BBC Ngày 04 tháng 9 năm 2018 -- Nhân chuyến ghé thăm văn phòng BBC ở Bangkok, Luật Sư Nguyễn Quốc Lân dành cho chúng tôi cuộc chuyện trò về cử tri gốc Việt và cuộc bầu cử giữa kỳ của Mỹ sắp tới.

Ls Nguyễn Quốc Lân thăm VP BBC ở Bangkok
BBC: Thấm thoát ông Donald Trump làm tổng thống đã gần được hai năm, luật sư có nhận định gì về cuộc bầu cử giữa kỳ sắp tới? Có dấu hiệu gì cho thấy Dân Chủ, Cộng Hòa, đảng nào đang nắm lợi thế không?

LS Nguyễn Quốc Lân: Tôi thấy được sự không chắc chắn kỳ này. Bên đảng Cộng Hòa thì có lợi điểm về phát triển kinh tế. Họ coi đó là cái thành công của Tổng thống Donald Trump. Ngược lại, họ cũng có nhiều điểm bất an, liên quan đến cuộc điều tra về nghi vấn Tổng thống Donald Trump cấu kết với Nga, và những rắc rối về pháp luật của ông, và những người thân tín của ông có thể gây rắc rối rất nhiều. Phía đảng Dân Chủ thì họ muốn lợi dụng tình hình rắc rối về pháp lý của Tổng thống Donald Trump để dành được quyền kiểm soát của hoặc Thượng viện hoặc Hạ viện và họ rất kỳ vọng rằng kỳ này tối thiểu họ sẽ được quyền quyền kiểm soát Hạ viện. Nhưng mà cuộc bầu cử sơ bộ trong tháng Sáu, tháng Tám mới vừa qua và hiện nay đang xẩy ra trong một số tiểu bang không cho thấy đó là điều chắc chắn. Thượng viện cũng rất là bấp bênh không biết được như thế nào. Nếu những tin tức thuận lợi về kinh tế tiếp tục, thì rất có thể họ sẽ gặp rắc rối. Nhưng những rắc rối mà Tổng thống Donald Trump đang gặp cũng khiến có sự bấp bênh cho cả hai bên.

BBC: Thế cử tri người Việt mình có những suy nghĩ gì, phản ứng ra sao và sẽ bỏ phiếu thế nào trong cuộc bầu cử giữa kỳ này?

LS Nguyễn Quốc Lân: Phía cộng đồng Việt Nam thì từ ngày Tổng thống Donald Trump đắc cử hai năm trước đây, họ nghĩ ông sẽ mạnh với Trung Cộng, sẽ cứng rắn với Nga, sẽ là một cơ hội để Hoa Kỳ cứng rắn cả với đảng Cộng sản Việt Nam. Nhưng mà sau đó họ không thấy Tổng thống Donald Trump làm gì mạnh trong quan hệ ngoại giao với Việt Nam trong vấn đề nhân quyền nên họ bắt đầu không thấy là Tổng thống Donald Trump có khác biệt gì hơn Tổng thống Obama, và họ mất đi sự hăng hái đó. Tuy nhiên trong cộng đồng Việt Nam cũng còn những thành phần theo Công Giáo, những người chống phá thai, những người quan tâm về quan hệ gia đình, cho nên vẫn còn có nhiều người dành sự ưu ái hơn cho Tổng thống Donald Trump. Nhưng càng ngày thì cái lùm xùm rắc rối, cái rùm beng của những vấn đề pháp lý của Tổng thống Donald Trump ngày nó càng lớn tiếng hơn thành ra họ cũng bắt đầu mất dần sự ủng hộ.

Cộng đồng Việt Nam cũng có một thành phần ngày càng mạng mà không ai ngờ đến, đó là những người được lợi về công ăn việc làm nhờ kỹ nghệ quốc phòng. Họ là kỹ sư, là chuyên viên kỹ thuật trong kỹ nghệ quốc phòng. Những người này rõ ràng thấy rằng với Tổng thống Donald Trump thì việc xây dựng cấu trúc của quân đội mạnh hơn, cho nên họ thấy họ có nhiều công ăn việc làm hơn, trở lại thời kỳ Tổng thống Reagan chẳng hạn, kỹ nghệ quốc phòng mạnh. Thành ra có thể những thành phần đó họ nghĩ là cho dù Tổng thống Donald Trump tai tiếng, nhưng mà ít nhất công ăn việc làm của họ vững chắc hơn, thuế má của họ thấp hơn, lợi tức của họ cao hơn. Đó là một thành phần người Việt mà tôi thấy nổi trội hơn trong thời gian gần đây.

