Giáo Hội Mẹ tại Giêrusalem đã cử hành Canh thức Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống tại Nhà thờ Thánh Stêphanô. Những hình ảnh quý vị và anh chị em đang xem thấy đây là buổi lễ này được cử hành vào chiều thứ Bẩy 22 tháng 5 tại Giêrusalem.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra lời kêu gọi người Công Giáo trên toàn thế giới cùng tham gia vào buổi cầu nguyện này, cầu xin hòa bình bén rễ trên những vùng đất nơi Chúa Giêsu sinh sống.

Đức Thánh Cha đã bày tỏ lời mời gọi này vào ngày 21 tháng 5, khi kết thúc bài phát biểu trước các Đại sứ không thường trú mới được công nhận tại Tòa thánh.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Suy nghĩ của tôi đang hướng đến các sự kiện đang diễn ra trong những ngày này ở Thánh Địa”.

“Tôi cảm ơn Chúa vì quyết định ngăn chặn các cuộc xung đột vũ trang và hành động bạo lực, đồng thời tôi cầu nguyện cho việc theo đuổi các con đường đối thoại và hòa bình”.

“Tối mai, các Đấng Bản Quyền Công Giáo của Thánh Địa, cùng với các tín hữu của họ, sẽ tụ họp để cử hành Lễ Canh thức Hiện xuống tại Nhà thờ Thánh Stêphanô ở Giêrusalem và cầu xin ân ban hòa bình”.

Đức Giáo Hoàng nói thêm: “Nhân cơ hội này, tôi yêu cầu tất cả các mục tử và tín hữu của Giáo Hội Công Giáo hiệp nhất với nhau về mặt tinh thần cho lời cầu nguyện này”.

“Xin anh chị em cầu nguyện với Chúa Thánh Thần để người Israel và người Palestine có thể tìm thấy con đường đối thoại và tha thứ, xin cho họ là những người kiên nhẫn xây dựng hòa bình và công lý, và từng bước cởi mở với hy vọng chung, để có thể cùng tồn tại như anh chị em với nhau.”

Mở bài giảng thánh lễ, Đức Tổng Giám Mục Pierbattista Pizzaballa, là Thượng Phụ Công Giáo Nghi Lễ La Tinh, nói:

Anh chị em thân mến,

Một lần nữa, chúng ta cùng nhau tụ họp trong Canh thức Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống để cầu nguyện cho ơn Chúa Thánh Thần trên Giáo Hội và trên Thánh Địa của chúng ta.

Và một lần nữa, giống như trong quá khứ, chúng ta cũng có mặt ở đây để cầu nguyện cho hòa bình, cho công lý và cho bạo lực sớm chấm dứt. Đây không phải là lần đầu tiên chính vào dịp Canh thức Lễ Hiện xuống này, chúng ta thấy mình đang cầu nguyện và khẩn nài cho sự kết thúc của cuộc chiến trên đất nước của chúng ta. Trên tất cả, chúng ta hiệp nhất trong lời cầu nguyện với gia đình của những người bị thiệt mạng trong những ngày qua, với những người mất nhà cửa, với những người bị bỏ lại một mình và không có hy vọng nào trong cuộc sống của họ. Chúng ta cầu nguyện cho cộng đồng Kitô nhỏ bé của chúng ta ở Gaza, đang hoang mang trước làn sóng bạo lực thứ mười một này, nhưng cũng cho tất cả cư dân ở đó, những người đã nhiều năm bị sỉ nhục, bị tước đoạt tự do, nhân phẩm và các quyền cơ bản. Sự tạm ngưng các hành vi thù địch hiện tại có lẽ đã mang lại một chút bình tĩnh cho các gia đình chúng ta, nhưng nó vẫn chưa giải quyết được những vấn đề mà bạo lực bắt nguồn từ đó.

