Đối với Obama, tháng Sáu là một cơn ác mộng: kế hoạch vận động thất bại mọi mặt, quĩ tranh cử giảm và viễn ảnh thắng cử tưởng chừng như chắc ăn nay bỗng xoay chiều như một con thuyền gẫy mái.


Nói đúng ra thì so với Romny, Obama vẫn còn nắm một số lá bài 'tay trên' nhưng những lá bài đáng giá đang bị cướp đi mau chóng. Ván cờ trở thành nghiêng ngửa khó phân biệt thắng thua.

Chỉ mới tháng 3 vừa qua, các cơ quan theo dõi bầu cử (USA Today, Washington Post, NY Times) cho thấy Obama đang nắm chắc một số 'Cử Tri Đoàn' là 187, và một ứng viên Cộng Hoà chỉ có 144 mà thôi.

Nếu cộng thêm số 'Cử Tri Đoàn' có nhiều kỳ vọng, thì Obama có thể đạt được 347 phiếu và ứng viên Cộng Hoà chỉ có 191.

Lấy tổng số 'Cử Tri Đoàn' trên toàn quốc là 538, thì hễ ai đạt được số phiếu 270 (269 +1) là thắng cử.

Vậy viễn ảnh lúc đó là Obama sẽ có dư 77 phiếu, và ứng viên Cộng Hoà sẽ thiếu 79 phiếu.



Ngày nay, con số 'ăn chắc' cuả Obama tăng lên 195 nhưng con số 'ăn chắc' cuả Romney cũng tăng gấp bội, tới 190 (Xin coi biểu đồ cuả kỳ sau)

Xin mở một dấu ngoặc ở đây để giải thích thêm về khái niệm 'Cử Tri Đoàn' trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.

Ở các nơi khác thì một tổng thống được đắc cử vì có đa số cử tri bầu cho. Tại Mỹ, mỗi Tiểu Bang sẽ cử ra đại biểu để thay mặt dân bầu tổng thống. Tuỳ theo dân số, một Tiểu Bang sẽ cử nhiều hay ít số đại biểu ấy, thí dụ California có đông dân nhất được chọn 55 đại biểu, còn Tiểu Bang ít dân như Wyoming thì chỉ có 3 đại biểu mà thôi.

California có khoảng 6 triệu cử tri, nếu Romney đạt được 3 triệu phiếu và Obama đạt được 3 triệu và 1 phiếu thì Obama sẽ lấy cả, nghiã là ông ta sẽ có tất cả 55 ghế 'cử tri đoàn'.

Mặt khác nếu Romney chiếm được 500 ngàn phiếu ở Wyoming trong khi Obama chỉ được 1 phiếu thì Romney sẽ có 3 ghế 'cử tri đoàn'.

Như vậy, sẽ có trường hợp một người thắng phiếu cử tri (popular vote) nhưng vẫn thất cử vì thua phiếu 'Cử Tri Đoàn'. Lấy giả thử ở hai Tiểu Bang California và Wyoming vừa rồi, Romney tuy có tới 3 triệu 500 ngàn phiếu nhưng vẫn thua Obama với 3 triệu 2 phiếu.

Chỉ có 2 Tiểu Bang không áp dụng qui luật 'người thắng lấy cả' là các Tiểu Bang Maine (4 Ctđ) và Nebraska (5 Ctđ). Maine đa số theo Dân Chủ, nhưng Romney vẫn tranh cử ráo riết vì hy vọng sẽ lấy đi 1 phiếu. Cũng vậy Nebraska phần đông theo Cộng Hoà, nhưng kỳ bầu cử vừa rồi, Obama đã lấy được 1 phiếu.

Bởi vì thực chất cuộc bầu cử tổng thống là ở cấp tiểu bang, cho nên người ta đã chia các tiểu bang ra làm 3 loại:

-Loại 'ăn chắc', tức là sẽ bầu cho một đảng Dân Chủ hay Cộng Hoà. Trên bản đồ, người ta thường sơn Xanh cho Dân CHủ và Đỏ cho Cộng Hoà.

-Loại 'thiên về', có đa số theo một đảng, nhưng đảng đó đang có vấn đề khó khăn (Leaning)

-Loại 'lưng chừng' thì khó đoán vì lực lượng đôi bên cân xứng (Tossup, Swing, Battleground)



Vì thế mà trong các cuộc tranh cử tổng thống Mỹ, các ứng viên không bỏ phí thời giờ và tiền bạc để xuất hiện ở các tiểu bang 'ăn chắc' như California (DC) và Texas (CH). Họ dồn nỗ lực vào các tiểu bang 'lưng chừng' (battleground, swing state, tossup) và đả phá nhau mãnh liệt tại các tiểu bang 'thiên về'.

Càng gần ngày bầu cử, con số 'ăn chắc' càng tăng còn các con số 'thiên về' và 'lưng chừng' sẽ giảm đi thành một vùng giới tuyến nhỏ hẹp. Lúc đó cường độ vận động và tiền bạc đổ dồn vào vùng giới tuyến nhỏ bé đó thì rất mãnh liệt.

Lúc này, các cơ quan theo dõi bầu cử đều nghĩ rằng vùng giới tuyến bao gồm 9 tiểu bang là CO, FL, IA, NH, NV, OH, PA, VA và WI.

Kỳ tới: Những chiêu bài tranh cử.