BBC: Có phải cử tri người Việt mình ai cũng ủng hộ ông Donald Trump?

LS Nguyễn Quốc Lân: Cũng có thành phần không tin tưởng Tổng thống Donald Trump. Cộng đồng Việt Nam phải nói cộng là cộng đồng thiểu số duy nhất có sự phân chia ngang ngửa giữa Donald Trump hay không. Chứ hầu hết các cộng đồng di dân, thiểu số khác đều hỗ trợ phía Dân Chủ, tại vì Tổng thống Donald Trump đã đứng về phía cứng rắn với vấn đề di trú, cứng rắn với những chương trình trợ cấp xã hội, cứng rắn với chương trình giúp đỡ người nghèo, bảo hiểm y tế. Thành ra đa số các cộng đồng thiểu số họ không đồng ý với những quan điểm đó, chỉ có cộng đồng Việt Nam là đôi bên bênh chống ngang ngửa. Việc nhiều người trong số họ đồng ý với quan điểm di trú của Tổng thống Donald Trump là điều rất là kỳ lạ với một cộng đồng di dân như cộng đồng Việt Nam. Có thể một số người thất vọng vì chính sách bảo hiểm y tế, nhưng một số người lại cho rằng phải làm như vậy thì nước Hoa Kỳ mới mạnh được. Đặc biệt họ nghĩ vấn đề di dân, đặc biệt là di dân bất hợp pháp là một gánh nặng của xã hội, và họ nghĩ vì phải gánh gánh nặng đó, chính phủ phải cắt đi những chương trình tài trợ khác, như tài trợ giáo dục, v.v… Có lẽ đây là một trong những điểm tạo nên sự chia đôi đó trong cộng đồng của mình.

BBC:Vâng, ngay cả nếu không có sự chia cách này, theo nhiều phân tích thì vì đặc tính của phiếu cử tri đoàn (electoral votes) dù tất cả người mọi người trong cộng đồng Việt Nam có dồn hết phiếu cho một ứng cử viên tổng thống nào, thì cũng không tạo được sự khác biệt cho kết qủa bầu cử. Luật sư nghĩ gì về việc này?

LS Nguyễn Quốc Lân: Đúng là như vậy, tại vì người Việt Nam mình đa số ở những tiểu bang thuần tuý hướng về đảng Dân Chủ, thí dụ như California, cho dù tất cả mọi người Việt Nam có dồn phiếu cho phía kia, cũng không thay đổi được gì. Họ cũng không tạo được sự khác biệt ngay cả ở Texas. Tiểu bang đó thuần túy là của Cộng Hòa, Cộng Hòa rất là mạnh cho nên có thêm hỗ trợ của người Việt Nam ở đó hay không cũng không thay đổi gì. Nhưng mà có những vùng họ có thể làm thay đổi cục diện được, thí dụ như vùng Virginia, vùng West Virginia, vùng Maryland, những vùng đó quan điểm Dân Chủ Cộng Hoà rất là ngang ngửa, cho nên nếu cộng đồng Việt Nam mà dồn cho một hướng, nó cũng là một bài toán cho họ tính chứ không phải là không. Nhưng ảnh hưởng này có tính cách địa phương, chứ không phải ở vị trí tổng thống, thậm chí không cả ở cấp tiểu bang. Nếu cộng đồng Việt Nam mà biết sử dụng lá phiếu của mình thì trong một số các cuộc tranh cử họ có thể là những lá phiếu quyết định, nhưng mà ngay trong những cuộc tranh cử cấp dân biểu hay thượng nghị sĩ đó, cộng đồng Việt Nam cũng chia rẽ. Họ có sự phân cách đó là vì cử tri biện luận theo quan điểm của hướng Dân Chủ hay hướng của Cộng Hòa, chứ không phải theo quan điểm cho quyền lợi của của cộng đồng Việt Nam, vì thế tôi chưa thấy là cộng đồng mình sử dụng được lá phiếu cho đúng mức.