Theo lời mời của Đức Thánh Cha Phanxicô, toàn thể Giáo Hội Công Giáo hiệp nhất trong bản hợp xướng cầu nguyện này với chúng ta cùng với Giáo hội Mẹ Giêrusalem. Chúng ta cảm ơn Đức Thánh Cha về sự quan tâm liên tục này đối với Giáo hội của chúng ta, đối với vùng đất của chúng ta và những người sống trên mảnh đất này. Kể từ khi bắt đầu triều đại giáo hoàng của ngài, Đức Giáo Hoàng đã không ngừng khao khát hòa bình ở Thánh Địa, qua những lời cầu nguyện, những sáng kiến và những lời nhắc nhở liên tục. Khát vọng hòa bình của ngài cũng là của chúng ta. Cùng với ngài và toàn thể Giáo hội hoàn vũ, hôm nay trên hết chúng ta cầu nguyện ở đây cho sự hoán cải của chúng ta để chúng ta có thể thực sự tin rằng Chúa Thánh Thần sẽ mang lại hòa bình. Tôi biết rõ rằng, trong hoàn cảnh của chúng ta, điều này có thể khó khăn để thực sự tin vào điều đó. Chúng ta hãy cầu nguyện để chúng ta có thể cùng nhau trở thành những người kiến tạo hòa bình và công lý trong vùng đất của chúng ta. Những lời đầu tiên Chúa Giêsu thốt ra trong Phòng Tiệc Ly sau khi Người sống lại, là “ Bình an cho anh em” và rồi Người thở ra Chúa Thánh Thần (Ga 20:19). Vì vậy, chúng ta đang tụ họp tại đây, theo cách thức của một Phòng Tiệc Ly mới, để cầu xin Chúa Phục Sinh ban sự bình an, là hoa trái đầu tiên của Chúa Thánh Thần.

Trong phụng vụ ngày mai, chúng ta sẽ đọc đoạn văn nổi tiếng trong sách Tông đồ Công vụ, trong đó các cư dân “từ mọi quốc gia dưới bầu trời” (Công vụ 2: 5) cùng nhau tiếp nhận, mỗi người bằng các ngôn ngữ, văn hóa và truyền thống riêng của mình, sự công bố về “những việc làm vĩ đại của Thiên Chúa” (Cv 2:11). Mặc dù đa dạng, họ đã hiệp nhất trong sự hiểu biết lẫn nhau, trở thành các bộ phận của một cơ thể. Đây là hình ảnh đầu tiên về Giáo Hội mà Thánh Kinh ban cho chúng ta, và từ đó chúng ta đã thấy bản chất của toàn thể Giáo Hội, trong mọi lúc và mọi nơi: đó là đa dạng về ngôn ngữ, truyền thống, văn hóa và ân sủng, nhưng được kết hợp bởi Thần Khí xung quanh Chúa Kitô Phục Sinh; để làm chứng cho hy vọng, thống nhất và hòa bình trên thế giới. Đoạn Kinh thánh đó nhắc đặc biệt với chúng ta, Giáo hội Giêrusalem - Giáo hội Mẹ, Giáo hội đầu tiên. Ngày nay, tại Giêrusalem, mỗi người trong chúng ta có thể có văn hóa, ngôn ngữ và ân sủng riêng, nhưng trước hết chúng ta được kết hợp với Thánh Linh của Chúa Phục Sinh để cùng nhau làm chứng về ân sủng hiệp nhất và bình an. Và điều này càng đặc biệt hơn nữa trong hoàn cảnh hiện tại của chúng ta, bị chia cắt bởi những hận thù và chia rẽ chính trị và tôn giáo. Đây có lẽ là sứ mệnh đầu tiên và là ơn gọi thích hợp của Giáo hội Mẹ: đó là làm chứng cho sự hiệp nhất và hòa bình.

