Khỏi cần nói, Giáo Hội Nam Hàn hết sức hân hoan trước viễn ảnh cuộc gặp gỡ Trump-Un. Một ngày trước cuộc gặp gỡ này, Đức Cha Lazzaro You Heung Sik, Giám Mục Daejeon, nói với AsiaNews rằng: “Dân tộc Triều Tiên, những người miền Nam và miền Bắc, muốn hòa bình, một nền hòa bình công chính. Các hạn chế và triển hạn phát xuất từ các cường quốc, là những nước vì quyền lợi riêng muốn giữ cho Bán Đảo Triều Tiên mãi chia rẽ. Nhưng ước vọng hòa bình của chúng tôi đã đẩy họ tới biến cố hôm nay, cuộc gặp gỡ giữa Tổng Thống Trump và lãnh tụ Kim Jong-un”.



Đi bước trước

Tưởng cũng nên biết vị giám mục trên hiện là Chủ Tịch Ủy Ban Giám Mục lo về Xã Hội của Hội Đồng Giám Mục Đại Hàn. Theo vị giám mục này, nỗi khốn khổ của dân tộc Triều Tiên chia rẽ là tại các cường quốc nhưng khi nói đến việc “đã đẩy họ tới biến cố hôm nay” thì Đức Cha lại chỉ nhắc đến Hoa Kỳ như 1 cường quốc, chứ “lãnh tụ” Un thì làm sao là một cường quốc cho được. Thành Thử trách nhiệm lớn nhất vẫn là Hoa Kỳ.

Ngược lại, Đức Cha Lazzaro You Heung Sik không ngần ngại cho hay: “Bắc Triều Tiên cũng đang diễn biến. Chúng ta đừng quên rằng Kim Jong-un đã làm hơn các vị tiền nhiệm của ông rất nhiều cho nhân dân của ông. Để tìm ra các giải pháp cho nỗi khốn cùng và thất bại của nền kinh tế, ông đã cấp đất cho nông dân, chỉ yêu cầu họ nộp 10% thu nhập cho Nhà Nước. Điều này, trên thực tế, đã tạo ra thị trường tự do, qua đó, người Bắc Triều Tiên lo liệu có được thực phẩm và trao đổi thặng dư lấy các hàng hóa khác. Cần phải nói rằng từ ngày Ông Kim Jong-un lên cầm quyền, ít có chết chóc hơn ở Bắc Triều Tiên và cũng ít mưu toan trốn ra nước ngoài nhiều hơn”.

Cảm tình dành cho Kim Jong-Un như trên phản ảnh điều được tờ Foreign Affairs xác nhận: “ngày nay, các cuộc thăm dò dư luận cho thấy Kim được lòng dân ở Nam Hàn hơn Trump”. Nó cũng đã phản ảnh phần nào nhận định của sứ thần Tòa Thánh tại Nam Hàn. Thực vậy, Đức Tổng Giám Mục Alfred Xuereb, khi trả lời cuộc phỏng vấn của Vatican News, tỏ ý rất hy vọng ở cuộc gặp gỡ Trump-Un mà ngài cho là có tính “lịch sử thật sự”. Ngài nói: “Giáo Hội đầy hy vọng và tin tưởng”.

Ngài nói thêm: “chúng ta hy vọng vì khởi đầu này rất tích cực, rất tốt” và chúng ta đã chuyển từ những lời như “hỏa hào và cuồng nộ” (fire and fury) cũng như “hoàn toàn triệt phá Bắc Triều Tiên” qua những lời hòa giải nói tới hòa bình.

Những lời ngài trích dẫn là của Ông Trump. Không thấy ngài trích dẫn lời nào của Kim Jong-Un cả. Rõ ràng ám chỉ trách nhiệm lớn là của Hoa Kỳ.