BBC:Điều gì đặc thù về cộng đồng Việt Nam khiến cho có sự phân rẽ như vậy, mà không có đa số không ủng hộ ông Donald Trump như những cộng đồng khác?

LS Nguyễn Quốc Lân: Bắt đầu thì cộng đồng Việt Nam đa số ghi danh theo đảng Cộng Hòa, vì họ nghĩ rằng đảng Cộng Hòa là đảng chống cộng, chống Nga, bảo vệ truyền thống gia đình. Họ nghĩ rằng đảng Cộng Hòa là đảng chiến đấu với Việt Nam, không đánh mất Việt Nam như đảng Dân Chủ. Họ nghĩ cái chữ Cộng Hòa nó tương đương như chữ Việt Nam Cộng Hòa. Họ nghĩ là như vậy. Và đúng khi mà họ mới đến Hoa Kỳ thời gian đầu tiên thì họ sống dưới thời Tổng thống Ronald Reagan, là một người Cộng Hoà, là một người chống Nga, đưa đến sự sụp đổ của liên bang Xô Viết, của khối cộng sản Đông Âu và đe dọa ngay cả Việt Nam, và họ nghĩ chính sách đó sẽ đem lại sự sụp đổ của cộng sản, cho nên họ tin vào, họ nghĩ rằng đảng Cộng Hòa là cứng rắn, là mạnh. Nhưng càng ngày thì cử tri Việt Nam họ cũng không thấy Cộng Hòa khác Dân Chủ cái gì. Cả hai bên đều có cái tốt cái xấu cho nên phải nói là khối cử tri Việt Nam ngày họ càng ghi danh theo kiểu “Decline to state” tức là không muốn nói mình là Cộng Hòa hay Dân Chủ. Khối cử tri Việt Nam trong bầu cử sơ bộ họ không bầu theo đảng mà bầu theo cái gì có lợi cho họ. Thứ hai là họ không bầu theo các khối Á Châu khác. Các cộng đồng Á Châu khác đa số là bầu cho đảng Dân Chủ, Việt Nam là khối Á Châu duy nhất hoặc là ngang ngửa hoặc là toàn bầu cho đảng Cộng Hòa.

BBC:Người Việt Nam hải ngoại,trong đó có Hoa Kỳ, rất tha thiết với việc Việt Nam có dân chủ và có nhân quyền. Nhưng xem ra ông Donald Trump có vẻ không mặn mà lắm về nhân quyền cho Việt Nam, điều này có làm cho ông Trump mất điểm với cộng đồng mình không?

LS Nguyễn Quốc Lân: Dưới thời Tổng thống Obama người Việt đã không thấy ông mạnh tay đối với vấn đề nhân quyền của Việt Nam, cho nên khi Tổng thống Donald Trump đắc cử thì họ kỳ vọng có cái gì mới, đặc biệt là đảng Cộng Hòa mạnh tay với Trung Cộng, mạnh tay với Nga. Nhưng mà qua thời gian gần hai năm vừa rồi, họ không thấy Tổng thống Donald Trump làm gì khác hơn Obama thì đảng Cộng Hòa có thể mất điểm về cái đó. Không phải là họ đã bỏ phiếu cho ông Trump là họ sẽ tiếp tục như vậy, họ sẽ đổi, nhưng mà họ vẫn có ưu tiên với đảng Cộng Hòa, tại vì họ nghĩ đảng Dân Chủ đã để mất miền Nam Việt Nam, sau đó đảng Dân Chủ là đảng bình thường hóa ngoại giao với Việt Nam, dưới thời tổng thống Clinton.

BBC: Điều này khá thú vị là vì chúng ta đangtrong thời tưởng niệm cố Thượng Nghị Sĩ John McCain, là một người thuộc đảng Cộng Hòa, và ông McCain được người Việt mình cho là người có công lớn trong việc tái tạo bang giao giữa hai nước, vậy việc người mình không thích đảng Dân Chủ vì cho rằng đảng này bình thường hoá quan hệ với Việt Nam có công bình không?