Nhưng đoạn Kinh Thánh đó cũng nói về căn tính của Thành Thánh Giêrusalem, nơi mà ngay từ đầu đã được gọi là “ngôi nhà cầu nguyện cho muôn dân” (Is. 56: 7). Giáo Hội Giêrusalem là trái tim của sự mặc khải thiêng liêng, là người trông coi cuộc gặp gỡ giữa Chúa và nhân loại. Cho đến hôm nay, Giêrusalem đã tập hợp lại trong mình các tôn giáo, các nền văn hóa, ngôn ngữ và truyền thống đa dạng, tất cả đều hợp nhất trong việc tìm kiếm cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa. Mỗi tín hữu là một công dân thiêng liêng của Giêrusalem, vì ở đây họ tìm thấy trái tim của mình. Giêrusalem tập hợp trong mình tất cả linh hồn của thế giới, và vì điều này, Giêrusalem được mở ra cho toàn thế giới. Tiếng chuông nhà thờ, tiếng kêu gọi cầu nguyện của người Hồi Giáo, tiếng tù và của người Do Thái Giáo… đó là giọng nói của Giêrusalem. Những khoảnh khắc cầu nguyện của người Do Thái, Kitô và Hồi giáo đánh dấu các khoảng khắc cầu nguyện của Giêrusalem. Thánh địa Giêrusalem là kho báu được các tín đồ đa dạng của cô ấy tranh nhau bảo vệ. Và tất cả cư dân của Giêrusalem ấy là một phần của một bức tranh ghép đầy màu sắc và thống nhất của cuộc sống; nơi tất cả gặp gỡ và va chạm, nơi mỗi người - bất chấp xuất xứ - là một phần của một thiết kế vĩ đại hơn, một tấm vải do chính Chúa thêu. Nó là một loại vải mỏng manh và dễ vỡ nên cần được bảo quản cẩn thận và chú ý.

Vì vậy, các nhà chức trách tôn giáo và chính trị có trách nhiệm phải hết sức thận trọng bảo vệ di sản độc nhất vô nhị này. Bất kỳ sự chiếm đoạt nào, bất kỳ sự chia rẽ nào, bất kỳ cử chỉ loại trừ và từ chối người khác, bất kỳ hình thức bạo lực nào… đều là vết thương sâu trong cuộc sống của Thành phố và là nguyên nhân gây đau đớn cho tất cả mọi người, bởi vì tất cả đều là một phần của một cơ thể. Do đó, không phải ngẫu nhiên mà làn sóng bạo lực gần đây trên toàn bộ Thánh Địa đã bắt nguồn ngay tại Giêrusalem, chỉ cách chúng ta vài mét.

Không có sự áp đặt nào có thể có hiệu quả ở Giêrusalem. Chúng ta đã thường xuyên nhắc lại điều này và chúng ta vẫn làm cho đến ngày nay. Sự cân bằng giữa hai bên của Thành phố đã nhiều lần bị phá vỡ, gây đau đớn và thất vọng. Đây không phải là con đường để đi nếu chúng ta thực sự muốn hòa bình. Giêrusalem dành cho tất cả mọi người: Kitô hữu, người Do Thái và người Hồi giáo, người Israel và người Palestine. Tất cả đều có quyền và nhân phẩm bình đẳng, mọi công dân đều bình đẳng. Bất kỳ sự loại trừ hoặc áp đặt nào, đều làm tổn hại đến bản sắc của Thành phố và điều này không thể giữ im lặng cũng như không bỏ qua.

Tiên tri Isaiah, trong đoạn văn vừa được công bố, trình bày cho chúng ta một hình ảnh tuyệt vời về hành động của Thánh Linh của Chúa đối với Ghétsê, được Thiên Chúa sai đến.

Với sự công bình, ông ấy sẽ xét xử công minh cho kẻ thiếu thốn, với sự công bình, ông ấy sẽ đưa ra quyết định cho người nghèo trên trái đất… Sự công bình sẽ là thắt lưng của ông ấy… Bò tơ và sư tử non được nuôi chung với nhau; Sẽ không còn ai tác hại và tàn phá trên khắp núi thánh của Ta, vì đất sẽ tràn đầy sự hiểu biết về Chúa như nước bao phủ biển cả. (Is. 11: 2-9)

Chúng ta không chắc chính xác Tiên tri Isaiah đang ám chỉ ai trong đoạn văn này, “gốc rễ Ghétsê” này là ai. Giáo hội đã hiểu nhân vật này là Đấng Mêsia, như thánh sử Luca đã gợi ý (Lc 4, 17ff). Nhưng đây cũng là lời kêu gọi dành cho tất cả những ai đã nhận được Thánh Linh của Chúa. Đó là sự mô tả sứ mệnh của mọi tín hữu và của toàn thể Giáo hội. Phân đoạn này tạo nên một yếu tố trong căn tính của người tin Chúa: đó là làm việc liên tục vì công lý, tôn trọng người nghèo và người yếu thế, thẳng thắn trong việc đưa ra quyết định, không sống theo vẻ bề ngoài nhưng phục vụ Chúa.