Và đó hình như cũng là lập trường của Kim Jong-Un. Thực vậy, theo Đức Cha Lazzaro You Heung Sik, điều Ông Un đòi trước nhất là an ninh cho cá nhân ông và an ninh cùng viện trợ kinh tế cho dân chúng ông. Trong khi Hoa Kỳ muốn ông từ bỏ vũ khí hạch nhân trước đã; trong tương lai mới có việc viện trợ kinh tế. Dung hoà, Un muốn hai việc tiến song hành với nhau. Đức Cha nhận định: “Tôi hy vọng rằng ở Tân Gia Ba, Hoa Kỳ sẽ chấp nhận giải pháp cuối cùng”.

Dưới góc độ ngắn hạn và thực tiễn, hình như Hoa Kỳ đã đáp ứng quá cả lòng mong ước của Đức Cha Lazzaro You Heung Sik, khi đồng ý bảo toàn an ninh cho chế độ của ông Un: ngưng các cuộc thao diễn quân sự hỗn hợp hàng năm của lực lượng quân sự Hoa Kỳ và Nam Hàn trên bán đảo Triều Tiên, một điều bị Bắc Hàn nại ra trước đây để đe dọa hủy bỏ cuộc họp thượng đỉnh, mà cụ thể chưa thấy một nhượng bộ nào tức khắc từ phía Bắc Triều Tiên.

Dù Ông Trump bảo rằng hủy bỏ điều ông gọi là “trò chơi chiến tranh” tức các cuộc thao diễn quân sự hàng năm vì nó vừa rất tốn kém mà còn có tính khiêu khích, nhưng nhượng bộ này quả là bước trước của thiện chí vượt bực từ một chính trị gia trước đây chưa đầy nửa năm đưa ra những lời đe dọa được Đức Sứ Thần Tòa Thánh Xuereb nhắc lại! Mà có phải Ông Trump là tay mơ thương lượng đâu, ông ta vốn tự hào là vua thương lượng mà.

Thực ra, trước khi gặp Ông Trump, Ông Un cũng đã đi bước trước, bước mà chính Ông Trump cũng rất ngạc nhiên, là thả 3 người bị coi là gián điệp Mỹ, dù Ông Trump không công khai yêu cầu! Có thể để chứng minh mình không thua đi bước trước, mà lần này, ông đi một bước trước hết sức ngoạn mục. Nay là lúc Ông Un phải đáp lễ.

Khai phá hay lầm lỗi

Tạp chí Foreign Affairs dường như không đồng ý với nhận định trên, nên ký giả Daniel R. Russel của họ mới cho chạy hàng tít lớn: A Historic Breakthrough or a Historic Blunder in Singapore? Kim Jong Un May Have Outwitted Trump at the Summit (khai phá lịch sử hay lầm lỗi lịch sử ở Tân Gia Ba? Kim Jong Un có thể đã qua mặt Trump tại Cuộc Họp Thượng Đỉnh).

Trước nhất, theo ký giả trên, “không một tổng thống Hoa Kỳ nào trước đây cho là khôn ngoan khi dấn thân vào một cuộc họp thượng đỉnh mà lại ít chuẩn bị như thế hay trong những điều kiện thuận lợi như thế đối với phía bên kia, huống chi là đơn phương hứa hẹn gián đoạn các thao diễn quân sự phòng ngự hỗn hợp Hoa Kỳ - Nam Hàn trên Bán Đảo Triều Tiên”. Trong khi ấy, Kim có lý khi huênh hoang rằng ông ta đã đạt được điều cha ông và ông nội ông chỉ mới dám mơ ước mà thôi: đạt được mục tiêu song sinh là xây dựng khả năng vũ khí hạch nhân có giá trị và sau đó, được quốc tế nhìn nhận như một người cùng lứa “rất đáng kính” như nhà lãnh đạo thế giới tự do vừa khẳng định.



Ký giả này cũng cho rằng, so với các thỏa thuận trước đây, tuyên bố chung lần này là một dịch bản “đã pha loãng của nhiều văn kiện đầy hoài bão trong quá khứ từng được Bắc Hàn và các đối tác thương thuyết của nó đưa ra”.

