng Trung Quốc sẽ phải đối mặt với “những hậu quả khôn lường” nếu nó cố ý che dấu các thông tin về đại dịch.
Ông cảnh báo các phản ứng tự vệ của Trung Quốc trước đề nghị của Úc là triệu chứng cho thấy một sự “tín nhiệm thấp” trong mối quan hệ quốc tế và thể hiện rõ “thái độ che đậy, chống lại việc giám sát cách thức nó đương đầu với đại dịch coronavirus kinh hoàng này”.
Giáo sư James Laurenceson, Giám đốc Viện Quan hệ Úc-Trung Quốc cũng cho rằng việc Trung Quốc “thiếu minh bạch” là một mối quan tâm chính đáng của Úc.
Ông đã trích dẫn sự che đậy của nhà cầm quyền Trung Quốc và thái độ dằn mặt những người tố giác ngay từ đầu khi dịch bệnh chớm bùng phát.
Trình Tĩnh Nghiệp, Đại Sứ Trung Quốc tại Úc, cũng đã cáo buộc Bộ trưởng Nội vụ Peter Dutton trở thành một cơ quan ngôn luận của Hoa Kỳ, và cho rằng lời kêu gọi mở cuộc điều tra về cách đối phó với cuộc khủng hoảng coronavirus của Trung Quốc là “đáng thương”.
Bình luận về lời yêu cầu mở một cuộc điều tra về Trung Quốc và WHO của ngoại trưởng Payne, Bộ trưởng Dutton, là người đã nhiễm coronavirus đến mức phải vào bệnh viện cấp cứu, nói với Nine Network:
“Tôi không nghĩ rằng chúng ta thắc mắc quá nhiều - nó chắc chắn là yêu cầu chính đáng của chúng ta, vì Úc cũng đang ở tại tâm chấn của vụ dịch bệnh này khi nó đang tìm cách len lỏi vào xã hội chúng ta.”
“Tôi nghĩ rằng phận sự của Trung Quốc phải trả lời những câu hỏi và cung cấp thông tin, để mọi người có thể có sự rõ ràng và chính xác về những gì đã xảy ra vì chúng ta không muốn dịch bệnh này được lặp đi lặp lại.”
“Và, chúng ta biết rằng đây không phải là trường hợp đầu tiên của một loại virus được lây lan từ các chợ động vật hoang dã và mọi người cần phải trung thực về điều đó.”
Trả lời câu hỏi của tờ Thời báo Hoàn cầu, một cơ quan truyền thông của nhà nước Trung Quốc nổi tiếng với việc đưa ra một đường lối cứng rắn để đáp trả những chỉ trích về Bắc Kinh, Trình Tĩnh Nghiệp cho rằng Bộ trưởng Nội vụ Úc Dutton chỉ là “một con két” lặp lại những điều Mỹ nói.
Source:SBS