Trong những ngày qua, chúng ta đã chứng kiến những căng thẳng to lớn ngay cả trong các thành phố của chúng ta, nơi người Do Thái và người Palestine sống cùng nhau. Đây là một dấu hiệu đáng lo ngại đi ngược lại lời tiên tri Isiah, và cho thấy một sự bất an sâu sắc mà mọi người phải hết sức lưu ý. Rõ ràng, vẫn còn một chặng đường dài để sói, cừu, sư tử và bê con có thể sống cùng nhau. Chúng ta cần Thánh Linh giáng xuống mọi người để mọi người nhận ra họ là một phần của một cơ thể, mọi hình thức phân biệt đối xử phải biến mất và “những quyết định công bằng được đưa ra cho người hiền lành trên trái đất”. Cầu xin Thánh Linh mở mắt để chúng ta có thể thực sự nhận ra trong luật pháp, trong thái độ và lựa chọn tập thể và cá nhân của chúng ta, thực tại đa tôn giáo, đa văn hóa và đa bản sắc của xã hội chúng ta. Chúng ta phải lên án bạo lực vốn quá thường thấy trong ngôn ngữ đã tồn tại từ lâu, và có lẽ đã quá thường xuyên bị bỏ qua. Ngôn ngữ gây hấn chắc chắn dẫn đến bạo lực thể xác. Chúng ta phải làm việc với những người thuộc mọi tín ngưỡng, những người vẫn cùng nhau tin tưởng vào một tương lai và cùng nhau phấn đấu cho nó. Thật là vui khi thấy trong những ngày qua, giữa những căng thẳng và bạo lực bè phái, những cuộc biểu tình của tình liên đới và tình anh em giữa những người Israel gốc Do Thái và Palestine. Chúng là một dấu hiệu an ủi về sự hiện diện của Thánh Linh của Chúa giữa chúng ta… bất chấp mọi thứ.

Sau đây, tôi xin nhắc lại những điều tôi đã nói trong nhiều dịp khác nhau: mặc dù ngày nay việc nói những điều này xem ra không được ưa chuộng, chúng ta không được tận dụng và cũng không được để nảy sinh tình cảm thù hận. Chúng ta không được khiến bất cứ ai, dù là người Do Thái hay người Palestine, cảm thấy bị từ chối. Chúng ta phải rõ ràng hơn trong việc tố cáo bất cứ điều gì gây chia rẽ. Chúng ta không thể cứ hài lòng với các cuộc họp liên tôn về hòa bình, và nghĩ rằng như thế là đủ để giải quyết các vấn đề của sự chung sống. Thay vào đó, chúng ta phải cam kết thực hiện nhiệm vụ này trong các trường học, trong các viện nghiên cứu của chúng ta, trong các phương tiện truyền thông của chúng ta, trong chính trị và tại nơi thờ phượng, tất cả phải làm vang danh Thiên Chúa, tình anh em và sự cộng tác.

“Nếu anh em nhân danh Thầy mà xin điều gì, thì Thầy sẽ ban cho” (Ga 14:14), Chúa Giêsu nói với các môn đệ trong Tin Mừng Thánh Gioan, và thêm rằng “ … Thủ lãnh thế gian đang đến. Đã hẳn, nó không làm gì được Thầy” (Ga 14:30).