Nó yếu ớt hơn các thỏa thuận Liên Triều, như Tuyên Bố Chung năm 1992 về Phi Hạch Nhân Hóa Bán Đảo Triều Tiên. Nó loãng hơn so với các cam kết trong các thỏa hiệp quốc tế như Khuôn Khổ Thỏa Thuận năm 1994 và tuyên bố chung năm 2005 sau vòng thứ tư của các cuộc thương thảo 6 bên. Vì nó để Bắc Triều Tiên lách khỏi cam kết trước đây của nó là “bãi bỏ mọi vũ khí hạch nhân và chương trình hạch nhân hiện hữu và trở về, trong một thời hạn sớm sủa, với Hiệp Ước Không Lan Tràn Vũ Khí Hạch Nhân”. Nó chỉ đưa ra lời hứa hẹn mơ hồ “cố gắng hướng tới việc hoàn toàn phi hạch nhân hóa”.

Foreign Affairs nhận định rằng: “Khó có thể suy diễn đây là một tiến bộ. Tuyên Bố Chung Tân Gia Ba im lặng một cách đáng lo ngại về hoả tiễn liên lục địa, huống chi vũ khí hóa học, chiến tranh mạng, lan tràn vũ khí hạch nhân, và (không ngạc nhiên chi) nhân quyền”.

Vả lại, tờ này cho rằng “ngay một tuyên bố cứng rắn hơn cũng khó có thể dùng làm định mức đáng tin để đo tiến bộ vì thành tích da báo của Bắc Triều Tiên trong việc tuân thủ và theo dõi”.

Thành thử, theo tờ báo này, giờ đây, dựa vào các mục tiêu mỗi bên mang theo khi đến bàn thượng đỉnh, đâu là tiến bộ của mỗi bên?

Các ưu tiên khẩn thiết nhất của Bắc Triều Tiên là nới lỏng gọng kìm cấm vận và giảm thiểu nguy cơ một cuộc tấn công phủ đầu hay một cuộc tấn công “đổ máu mũi” mà không buộc phải từ bỏ “lưỡi gươm qúy”, như lời Kim Jong Un nói, tức các vũ khí hạch nhân. Các ưu tiên khác là bao gồm và nhận được trợ giúp kinh tế và đầu tư theo các điều kiện nhất quán với việc kiểm soát và ổn định của chế độ. Bình Nhưỡng cũng hy vọng sẽ giảm nhẹ áp lực đối với vấn đề hạch nhân và lời phê phán thành tích nhân quyền của nó bằng việc tìm ra cách đập vụn tình liên đới giữa năm tay chơi chính: Trung Hoa, Nhật Bản, Nga, Nam Hàn và Hoa Kỳ. Kim tìm cách phân hóa họ và củng cố phe “thoả hiệp” ở Nam Hàn, một phe vốn coi liên minh giữa Nam Hàn và Hoa Kỳ là một trở ngại cho việc Nam Bắc Triều Tiên xích lại gần nhau.

Nếu thế, thì thượng đỉnh Tân Gia Ba quả là sức bật thành công của họ Kim.

Còn Hoa Kỳ. Trump cho rằng mình có đến 300 cấm vận mạnh mẽ trong túi quần, sẵn sàng triển khai nếu Bắc Triều Tiên chơi xấu. Nhưng thực tế cho thấy sau một thập niên gây áp lực cho nước này, Hoa Kỳ đã bắt họ phải chịu gần như mọi cấm vận nặng nề nhất mà Hoa Thịnh Đốn có thể đơn phương áp đặt. Trong khi ấy, cơ may để Trung Hoa và Nga chịu đồng thuận với các điều khoản cấm vận mạnh mẽ mới của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc gần như số không. Mặt khác, áp lực có thực chất của cấm vận hệ ở việc nghiêm chỉnh thực thi của các nước Bắc Hàn buôn bán với, nhất là Trung Hoa. Cuộc tiếp đón thảm đỏ gần đây của Bắc Kinh dành cho Kim Jong-Un 2 lần trong cùng một tháng, sau nhiều năm ra xa lạ, và các tường trình cho thấy việc buôn bán đã trở lại ở khu biên giới rõ ràng chứng tỏ rằng thời yêu thương cho roi cho vọt của Trung Hoa đã hết rồi. Và cũng hết luôn sức mạnh của bất cứ cấm vận nào.