LS Nguyễn Quốc Lân: Đúng! Đó là chính sách chung của Hoa Kỳ chứ không phải của riêng tổng thống nào, nhưng vì việc đó xảy ra dưới thời Tổng thống Clinton nên người ta nghĩ rằng đó là việc làm của đảng Dân Chủ. Ở Thượng viện lúc đó có hai thượng nghị sĩ đẩy mạnh việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam, đó là Thượng Nghị Sĩ John Kerry [Dân Chủ] và Thượng Nghị Sĩ John McCain. Hai người này quan điểm khác nhau. Thượng Nghị Sĩ John Kerry muốn tái lập ngoại giao với Việt Nam tại vì ông nghĩ là chiến tranh Việt Nam là sai lầm, đã giết chết người dân vô tội, cho nên Hoa Kỳ cần phải hàn gắn lại những đau khổ đó như là một hình thức bồi thường chiến tranh. Trong khi đó, Thượng Nghị Sĩ John McCain nghĩ rằng phải bình thường hóa ngoại giao, rồi mới có quan hệ, rồi mới buộc Việt Nam phải làm những gì họ phải làm. Và chính trong qúa trình đó, Thượng Nghị Sĩ John McCain buộc chính quyền Việt Nam phải tôn trọng nhân quyền, vì đó là một trong những điều kiện để được bang giao. Và cũng qua những thảo luận về chính sách đó thì Thượng Nghị Sĩ John McCain mới buộc chính quyền Việt Nam phải nhả người Việt Nam ra qua chương trình ODP, chương trình con lai, v.v… Những chương trình đó sẽ không đạt được nếu Hoa Kỳ không có quan hệ tốt với Việt Nam. Cho nên tuy hai Thượng Nghị Sĩ Kerry và McCain cùng làm việc với nhau để đẩy mạnh quan hệ, quan điểm của họ, mục đích của họ hoàn toàn khác nhau.

BBC:Người Việt mình nghĩ thế nào về sự cứng rắn của ông Trump với Trung Quốc? Ông có thực sự cứng rắn không? Hay cuộc chiến thương mại là cách mà ông ấy tỏ ra cứng rắn?

LS Nguyễn Quốc Lân: Thực ra cái chính sách của Tổng thống Donald Trump với Trung Quốc cho tới giờ này nó rất là mập mờ, không thấy là làm mạnh mà cũng không thấy yếu. Rồi lại đổi hướng. Tự nhiên lúc mới đắc cử ông lại tổ chức cuộc gặp mặt với Tổng thống Đài Loan, tuyên bố không công nhận chính sách “một Trung Quốc” rồi sau đó lại đổi ý đi ngược chiều lại mấy ngày sau. Rồi chính sách nói mạnh với Trung Quốc, nói cứng rắn vẫn không thấy làm gì hết mà dùng cái phương thức đánh thuế về thương mại đó nó cũng không hẳn là điều tốt cho Mỹ.

Tại vì trên thực tế, nền kinh tế của Mỹ phát triển lợi, có lời nhiều nhờ họ lợi dụng được giá lao động rẻ ở Trung Quốc, đồng thời vẫn có thể xuất cảng sản phẩm của Mỹ đến Trung Quốc được, vẫn bán được. Thành ra nếu mà cứ nhìn cái bất quân bình của số lượng xuất cảng và nhập cảng thì nó không đúng. Xuất cảng của Trung Quốc qua Mỹ nhiều và xuất cảng của Mỹ qua Trung Quốc ít có khi lại là điều tốt, tại vì mình mua được đồ rẻ thì mình có tiền dư, mình làm được những chuyện khác. Trong lúc mình bán đồ qua bên kia mình bán ít hơn nhưng mình bán đồ mắc tiền không à, thành ra nó là cái lợi cho kinh tế chứ không phải là không. Cuộc chiến thương mại không ai biết nó sẽ đi về đâu, không biết ai sẽ có lợi hơn ai.

BBC: Nhưng nhiều người Việt, kể cả người Việt trong nước vẫn cho đây là một điểm son của ông Donald Trump, rằng chỉ có ông mới đập được cho ông Tập Cận Bình được như thế. Luật sư có thấy thế không?