Chúng ta không đơn độc. Trong Thánh Linh, Chúa Phục Sinh ở giữa chúng ta, an ủi và nâng đỡ chúng ta. Sự chết, tội lỗi, sự chia rẽ của chúng ta… những điều này không đủ để ngăn cản Thiên Chúa hoạt động trong chúng ta. “nó không làm gì được Thầy”. Cái ác không thể thắng, ngay cả khi nó có vẻ là như vậy khi nó phá hủy các mối quan hệ của chúng ta. Các môn đệ, được đầy dẫy Chúa Thánh Thần, được sai đi để tiếp tục những gì họ đã thấy Chúa Giêsu làm, đó là đem lại sự sống ở nơi có sự chết, sự tha thứ ở nơi có tội lỗi.

Ngày nay, chúng ta được mời gọi từ bỏ nỗi sợ hãi, những “nhà cửa đóng kín” giống như các môn đệ trong Tin Mừng, để chúng ta có thể loan báo và làm chứng cho sự sống của Thiên Chúa trong chúng ta và trong mọi người, hòa bình và hiệp nhất của nhân loại trong Chúa.

Khi nhìn thấy những vết thương của Chúa Phục sinh, các môn đệ tràn đầy niềm vui (Ga 20:20). Xin Thánh Linh giúp chúng ta có thể đọc được trong ánh sáng của Ơn Cứu Chuộc, thực tại ngày nay của chúng ta, và làm cho vết thương của chúng ta, giống như vết thương của Chúa Kitô, không phải là nguồn gây thất vọng và chán nản, nhưng là chất xúc tác để vượt ra ngoài và tạo ra những dịp vui vẻ, gặp gỡ, và an ủi.

Cầu mong cho chúng ta không nản lòng. Chúng ta đừng làm buồn lòng Thánh Thần Thiên Chúa, Đấng bảo vệ chúng ta. Xin cho mọi cay đắng, giận dữ, thù địch và mọi cảm giác tiêu cực khác biến mất (xem Ep 4: 30-31). Chỉ có tình yêu, đồng nghĩa với Thần khí, mới có thể thay đổi trái tim con người. Chúng ta hãy cầu xin điều này cho chính chúng ta, cho Giáo hội của chúng ta và cho Giáo hội trên thế giới; và chúng ta hãy cầu xin điều này cho Thánh Địa của chúng ta, cho các chính phủ của chúng ta, cho các mục tử của chúng ta, cho những người nắm giữ trách nhiệm đối với các dân tộc và thể chế, để họ có thể được dẫn dắt bởi tình yêu của Thiên Chúa hơn là sự tính toán của con người, là những thứ không thể tạo ra sự sống như chúng ta đã thấy trong những ngày gần đây. Ước gì ân sủng của Chúa Thánh Thần làm cho chúng ta hiểu và soi sáng các ơn gọi cá nhân và giáo hội của chúng ta trong bối cảnh xã hội vừa đau thương vừa mệt mỏi này của chúng ta. Cầu mong điều đó làm cho chúng ta có thể chấp nhận thực tại của mình mà không dối trá hoặc ảo tưởng, đặt những lời an ủi trên môi, cho chúng ta can đảm để bảo vệ công lý mà không ảnh hưởng đến sự thật. Mong điều đó cho phép chúng ta tha thứ cho nhau.

Cuối cùng, chúng ta hãy nhìn lên Đức Maria, Mẹ của chúng ta, và là mẹ của Giáo hội, đấng như mọi người mẹ, luôn ôm ấp và chào đón tất cả con cái của mình. Đức Mẹ Palestine, bổn mạng của giáo phận chúng ta, và là Nữ Vương Hòa Bình, đã cầu bầu cho chúng ta với Thiên Chúa Tối Cao để cộng đồng của chúng ta tiếp tục sở hữu vòng tay rộng mở và trái tim chào đón. “Cầu mong Mẹ gìn giữ quê hương trần thế của Mẹ, che chở mảnh đất này bằng sự bảo vệ đặc biệt và xua tan bóng tối của lỗi lầm, nơi Mặt trời Vĩnh cửu của Công lý đã từng chiếu sáng”.

+ Pierbattista


Source:Latin Patriarchate Of Jerusalem