Nhiều người cho rằng việc Trump nói tới đánh cho chẩy “máu mũi” đã khiến Kim phải dừng lại. Nhưng theo ký giả này, khó mà chứng nghiệm được. Nhưng nếu diễn trình gặp trở ngại, Trump khó có thể khởi động lại đe dọa này khi Kim thực tế đã chiếm được cảm tình của nhiều người. Nói đâu xa, ngay như Nam Hàn, Trump cũng khó có thể mở một cuộc tấn công vào Bắc Hàn nếu không có sự ủng hộ và hỗ trợ của Nam Hàn, điều mà nay, hình như càng ngày càng mờ nhạt đi. Như trên đã nói, Kim hiện được lòng dân Nam Hàn hơn cả Trump.
Ký giả này cũng cho rằng việc thí quân để mở đường cho tướng tại thượng đỉnh rất có lợi cho Kim ở một điểm khác: Bắc Hàn đã thành công quá ước mơ khi đóng lại các cuộc thao diễn quân sự phòng ngự hỗn hợp Mỹ Nam Hàn được Trump coi là mắc mỏ. Trump bỏ con bài tẩy này mà không đòi Bắc Triều Tiên ngưng các cuộc thao diễn quy ước tương ứng của họ, hống chi là hoàn toàn ngưng các chương trình hạch nhân và hỏa tiễn của họ.

Tờ Foreign Affairs cho rằng một trong các mục tiêu dài hạn của họ là kéo Hoa Kỳ vào các cuộc thương thảo hiệp ước hòa bình một phần là để kết thúc liên minh quân sự Mỹ Nam Hàn. Nay có lẽ họ Kim không cần theo đuổi mục tiêu này nữa khi Trump hứa sẽ “đem binh sĩ của chúng ta ra khỏi”.

Tóm lại, theo tờ báo này, đây là thượng đỉnh đầu tiên tốt đẹp đối với Bắc Triều Tiên. Còn với Hoa Kỳ, theo Trump, ưu tiên là phi hạch nhân hóa. Nhưng ưu tiên này hình như có những dấu hiệu chống chọi nhau. Với cố vấn an ninh quốc gia, nó phải có mô hình sẵn sàng đầy đủ một lần trong hộp. Với bộ trưởng ngoại giao nó phải là mô hình CVID (Complete, Verifiable, Irreversible Denuclearization=phi hạch nhân hóa hoàn toàn, kiểm chứng được, bất phản hồi), nhưng Tổng Thống Trump nói với họ Kim: “ngài cứ từ từ phi hạch nhân hóa”.

Foreign Affairs có cảm tưởng Ông Trump đặt cày trước con trâu bằng cách như Robert Gates, cựu bộ trưởng quốc phòng Mỹ, nói: chất nhượng bộ lên trước để đổi lấy các lời hứa đơn thuần. Mọi sự đều tùy thuộc điều tờ này gọi là kiểm chứng (verification): liệu Bắc Hàn có chịu kê khai trọn vẹn kho và cơ sở hạch nhân của họ hay không và có chịu để quốc tế kiểm chứng việc họ “hoàn toàn phi hạch nhân hóa” hay không. Bắc Triều Tiên luôn tránh né chữ này, dù bộ trưởng Hoa Kỳ quả quyết: họ biết rõ phải có “kiểm chứng có chiều sâu” (in-depth verification).

Chính Tổng Thống Trump cho hay: cả việc ngưng thao diễn cũng có thể được hủy bỏ nếu Bắc Triều Tiên thiếu thiện chí.

Người Công Giáo vì thế một phần hy vọng ở thượng đỉnh Tân Gia Ba, nhưng phần lớn niềm hy vọng của họ đặt ở chỗ khác. Cả Đức Tổng Giám Mục Hán Thành lẫn Đức Tổng Giám Mục Sứ Thần đều nhấn mạnh đến tuần chín ngày mà Giáo Hội Đại Hàn sẽ thực hành cuối tháng này để cầu cho viễn ảnh hoà giải Triều Tiên.