LS Nguyễn Quốc Lân: Thật ra cho đến giờ không ai biết được. Nền kinh tế của Trung Quốc cũng rất bấp bênh. Một khi hàng hoá của họ không xuất cảng qua Mỹ được thì công ty hãng xưởng của họ bắt đầu lay off tạo ra sự bất an trong xã hội của họ. Người dân Trung Quốc có thể không tin tưởng Tập Cận Bình nữa. Họ chỉ cần chừng vài tháng lộn xộn thì Trung Quốc có thể bị vấn đề, trong khi Mỹ sẽ không bị hề hấn gì. Cho dù nông phẩm của Mỹ không xuất cảng được Mỹ vẫn có cách tài trợ cho nông dân để làm chuyện này. Họ chỉ mất việc làm ở một số nơi thôi và họ vẫn sống lâu hơn Trung Quốc. Nếu người Trung Quốc mất công ăn việc làm lâu dài thế lực của Tập Cận Bình có thể bị ảnh hưởng. Cho nên người ta đang xem là Tổng thống Donald Trump có đúng hay không khi ông nói là Hoa Kỳ sẽ thắng trong cuộc chiến này. Thắng là Trung Quốc sẽ chào thua, hay thắng là tạo được sự bất ổn chính trị cho Trung Quốc để rồi họ sẽ chùn bước sẽ nói ok, bây giờ tôi sẽ mua đồ của anh nhiều hơn nữa.Nhưng dầu sao đối với những người ủng hộ Tổng thống Donald Trump là điều tốt của ông ta. Và người Việt Nam ủng hộ Tổng thống Donald Trump họ nghĩ như vậy cũng có phần đúng vì đúng, chỉ có Donald Trump mới dám làm như vậy, chứ từ bao năm nay mọi người đều chỉ trích Trung Quốc mà không ai dám làm gì mạnh tay mạnh chân với Trung Quốc hết.

BBC:Nếu phải tiên đoán, luật sư nghĩ là vào bầu cử giữa kỳ chỉ còn vài tháng nữa thôi này, đảng Dân Chủ có lấy được đa số ghế ở một trong hai viện không, hay là sẽ như thế nào?

LS Nguyễn Quốc Lân: Trong cuộc midterm này, như lúc nãy tôi nói nó rất bấp bênh. Có thể đảng Dân Chủ sẽ lấy được kiểm soát của Hạ Viện, mà nếu không hoàn toàn lấy được thì sự sai biệt sẽ rất là mong manh, thì cũng chết cho đảng Cộng Hoà. Trong khi Thượng Viện thì không ai có thể đoán được vì nó rất ngang ngửa không ai có thể biết nó sẽ đi như thế nào, thành ra tôi không dám đoán về kết cục của Thượng Viện.

Tôi muốn nói thêm là kết qủa cuộc bầu cử giữa kỳ lần này rất nguy hiểm cho chính trị Hoa Kỳ. Tại vì vận mệnh của Tổng thống Donald Trump dựa trên Thượng Viện hay Hạ Viện có bị mất kiểm soát hay không. Tại vì nếu mất kiểm soát một viện hay là quyền kiểm soát của một viện còn mong manh qúa, thì chính sách của Tổng thống Donald Trump sẽ hoàn toàn bị tê liệt trong thời gian sắp tới, đó là chưa nói tới cuộc điều tra về vấn đề cấu kết với Nga, nó có thể đưa tới chuyện impeachment, và vì thế cuộc bầu cử giữa kỳ lần này nó trở thành cuộc chiến sống còn cho những người liên hệ trong chuyện này. Có thể nói là chết hay sống họ cũng phải thắng cho được Hạ Viện, cho nên cuộc bầu cử sẽ rất là căng thẳng cho mọi vị trí dân biểu của Mỹ.

BBC:Là một người trong đảng Cộng Hòa luật sư mong nhìn thấy gì?

LS Nguyễn Quốc Lân: Tôi vẫn muốn đảng Cộng Hòa thắng, nhưng tôi nghĩ Tổng thống Donald Trump phải làm gì cho bớt đi những rắc rối này. Tại vì đảng Cộng Hòa theo tôi có những chính sách có thể đem lại sự phồn thịnh cho nền kinh tế Hoa Kỳ, vững chắc cho nền an ninh của Hoa Kỳ. Tuy nhiên những sự rắc rối gây ra bởi chính Donald Trump nó làm yếu đi khả năng đạt được những mục tiêu đó.

(Source: Tina Hà Giang; https://www.bbc.com/vietnamese/45398314