Bọn lãnh đạo cộng sản bắt dân thờ như các thần minh
Tình cảnh các tín hữu Kitô ở Bắc Triều Tiên ra sao là điều ít ai biết đến vì sự bưng bít thông tin của một chế độ hầu như cô lập hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Hôm 2 tháng Hai, thông tấn xã AP có bài "Christians in N. Korea tell of struggle to practice faith" – “Các Kitô hữu Bắc Hàn kể về nỗi vất vả để thực hành đức tin”. Bài báo vén lên được một chút bức màn bí mật này. Dưới đây là bản dịch sang Việt Ngữ.

Kitô giáo hầu như bị đặt ra ngoài vòng pháp luật ở Bắc Triều Tiên, nơi nhà độc tài Kim Chính Ân được coi là nhân vật chính của một giáo phái tôn sùng lãnh tụ coi ông ta như một vị thần. Việc sở hữu Kinh Thánh, điều hành các dịch vụ tôn giáo công khai, và bất kỳ nỗ lực nào để xây dựng mạng lưới giáo hội hầm trú đều có thể dẫn đến bị tra tấn, ở tù dài hạn hoặc xử tử.

Sau đây là những gì những người đào thoát khỏi Bắc Triều Tiên, một nhà hoạt động Kitô giáo và một giám mục Công Giáo Hàn Quốc có những liên kết trước đó với Bắc Triều Tiên nói với Associated Press về cách người Bắc Triều Tiên duy trì niềm tin của họ:

LEE HANBYEOL

Lee, 35 tuổi, là một người tị nạn Bắc Triều Tiên tại Hán Thành, có người cha Kitô giáo đã cầu nguyện mỗi khi mẹ cô đến Trung Quốc để vay tiền từ người thân vào giữa những năm 1990.

“Tôi thấy cha tôi cầu nguyện nhiều lần. ... Mẹ tôi đã liều mạng sang Trung Quốc để nuôi sống gia đình chúng tôi. Vì vậy, khi mẹ tôi cất bước ra đi, cha tôi tiếp tục cầu nguyện, ngồi xếp bằng và run rẩy ở góc phòng của chúng tôi,” Lee nói.

Lee nói rằng cô ấy không biết gì về Kitô Giáo vào thời điểm đó. Cha cô giữ niềm tin cho riêng mình cho đến khi qua đời vào năm 1997 rõ ràng vì lo ngại các con ông phải khổ vì đạo. Lee tin rằng cha mình là một phần của dân số Kitô giáo phát triển mạnh ở Bắc Triều Tiên trước Chiến tranh Triều Tiên 1950-53.

Lee, hiện là một Kitô hữu sùng đạo nói: “Tôi thường nghĩ là sẽ tuyệt vời thế nào nếu cha tôi và tôi có thể cầu nguyện cùng nhau trong khi nắm tay nhau”.

J.M.

Một cựu cư dân của tỉnh Hamgyong ở Bắc Triều Tiên, anh J.M cho biết anh biết đến niềm tin Kitô sau khi trốn sang Trung Quốc vào năm 1998. Anh ta bị cảnh sát Trung Quốc bắt giữ và đưa về nước năm 2001. Sau khi ngồi tù vài tháng, anh đã cố gắng truyền bá đức tin của mình cho cha mẹ mình.

“Cha tôi cảm thấy khó khăn để có thể đón nhận Kitô Giáo nhưng mẹ tôi đã nhanh chóng chấp nhận niềm tin này”. Mặc dù anh đã đồng ý nói chuyện với AP để làm nổi bật cảnh ngộ của các Kitô hữu ở Bắc Triều Tiên, anh đã yêu cầu viết tắt tên của mình vì lo lắng cho sự an nguy của người thân ở miền Bắc. “Mẹ tôi nói với tôi rằng bà sẽ cầu nguyện cho tôi.”

Năm 2002, J.M. đã trốn thoát đến Hàn Quốc để anh ta có thể thờ phượng tự do. Sau đó, anh nhận được tin cả hai cha mẹ anh đều đã chết.

Bây giờ là một mục sư có trụ sở tại Hán Thành, J.M. đang cố gắng quảng bá Kitô giáo ở Bắc Triều Tiên. Anh đã viếng thăm Trung Quốc và rửa tội cho sáu người Bắc Triều Tiên được phép thăm viếng các thị trấn biên giới Trung Quốc trong một thời gian ngắn.

PETER JUNG

Jung là người Nam Hàn, chồng của Lee và là một mục sư chuyên truyền bá Kitô giáo ở Bắc Triều Tiên. Ông nói rằng nhóm của ông cung cấp nơi trú ẩn, thực phẩm và tiền bạc cho người Bắc Triều Tiên đến thăm các thị trấn biên giới Trung Quốc trước khi dạy họ về niềm tin Kitô.

Khi họ trở về nhà, Jung cho biết nhóm của anh yêu cầu một số du khách đáng tin cậy Bắc Triều Tiên ghi nhớ những câu Kinh Thánh hoặc mang theo Kinh Thánh về nước. Một số thường xuyên quay lại và nhận được những hỗ trợ tài chính và huấn luyện mới về Kitô giáo. Nhiệm vụ của họ ở Bắc Triều Tiên bao gồm tạo ra một “bầu không khí tôn giáo” bằng cách khiến mọi người ở đó trao đổi những tin nhắn với những từ ngữ chứa đựng các chủ đề Kitô giáo như “hòa bình”, Jung nói.

Đức Cha JOHN CHANG

Đức Cha Chang là một giám mục Công Giáo đã đến thăm Bắc Triều Tiên vào năm 1987 và đã gặp năm người Bắc Triều Tiên được nhà cầm quyền giới thiệu với ngài là người Công Giáo. Sau khi nói chuyện với những người Bắc Triều Tiên, tất cả những người này đều có tên thánh khi được rửa tội, Đức Cha Chang nói rằng ngài tin chắc rằng họ là người Công Giáo chân chính.

“Tôi hỏi họ nơi họ được rửa tội và ai rửa tội cho họ. Họ đều quen thuộc các thuật ngữ Công Giáo. Nếu chỉ biết những thuật ngữ này bằng cách học thuộc lòng, họ không thể sử dụng tất cả những thuật ngữ ấy một cách tự nhiên như thế,” ngài nói. “Câu chuyện của họ không phải là những chuyện được dàn dựng.”

Năm sau, hai người Công Giáo Bắc Triều Tiên đã được đến thăm Thành phố Vatican và được gặp Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.

Các nhà hoạt động Kitô giáo bảo thủ ở Hán Thành nói rằng những người Hàn Quốc đó có thể là những tín hữu giả hoặc những người đã từ bỏ đức tin của họ từ lâu để sống sót sau những cuộc đàn áp tôn giáo khắc nghiệt. Các chuyên gia cho biết vào cuối những năm 1980, Bắc Triều Tiên đã tìm cách cải thiện mối quan hệ với Vatican như một cách để giảm bớt sự cô lập quốc tế.


Source:AP